Chính quyền – xã hội dân chủ
Dân chủ qua cách nhìn của Lý Đông A là quốc dân và công dân đoàn tham dự sinh hoạt chính trị theo từng cấp bậc tổ chức xã hội (Hội nghị cấp quận, tỉnh…) thay đổi thường xuyên theo hạn tuổi, nhiệm kỳ…. Đan quyền được hiểu là tung-hợp, là vòng xoắn… là sự kiểm soát lẫn nhau giữa người làm luật và người thi hành luật, giữa người dân và đại diện dân, giữa tòa án và xã hội (chứ không phải chỉ ông tòa, phạm nhân, nạn nhân).
Vì xã hội Duy Dân dựa trên nhân chủ, nhân bản, nhân đạo… nên người dân phải tích cực tham dự sinh hoạt xã hội chứ không thể giao phó cho giới chính trị gia, đảng phái.
Do đó đan quyền là để hạn chế sự lạm quyền. Lạm quyền sẽ đưa đến tranh chấp quyền lợi mà kinh tế thị trường sẽ góp phần vào sự lũng đoạn cơ chế dân chủ như đã nói trên.
Nhưng đan quyền không chưa đủ, Lý Đông A đã nhìn thấy nguồn gốc con người tham quyền không phải chỉ là quyền uy mà là lợi đứng sau quyền hành là tài sản (lợi nhuận kinh tế) chính vì thế Lý Đông A đưa ra Bình Sản Kinh Tế. Bình Sản Kinh Tế không phải là cấm làm giàu nhưng giới hạn việc sử dụng khối tư bản (tài chính) thặng dư để khuynh đảo xã hội. Như hiện trạng xã hội Mỹ: hoặc là làm giàu trước rồi mới nhảy ra làm chính trị hay là nhảy vào làm chính trị để rồi làm giàu. Cả hai lối sinh hoạt đều không đem lại lợi ích cho xã hội vì khi cá nhân bỏ thời gian, tuổi trẻ để chạy theo giấc mộng làm giàu thì đâu còn thời giờ mà học hỏi những vấn đề chính trị, xã hội, con người…. Hoặc là khi cá nhân chạy theo giấc mộng chính trị để làm giàu thì đâu còn nghĩ đến những vấn đề của xã hội, con người… mà chỉ chú ý đến mọi thủ đoạn để thắng cử.
Vì tài nguyên thiên nhiên có giới hạn, giới nhà giàu sẽ tìm cách chiếm đoạt qua sự giúp đỡ của giới cầm quyền và như vậy đẩy đa số dân nghèo vào cùng cực. Cũng như sự kiểm soát nhà cửa, đất trồng trọt, nước, sản xuất… và trốn thuế.
Sẽ có dư luận cho rằng như vậy con người sẽ sinh ra lười biếng, không chịu làm việc, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền (xã hội chủ nghĩa)?
Theo Sinh Mệnh Tâm Lý, con người sinh ra thì sinh lý có thể giống nhau nhưng tâm lý thì hoàn toàn khác. Khi bộ óc con người đã muốn làm việc thì việc sẽ đến. Ngược lại nếu bộ óc con người đã không muốn làm việc thì có trả lương cao thì việc cũng không thành.
Cũng theo Lý Đông A thì con người có khả năng. Khả năng đó nếu được giáo dục thích đáng sẽ đóng góp hữu hiệu cho xã hội. Còn nếu con người có tất năng thì tự cá nhân sẽ chọn cho mình công việc thích hợp để theo đuổi vì đó là khả năng thiên phú và con người sẽ không chấp nhận sự ngồi không.
Khi Lý Đông A đưa ra Duy Nhân (tự kỷ) và Duy Dân (ỷ tha-động tha) thì hiểu sinh mệnh của mỗi cá nhân để từ đó dùng biện chứng pháp tìm ra những gì thích hợp cho từng cá nhân khi đi vào xã hội.
Đối với dư luận con người cần làm việc vì sinh kế thì
(1). Con người cần việc làm nhưng công việc chỉ là con rối, tạm thời, không thực sự ích lợi cho xã hội ngoài việc xả rác, cặn bã.. gây kẹt xe, phí tài lực, nhân lực.
Thí dụ về sản xuất: nếu có 2, 3 hãng sản xuất xe hơi cạnh tranh với nhau là tạm đủ nhưng (xã hội hay chính quyền) không có giới hạn nên sẽ có hãng thứ 4, 5, 6… nhảy ra cóp nhặt, chắp vá những kiểu xe của các hãng nổi tiếng, làm với vật liệu rẻ tiền, bán rẻ để kiếm lời. Như vậy sẽ tạo môi trường với người tiêu thụ ham rẻ, nhân công sẽ nhận lương bổng thấp, ít quyền lợi (hưu trí, bảo hiểm)…. Khi vật liệu không bền thì sử dụng không bao lâu sẽ hư hỏng trở thành phế thải. Nhân công cũng như người tiêu thụ sẽ phải mất công tìm thứ khác, việc khác… vừa mất thì giờ vừa tạo bất ổn trong cuộc sống.
Tương tự như vậy trong các lãnh vực dịch vụ, nông nghiệp, thương mại…. khi những hãng, xưởng, công ty… được thiết lập cẩu thả sẽ gây tai hại cho xã hội nhiều hơn là đóng góp, xây dựng. Hậu quả không phải chỉ là tốn tiền, năng lực, thời giờ mà gây xáo trộn tâm lý, sinh lý cho các tầng lớp bên dưới (nhân công, các tổ chức yểm trợ có liên quan đến các sinh hoạt chuyên môn) mà còn tạo ra rác. Chỉ có các công ty còn sống mới chịu trách nhiệm về rác do mình tạo ra. Còn các công ty đã chết thì đống rác để lại ai sẽ chịu trách nhiệm về ô nhiễm?
(2). Việc tốt, cần thiết nhưng không có người thích hợp, có khả năng nên gây ra trở ngại.
Vậy thì chúng ta cần đúng người, đúng việc. Còn nếu người không có khả năng, hay không có việc làm thích hợp thì tổn phí của sự nuôi dưỡng các thành phần đó trong xã hội sẽ so sánh như thế nào với các tệ nạn, trộm cướp, vô gia cư vì thiếu lợi tức an sinh xã hội? Hay những sinh hoạt kinh tế giả tạo, không cần thiết mà chỉ gây thêm ô nhiễm, rối loạn xã hội.
Trong xã hội Duy Dân, Lý Đông A chú trọng đến sinh hoạt chính trị của con người trong xã hội hơn là kinh tế khi ông đưa ra Cơ Năng Hiến Pháp và Bình Sản Tinh Tế. Sự kiện này cho thấy, theo Lý Đông A, con người theo bản chất tự nhiên sẽ tìm việc làm. Lúc đầu là nhu cầu kinh tế (miếng ăn, cư trú) nhưng khi hệ thống xã hội cung ứng được các nhu cầu căn bản thì con người cần chú trọng đến sinh hoạt chính trị đề điều hòa xã hội về mặt phân phối tài nguyên và phúc lợi vì tài nguyên có giới hạn mà lòng người thì vô đáy. Kinh tế thị trường quá độ thì chỉ hủy hoại môi sinh, thiên nhiên lẫn con người hơn là đem lại hạnh phúc vật chất. Khi cá nhân có hai, ba căn nhà, xe hơi thì đó chỉ là nợ phải lo chứ không còn là nhu cầu nữa — mà chỉ tạo nên nhu cầu (cung-cầu) giả tạo cho nền kinh tế thị trường. Và con người không thể nói đến nhân quyền, hạnh phúc khi 1% thiểu số hưởng thụ dư thừa và 99% sống trong đe dọa của thiên tai, nạn đói, chiến tranh….
Cơ Năng-Bản Vị đòi hỏi con người đặt mình vào đúng chỗ, đúng việc trong xã hội. Đối với ai không thuộc hàng ngũ chuyên môn thì Quốc Dân Đoàn và Công Dân Đoàn là sinh hoạt mà mọi người dân phải tham dự để bảo vệ quyền lợi và thực hiện trách nhiệm người dân trong một quốc gia thay vì cắm đầu làm tiền để mặc nền dân chủ suy thoái và đi đến bạo động.
Vậy đan quyền đòi hỏi mỗi cá nhân thức tỉnh trong vị trí của mình để kiểm soát hành động của các nhân vật cầm quyền trong mọi hành động, mọi vấn đề chứ không phải chỉ đợi đến mùa bầu cử mới thi hành quyền công dân và sau đó để mặc cho người đại diện dân cử toàn quyền hành động.
Đan quyền có thể hiểu là đối chiếu của “Đơn quyền” (cá nhân hành động). Theo cơ chế dân chủ thì người lãnh đạo đứng đầu cơ quan (giám đốc, chủ hãng, tỉnh trưởng, tổng thống…) là cá nhân cuối cùng có thẩm quyền quyết định mọi việc. Các phụ tá, cố vấn… chỉ là góp ý, giúp thảo luận, đề nghị… nhưng quyết định cuối cùng vẫn là người lãnh đạo. Vậy tiến trình thực hiện quyết định (decision making process) sẽ như thế nào? Lãnh đạo cô đơn? Nhắm mắt làm liều? Hay vì lý do bí ẩn nào khác? Nếu sai lầm thì sao?
Cả nước sẽ nhao nhao phê bình vị lãnh đạo, đòi thay đổi. Phe chống đối (đảng đối lập) có cơ hội tung các tin đồn thất thiệt để gây bất mãn trong quần chúng.
Vậy đan quyền sẽ là cơ hội cho những ai quan tâm đến vấn đề được tham dự thảo luận và chịu trách nhiệm chung một khi quyết định cuối cùng được thực hiện. Đan quyền buộc bổn phận và trách nhiệm của công dân trong sinh hoạt chính trị chung. Vì quyền lợi của đất nước (xã hội) là ích lợi chung của mọi người nên mỗi cá nhân phải quan tâm tham dự, nhất là những ai không phải bận kế sinh nhai. Khi xã hội cung cấp an sinh cho mọi người dân thì người dân không phải ngồi không hưởng thụ và nói nhảm. Trách nhiệm là khi bạn nhận việc. Bổn phận là bắt buộc cho dù bạn muốn hay không.
Trừ khi bạn sinh ra từ trên trời và rơi xuống đất, không ăn, không thở để sống một mình không bổn phận gì với xã hội. Còn nếu bạn sinh ra từ một xã hội thì bạn đã thiếu nợ xã hội ngay từ đó rồi.
Chúng ta đã thấy cơ chế dân chủ Hoa Kỳ cho phép người dân chọn đại diện (lưỡng đảng A hay B). Một khi đắc cử thì người đại diện dân có đi ngược nguyện vọng cử tri thì cử tri cũng phải ráng chịu, chờ mùa bầu cử tới chọn người khác. Hoặc như ông Tòa muốn phán quyết hình phạt ra sao tùy ý, Quốc Hội và Tổng Thống không làm gì được vì cơ chế phân quyền đã định trong Hiến Pháp.
Chỉ có cơ chế Đan Quyền cho phép mọi người dân tham dự trong mọi mức độ, lãnh vực quyền lực. Vậy bạn có sẵn sàng tham dự hay không?
Đan quyền là cơ hội công bằng (fair) cho bạn tham dự trong chính trị (chính trị hiểu theo nghĩa thiết kế và chấp hành nhân sinh). Một khi bạn từ chối thì đừng nói rằng “sao lại đối xử với tôi như vậy”? (Don’t tread on me).
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)