Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể tri thức
Morin, khi vào sâu xã hội hội kiến thức và xã hội học khoa học đã phân tích được sự hiện diện của văn hóa trong mọi lĩnh vực của tri thức nhân sinh, thầy đã định nghĩa: “Văn hoá mang một nội lực có tính tổ chức biết biến kinh nghiệm thành kiến thức, rồi đưa kiến thức vào quỹ đạo của đạo lý để kiến thức trở thành ý thức. Nên văn hoá vừa có mặt trong hạ tầng kiến trúc ở mọi sinh hoạt xã hội, ngay trong đời sống xã hội, quan hệ xã hội. Cùng lúc văn hoá hiện diện ngay trong thượng tầng kiến trúc từ chính quyền tới chính phủ, từ đạo lý tới luân lý, từ giáo dục tới tư tưởng. Như vậy, văn hoá vừa xuyên tầng, qua lại giữa hạ tầng kiến trúc và thượng tầng kiến trúc; văn hoá lại vừa siêu tầng lúc ẩn lúc hiện, là hằng số trong tổ chức của tập thể, của cộng đồng, của sắc tộc…”.
Định nghĩa này đã đặt định đề văn hoá trong mọi lĩnh vực của nhân sinh, đưa tới định luận theo chiều dọc của nhân gian nơi mà văn hóa tự sinh rồi tự tồn từ quan hệ thường nhật của con người tới đời sống tâm linh. Nhưng thầy còn tìm cách đi xa hơn nữa để phân tích rồi giải thích sự phân hóa ngay trong văn hóa, khi con người đã bước sâu vào thực chất của xã hội tiêu thụ cuối trong thế kỷ XX qua và đang đi sâu vào xã hội truyền thông trực tuyến toàn cầu hóa thế kỷ XXI này. Thầy đề nghị phân loại có ba văn hóa đang sống chung trong không gian của nhân sinh, lúc thì hợp tác với nhau, lúc thì xung đột nhau:
• Văn hoá nhân phẩm là văn hóa thứ nhất mang nội chất hàn lâm, mang nội lực giáo dục, mang sung lực giáo lý, luôn lấy chân, thiện, mỹ làm giáo khoa để lập giáo trình, để xây giáo án, có mặt trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Nhưng chính văn hoá nhân phẩm này đang bị thu hẹp, bị đẩy lùi với sự xuất hiện của văn hóa thứ hai.
• Văn hóa tiêu thụ là văn hoá thứ hai, mang bề ngoài đại chúng, mà nội chất được chế tác từ sức mua chính là sức tiêu thụ, tiêu thụ dễ dàng làm nên tiêu sài dễ dãi, tiêu thụ nhanh chóng làm nên tiêu sài như phản xạ, nơi mà giáo lý lấy chân, thiện, mỹ không còn là ưu tiên cho nhân phẩm biết làm nền cho nhân bản.
• Văn hoá khoa học là văn hoá thứ ba, nơi mà khám phá khoa học tác dụng ngay vào đời sống xã hội, nơi mà ứng dụng khoa học làm ra tiến bộ kỹ thuật, phát triển công nghệ, liên tục tạo nền tảng mới cho văn minh của nhân loại, ngày ngày làm thay đổi định lượng trong sản xuất, định chất trong hiệu quả ngay trong sinh hoạt văn hóa, đời sống văn hóa. Chính văn hóa khoa học đang điều kiện hóa về mọi mặt văn hóa nhân phẩm, văn hóa tiêu thụ, vừa qua văn hóa phẩm, vừa qua mạng xã hội.
Nhưng trước Morin gần một thế kỷ, thì một trong những sư tổ của xã hội học và kinh tế học là Weber đã luận bàn về văn hóa khoa học, và khuyên răn chúng ta hãy rất thận trọng từ tổ chức khoa học tới sinh hoạt khoa học. Tại đây, có những kẻ thất bại trong nghiên cứu khoa học đã tìm mọi cách từ quan hệ cá nhân tới quan hệ công đoàn, từ đảng phái tới bè nhóm để nắm quyền lực hành chính, để có con dấu và chữ ký trong quyết định về các ngân sách nghiên cứu khoa học. Nơi mà sự bất tài của lãnh đạo khoa học quyết định số phận nghiên cứu khoa học, rồi số kiếp khám phá khoa học của các nhà nghiên cứu thực tài.
Đây là một bi kịch của khoa học, đã trở thành thảm kịch của sinh hoạt khoa học tại Việt Nam hiện nay, nơi mà bạo quyền độc đảng toàn trị luôn độc tài nhưng lại bất tài trong quản lý khoa học, kinh tế, xã hội, và nhất là vô văn hóa trên các định đề căn bản làm nên nguồn cội của văn hóa Việt. Chính bạo quyền độc đảng toàn trị luôn độc trị nhưng không hề biết quản trị từ văn hóa tới giáo dục, từ khoa học tới kinh tế đã biến Việt tộc vừa là một minh tộc có độc lập tư tưởng về văn hóa, vừa là một dũng tộc có tự chủ tư duy để bảo vệ văn hóa của mình; nhưng giờ đây đã trở thành một sắc tộc đi làm thuê, một dân tộc đi ở đợ cho các quốc gia láng giềng. Một bạo quyền độc đảng toàn trị luôn độc tôn nhưng không tôn trọng tôn ti nhâm phẩm của tổ tiên Việt, đã lạm dụng xuất khẩu lao động để tạo một văn hóa quái thai qua xuất khẩu lao động. Trai thì lao nô, gái thì nô tỳ, một loại văn hóa với số phận ăn nhờ ở đậu, đây là loại văn hóa suốt kiếp làm công, không biết tự làm chủ, đây là loại văn hóa của nhân kiếp tôi đòi! Việt tộc có toàn quyền không chấp nhận loại văn hóa này!
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể đa diện
Camilleri, khi vận dụng phương pháp luận tâm lý học để lập nên các định luận cho giáo dục học thì ông đã thấy vai trò vừa chủ động, vừa thụ động của văn hóa:“Nếu gọi sự xếp đặt các truyền thống, các kinh nghiệm làm nên sự hiểu biết từ truyền thống tới phong tục là văn hoá, thì đây là sự xếp đặt bằng các thói quen. Mà các thói quen này được lập đi lập lại từ quá khứ tới hiện tại, lại được hoặc bị lập đi lập lại nữa trong tương lai, thì bản thân văn hóa này sinh ra tính tuân lệ thụ động, cụ thể là ngủ quên trên thói quen, mà không cần cải tổ, cải cách bằng các sáng tạo mới”. Những loại văn hóa thụ động đóng cửa rồi ngủ vùi trên thói quen luôn bị đe dọa bởi các loại văn hóa luôn chủ động đi tìm văn minh mới để củng cố văn hiến cổ của chính mình và vì mình.
Ricœur, vừa là một ngân hà lạ của hiện tượng học, lại vừa đã là trường sơn của triết đạo đức, thầy đã nhận ra thói quen ngủ quên trong sinh hoạt văn hóa, nơi mà tính thủ cựu đã tạo ra các thành viên bị hủ hóa ngay trong chính văn hóa của mình. Nên thầy đã định nghĩa văn hóa ngay trên tính chủ động mở về sự sống còn của chính văn hóa đó: “Văn hoá muốn tồn tại luôn phải là một văn hóa mở, động từ mở này chính là sự thông minh của các chủ thể văn hóa ngay trong sinh hoạt văn hóa: cởi mở để rộng mở rồi thông mở! Mở để ra ngoài, mở để gặp bên ngoài, và mở để thấy rồi tiếp, đón rồi nhận bên ngoài, cụ thể là để tăng nội lực, để nâng nội công cho chính văn hóa của mình. Mở để tiếp thu rồi tiếp nhận hùng lực bên ngoài để làm mạnh rễ, vững gốc, chắc cội, bền nguồn cho chính mình; vì bên ngoài văn hóa của chúng ta đã có sự thông minh của cả nhân loại, biết trợ lực cho văn hoá bên trong của chúng ta”.
Từ đây, ta hãy phân tích thật cụ thể chức năng của chủ thể văn hóa của mỗi công dân Việt hiện nay là gì? Hãy giải thích thật rành mạch vai trò của chủ thể của mỗi công dân Việt hiện nay là gì? Để trả lời thật minh bạch câu hỏi: chủ thể hóa công dân là gì? Câu trả lời sẽ là động cơ làm nên hành động của chủ thể trước thảm trạng của xã hội Việt hiện nay, chính là thảm họa của dân tộc Việt mai sau, và sẽ là thảm nạn của giống nòi Việt trong trong nhiều thế hệ. Và câu trả lời là bây giờ và ngay trên đất nước Việt, chủ thể văn hóa Việt phải xây dựng được một tổng lực mới tới từ:
• Hệ công (công bằng, công lý, công luật)
• Hệ đa (đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu)
• Hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri)
• Hệ liêm (liêm khiết, liêm chính, liêm sỉ)
• Hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức)
• Hệ tự (tự do, tự chủ, tự tin, tự lập)
• Hệ sáng (sáng kiến, sáng tạo, sáng chế, sáng lập)
• Hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái).
Tận dụng tổng lực này mà chế tác ra hệ đối (đối lý, đối luận, đối thoại, đối lực, đối trọng, đối kháng), vừa để nhận ra bản lai diện mục, vừa để vạch mặt chỉ tên các hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tôn, độc tài, độc trị) độc đảng giết nhân quyền để diệt dân chủ; độc quyền để lạm quyền rồi cuồng quyền; độc tôn để triệt mọi tôn ti trật tự ngay trong cơ đồ của tổ tiên Việt; độc tài nhưng bất tài trước quá trình phát triển đất nước; độc trị nhưng không biết quản trị vì tiến bộ dân tộc, vì văn minh cho giống nòi. Chủ thể văn hóa Việt cùng lúc phải xem để xét hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền), nơi mà độc đảng là có độc quyền vơ vét tiền bạc của dân tộc, nạo vét tài nguyên của đất nước; nơi mà độc đảng là độc quyền để mua bằng bán chức, rồi mua chức bán quyền, và sẽ không ngần ngại sa vào quỷ lộ buôn dân bán nước. Hệ gian (gian dối, gian trá, gian manh) của một hệ thống bạo quyền độc đảng toàn trị, mà tất cả từ khẩu lệnh tuyên truyền tới chính sách đều dựa vào sự ăn gian nói dối của ĐCSVN, với phản xạ sở khanh thường xuyên là nói lời rồi lại nuốt lời như chơi.
Chủ thể văn hóa Việt phải thấy cho thấu hệ bạo (bạo lực, bạo động, bạo hành) làm nên bạo sách xem dân là các lực lượng thù địch, làm nên bạo quyền bằng công an trị, với bạo tâm sẵn sàng giết dân, từ Cải Cách Ruộng Đất tới việc đẩy cả dân tộc vào cuộc bạo chiến qua nội chiến huynh đệ tương tàn trong thế kỷ XX qua. Tại đây, chủ thể văn hóa Việt phải tra cho khảo hệ đặc (đặc quyền, đặc lợi, đặc ân) nơi mà đặc quyền đã thành phản xạ cho lạm quyền, đã thành phản ứng cho cực quyền, để tham quyền sinh đôi với cuồng quyền. Nơi đây đặc lợi đã thành phản xạ vụ lợi bè đảng trực tiếp phục vụ cho tư lợi cá nhân, nơi mà sự ích kỷ với lòng tham không đáy, bất chấp những hậu quả cho đất nước, hậu nạn cho giống nòi; chỉ để nuôi đặc ân là ăn trên ngồi trốc trên đầu, trên cổ cả một dân tộc. Tất cả đã tạo ra hệ vô (vô minh, vô tri, vô giác, vô cảm) tất cả tới từ vô học từ giáo lý tới kiến thức của các lãnh đạo ĐCSVN. Tại đây, hãy thấy cho thấu biến nạn của vô văn hóa là vô năng từ lý luận tới lập luận trong cách chính sách, vô hiệu từ giải luận tới diễn luận trong cách quốc sách đang làm nên bao thảm nạn, mà một điều đáng sợ nhất cho văn hóa Việt đang bị vô hậu hóa!
Chủ Thể Văn Hóa (P3)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).