Chủ Thể Văn Hóa (P1)

Tylor đề nghị một định nghĩa về văn hóa, mà các sách giáo khoa của khoa học xã hội và nhân văn thường sử dụng để mào đầu cho các đối thoại hoặc tòa đàm: «Văn hóa là một đồ hình được sự xếp đặt qua phong tục, tập quán, truyền thống… như một hệ thống giá trị có nội lực tổ chức các hành động có điều kiện đã trở thành thói quen qua các phản ứng và phản xạ của các thành viên cùng có một niềm tin vào hệ thống giá trị này». Định nghĩa này đi từ định đề của hệ thống giá trị dựa trên phong tục, tập quán, truyền thống để tìm tới một định luận là khi các giá trị được công nhận thì các thành viên của một cộng đồng sẽ sinh hoạt văn hóa vừa bằng ý thức về các giá trị này, mà cũng vừa bằng tiềm thức của phản xạ được lập đi lập lại trong không gian và thời gian của một văn hóa. Đây là loại định nghĩa đi tìm tổng quát để có tổng kết đầy đủ, nhưng chúng ta sẽ có thể có một định nghĩa trọn vẹn về văn hóa chỉ vì phạm trù văn hóa là một phạm trù mở, nơi mà lãnh thổ và biên giới của văn hóa không hề được định hình trong một không gian vĩnh cửu với thời gian vĩnh hằng. Riêng trong tọa đàm này của Hội Minh Triết Việt, tôi đề nghị nghiên cứu văn hóa qua: chủ thể văn hóa, cụ thể là có các thành viên hưởng thụ, hưởng lợi, thậm chí vụ lợi rồi trục lợi qua văn hóa như chúng ta đang thấy các dịch vụ thương mại chung quanh các địa điểm, các lễ hội, các sinh hoạt mang nội chất văn hóa. Nhưng chỉ có các chủ thể văn hóa mới bảo vệ, bảo hành, bảo hiểm được các giá trị chính thống của văn hóa.

Từ định vị chủ thể tới sự vận hành của chủ thể văn hóa
Chủ thể có những định luận khác nhau trong khoa học xã hội và nhân văn, nhưng cuối cùng là các định luận này sẽ cùng nhau hội tụ chung một chân trời. Nơi mà cá thể khi trở thành chủ thể, thì cá nhân lẻ loi sẽ là công dân sinh hoạt trong nhân tri sáng tạo ra chính nhân kiếp cho mình, vì mình. Chủ thể văn hóa có không gian tri thức của mình, chúng ta có ít nhất ba quan niệm chuyên ngành về chủ thể đã biết chung lưng đấu cật để làm nên phạm trù phân tích và giải thích sự định hình của chủ thể. Triết học quan niệm chủ thể chính là các tác nhân biết tìm để hiểu sự thật trong quá trình làm người của mình. Từ đó, xem rồi xét phạm trù tự do mà mình muốn có, để thấy rồi thấu nhân lộ của chủ thể luôn đi xa hơn cá thể, luôn đi rộng hơn cá nhân, luôn đi cao hơn công dân, để tự quyết không gian nhân kiếp của chính chủ thể. Sử học quan niệm chủ thể bắt đầu bằng sự dấn thân chống bất bình đẳng, rồi chống bất công vì những giá trị của công bằng và bác ái bằng những nhân lộ khác nhau. Từ cải tổ tới cải cách, từ cải cách tới cách mạng, chủ thể đi tìm công ích để chống tư lợi, đi tìm công luận để gạt đi vụ lợi. Nên chủ thể xây gốc, đắp rễ, dựng cội, tạo nguồn từ nhân tính vô vụ lợi, khác hẳn với tính vị kỷ của cá nhân, khác xa với tính ích kỷ của cá thể. Xã hội học quan niệm chủ thể bằng đạo lý của trách nhiệm trước xã hội, của bổn phận trước cộng đồng, bằng chính nhận thức về lợi ích tập thể.
Tại đây, chủ thể luôn đứng về phía sáng tạo: công bằng rồi thì phải công bằng hơn, bác ái rồi thì phải bác ái hơn, nên đã tự do rồi thì phải tự do cao hơn, sâu hơn, rộng hơn, xa hơn. Sáng tạo ngay trong sinh hoạt xã hội bằng sáng kiến làm tốt sinh hoạt xã hội, sáng tác ngay trong quan hệ xã hội bằng sáng lập ra các quan hệ xã hội mới, biết làm đẹp hơn cho đời sống xã hội đang có. Chủ thể văn hóa vận hành trong không gian của hệ sáng (sáng kiến, sáng tạo, sáng tác, sáng lập) này không ngừng ở các hình thái nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương… Mà hệ sáng là động lực thường xuyên và động cơ thường nhật để chủ thể tạo ra hệ hành (hành vi, hành động, hành tác) dựa trên hệ tự (tự do, tự chủ, tự lập). Lại được trợ lực bởi hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái), vì được trợ duyên bởi hệ liêm (liêm khiết, liêm chính, liêm sỉ). Tất cả các hệ này làm nên: nội công đạo lý, bản lĩnh đạo đức, tầm vóc luân lý của chủ thể. Đây chính là nguồn cơn mất ăn mất ngủ của bạo quyền độc đảng toàn trị, tà quyền tham nhũng trị, quỷ quyền ngu dân trị, ma quyền công an trị, âm quyền tuyên truyền trị…. Đó chính là các hoạn nạn mà Việt tộc đang phải gánh chịu dưới sự cai trị của ĐCSVN, tới từ một sự cai trị vừa diệt sự phát triển của đất nước, vừa triệt sự tiến bộ của dân tộc, vừa giết văn minh vì giống nòi, cùng lúc thanh trừng luôn tiền đồ tổ tiên Việt đã làm nên văn hóa Việt.
Trong đầu thế kỷ này, Hội Minh Triết Việt có vài lần mời triết gia François Jullien và tôi tới Hà Nội, để tham dự các diễn đàn gần xa có liên quan tới văn hóa, tư tưởng và triết học. Bạn tôi François Jullien, có đề nghị phân tích: «Văn hóa thì mở nhưng bản sắc thì đóng, nên khi một chính quyền, một chính phủ khơi mào chuyện bản sắc văn hóa, thì đây là trò bịp, đây là mưu đểu, mà mọi người phải cẩn trọng, không để bị giật dây bởi các chính sách lấy bản sắc đóng để đóng khung rồi nhốt tù văn hóa mở. Bản sắc như loại chứng minh nhân dân, có lý lịch của một thẻ căn cước với các dữ kiện bất di bất dịch như tên, họ, giới tính… Mà văn hóa thì ngược lại, văn hóa phải mở để tiếp đón tiến bộ cho xã hội, phát triển cho cộng đồng và văn minh cho dân tộc».
Riêng tôi, thì tìm cách đi thêm một bước nữa về phía chủ thể văn hóa bằng định luận: «Văn hóa thì động mà bản sắc thì đọng; văn hóa động, vừa giúp chúng ta thích ứng với ngoại giới nơi mà tha nhân có thông minh để sáng tạo, vừa giúp chúng ta thích nghi với các tiến bộ xã hội, thích ứng với các phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ…. Động để chủ động! Để có lối sống mới nơi mà ngoại giới có tha nhân, có nhân loại sẽ trợ lực để chúng ta thăng hoa từ tâm lực tới trí lực, từ nhân tri tới nhân trí. Ngược lại bản sắc đọng, từ sắc tộc tới giới tính làm nên nhân diện bị động trong nhân dạng thụ động, bắt chúng ta phải sống hoài với nhân tri hạn hẹp, nhân trí giới hạn, trong loại nhà tù vô hình của «ao làng», làm nên nhà giam của loại người luôn tự vỗ ngực kiểu «ta về ta tắm ao ta». Bản sắc đọng vì đọng trong vòng tự lao lý hóa nhân kiếp của mình, không thấy «nắng sớm mưa chiều» của nhân thế, nên không thấu «vật đổi sao dời» của nhân gian».

Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể giáo lý
Mauss, một trong những sư tổ của nhân học, đứa con tin yêu của điền dã dân tộc học, yêu cầu chúng ta dành cho văn hóa một không gian rộng nhất trong sinh hoạt xã hội, với định nghĩa: «Văn hoá luôn có hành tác rộng và sâu từ quy luật trao đổi tới quy lệ cưới hỏi, từ quan hệ xã hội tới tổ chức kinh tế, văn hóa mang tính lớp lang; trong cuộc sống biết sự chia sẻ trong cộng đồng, chính sự chia sẻ làm nên tính liên kết trong quan hệ xã hội». Trong định nghĩa của Maus có định đề của trao đổi, của cưới hỏi, có định luận từ xã hội tới kinh tế, như vậy văn hóa chi phối rất nhiều sinh hoạt của nhân gian.
Sau đó, Lévi-Strauss còn đi xa hơn thầy của mình, khi đại sư của nhân học cận đại đề nghị một định nghĩa về văn hóa có chiều rộng của ngôn ngữ, chiều cao của tư tưởng, có chiều sâu của ý thức: «Văn hoá luôn nói lên một quần thể sinh hoạt ưu tiên của một cộng đồng, trong đó ngôn ngữ, tư tưởng biết tạo nên ý thức của thành viên trong cộng đồng đó. Văn hoá có tôn ti trật tự của tổ chức xã hội cho cộng đồng đó, mà cũng là vốn liếng làm nên cảm xúc cho các thành viên trước các giá trị được tôn vinh trong văn hóa đó». Trên định nghĩa này, các chuyên gia về văn hóa sẽ nhận ra vai trò của giáo dục biết bảo vệ ngôn ngữ, bảo đảm tư tưởng, bảo hành ý thức của một cộng đồng. Nơi mà tình cảm tập thể có trong sự xúc động của các thành viên trước sự thể hiện các giá trị trong văn hóa đó, giờ đã trở thành niềm tin chung cho cộng đồng này. Vai trò của giáo dục trong sự sống còn của một văn hóa được trợ lực bằng giáo lý của tổ tiên, giáo khoa của học đường, với giáo trình qua các thế hệ, với giáo án trong từng thế hệ, nên giáo dục văn hóa luôn là gốc, rễ, cội, nguồn của mọi sự thăng hoa của một dân tộc.
Không ai sinh ra đã là chủ thể, mà chủ thể được ra đời với ít nhất trong năm môi trường giáo dục chủ yếu biết đào tạo những công dân tốt biết đấu tranh để bảo vệ một xã hội tốt, được bảo quản bởi một định chế tốt, được bảo trì bởi một cơ chế tốt, được bảo hành từ một chế độ tốt. Có ít nhất năm môi trường giáo dục để xây dựng các chủ thể văn hóa. Giáo dục đạo lý, từ gia đình tới học đường, từ nghề nghiệp tới xã hội, công dân xác nhận chức năng vì công ích của mình trong tập thể, cộng đồng. Cùng lúc xác chứng được vai trò tích cực của mình qua trách nhiệm với đất nước, qua bổn phận với dân tộc, nghĩa vụ với giống nòi. Giáo dục học đường, nơi mà hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) giúp công dân sử dụng phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải để tạo dựng nhân sinh quan cho chính mình, một nhân sinh quan biết sống cùng, sống chung trong môi trường văn hóa với dân tộc.
Từ phát triển đất nước tới tiến bộ xã hội để làm nên văn minh cho dân tộc, giáo dục khoa học là quá trình tự chủ biết khách quan hóa các kiến thức để có phân tích trúng, giải thích đúng. Nơi mà chủ thể tiếp nhận kiến thức của khoa học, kỹ thuật như tiếp đón các vốn liếng cùng các kỹ năng để tạo tiền đề cho phát triển vì đất nước, tiến bộ vì dân tộc, văn minh vì giống nòi. Chủ thể văn hóa biết mở cửa để đón giáo dục dân chủ, đây là nhân lộ thiết yếu để nhận ra đa nguyên là cốt lõi của hệ đa (đa tài, đa dung, đa tri, đa trí, đa hiệu, đa năng) biết dựa trên sự thông minh của tập thể, của cộng đồng. Sự thông minh này luôn đa diện, đa chiều, và vượt trội sự thông minh của cá thể trong ích kỷ, của cá nhân trong vị kỷ.
Chủ thể văn hóa biết mở cửa mà còn biết giữ cửa để bảo vệ giáo dục nhân quyền, nơi mà công bằng giữa các thành viên trong xã hội được xác nhận bởi hiến pháp, mà công lý là gốc, rễ, cội, nguồn cho mọi công luật. Nên chủ thể văn hóa còn biết mở lòng để tiếp nhận phương trình công bằng-công lý-công luật trực tiếp chống lại mọi bất công của độc đảng-độc quyền-độc tài, lấy đặc quyền để đặc tham, đặc lợi để vụ lợi, chóng chày sẽ bội ân với dân tộc, với giống nòi, với đất nước, cụ thể là bội phản với văn hóa của tổ tiên. Chủ thể văn hóa là tổng lực của năm hệ giáo dục này, cụ thể là sẽ không có dân chủ trong văn hóa, sẽ không có nhân quyền cho văn hóa nếu không có các hành tác tới từ chủ thể văn hóa. Vì chỉ có chủ thể văn hóa mới biết bảo vệ các giá trị đạo đức dân tộc, đạo lý đồng bào, luân lý giống nòi, làm nên tổng lực của các giá trị tâm linh của Việt tộc.

Chủ Thể Văn Hóa (P2)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s