Định luận chủ thể vị tha
Định luận của chủ thể vị tha không đơn thuần trong độc chất của vị tha, mà là một tổng luận tới từ tổng hợp của nhiều tri thức để nhận cái ác đã làm nên cái tội, tại đây, chủ thể vị tha phải biết bảo vệ nhân phẩm của mình và của đồng loại. Đây là khả năng của chủ thể vi tha biết nhận ra đường đi của tội phạm học bằng đề nghị của Grasberger: «Tội phạm học được xem như một quần thể học thuật tụ hợp nhiều chuyên ngành, trong đó có sự hiện diện của ba trung tâm tại quần thể này: nghiên cứu về hiện thực của tội ác với sự liên kết của tâm lý học, xã hội học, hiện tượng học; nghiên cứu về quá trình xem tội, xét tội và xử tội với sự hỗ trợ của luật học; nghiên cứu về phương pháp chống tội ác với sự có mặt của luật học song hành cùng chính trị học».
Chủ thể vị tha học hỏi để hiểu biết về nội chất của lý thuyết là biến đúc kết kiến thức thành mô hình qua công thức, khi kiến thức trở thành mô thức thì tri thức thành hình qua lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận của lý thuyết. Lý thuyết luận dụng lý thuyết mới để xét nghiệm lại lý thuyết cũ, tập hợp lý thuyết cũ và mới để lý thuyết luận có thể sử dụng lý thuyết để củng cố lý thuyết; từ đó lý thuyết luận tận dụng lý thuyết để bổ sung cho lý thuyết. Tại đây, định chất lý thuyết luận của tội phạm học mang nội hàm của các thành quả đã đạt được trong tất cả các ngành khoa học xã hội nhân văn.
Chủ thể vị tha vận dụng các thành quả các ngành khoa học xã hội nhân văn để nhận diện ra cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái thiện, vì nó diệt không những nhân phẩm có trong nhân tính, nhân bản có trong nhân tri, nhân nghĩa, nhân từ có trong nhân văn và nhân vị; mà nó còn giết, diệt, hủy, thiêu các điều kiện làm người bình thường nhất đã có trong nhân loại, nhân tình, nhân thế, nhân sinh.
Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái lành, vì chính cái lành làm nền cho hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự trọng), có trong quan hệ giữa người, tạo nên sự sống chung trong đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội. Chính từ cái lành này, mọi người có cùng một quá trình tư duy tự làm người biết sống chung qua sự tôn trọng lẫn nhau để tiến tới chuyện làm người biết làm việc chung, biết chia sẻ với nhau trong điều kiện làm người vì cái lành.
Chủ thể vị tha tận dụng các thành quả các ngành khoa học xã hội nhân văn để vạch trần cái ác đã gây ra tội ác, ngược lại với cái tốt biết chế tác ra hệ công (công ích, công lợi, công pháp, công luật để bảo vệ công bằng), trực diện để đối kháng lại với cái ác. Và, chính cái tốt nói rõ bổn phận với cộng đồng, trách nhiệm với tập thể của mỗi công dân, từ đó biến đoàn kết thành tương thân, tương trợ làm nền cho cái tốt để tạo ra bác ái! Từ định chất này, cái tốt làm được bác ái, vì nó mang nội hàm của vị tha, bằng khoan dung, rộng lượng để tới thẳng từ bi, mà nhân từ là kết quả tích cực của cái tốt biết làm nên nhân phẩm.
Chủ thể vị tha luôn giữ nhận thức cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái tốt không hề là chuyện của bẩm sinh, mà là chuyện của giáo dục. Nó không trên trời rơi xuống mà là chuyện rèn luyện qua phẩm chất của giáo khoa, làm nên giá trị nhân tính qua giáo trình, chế tác ra chất lượng của nhân bản qua giáo án. Vì cái tốt mang cái thiện, cái lành vào cuộc sống xã hội, bằng đường đi nẻo về của nhân sinh quan tốt của mỗi cá nhân, qua thế giới quan tốt của một dân tộc, qua vũ trụ quan tốt của một chính quyền. Và, nếu chính quyền hiện nay của ĐCSVN chỉ là bạo quyền, hoặc tà quyền thì không thể cấy, cày, tưới, tẩm được cái tốt để chống lại cái ác.
Chủ thể vị tha biết bản lai diện mục của cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái đẹp, tới từ ý muốn của nhân phẩm, ý định của nhân ái, ý lực của nhân lý.
Nơi mà con người biết đứng dậy và đi tới để đi xa hơn trách nhiệm cá nhân và bổn phận công dân, để tới phương án mà cũng là phương trình của cái đẹp: tự do luôn song hành cùng nhân phẩm, cả hai không để cái ác lộng hành, rồi biến tự do lẫn nhân phẩm thành nạn nhân của nó. Đứng dậy, đi tới để lấy, cầm, giữ, nắm hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự trọng), để bảo vệ tự do lẫn nhân phẩm, phải được xem như ngang hàng, lắm lúc còn cao hơn cả hạnh phúc của một cá thể, cao hơn cả sự bình yên của một tập thể. Cái đẹp thật sự đẹp vì nó đẹp ở trên cao (cao hơn cả trời), ngay trong tư duy của con người tự do biết yêu người, của con người tự trọng biết yêu cuộc sống.
Chủ thể vị tha tách xa cái thiện ra khỏi cái ác đã gây ra tội ác, vì cái ác luôn chống lại chủ thể chính là cá thể có cá tính luôn biết đòi hỏi công bằng qua công lý, luôn thấu hiểu tự do để có tự chủ. Chủ thể tôn trọng bổn phận và trách nhiệm, nhưng chủ thể muốn làm công dân trong ý nghĩa toàn vẹn nhất, với giá trị phổ quát nhất: chủ thể của tự do hành động vì công lý. Cá tính của chủ thể trong sáng tạo biết song hành, biết chung lưng đấu cật với cái lành, cái tốt, cái hay, cái đẹp để sáng tạo của chủ thể phải là tác phẩm của cái thiện, hoàn toàn mâu thuẫn với cái ác. Vì cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái nhân, có sự thương yêu biết hiến dâng lòng bác ái, có thiện chí biết hiến tặng thiện tâm; trong khi đó cái ác không những gây nên nỗi khổ, niềm đau cho nạn nhân của nó, mà còn truy, hủy, giết, diệt nhân phẩm của nạn nhân này.
Cái ác không phải chỉ là lỗi, mà chính là tội: tội ác đã giết thân xác, diệt cuộc sống, hủy nhân cách của nạn nhân, bằng bạo lực của bạo quyền, bằng bạo hành của tà quyền, nó mang bản chất của bạo động, hoàn toàn ngược lại với phẩm chất bất bạo động của hệ nhân (nhân từ, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn).
Định chất chủ thể vị tha
Chủ thể vị tha tách biệt hẳn cái tốt ra ngoài xa cái ác đã gây ra tội ác, đã diệt cái sinh, chính là sự sống đang bị cái ác gây thương tích, tạo thương tật, gây ra thương đau trong xã hội. Chính cái ác báo hiệu cái chết đang tới, nó báo động cái sinh trong sự sống đang bị đe dọa bởi bạo lực, được bảo kê bởi bạo quyền, được hà hơi tiếp sức bởi tà quyền, bất chấp công tâm và công lý. Muốn chống lại cái ác, thì sự hiểu biết về công bằng và công lý không đủ, sự thấu đáo về tự do, tự chủ không đủ, mà phải vận động tư duy qua hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) trên hệ nhân (nhân phẩm, nhân từ, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn). Cả hai hệ (luận và nhân) này, phải đủ hùng lực để chế tác ra hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) biết bảo vệ cái sinh trong nhân thế, bảo hành sự sống cho nhân sinh.
Chủ thể vị tha chính là cậu nối giữa sự thật và chân lý để làm sáng lên lẽ phải là chính các chế độ của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) mang bản chất toàn trị từ hành vi tới hành động, có phản xạ gây tội ác để thuần hóa dân chúng. Các chế độ độc đảng-toàn trị mang phản ứng dễ dàng gây tội ác vì không có công lý nghiêm minh của tam quyền phân lập như các chế độ dân chủ. Các chế độ độc đảng-toàn trị không có tam quyền phân lập, không có dân chủ, nên có phản xạ và phản ứng truy hiếp nhân dân, vì không có lý trí, không có trí tuệ, không có tuệ giác về nhân quyền. Không nhượng bộ, không thỏa hiệp, Chủ thể vị tha sẽ đi đến kết luận là các chế độ độc đảng-toàn trị gây tội ác nhiều hơn các chế độ dân chủ; các chế độ độc đảng-toàn trị giết người nhiều hơn các chế độ tôn trọng nhân quyền. Các chế độ độc đảng-toàn trị gây tội phạm qua nhiều thế hệ đậm hơn, sâu hơn, rộng hơn các chế độ dân chủ, biết tôn trọng nhân quyền.
Cái ác của các bạo quyền độc đảng toàn trị thấy được trong nhân kiếp của các nạn nhân, mà thí dụ cụ thể là cách hành xử của ĐCSVN từ khi cướp được chính quyền 1945: tù đày vô hạn định, không được xét xử, không có tòa án, với sự vắng mặt tuyệt đối của tư pháp, của tòa án, và nhất là sự im hơi lắng tiếng trong toàn bộ của các đảng viên của ĐCSVN. Khi chủ thể vị tha phân tích sâu vào quan hệ quyền lực giữa các lãnh đạo cấp trung ương, các kết quả điều tra về sử tính của ĐCSVN cho xuất hiện các hằng số sau đây: cái ác xuất hiện tức khắc trong đấu tranh nội bộ vì quyền lực, mà bạo động của tội ác thanh trừng nhau giữa các đồng chí là phản xạ giết chóc thay cho đối thoại. Một loại tội ác mà công chúng và xã hội không được thông tin và tuyệt đối cấm có ý kiến, mọi đối thoại để đối luận đều bị bóp chết ngay trong trứng nước.
Cái ác hành xử với mật độ trừng phạt và hãm hại khốc liệt cả một kiếp người. Tại đây, tội phạm gây ra tội ác không cần chứng từ, chứng nhân để buộc tội nạn nhân, mà hoàn toàn có tự do sinh sát trên mạng sống và cuộc đời của nạn nhân. Cái ác trấn áp tràn lan, một cách vô tội vạ, bất chấp công lý, bất cần xã hội, bất tuân công pháp, nó hoành hành ngay cả trên hàng trăm nạn nhân vô tội bị vu oan, vu khống, vu cáo. Chủ thể vị tha phải có phương pháp luận nghiên cứu về tội ác, mà thí dụ cụ thể là tội ác thảm sát ở Huế 1968 đã thủ tiêu nhiều ngàn người trong một thời gian chớp nhoáng. Tại đây, có tất cả các trách nhiệm từ cấp trung ương của ĐCSVN, cấp quân ủy của ĐCSVN, cấp bộ đội địa phương, mà chúng ta không quên các trí thức, các văn nghệ sĩ theo cộng sản, các điềm chỉ viên lợi dụng tội ác để vu oan, vu cáo, vu khống các nạn nhân. Và chủ thể đại diện cho vị tha cũng không được quên: các tuyên bố man trá của cấp trung ương của ĐCSVN phủ nhận sự cố này, các lời khai giả dối của cấp địa phương của ĐCSVN chối bỏ sự cố này, các lời trần tình gian xảo của các tác nhân tìm cách “chạy tội” cho ĐCSVN về sự cố này. Cuối cùng thì chủ thể vị tha không được quên quá trình ăn năn, hối lỗi của các tội phạm.
Chủ Thể Vị Tha (P5)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).