Định lý chủ thể vị tha
Muốn định lý vị tha để xây dựng chủ thể vị tha, thì hãy mở ra cánh cửa của nhân tính dựa trên nhân tri, là không chỉ học để làm người mà học để thành nhân,vì sinh ra là người nhưng phải học mới thành nhân. Hệ nhân được người thầy tin yêu của Việt tộc đã chứng minh Việt tộc vừa là một dũng tộc biết đánh thắng mọi ngoại xâm, vừa là một minh tộc có minh trí để chế tác ra mưu lược, đã bứng quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt, đó là Nguyễn Trãi. Ngài mở ra chân trời giúp các chủ thể vị tha hiểu thế nào là chữ nhân của hệ nhân; luôn đủ hùng lực lập nên hệ đối (đối diện để đối thoại, đối trí để đối luận, đối đầu để đối kháng): “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”!
Chủ thể vị tha hành tác trong hệ nhân, nơi mà nhân sinh được bảo trì bằng nhân tính, con người không phải là loài dã thú, mà bọn gây tội ác thì chúng còn tồi tệ hơn dã thú, vì chúng hại người rồi giết người chỉ vì tham (tham quyền để tham ô, tham nhũng vì tham tiền). Nơi mà, nhân thế được bảo hành bằng nhân lý, nơi mà cái nhân phải song hành cùng cái thiện, để tha nhân công nhận cái nhân lẫn cái thiện đều chỉnh lý, hợp lý, toàn lý vì nó tôn trọng tha nhân, nó không làm nên cái lỗi, nên nó không sa vào cái tội, để gây tội lỗi bằng tội ác.
Chủ thể vị tha hành động trong hệ nhân có nhân loại được bảo vệ bằng nhân bản, nơi con người sống với căn bản của nhân tính và nhân lý, làm nên bản thể của nhân văn, nơi mà văn hóa, văn minh, văn hiến được thấy qua nhân cách, nhân dạng, nhân diện. Nơi mà, nhân tâm được bảo lưu bằng nhân từ, có từ bi song hành cùng nhân đạo, có từ tâm song hành cùng nhân nghĩa, nơi mà ăn ở có hậu, biết người biết ta, quý ta trọng người không phải chỉ là lòng thương hại. Mà là sự thông minh biết gỡ cái độc để loại cái ác, biết tháo cái thâm để khử cái tội, một sự thông minh biết vượt thoát cái vô tâm, để vượt thắng cái bất nhân.
Chủ thể vị tha mang hành vi của hệ nhân, có nhân tri được bảo hộ bằng nhân trí, có kiến thức để dựng tri thức, lấy tri thức để lập ý thức, nhận ý thức để xây nhận thức. Sống là để dựng, lập, xây cái thiện làm nên hệ lương (lấy lương tâm dựng lương tri, có nền là lương thiện), để được sống với nhân giáo giúp thế thái nhân tình luôn giữ được nhân phẩm.
Chủ thể vị tha dứt khoát không được vô tâm, vô tình, vô minh, vô giác, vô cảm với hệ nhân (nhân tính, nhân lý, nhân bản, nhân văn, nhân tâm, nhân từ, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân tri, nhân trí, nhân phẩm), tất cả làm nên nhân vị, như thành lũy kiên cố để chống lại cái tội làm ra bởi cái ác. Từ đây, chủ thể vị tha có đường đi nước bước để thấy, để hiểu, để thấu cái độc của một chế độ độc đảng-toàn trị là: diệt hạ nguồn trong hệ đa (đa nguyên, đa lực, đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu), để hủy thượng nguồn trong hệ nhân. Nên khi ĐCSVN truy cùng diệt tận các chủ thể của tự do yêu dân chủ, các tập thể của nhân quyền quý công bằng, các phòng trào xã hội trọng đa nguyên để phát triển đất nước, tất cả họ là những đứa con tin yêu của Việt tộc được đại diện bằng hào khí của các tù nhân lương tâm, tức là chế độ độc đảng-toàn trị đang gây tội ác lên cả hai: hại người để diệt nhân!
Chủ thể vị tha vận hành trong không gian xã hội với phương châm «Không chịu đựng những chuyện không chịu đựng được», bằng nhân tính làm nên nhân phẩm, với định đề của Rousseau: Con người ơi hãy giữ nhân tính, vì không phải sinh ra làm người là đã có nhân tính, có những kẻ sống cả đời mà không có nhân tính, muốn có nhân tính phải có giáo dục về đạo lý (giáo lý), phải được tu tập về luân lý (nhân lý). Giáo lý là chỗ dựa cho nhân lý. Chủ thể vị tha biết đúc kết được rằng: kẻ có nhân tính là kẻ tự tôn trọng mình nhưng không quên ân cần và hữu ích cho người khác, mong muốn có một cuộc sống hay, đẹp, tốt, lành và đòi hỏi xã hội cùng các cơ chế phải thực hiện và bảo đảm những cái hay, đẹp, tốt, lành đó.
Định hướng chủ thể vị tha
Khi chủ thể vị tha có đầy đủ nhận thức rằng: tội ác là nguồn, tội phạm là rễ, tội nhân là gốc, tội trạng là cội… có cành thâm, lá hiểm, trái độc đe dọa nhân phẩm, triệt diệt nhân tâm, truy hủy nhân tính, thì chủ thể vị tha phải đặt ưu tiên hàng đầu cho sự sống còn của nhân loại và đồng loại khi vị tha vận hành trong khoan dung để khoan hồng, dung thứ để dung tha, rộng lượng để độ lượng, từ bi để hỷ xả.
Định hướng của chủ thể vị tha ngày càng cần các khám phá mới của khoa học xã hội và nhân văn, tại đây tội phạm học có đóng góp tích cực vào các hành luận của chủ thể vị tha. Và chủ thể vị tha có thể khởi hành bằng đề nghị của một trong những sư tổ của xã hội học. Durkheim: «Khi chúng ta nghiên cứu có những cá nhân mang đặc tính giống nhau là gây tội ác bằng tội phạm của mình mà chúng ta gọi là tội nhân, thì chúng ta nên có một khoa học chuyên môn rồi đặt tên khoa học cho nó là tội phạm học».
Chính sự thật cùng chân lý sẽ đưa chủ thể vị tha tới nhận thức về lẽ phải nơi mà cái ác được nhận ra bằng quá trình của ý thức, vì ý thức trước đó biết là có cái tốt hoàn toàn ngược lại với cái ác, và chủ thể vị tha chọn đứng về phía cái lành cùng cái tốt, có mặt trong cuộc sống để bảo vệ sự sống, để chống lại cái ác. Chủ thể vị tha không hề ngây ngô, mà luôn tỉnh táo để nhận ra cái độc là nền của động cơ hành động cho ra cái ác. Chính sự hiện diện của lý trí báo thức cho ý thức biết là cái lành có trong cái nhân, để duy trì cuộc sống trong xây dựng, chống lại sự tàn phá của cái độc.
Chủ thể vị tha cũng không ngây thơ để không thấy được cái thâm là con tính của cái độc, để biến cái ác thành tội ác trong nhân sinh. Nhưng chính tại đây, ý thức hợp lực với lý trí để chế tác ra vị tha, để bảo vệ cho bằng được cuộc sống bằng cái lành biết song hành cùng cái tốt, để tiếp tục bảo hành cuộc sống. Chủ thể vị tha cũng không quên cái hiểm, là thủ đoạn của cái thâm, là gốc rễ của cái độc, là cội nguồn của cái ác. Nó luồn lách bằng tà quyền, nó chui rúc để bám bạo quyền, nó thích bóng tối hơn ánh sáng, vì nó sợ sự thật, nó sợ bị lột mặt nạ, nên bóng tối là nơi ẩn nấp của cái hiểm để nó thực hiện tội ác.
Chủ thể vị tha phải thấy cho thấu là tội ác, không những mượn bóng tối để ẩn nấp, mà còn để che dấu tội trạng, để khỏa lấp tội phạm, giấu diếm tội nhân, luôn lẩn trốn ánh sáng của sự thật, chính sự thật sẽ đưa tội phạm ra trước ánh sáng của công lý! Nơi đây, chủ thể vị tha nhận diện được tội trạng, sẽ được xử bằng công lý, có cái lý của công bằng, có cái luận của công luật, cái cái quyết của công pháp, nơi đây pháp luật thực thi cái luật trên nền của công tâm.
Chủ thể vị tha nhận ra tội phạm, khi bị lên cán cân, một bên là đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) và một bên là luật pháp (công bằng, công lý, công pháp, công tâm), thì nguyên nhân, động cơ, hành động, hậu quả của tội ác, nơi mà tội trạng, tội phạm, tội nhân sẽ bị vạch mặt, chỉ tên. Và khi tội nhân, bị vạch trần lý lịch qua bằng chứng của tội ác, qua tang chứng của tội trạng, qua minh chứng của tội phạm, để luật pháp có đầy đủ luận chứng để luận tội và kết tội thủ phạm của tội ác; dù đó là một đảng, một chính quyền, một chính phủ, một bọn tham quan, một tập đoàn tội phạm, một nhóm sát nhân… dù chúng có sự hỗ trợ của một tà đảng như Tàu tặc, Tàu phỉ hiện nay.
Định vị chủ thể vị tha
Định vị chủ thể vị tha dựa trên định vị của nhân tính, Ferri đề nghị định nghĩa sau để tách nhân tính ra khỏi tội ác: «Phạm nhân gây tội ác phải được sát nghiệm, nghiên cứu ngay trên thượng nguồn của nó, tại sao nó khác biệt với các người bình thường không phạm tội như nó, hãy xem kỹ trong cấu trúc cá nhân nó, để biết nó có nhân tính hay không?». Tại đây, chủ thể vị tha phải tỉnh táo trong phân tích và sáng suốt trong giải thích: kẻ gây ra tội ác luôn giấu diếm sự thật, che phủ chân lý, để phủ lập lẽ phải.
Chính các nhận thức của khoa học nhân văn, từ văn học tới triết học, cho tới ngôn ngữ học có cơ sở là văn bản từ dữ kiện tới chứng từ, từ phân tích tới giải thích, văn bản làm nền cho diễn luận và giải luận. Nhưng chủ thể vị tha phải đi xa hơn nữa để nhận ra dữ kiện mà tạo tiền đề cho tang chứng, nơi có chứng từ là thượng nguồn để nhận ra tang vật, từ đó thấy rõ tội ác để nhận diện tội nhân. Chủ thể vị tha còn phải song hành cùng khoa học xã hội, từ xã hội học tới dân tộc học mà tên gọi mới là nhân học cho tới sử học, có nền cũng là văn bản, nhưng định vị qua điều tra thực địa, qua nghiên cứu thực tiễn, qua điền dã thực nghiệm tại chỗ. Nơi đây, có “mắt thấy tai nghe” ngay “tại chỗ, tại nơi” làm rễ cho thực trạng, trong“bây giờ và ở đây” làm gốc cho thực tế. Tại đây, chủ thể vị tha phải đào sâu hơn nữa trong cách diễn đạt các tội ác không nằm trên mặt nổi của xã hội, mà trong các mạch ngầm, bóng khuất, xó gian, luồn bẩn… luôn được giấu kín và được bảo kê bởi tà quyền độc đảng tham nhũng trị.
Chủ thể vị tha hiểu sử học, ghi nhận sự kiện, mô tả dữ kiện, giải bày sự cố, rồi xếp vào một trật tự của không gian, một thứ tự của thời gian, trong đó các diễn biến được phân tích và giải thích bằng chứng từ, làm nên luận cứ cho sử học. Nhưng chủ thể vị tha phải đi rộng hơn nữa trong cách phân giải các sử kiện có liên quan tới quá trình thâm, độc, ác, hiểm của tội nhân luôn ép nghẹn, các tội trạng luôn phủ lấp cho tội phạm để thủ tiêu các tội ác của nó.
Chủ thể vị tha hiểu văn học, biết ghi nhận sự kiện để sáng tác ra hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết, biết mô tả dữ kiện để sáng tạo ra các cá thể với hành vi đặc thù để phong phú hóa các diễn biến. Đồng thời, biết giải bày sự cố qua không gian và thời gian được tổ chức vừa theo thực trạng, vừa theo sức tưởng tượng của tác giả, qua văn xuôi hoặc qua thi ca. Nhưng chủ thể vị tha phải khách quan bằng sự chính xác của tang chứng, qua minh chứng của tang vật. Tại đây tội ác gây ra có tác động dây chuyền không những trên nạn nhân của nó, mà còn lan tỏa ra xã hội, thâm nhập vào giáo dục, làm hư úng đạo lý cộng đồng, luân lý tập thể, đạo đức tổ tiên.
Chủ thể vị tha thấu triết học, dựng tư tưởng để xây lý luận trên các khái niệm, rồi dựng ra kiến thức lý thuyết để lập luận các vấn đề của nhân sinh bằng các quá trình tri thức để tìm tới sự thật. Từ đây, chủ thể vị tha phải tỉnh táo để cặn kẽ, biết tập hợp đầy đủ tang chứng, tang vật, qua biến cố mà hậu quả được thấy-biết-hiểu ngay trong môi trường của nạn nhân. Chủ thể vị tha thấy được hành động của tội nhân, ngay trên môi sinh của một dân tộc, của một quốc gia, từ đó xét nghiệm các hậu quả của cái ác trên đồng bào và đồng loại của mình.
Chủ thể vị tha thấy rõ vai trò của xã hội học, nghiên cứu về đời sống xã hội, điều tra về sinh hoạt xã hội, xét nghiệm các quan hệ xã hội, để tìm hiểu các mâu thuẫn, các xung đột, qua phân loại và phân tầng trong xã hội. Xã hội học thấu hiểu hợp tác giữa các cộng đồng qua tính đoàn kết hay qua quá trình bị tha hóa; các sáng kiến của tập thể tự đòi hỏi tới đấu tranh; các sáng tạo của cá nhân luôn củng cố quyền lợi xã hội của mình qua các công trình mang lợi ích vì an sinh xã hội.
Chủ thể vị tha biết đào sâu hơn nữa quá trình liên đới giữa quyền lực-quyền lợi-tư lợi để nhận diện được cái ác có mặt không những qua quá trình bóc lột đồng loại để trục lợi, mà nó còn dựa dẫm lên bạo quyền để trộm, cắp, cướp, giật; nó còn biết đeo bám vào tà quyền để giết, loại, hủy, bỏ các cái hay, đẹp, tốt, lành của đạo đức xã hội, bằng tội ác để vơ vét, để đục khoét, để bỏ đầy túi tham tư lợi của nó.
Chủ thể vị tha nhận ra chức năng của nhân học, nghiên cứu toàn bộ nhân sinh, khảo sát toàn diện nhân tình, điều tra toàn cõi nhân thế, nhận diện nhân loại bằng chiều sâu để hiểu chiều cao, thấu đáo chiều rộng để biết chiều dài của nhân vị. Chủ thể vị tha có ý thức về tính chính xác của phương pháp để có tính chuẩn xác trong phân tích và giải thích các bóng tối của nhân sinh nơi mà tội ác đang ẩn náu. Các góc khuất của nhân thế nơi mà tội phạm đang luồn lách, các mạch ngầm của nhân tình nơi mà tội trạng không được phơi bày, nơi có các luồn vừa bẩn, vừa độc của tà quyền đang bao che cho đồng phạm của nó. Chúng đang giết, loại, thiêu, hủy đồng loại, chúng bất chấp nhân tính được định vị qua không những qua nhân bản và nhân văn, mà còn qua nhân nghĩa và nhân từ.
Chủ thể vị tha luôn song hành cùng luật học, lấy công bằng để bảo vệ nhân sinh, dùng công luật để duy trì nhân thế, dụng công pháp để bảo trì nhân tính, đại diện cho công tâm để xử lý các vấn đề của nhân tình, phán quyết bằng hệ công (công bằng, công luật, công pháp, công tâm) để lập nên công pháp, làm nên công luận để tuyên án tội phạm. Chủ thể vị tha biết giúp luật pháp tra, quyết, xét, xử các tội ác với sự tỉnh táo của khách quan, với sự sáng suốt của liêm minh, nơi mà sự liêm chính của chứng từ được vạch ra bởi sự liêm khiết của công dân.
Chủ Thể Vị Tha (P4)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).