Nhà Của Tôi

Bạn thân
Trên mạng xã hội của Facebook, có nhiều người cho rằng đây là nhà của tôi, tôi muốn nói gì thì nói. Nếu ai đó không thích thì đừng vào nhà của tôi.
Câu nói bên trên thực ra chỉ nói một nửa sự thật mà thôi. Còn một nửa sự thật kia cần phải thảo luận để nhìn vấn đề ở dạng tổng thể chứ không phải nhìn vấn đề ở dạng cảm tính. Tại sao? Bởi vì chỉ khi nào chúng ta nhìn vấn đề ở dạng tổng thể thì chúng ta mới có lối ứng xử đúng, không làm hại đến lợi ích của xã hội.
Mạng xã hội facebook quả đúng là “căn nhà” của mỗi người dựng lên FB đó. “Căn nhà” đó cũng giống như căn nhà mà bạn cư trú, có hai phần: phần riêng tư và phần công cộng.
Hãy nhìn về căn nhà thực sự mà bạn cư trú. Ở căn nhà đó, phần riêng tư là những gì xảy ra trong nhà của bạn, bên trong sân nhà của bạn có hàng rào che kín mà người bên ngoài không thấy. Đây chính là sự riêng tư và bạn muốn làm gì thì làm, chẳng ai thắc mắc hoặc than phiền. Bạn có thể để cỏ mọc mà không cần phải cắt ở sân nhà sau của bạn mà không ai than phiền bởi không ai thấy chuyện đó. Bạn có thể cởi truồng đi ở sân nhà sau của bạn mà chẳng ai kêu cảnh sát bởi bạn đã có hàng rào gỗ không ai nhìn vào được. Tuy nhiên, phần trước nhà của bạn, nếu bạn không cắt cỏ theo đúng luật của thành phố, họ sẽ phạt bạn bởi vì vi phạm luật của thành phố trong việc để cỏ quá cao. Hoặc bạn sẽ bị cảnh sát bắt và phạt về tội cởi truồng trước công chúng dù rằng bạn cởi truồng ở trước sân nhà của bạn. Nói thẳng ra là căn nhà bạn ở, cái gì mà công chúng thấy được thì cái căn nhà đó vẫn phải theo luật của thành phố. Bạn không thể nào bảo là nhà của tôi, tôi muốn làm gì thì làm.
Vậy thì “căn nhà” FB của bạn cũng giống như căn nhà mà bạn đang sinh sống. Khi bạn viết một cái gì đó bạn có ba sự lựa chọn: (1) chỉ có bạn đọc phần viết đó, (2) bạn của bạn có thể xem được phần viết đó, (3) ai cũng có thể xem phần viết đó. Ở lựa chọn 2 thì thuộc loại vừa riêng tư mà vừa công cộng. Tức trong danh sách bạn của bạn có thể đọc những lời của bạn viết. Và nếu bạn viết bậy bạ, sai sự thật thì nếu là những người bạn tốt, họ sẽ lên tiếng để hy vọng bạn điều chỉnh lại cho đúng sự thật. Ngược lại nếu là bạn thường, họ chỉ tự mỉm cười trước những gì bạn viết mà không lên tiếng bởi sự u mê của lời nói.
Khi bạn viết bất cứ vấn đề gì trên FB mà để ở loại 2 và 3 thì bạn phải chấp nhận sự phê bình và đôi khi bị khóa tài khoản FB bởi bạn vi phạm tiêu chuẩn của cộng đồng. Điều này cũng giống như căn nhà bạn cư trú, có tiêu chuẩn của cộng đồng ở phần chung quanh nhà của bạn nếu phần đó công chúng có thể thấy được. Thành ra ai đó tuyên bố “FB là nhà của tôi, tôi muốn nói gì thì là quyền của tôi. Bạn không thích thì ra khỏi nhà của tôi” thì cá nhân tuyên bố câu này hoàn toàn không hiểu được luật thường tình của cuộc sống, đặc biệt là mạng xã hội khi mà bạn dùng để trao đổi với người khác thì những gì bạn viết trên FB không còn là của tôi mà là cái cộng đồng quan tâm ở những vấn đề bạn đưa lên FB của bạn. Khi mà cộng đồng quan tâm thì họ có quyền lên tiếng trước những lời nói của bạn đưa lên mạng xã hội. Dĩ nhiên bạn có quyền loại bỏ người bạn đó ra khỏi FB của bạn nếu bạn không thích người phê bình hoặc bạn chấp nhận để sửa đổi hoặc không sửa đổi. Thái độ của bạn như thế nào cho những ứng xử mà sự phê bình đúng sẽ chứng minh được con người của bạn ra sao, chứng minh bạn là bạn hay bạn là bè của những người khác.
Chữ “bạn bè” có ý nghĩa rất hay mà ít ai để ý đến. Chữ “bạn” thì có hai loại: bạn thân hay bạn thường. Còn chữ “bè” thì là những người hùa theo đám đông cho nên nếu trong danh sách của họ có đến 5 ngàn bạn mà FB cho phép thì 5 ngàn người đó phần đông chỉ là bè chứ không phải là bạn. Mà nhiều người hình như thích bè nhiều hơn là bạn. Cho nên họ “hãnh diện” là mình có 5 ngàn “bè” và xem đó là thành quả hơn những người khác.
Hy vọng lá thư này cho bạn thấy được rõ câu chuyện “căn nhà của tôi” trên mạng xã hội thực sự không đơn giản như căn nhà bạn đang sống mà nó phức tạp hơn nhiều. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi viết lời nào đó đưa lên mạng xã hội bởi câu nói của bạn có thể hại đến người khác. Đừng lý luận đó là quyền tự do ngôn luận để biện minh cho lời nói giả dối, nguy hại đến người khác. Tự do ngôn luận phải đi đôi với trách nhiệm và nếu không đi đôi với trách nhiệm thì bạn đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s