Ông Tòa (chánh án) cho dù ngồi xử án tại Tòa Thượng Thẩm, liên bang hay địa phương thì ông Tòa cũng là người. Thượng đế dĩ nhiên không phải là người, mà chỉ là sản phẩm của con người dựng nên để tạo niềm tin giữa con người với nhau. Khi xử án thì mọi người đều phải tuyên thệ “nói hết sự thật” (kể cả ông Tòa) nhưng không thấy ông Tòa nào tuyên thệ sẽ xử công bằng, sự thật cho dù tượng Thần công lý bịt mắt đứng giữa Tòa án từ bao đời.
Vậy thì chúng ta có 3 yếu tố: (1) cá nhân ông Tòa. (2) Các bồi thẩm đoàn, luật sư, can phạm, nạn nhân, công tố viên…. Cuối cùng là (3) luật được thi hành bởi tòa án.
Cả 3 yếu tố được kết hợp bởi 1 điều kiện duy nhất: lòng tin nơi Thượng Đế (in the God we trust).
Trong khi hiến pháp ghi nhận sự bình đẳng và công bằng xã hội (equity and social justice) thì mọi người có hiểu và áp dụng như nhau chăng? Nếu thường dân có tranh chấp thì đến Tòa xử. Nếu ông Tòa (thấp) xử không xong thì đưa lên Tòa (cao). Nếu Tối Cao Pháp Viện xử không xong thì sao?
(1) Cá nhân ông Tòa
Đóng góp tài chính cho cuộc bầu cử
Vậy khi ông Tòa cho phép công ty (tập thể từ nhân công đến chủ tịch) có quyền góp tiền cho các cuộc bầu cử như một pháp nhân (cá nhân) thì phải chăng ông Tòa nghĩ rằng công ty thuộc một chủ nên cũng là Người?
Như vậy là ông Tòa nhìn “đơn giản” thì:
Cử tri (cá nhân) có quyền bỏ tiền ủng hộ ứng cử viên. Công ty do con người thành lập (đại diện cho một người hay nhiều người) nên có quyền bỏ tiền ủng hộ ứng cử viên.
Nếu ông Tòa nhìn “phức tạp” thì:
Công ty do người sáng lập điều hành (CEO) thì ông ta vừa bỏ phiếu, bỏ tiền ủng hộ ứng cử viên trên căn bản cá nhân như mọi người. Nhưng vì là chủ tịch công ty nên ông ta lại được thêm cơ hội bỏ tiền (nhiều hơn) cho ứng cử viên ông ta thích. Như vậy có gọi là công bằng hay không?
Xử án
Khi xử một vụ án (Hình hay Hộ) thì ông Tòa bắt nhân chứng, bồi thẩm đoàn tuyên thệ (oath) nói sự thật. Vậy bản thân ông Tòa có thật lòng với Thượng đế hay luật pháp hay không? (không thấy quy định giữa Ông Tòa và Thần Công Lý tương tự như lời thề “Hippocratic Oath” bên Y khoa).
Khi bồi thẩm đoàn kết tội (guilty) nhưng kết án tội phạm thì lại tùy ý ông Tòa. Chúng ta đã thấy có những trưởng hợp cùng tội ác mà bản án khác nhau vì phán quyết của ông Tòa. Có lý do hay không có lý do thì ai biết ông Tòa có công bằng hay không? Tại sao không có tiêu chuẩn kết tội đi chung với kết án được định sẵn để tránh sự thiên vị của ông Tòa?
Đó là chưa bàn tới lý lịch của phạm nhân (a) chưa hề phạm tội; (b) đã phạm tội nhiều lần, nhiều lãnh vực, địa phương…; (c) có bệnh sẵn hay bị ảnh hưởng thuốc, ma túy, thiếu giáo dục, giàu hay nghèo, bạc đãi hay quá nuông chiều …; (d) có công với tổ quốc hay xã hội…; (d) có quen biết với giới chức địa phương, đóng góp, hoạt động cho các tổ chức tôn giáo, từ thiện, nghệ thuật… .
Nếu ông Tòa dựa vào các yếu tố a,b,c… thì hóa ra thường dân sẽ bị đối xử khác với “dân” có “máu mặt” hay sao? Cho dù đóng góp xấu hay tốt thì đó là chuyện quá khứ, không dính líu hay liên hệ gì tới tội ác hay vụ án. Giết người là tội giết người cho dù lần đầu hay lần thứ 100 thì cũng là mạng người, điên hay tỉnh cũng là giết người. Cho dù ảnh hưởng thuốc hay rượu, súng hay dao, lỡ tay hay cố ý thì vẫn là từ con người có bộ óc, có suy nghĩ. Nếu vì suy nghĩ sai lầm hay chưa kỹ thì ráng ở tù mà ăn năn, hối lỗi. Chẳng vì lời cãi hay lý lẽ của luật sư mà xử án nhẹ hay nặng. Hóa ra nếu dân nghèo không có tiền mướn luật sư giỏi thì sẽ bị thiệt thòi hay sao? Đâu là công bằng xã hội?
Cũng như khi ông Tòa so sánh cây súng máy (AR-15) như con dao đa dụng (Swiss knife) thì phải chăng ông đã nhìn khía cạnh đa dụng của con dao nhỏ cũng như khả năng giết người hàng loạt của cây súng máy trong mọi hoàn cảnh?
Vậy ông Tòa có phải là Thượng đế không?
Không.
Vậy ông Tòa vẫn là con người và con người có thể lầm lẫn. Khi ông Tòa lầm lẫn thì tội nhân và nhân dân lãnh đủ? Làm sao ngăn ngừa sự sai lầm của Ông Tòa?
Tại Mỹ, có những tiểu bang ông tòa do dân chọn qua bầu cử; có nơi do Thống Đốc hay Tổng Thống bổ nhiệm. Vai trò của ông Tòa (chánh án) quyết định án lệ, cho dù có bồi thẩm đoàn (jury) thì cũng dưới sự chỉ thị của ông Tòa, quyết định bản án, bồi thẩm đoàn chỉ quyết định là phạm nhân có tội hay không có tội mà thôi.
Người ngoài (ở xa) nhìn vào tưởng rằng công lý Mỹ là nhất thế giới nhưng khi cư trú trên đất Mỹ mới thấy có những ông tòa đầy Tham-Sân-Si ngồi trong Tối Cao Pháp Viện (Clarence Thomas, Brett Kavanaugh) hay cỡ Roy Moore (Georgia, 2017).
Chánh án là những luật sư giỏi được lựa chọn để phân xử công minh giữa nguyên cáo và bị cáo. Nhưng tại Mỹ, sinh hoạt chính trị đã ảnh hưởng vào mọi tầng lớp xã hội cho nên khi hai đảng đi vào phân hóa thì tòa án cũng phân hóa.
Tuy gọi là hành xử luật nhưng cả luật sư lẫn ông Tòa đều có sự biển lận trong khi hành nghề. Luật sư thì tìm đủ cách, mọi kẽ hở để cãi cho nghi can mọi khuyết điểm của nhân chứng, công tố viện, ông Tòa đều được sử dụng để phá án. Ngược lại ông Tòa cũng rất chập chờn trong phán quyết bản án. Cùng là một tội như nhau nhưng có nơi phạm nhân bị án nhẹ, có nơi bị nặng (chung thân hay 2,3 đời…). Lý do về kỳ thị chỉ là bên ngoài nhưng bên trong thì ai sẽ hiểu tâm trạng ông Tòa?
Rõ ràng ông Tòa không phải Thượng đế (God) nhưng “in the God we trust” thì rõ ràng ông Tòa đã hành xử như Thượng đế.
(2) Luật sư hay công tố viện
Công tố viện là luật sư của chính quyền truy tố phạm nhân vì tội ác vi phạm nhưng vì phạm nhân cung khai trước tòa là “vô tội” (not guilty) nên công tố viện phải thiết lập thủ tục chứng minh tội phạm.
Luật sư của bị cáo sẽ tìm mọi đủ cách để chứng minh phạm nhân vô tội. Vì lý do nghề nghiệp, luật sư sẽ tìm đủ mọi cách để thắng cuộc và cho là công lý được thi hành (còn chuyện nạn nhân than khóc, thiệt hại coi như không có).
Nếu phạm nhân là kẻ có tiền hay quyền lực thì thường có khả năng mướn những luật sư giỏi để moi móc các khía cạnh về luật lệ nhằm thắng cuộc. Dĩ nhiên, kẻ nghèo thì cơ hội ngồi tù sẽ cao hơn.
(3) Bồi thẩm đoàn (jury)
Là những người dân địa phương được chọn bởi cả hai bên (luật sư bị can và công tố viện) đồng ý. Đây là những người không biết đến biến cố gây ra vụ án để giữ công bằng cho 2 bên. Họ cũng không được phép tiếp xúc với báo chí vì sợ bị ảnh hưởng. Nhưng đất Mỹ là xứ có nạn kỳ thị từ bao đời nên những vụ án liên quan đến chủng tộc thường gây tai tiếng vì nghi có sự thiên vị.
(4) Luật
Luật về hình sự phải ra tòa và ông Tòa sẽ quyết định bản án nặng hay nhẹ. Ông Tòa có đủ lý do để ra án nặng hay nhẹ mà không ai kêu ca gì được vì chẳng có luật nào quy định nếu phạm tội X thì sẽ bị án Y bất kể tội nhân là nam, nữ, già, trẻ, giàu, nghèo, đen hay trắng…. Vì thế chúng ta thấy có những vụ án mà phạm nhân có thanh thế đã được bà con, họ hàng, quen thuộc viết thư yêu cầu ông Tòa giảm án vì lý do học giỏi, chơi thể thao, làm việc cộng đồng…. Vậy thì kẻ tứ cố, vô thân nhà nghèo, cô thế sẽ không bao giờ được đặc ân từ ông Tòa hay sao?
Mà luật do ai đưa ra? Dĩ nhiên không do ông Tòa mà từ các nhà làm luật địa phương. Đó là những kẻ đến rồi đi mỗi mùa bầu cử. Họ làm luật, biết có lỗ hổng (loophole) nhưng lờ đi để khi xảy ra chuyện tranh chấp thì dân lại phải nhờ cậy đến họ. Đó là cách duy trì vị thế của họ trong xã hội Mỹ. Bởi vì nếu luật đã tốt thì họ đâu còn việc làm nữa.
Bởi vậy quan trọng hơn hết vẫn là ông Tòa.
Kết luận
Nhìn vào Hiến pháp Mỹ, ai cũng khen tam quyền phân lập. Nhưng nếu chỉ trong ngành tòa án, Tối Cao Pháp Viện mà có những vụ án như án lệ Roe vs Wade về phá thai có nguy cơ bị đảo ngược thì sẽ được giải thích ra sao? Quyết định Tối Cao Pháp Viện 1973 đúng hay sai? Các vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện 1973 sai hay các vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện 2021 thiên vị? Nếu sai thì chẳng lẽ chờ 50 năm sau?
Xem ra tam quyền phân lập không đứng vững khi con người (dù là chánh án, thẩm phán) hủ hóa, biến chất. Cũng vẫn là Hiến Pháp Mỹ 1789 mà các ông Tòa diễn dịch ngược xuôi thì lỗi tại người (ông Tòa) hay vật (bản Hiến Pháp)? Vậy thì có cách nào chữa hay không?
Vì nếu xã hội không có công bằng, công lý không được thực hiện thì sẽ loạn. Có người nhắc đến “đan quyền”. Có ai hiểu “đan quyền” là gì không?
Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2021 (Việt lịch 4900)