Chủ Thể Vị Tha (P6)

Chủ thể vị tha trước tội ác của chính quyền
Qua các chặng đường đi lên của tội phạm học, chuyên ngành này có những bước tiến ngày càng cao, sâu, xa, rộng để nhận định tội ác, để phân tích và giải thích các tội ác về mặt vĩ mô. Bằng kinh nghiệm đau thương của hai thế chiến trong thế kỷ XX, nhất là thế chiến thứ hai, khi Đức quốc xã đã tàn sát chủng tộc Do Thái bằng một ý thức hệ kèm theo một hệ thống truy diệt có quy mô cả Âu Châu. Các tòa án quốc tế đã ra đời khi thế chiến thứ hai chấm dứt, không những chỉ xử các cá nhân là thủ phạm chính mà còn xử một chính quyền, một chế độ, một cơ chế đã tổ chức quy mô các cuộc tàn sát.
Tại các tòa án quốc tế này, thủ phạm trước vành móng ngựa là: chính quyền! Có động cơ lẫn hành động lấy cái ác để giết người, để diệt một sắc tộc! Khi các tòa án quốc tế ra đời, thì phạm trù lý luận không những của luật học mà của các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn đã có định đề để định luận rồi định nghĩa thế nào là: tội ác của chính quyền. Tội ác này mang ý định của một chính sách, có ý muốn của một chính phủ, mang theo ý đồ của một chính quyền, lấy cái diệt để hủy cái sống trên bình diện rộng mà nạn nhân là một sắc tộc, một dân tộc, một cộng đồng, một tập thể.
Chính sự lớn mạnh của các cuộc đấu tranh vì nhân quyền đã trợ lực trực tiếp để làm rõ cái giết để hủy cái sống của các chính quyền sẵn sàng gây tội ác, không những bất chấp vấn đề lương tâm của nhân tính, mà còn bất tuân các luật pháp quốc tế muốn bảo vệ sự sống. Khám phá về tội ác của một chính quyền qua điều tra, nghiên cứu, khảo sát, điền dã… các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, luôn được sự hỗ trợ của các quốc gia có dân chủ vững, có nhân quyền mạnh, luôn muốn bảo vệ văn minh của họ, họ chống lại cái ác sinh ra cái giết chóc, họ chống lại cái man rợ của tội ác luôn ngược chiều với nhân tính. Sự ra đời và hiện diện thường trực của Liên Hiệp Quốc luôn được hậu thuẫn của các quốc gia dân chủ, muốn bảo toàn nhân quyền, muốn bảo vệ văn minh, tất cả đều muốn làm rõ để hiểu từ lý luận tới giải luận, từ lập luận tới diễn luận về phạm trù tội ác của chính quyền. Và không một chính quyền nào được đứng ngoài vòng pháp luật, đứng trên luật hình sự quốc tế.
Khi định tội để xử tội các tội ác của chính quyền, thì nhân chứng và chứng từ của nạn nhân của chính quyền sẽ đóng vai trò chứng thực để luật pháp vào cuộc. Với sự có mặt của sử học, nơi đây ký ức tập thể sẽ trợ lực cho hồi ký cá nhân, nơi đây bút ký của chứng nhân sẽ có chỗ dựa là tri thức của cộng đồng về các dữ kiện giờ đã là chứng tích của tàn sát, của thảm sát, của giết chóc, của tra tấn, của tù đày, của cái nhẫn tâm diệt cái nhân tâm trong não bộ của một chính quyền. Nhưng khi có định đề để định luận rồi định nghĩa về tội ác của chính quyền và nạn nhân của chính quyền, thì cũng vẫn chưa đầy đủ, các chuyên gia về tội phạm học phải trở lên thượng nguồn để nhập nội vào tư duy của tội phạm, tức là vào cấu trúc tri thức của một chính quyền, của kẻ nắm quyền lực trong tay để hiểu tại sao thủ phạm tạo ra tội ác có tổ chức vĩ mô truy diệt một sắc tộc, một dân tộc, một cộng đồng, một tập thể…
Tại đây, phải tìm hiểu một chính quyền có định đề gì để định luận rồi định nghĩa về: kẻ thù của chính quyền của nó: Tại sao một thể chế lại xem một sắc tộc, một dân tộc, một cộng đồng, một tập thể là đối phương rồi biến họ không những thành đối thủ mà thành tử thù để diệt đường sống của họ? Quan niệm kẻ thù đã trở thành tử thù giúp chúng ta hiểu trọn vẹn quá trình tư duy của thủ phạm: đề nghị-bàn luận-quyết định-hành động-kết quả; trong quá trình này kẻ sát nhân hay thủ phạm chặn đường sống của nạn nhân qua trại tập trung, trại cải tạo, qua tù đày, qua tra tấn… luôn hành động với ý thức là tìm kết quả cho nó bằng cách gây nên hậu quả cho các nạn nhân của nó.
Khi nghiên cứu về tương quan giữa tội ác của chính quyền, nạn nhân của chính quyền và kẻ thù của chính quyền, các chuyên gia về tội phạm học phân loại ra hai loại thảm sát khác nhau cả về động cơ lẫn hậu quả: thảm sát một sắc tộc khác, trường hợp của Đức quốc xã diệt dân Do Thái; và thảm sát chính sắc tộc của mình, trường hợp của Khmers đỏ, chính quyền của Pon Pot tiêu diệt chính đồng bào của nó. Khi khảo sát về trường hợp của ĐCSVN-Đảng cộng sản Việt Nam thì quá trình tư duy của thủ phạm: đề nghị-bàn luận-quyết định-hành động-kết quả trở nên phức tạp, vì có nhiều quá trình gây tội ác theo kinh nghiệm của kinh nghiệm, mà các chuyên gia về tội phạm học đặt tên là kinh nghiệm bồi đắp cho kinh nghiệm, trong ngạn ngữ phương Tây nó còn mang tên là quá trình quả cầu tuyết. Được hình tượng hóa qua một vài hạt tuyết quyện vào nhau trên đỉnh núi và khi lăn từ đỉnh núi xuống chân núi thì nó có thể biến thành một quả cầu lớn nghiến nát mọi trở lực trên con đường tự tiến của nó. Triết học đạo đức và luân lý lại đưa ra một hình tượng khác là: vòng xoáy của bạo lực, nơi mà cái ác tạo ra cái ác, vì bạo lực tạo ra bạo động để bạo động luôn bị trả-giá-rồi-đấu-giá qua thách thức, để cái bạo ngày càng bạo, cái ác ngày càng ác; cứ thế mà để cái bạo leo thang cùng cái ác, để rồi không ai có thể nắm dao đằng chuôi được, như tổ tiên ta đã dặn dò con cháu.
Hãy cụ thể hóa trường hợp của ĐCSVN-Đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình tư duy tội phạm: đề nghị-bàn luận-quyết định-hành động-kết quả qua các giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại mà nạn nhân lần này là cả một dân tộc: Việt tộc! Khi ĐCSVN được thành lập năm 1930, thì giai đoạn tội phạm đầu tiên là truy diệt các đối thủ bị xem như «tử thù» có mặt trong chính giới, hiện diện trong chính trường mà nạn nhân là các đảng, các nhóm từ Quốc dân đảng tới Đệ tứ cộng sản (Trotskistes)… Chính kinh nghiệm giết hại các đối phương, mà dân tộc không có quyền năng và phương tiện để buộc tội, không có pháp luật để truy tố ĐCSVN, nên cướp chính quyền bằng bạo lực năm 1945 thì sẽ nắm chính quyền qua bạo hành sau 1954; cái ác đã lần mò tới để tổ chức thảm sát chính dân tộc mình qua Cải Cách Ruộng Đất 1956-1958.
Bạo lực theo vòng xoáy bạo lực, với đàn anh là Mao tác giả của tử thuyết: «sự thật chỉ nằm trên đầu súng», trong bối cảnh của các phong trào cộng sản mà Liên Xô chủ trương «bạo động cách mạng» để lập «chuyên chính vô sản», thì mọi tội ác được tầm thường hóa với cuộc nội chiến mà ĐCSVN đã đưa dân tộc vào tử lộ với hơn 6 triệu đồng bào cả hai miền Bắc Nam bị giết hại. Tầm thường hóa cái ác để bình thường hóa cái bạo chủ mưu cho cái tội, thì chuyện bỏ tù (trá hình với tên gọi trại học tập) các trí thức, nghệ sĩ, viên chức… của miền Nam sau 1975 là một quy trình tội phạm vĩ mô trên bình diện quốc gia.
Từ đó, chuyện bao triệu đồng bào bỏ trốn chính quyền này bằng đường biển, mà số liệu người bỏ mạng trong biển khơi hoặc bị hải tặc truy giết lên tới nhiều trăm ngàn nạn nhân.
Tầm thường hóa cái độc để bình thường hóa cái tà làm chỗ dựa cho cái ác đối với ĐCSVN giờ đã thành «cơm bữa». Bỏ tù những người yêu nước biểu tình chỉ vì hô to «Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam»; khủng bố những ai bảo vệ môi trường chỉ vì chỉ mặt gọi tên bọn Formosa là bọn giết môi sinh miền Trung của đất nước. Bắt bớ các nhà hoạt động cho dân chủ chỉ vì công bằng và tự do; truy nã những nhà hoạt động cho nhân quyền chỉ vì muốn sống trong một thể chế pháp quyền, nơi mà tự do được làm người lương thiện phải được bảo vệ bằng pháp luật trước tội ác hằng ngày của chính quyền. Quá trình quả cầu tuyết song hành cùng vòng xoáy của bạo lực từ cái độc qua cái ác, từ cái lỗi tới cái tội đều có quy luật nhân quả của nó, trong lịch sử của nhân loại, với ngạn ngữ mà cả nhân loại đều biết: gieo gió gặt bão!
Tam giác luận của vị tha: Chữa trị-chữa lành-chữa khỏi đau khổ
Nếu vị tha biết chữa trị, chữa lành, chữa khỏi nỗi khổ niềm đau của nhân sinh, thì vị tha vừa là phạm trù thông minh, vừa không gian thông thái có tiếp cận, có phương pháp của nó. Như vậy, chủ thể vị tha không những có mặt để vô hiệu hóa cái ác, để hữu hiệu hóa cái thiện, mà còn để giúp các nạn nhân của cái ác chữa trị, chữa lành, chữa khỏi từ hậu quả đến hậu nạn của tội ác.
Nếu quan niệm vị tha là một phạm trù của sự thông minh, thì chủ thể vị tha sẽ được trợ lực bằng ba sự thông minh khác:
• Sự thông minh biết công nhận sự công bằng trong mọi quan hệ xã hội giữa mình và tha nhân.
• Sự thông minh biết công nhận sự tôn trọng lẫn nhau trong đời sống xã hội giữa mình và tha nhân.
• Sự thông minh biết chống kỳ thị làm ra sự miệt thị trong tổ chức xã hội giữa mình và tha nhân.
Nếu quan niệm vị tha là một không gian của sự thông thái, thì chủ thể vị tha sẽ được trợ sức bằng ba sự thông thái khác:
• Vị tha là gốc của đạo lý để nhận ra cái rễ hay, đẹp, tốt, lành của nhân lý.
• Vị tha là cội của đạo đức để nhận ra cái nguồn cao, sâu, xa, rộng của nhân phẩm.
• Vị tha là nền của luân lý để nhận ra trách nhiệm của nhân đạo, bổn phận của nhân tâm và sự mệnh của nhân từ.
Khi chủ thể vị tha nhận ra cả hai: vị tha vừa là phạm trù thông minh và vị tha vừa là không gian thông thái có tiếp cận, có phương pháp của nó, thì chúng ta sẽ lần tìm đến các tam giác luận sau:
• Vị tha có trách nhiệm-bổn phận-sứ mệnh trợ lực cho các nạn nhân của cái ác chữa trị, chữa lành, chữa khỏi các hậu quả do tội ác gây ra, thì vị tha là hiện thân của nhân đạo-nhân tâm-nhân từ.
• Vị tha khi là hiện thân của nhân đạo-nhân tâm-nhân từ thì vị tha phải lập ra một tam giác luận mới: chủ thể-tha nhân-đồng loại, nơi mà cả ba có cùng một nhân vị-nhân bản-nhân phẩm.
• Vị tha khi công nhận sự cùng làm nên sự chung nhân vị-nhân bản-nhân phẩm, thì vị tha phải chế tác ra một tam giác luận chung trong đó cái chúng tôi-cái chúng ta-cái chúng nó phải có công bằng mà không có dị biệt, có công lý mà không có kỳ thị, có công luật mà không có phân biệt đối xử.
Chủ thể vị tha sẽ tìm tới nhận thức làm nên từ kiến thức tới tri thức là:
• Ý thức biết chọn lựa vị tha để đứng về phía cái thiện.
• Ý nguyện đứng về phía cái thiện để bảo vệ cái nhân.
• Ý nguyền bảo trì cái thiện và cái nhân bằng cách bảo vệ nạn nhân của tội ác.
Tam giác ý thức-ý nguyện-ý nguyền không hề mơ hồ mà cũng chẳng hề trừu tượng, vì tam giác nhận thức này sẽ xây dựng được ý muốn-ý định-ý chí của chủ thể vị tha để bảo vệ:
• Sinh hoạt xã hội tốt trong quan hệ xã hội tốt.
• Tổ chức xã hội tốt trong đời sống xã hội tốt.
• Cơ chế xã hội tốt trong định chế xã hội tốt.
Khi chủ thể vị tha hội tụ được hai tam giác luận ý thức-ý nguyện-ý nguyền cùng với ý muốn-ý định-ý chí từ tính toán tới toan tính, thì chủ thể vị tha sẽ hành động không những bằng quyết mà cả bằng quyết chí để tạo ra:
• Những tiềm năng mới cho vị tha dấn thân để chống lại tội ác.
• Những khả năng mới cho vị tha đấu tranh chống cái ác.
• Những tiềm năng mới cùng khả năng mới vì vị tha thay đổi nhân sinh, đưa nhân loại ra khỏi cái ác, đưa nhân thế xa rời tội ác.
Tại đây, chủ thể vị tha sẽ khám phá ra một tam giác luận mới nữa, tam giác luận của cùng và của chung một nỗi khổ niềm đau:
• Nỗi lo của riêng tôi có cùng một nguồn với nỗi lo của tha nhân.
• Niềm đau của tôi có cùng một cội với nỗi khổ của tha nhân
• Nỗi khổ niềm đau của tôi và tha nhân có cùng giòng sinh mệnh trong cùng một nhân kiếp.
Khi tam giác luận nỗi khổ niềm đau xuất hiện, thì chủ thể vị tha sẽ thấy rồi thấu rằng:
• Khi công nhận sự công bằng trong nhân sinh đây chính là nền tảng của công lý xã hội.
• Khi công nhận sự tôn trọng lẫn nhau đây chính là nguồn cội của sự tự tôn trọng mình.
• Khi vị tha đứng chung rồi đứng cùng với cái thiện, cái nhân để làm ra cái tốt, cái lành thì vị tha không bao giờ đứng chung với cái ác, đứng cùng với tội ác; và vị tha sẽ không bao giờ ngồi cùng chiếu, ăn cùng mâm với cái thất nhân bất đức.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s