Hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức, tỉnh thức)
Hãy ý thức về một chiến thắng của người trí thức là một chiến thắng vì đồng bào và vì đồng loại, khi người trí thức đã biết vận dụng tri thức để giảng dạy cho những kẻ ác đã gieo sợ hãi bằng chính tội ác của chúng lên chính nhân kiếp của đồng bào, của đồng loại, rằng bây giờ tới lượt của chúng cũng phải biết sợ hãi ngay trong não bộ của chúng! Vì kiến thức của người trí thức ngày này sang ngày kia sẽ trở thành ý thức của dân tộc, tháng này sang tháng kia sẽ hình thành nhận thức của xã hội, từ đó tạo ra một nhân tri mới làm nền cho nhân quyền là: kẻ ác sẽ bị tiêu diệt bởi chính cái ác của nó! Hãy lần lượt trả lời các câu hỏi của hệ thức này: Nhân quyền là gì? Nhân quyền có hay không? Và có từ bao giờ? Nhân quyền có ngay từ khi con người có nhận thức mình là một sinh vật sinh hoạt qua ngôn ngữ, vận dụng ngôn ngữ để nói được những gì mình muốn nói từ tư duy của mình, rộng và cao hơn nữa là nói lên những gì mình mong muốn ngay trên điều kiện làm người của mình.
Chính trị là gì? Chính trị là gì trong sinh hoạt chính giới có cội là văn hiến nhân quyền, có gốc là văn minh dân chủ? Tôi xin trả lời: đó là sinh hoạt của chính tri: tuyệt đối cấm tiêu diệt đối phương trong đa nguyên! Tại đây, không được coi là chính trị tất các những sinh hoạt xem đối phương là đối thủ, rồi biến đối thủ thành đối thù. Để kết cuộc là biến đối thù thành tử thù trong phản ứng thanh toán nhau, trong phản xạ thanh toán nhau mà ta đang thấy trong sinh hoạt của bạo quyền độc đảng toàn trị hiện nay tại Việt Nam.
Cách mạng là gì? Xin được trả lời: đó là công cuộc thay đời đổi kiếp theo hướng thăng hoa về chân trời văn minh của dân chủ biết «sống còn» cùng văn hiến của nhân quyền. Mọi toan tính cướp chính quyền, để mượn danh hiệu «làm cách mạng», để sau đó biến cướp quyền thành độc quyền, để lạm quyền, rồi cực quyền. Mà kết cuộc là cuồng quyền trong mê loạn của đảng trị, thì đây không phải là cách mạng, mà còn ngược lại chính đây là phản cách mạng: dùng độc đảng để xây độc trị, dựng độc tài, tạo độc tôn. Quá trình cướp, đoạt, giành, giật quyền lực này mang bản chất thất nhân bất đức, vì cách mạng chính thống là xây nhân dựng đức, xây nhân đạo để dựng nhân đức.
Từ đây, nhân tri thỉnh cầu nhân đạo để nhân trí yêu cầu nhân đức phải vô cùng cảnh giác trước hai loại cách mạng rất khác nhau về bản chất cùng như về sự vận hành của chúng:
• Cách mạng vì công bằng, thí dụ cụ thể là cách mạng Pháp 1789, trong bối cảnh của một quốc gia không có nội chiến, không bị bao vây bởi thế chiến, trong một xã hội có công nghiệp lẫn nông nghiệp được trợ lực bởi khoa học và kỹ thuật. Nhưng sự bất bình đẳng về cách điều kiện làm người song hành cùng các bất công liên tục tạo ra các khoảng cách giữa các thành phần xã hội. Từ đây bất bình đẳng cùng bất công đã tạo ra nhận thức là con người không thể sống bất nhân với nhau, và cách mạng là nhận thức về công bằng để tạo ra một công lý nơi mà con người được sống nhân của nghĩa để làm nên đạo của nhân.
• Cách mạng vì ý thức hệ, đó là nội chất của các cuộc cách mạng trong thế kỷ XX vừa qua, nó mạo danh cách mạng, nó biết dựa vào bối cảnh của hai cuộc thế chiến. Loại cách mạng này còn biết mỵ dân bằng tuyên truyền chống bất công, bằng cách lén lút hay công khai đưa vào số phận một dân tộc, một châu lục: một ý thức hệ ngoại lai, đó là ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa, mà Việt tộc hiện nay vẫn còn đeo đẳng thảm kiếp này ngay trong nhân sinh của mình.
Cách mạng vì công bằng mang những hậu quả của bạo động xã hội tới từ hai phái chính quyền bảo lưu đặc quyền của giai cấp thống trị, và sau cuộc thắng thua thì dân chủ sẽ là trọng tài để nhân quyền được bảo vệ trong khung của nhân phẩm: sống để được làm người trong điều kiện của nhân vị, nhân bản, nhân tính, nhân lý. Ngược lại cách mạng vì ý thức hệ là một quá trình bạo động của chính quyền dai dẳng trong bạo quyền độc đảng toàn trị, triền miên trong cực quyền độc đảng công an trị, thường trực trong quỷ quyền độc đảng thanh trừng trị. Nơi mà, cái bạo cộng với cái cực được nhân lên bởi cái quỷ, luôn tạo ra cái tà tới từ cuồng quyền độc đảng ngu dân trị, và lạm quyền độc đảng tuyên truyền trị.
Từ bản chất tới nội dung là cách mạng vì công bằng, khi thiết lập xong giá trị của công bằng bằng hai giá trị khác của cộng hòa là tự do và bác ái, thì chế độ dân chủ ra đời bằng cơ chế của tam quyền phân lập. Nơi có chính quyền là hành pháp được bổ nhiệm bởi lập pháp qua quốc hội, nhưng hành pháp phải hành động và hành tác trong khung của tư pháp, đại diện cho luân lý và đạo lý của hệ công (công bằng, công lý, công luật, công pháp, công ích) có gốc, rễ, cội, nguồn của công tâm.
Từ gian manh tới gian trá của cách mạng vì ý thức hệ là nó mạo danh cách mạng để cướp chính quyền, mà sau khi cướp được chính quyền rồi, thì nó mạo diện của hành pháp, mạo dạng của lập pháp, mạo tướng của tư pháp, để buôn gian bán lận tới tận xương tủy của tam quyền phân lập. Khi cái mạo làm nên cái giả, để cái giả tạo ra cái gian, dựng lên cái xảo, xây lên cái lận, thì độc đảng toàn trị không trao trả quyền lực lại cho xã hội dân sự đã bị nó lợi dụng và lạm dung đấu tranh.
Hệ công (công ích, công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật).
Nhân lộ tương lai của Việt tộc khởi hành bằng khởi điểm của hệ công, nơi mà công ích xã hội sẽ làm nên chính nghĩa cho một chính quyền, sẽ làm nên chính danh cho một chính phủ. Nơi mà lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có một điểm hẹn là công bằng, có một điểm tới là công lý, vì có một chân trời chung là công tâm. Tất cả sẽ được hội tụ chung quanh công pháp, chính là gốc, rễ, cội, nguồn của công luật để chế tác ra hiến pháp, để hiến pháp điều khiển và điều chế luật pháp.
Liên kết làm nên liên minh của hệ công (công ích, công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật) chính là nội công của mọi chiến công của hệ công, khi khởi hành chỉ là một mạch nước ngầm nhưng ngày ngày, tháng tháng, năm năm sẽ thay thân chuyển lực để biến thành trận đại hồng thủy mà không một thành lũy nào của bạo quyền độc đảng công an trị có thể đứng vững được! Đây là nhân lý của nhân quyền, nhân trí của nhân tâm, nhân tri của nhân bản, nhân vị của nhân nghĩa mà không một tà quyền độc đảng tham nhũng trị nào có thể đánh tráo được khái niệm về chân lý của hệ công này!
Hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri).H
Người lương thiện lấy cái sạch để làm cái sáng từ đó nêu rõ nhân cách của mình trong quan hệ xã hội, cái sạch lương thiện còn biết làm sạch sinh hoạt xã hội, cái sáng của lương thiện còn biết sáng tỏ đời sống xã hội. Nếu công dân thấy-để-thấu được sức mạnh của lương thiện, thì sự lương thiện hiện diện trong nhân tâm, nhân từ để làm chỗ dựa cho nhân lý, nhân tính, với tên gọi là: lương tâm!
Khi lương tâm được nhân bản và nhân vị thừa nhận là đường đi nẻo về của nhân đạo để bảo vệ nhân nghĩa, thì lương tâm được xem-để-xét như là một giá trị vừa của đạo lý, vừa của xã hội. Và giá trị này đã có mặt trong các hệ thống giá trị của tổ tiên, của giống nòi của dân tộc, với tên gọi là: giáo lý, được hiện diện ngay trong hệ thống giáo dục của một quốc gia từ dưới lên trên, từ tiểu học tới đại học.
Cốt của lương thiện, lõi của lương tâm giờ đã tạo ra lương tri: tri thức của lương thiện và lương tâm, luôn hiện hữu trong giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục xã hội…. Nên khi bạo quyền độc đảng công an trị khi nó truy cùng diệt tận các tù nhân lương tâm, thì nó là loại bất lương. Nên khi tà quyền độc đảng tham nhũng trị sử dụng mưu hèn kế bẩn để diệt các đứa con tin yêu của Việt tộc thì nó là loại bất nhân.
Nên khi quỷ quyền độc đảng toàn trị vận dụng phương châm giữ đảng hơn giữ nước trước Tàu tặc thì nó đi từ bất lương tới bất nhân, cụ thể là nó đang đi tà lộ từ vong quốc tới vong thân. Trên tà lộ này, khi nó thanh trừng lương thiện, thanh toán lương tâm để thủ tiêu lương tri để chôn lấp hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri) chính nó đang chôn sống nó trong vong bản vô lương!
Hệ liêm (liêm khiết-liêm chính-liêm sỉ-liêm minh).
Sạch bắt đầu trong không gian của nhân bản bằng sự trong sạch, trong không gian của nhân phẩm bằng sự trong sáng làm nên từ hệ liêm, với liêm khiết biết làm nên liêm chính để dựng lên liêm sỉ ngay trong nhân tính của mỗi cá nhân. Từ đây, chúng ta yêu cầu và đòi hỏi công pháp của xã hội và công luật của chế độ phải liêm minh.
Liên hợp liêm khiết-liêm chính-liêm sỉ-liêm minh chính là những tinh chất làm nên nhân cách thấy được qua nhân dạng, cảm nhận được qua nhân diện (trông mặt bắt hình dong). Liên hợp liêm khiết-liêm chính-liêm sỉ-liêm minh tạo ra liên minh của hệ nhân, từ nội dung (nhân bản, nhân phẩm, nhân tính) tới hình thức của hệ nhân (nhân diện, nhân dạng, nhân cách).
Trong một quốc gia thì hệ liêm là một hùng lực của xã hội dân sự biết yêu cầu, biết đòi hỏi để bắt buộc một chính quyền phải liêm khiết, một chính phủ phải liêm chính, một chế độ phải liêm sỉ, một pháp quyền phải liêm minh. Bạo quyền độc đảng công an trị không liêm khiết, tà quyền độc đảng tham nhũng trị không liêm chính, ma quyền độc đảng tham tiền trị không liêm sỉ, quỷ quyền độc đảng tham trừng trị không liêm minh.
Nhưng chính liên hợp liêm khiết-liêm chính-liêm sỉ-liêm minh sẽ chế tác ra liêm lực để xóa bạo quyền, tẩy tà quyền, vùi ma quyền, chôn quỷ quyền. Liêm lực có trong mỗi con dân Việt, vì hệ liêm có trong luân lý tổ tiên Việt, có trong giáo lý giống nòi Việt, có trong đạo lý dân tộc Việt.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).