Chủ Thể Công Lý (P4)

Công lý của xem, xét, xử
Thượng nguồn của hành tác công lý là xem và xét, để chuẩn bị cho hạ nguồn là xử trong phán quyết, xử như kết luận của công lý trên kết cuộc của đối thoại giữa nạn nhân và thủ phạm qua trọng tài của tòa án, qua đối chất giữa nạn nhân, thủ phạm, cùng các luật sư dưới trọng tài của thẩm phán. Nếu đối thoại và đối chất là quy trình mở, thì phán quyết để phán xử là một quy trình đóng, đóng lại sau khi đã có đầy đủ từ tin tức tới dữ kiện, với chứng tích, chứng từ, chứng nhân. Tại đây, một toà án lấy công tâm làm công minh để bảo vệ công lý bằng công luật, phải thể hiện những năng lực sau:
• Từ lập luận của chứng từ tới diễn luận của phán quyết, nơi mà luật là chung cho tất cả công dân, nhưng sự kiện làm nên sự cố trong đó có nạn nhân và có thủ phạm trong một hoàn cảnh đặc thù thì đòi hỏi khả năng và trình độ diễn luận của phán quyết.
• Từ diễn luận của phán quyết tới kết luận của phán xử, nơi đây có sự xung đột không những giữa lập luận của chứng từ và diễn luận của phán quyết, mà còn là nơi có thể có xung khắc giữa phán quyết và phán xử. Tại đây, có hai loại tòa án, loại thứ nhất là tòa án tồi là nhắm mắt xử theo luật hiện hành đã có sẵn, và loại thứ nhì là xử theo công lý của công bằng, trong đó có công tâm làm nên công minh để soi đường chỉ lối cho công luật.
Thảm kịch hằng triệu dân oan, bị bạo quyền độc đảng toàn trị tự lập ra luật: “Đất đai là sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý”, với phạm trù hoàn toàn mơ hồ là sở hữu của toàn dân để nhà nước quản lý với hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền). Từ đó cho phép nhà nước mượn danh của quy hoạch để phá nhà cướp đất dân lành, một sớm một chiều biến họ thành dân oan, trong nạn cảnh màn trời chiếu đất, trong hoạn cảnh đầu đường xó chợ, nhận kiếp bụi đời như oan hồn ngay trên quê hương Việt.
Đây là loại bất công đôi của mạnh được yếu thua trong một chế độ bạo quyền độc đảng toàn trị với man luật cá lớn nuốt cá bé, một loại bất công vĩ mô lên hằng triệu con dân của ba miền, phải nhận lãnh oan luật trong bạo pháp. Một thước vuông bị cướp đi thì chỉ được bồi thường có vài ngàn nhưng khi bạo quyền làm ô dù rồi chống lưng cho đám sân sau của chúng là các tập đoàn trọc phú -chỉ biết sống để vơ tiền- thì chúng bán lại một thước vuông hàng chục triệu, thì đây là loại bất công mà nhân gian Việt đã đặt tên là: trời không dung, đất không tha!
Hành luận 13 của chủ thể công lý là phải hiểu tầm vóc ngoại lệ của một vụ án, không còn là của một người với một nạn nhân và một thủ phạm, mà đây là vụ án với nạn nhân lên hằng triệu người, mà các chuyên gia quốc tế đã nhận ra là dưới bạo quyền độc đảng toàn trị của phá nhà cướp đất, Việt Nam đã trở thành một cường quốc dân oan. Một vụ án lớn trên nhân kiếp của hằng triệu đồng bào thì cần một tòa án lớn, với công tâm trong công minh để công lý thực hiện cho bằng được công luật! Nơi mà luật pháp không những phải bảo vệ mọi công dân, mà còn phải bảo hộ kẻ yếu, chính là kẻ không tự bảo vệ mình được. Và nhất là những kẻ yếu từ khi trở thành dân oan vẫn tiếp tục đấu tranh không những cho công lý của sự thật, công bằng của lẽ phải, mà còn đấu tranh cho nhân bản, nhân vị và nhân phẩm của họ.

Quy trình đúng của luật bằng quy trình trúng của pháp
Khi luật pháp đại diện cho công lý nêu một dữ kiện trong một tòa án, thì dữ kiện này sẽ được lập lý bằng chứng tích, lập luận bằng chứng từ, giải luận bằng chứng nhân, giúp thẩm phám của phiên tòa có được những diễn luận trong quy trình đúng của luật bằng quy trình trúng của pháp. Tại đây, không có những dữ kiện “vô thưởng vô phạt”, và không có những chứng tích “vô tích sự”, những chứng từ “vô căn cứ”, với những chứng nhân “ba phải”. Mà tất cả phải nhập nội vào quy trình đúng của luật bằng quy trình trúng của pháp, tại đây thẩm phán vừa phải áp dụng cái đúng của luật pháp, vừa phải có diễn luận trúng các dữ kiện, chứng tích, chứng từ, chứng nhân, vì:
• Mọi dữ kiện không lơ lửng mà được đặt trong một cấu trúc của sự cố, có tích và có sử của nó.
• Mọi chứng tích không hờ hững mà hiện diện hữu hiệu trong một cơ cấu, có đầu và có đuôi.
• Mọi chứng tích không ởm ờ mà có mặt trong một diễn biến nơi mà sự kiện đã thành sự cố.
• Mọi chứng nhân không vờ vĩnh mà được chứng kiến một cách trực tiếp hay gián tiếp vào sự cố đã thành biến cố, giờ đây có nạn nhân và có tác nhân có thể là thủ phạm gây ra thiệt hại cho nạn nhân.
Khi nhận diện được quy trình đúng của luật pháp bằng quy trình trúng của phương pháp diễn luận những dữ kiện, những chứng tích, những chứng từ, những chứng nhân, thì chính cái đúng liên kết cùng cái trúng để phán xét công tâm sẽ tạo nên phán quyết công minh, tự đó bảo vệ lẽ phải của công lý trước pháp luật. Từ đây, chúng ta sẽ nhận ra sự bất công của các tòa án do bạo quyền độc đảng toàn trị áp đặt lên luật pháp để chế ra các “án bỏ túi”.
Cụ thể là bạo quyền sẽ làm ra bạo quyết ngay thượng nguồn để chế ra bạo luật và bắt buộc các quan tòa ứng dụng bằng cách áp chế lên các nạn nhân, và biến các nạn nhân này thành thủ phạm, đây là một thảm kịch cho dân tộc Việt, xã hội Việt, và mai hậu sẽ là của giống nòi Việt, mà ta đã thấy qua các vụ án của:
• Dân oan, giờ đã là hàng triệu, không những không lấy lại được đất của mình, mà qua đấu tranh còn bị tù đày bởi những bạo luật giờ đã thành tà luật buộc tội dân oan là: “quấy rối trật tự công cộng”!
• Tù nhân lương tâm, những đứa con tin yêu của Việt tộc đã đấu tranh vì công bằng xã hội, công lý cho dân tộc, bằng công tâm của bác ái, bằng công minh của đạo đức tổ tiên, bị khủng bố, bắt bớ và phải nhận những bản án nặng nề của bạo luật giờ đã thành quỷ luật là “lợi dụng các quyền tự do…”!
Khi vận hành từ khảo sát tới điều tra bằng phương pháp luận của xã hội luật pháp, thì các chuyên gia đã thấy và thấu là bạo quyền độc đảng toàn trị đã lao lý hóa toàn bộ xã hội Việt, dân tộc Việt. Nơi đây thì tổ chức của xã hội được dựa trên bạo luật của bạo quyền, nơi mà sinh hoạt xã hội đã bị lao lý trị bằng công an trị, nơi mà quan hệ xã hội đã bị lao lý trị bằng tuyên truyền trị, nơi mà đời sống xã hội đã bị lao lý trị bằng ngu dân trị. Bạo quyền toàn trị làm ra bạo lực cai trị luôn dựa trên: công an trị, tuyên truyền trị và ngu dân trị.
Hành luận 14 của chủ thể công lý là phải phân biệt công lý với luật pháp, nhất là khi luật pháp đang nằm trong tay bạo quyền độc đảng toàn trị luôn chế ra những bạo luật không phải để quản trị xã hội, bảo trị đất nước, mà để cai trị xã hội, thống trị dân tộc, và sẵn sàng trừng trị bất cứ ai muốn bảo vệ công lý. Tại đây, chủ thể công lý phải đi xa hơn để thấy cho thấu là bạo lực của bạo quyền luôn thao túng luật pháp để biến nó thành công luật, mang bản chất của bạo luật, nơi mà đảng cầm quyền luôn đi trên lưng hiến pháp, trên vai công bằng, trên đầu công lý. Cụ thể là nó ngồi xổm lên hiến pháp, để đè bẹp công bằng, để nghiến nát công lý, vì nó đã tự cho phép nó chọn tư-cách-không-nhân-cách của Mã Giám Sinh: “Ghế trên ngồi tót sổ sàng”. Nó tót sổ sàng vì nó không nghe công tâm, không biết công minh, và không thấy công lý.

Công lý có ý nghĩa làm nên công lý của chính nghĩa
Khi tòa án đại diện cho công lý và thẩm phán đại diện cho pháp luật, thì chính thẩm phán phải có khả năng cùng kỹ năng:
• Áp dụng chỉnh lý để chỉnh luật là đưa ra khung chung của luật pháp để khuôn khổ hóa một sự kiện riêng rẽ đã thành một sự cố, và trước luật pháp là một biến cố, có thủ phạm đã gây ra những thiệt hại cho nạn nhân. Đây là quá trình diễn luận đòi hỏi lý trí của kẻ nhận vai trò tìm hiểu để thông hiểu.
• Áp dụng ý nghĩa là tìm hiểu nội dụng của sự kiện, nội hàm của sự cố, và ý nghĩa của biến cố (tại sao? vì sao?); đây là quá trình diễn luận đòi hỏi trí tuệ của kẻ nhận vai trò xem xét để xét xử.
• Áp dụng chính nghĩa là đưa các nội dung đạo lý của cái tốt, các nội hàm đạo đức của cái lành để xây dựng chính nghĩa cho luân lý của cái phải (làm nên lẽ phải). Chính nghĩa không bao giờ rời lẽ phải để tồn tại và sống còn như nhịp tim của công lý, đây là quá trình diễn luận đòi hỏi tuệ giác của kẻ nhận vai trò phán quyết để phán xử.
Thảm kịch của Việt tộc hiện nay như cá nằm trên thớt của bạo quyền độc đảng toàn trị được thực hiện bằng công an trị, tuyên truyền trị và ngu dân trị, nơi mà bạo luật đã thế công lý, tà luật đã thay công tâm, quỷ luật đã xóa công minh. Với công cụ của một tư pháp đã bị âm binh hóa, đã cúi đầu-khom lưng-khoanh tay-quỳ gối trước bạo quyền độc đảng toàn trị bằng những “án bỏ túi”, để biến nạn nhân thành thủ phạm, lấy tội ác chồng chất lên tội ác ngay trong những phiên tòa kín.
Nơi đây, bạo quyền độc đảng toàn trị hành tác bằng phản xạ truy cùng diệt tận, và ngay luật sư của nạn nhân là những chủ thể của luật pháp cũng phải cùng chịu sự đe dọa, khủng bố, trừng phạt như nạn nhân, với các tòa án diễn trọ bịp bợm với bối cảnh chứng tích bị tráo, chứng từ bị lận, chứng nhân bị đổi. Như ta đã thấy trong án oan của Hồ Duy Hải và nhiều nạn khác từ khi bạo quyền đã dùng bạo luật để quỷ trị con dân Việt.
Khi nghiên cứu về triết học của luật pháp, Kant có đề nghị là mọi khung chung của luật pháp cũng phải có tư duy để suy nghĩ bằng lý trí, suy ngẫm bằng trí tuệ, suy luận bằng tuệ giác, để công lý vừa hiểu được cái chung của luật, lẫn cái riêng của mỗi hoàn cảnh. Muốn thực hiện quá trình đi tìm công lý có ý nghĩa làm nên công lý của chính nghĩa bằng quá trình của lý trí-trí tuệ-tuệ giác, thì kẻ cầm kỷ cương của luật phải tuân thủ:
• Một luật pháp công minh không những là một luật pháp có chính nghĩa, mà còn là một luật pháp khi phán xét để phán xử hiểu được hoàn cảnh riêng bằng con người riêng, từ thủ phạm tới nạn nhân. Nơi mà mỗi hoàn cảnh có hiện cảnh riêng, với thực cảnh riêng của nó, nơi mà mỗi cá nhân có nhận thức riêng với ý muốn riêng với ý định riêng làm nên ý đồ riêng của cá nhân đó.
• Một luật pháp công minh không những là một luật pháp bảo vệ được công pháp làm nên công luật, mà còn là một luật pháp khi phán xét để phán xử thấu được tính liên hợp giữa luật pháp và công lý; tính liên kết giữa con người và sự kiện, để có phán xét đúng mà phản xử trúng.
Hành luận 15 của chủ thể công lý là thấy đươc công lý để thấu công tâm bằng tình công bằng không những trên mỗi công dân, để nhận ra nhận thức riêng của mỗi con người với ý muốn riêng với ý định riêng làm nên ý đồ riêng của con người này trong hiện cảnh riêng với thực cảnh riêng của nó. Câu chuyện công lý thấu công tâm không lý thuyết, cũng chẳng trừu tượng, mà là khả năng pháp lý của thẩm phán và tòa án nhận ra mối liên hệ giữa luật pháp trước diễn biến của một sự kiện mà trong đó công lý giải thích được ý nghĩa của sự kiện bằng công minh của luật pháp. Như vậy, trước khi công lý giúp luật pháp phán xử, thì công lý đã mở đường cho công tâm, để công tâm soi sáng mọi phán quyết bằng công minh.

Phán xét công bằng để phán xử công minh
Khi kết hợp luật học với xã hội học hình sự để nhận ra chân dung hình tướng của tội phạm, từ đó xây dựng tội phạm học, thì các chủ thể của luật pháp đã nhận ra:
• Khi nạn nhân cất tiếng nói về sự kiện đã làm nên sự cố trong đời của mình và đã gây ra những biến cố như là hậu nạn ngay trên cuộc đời của mình, thì lời nói của nạn nhân không những là phân bày để phân giải mà là tiếng nói của đau thương của nạn nhân, tiếng nói trước tòa án này không “ba phải”, không “vô thưởng vô phạt”, đó là tiếng nói có nỗi khổ niềm đau.
• Khi thủ phạm có tiếng nói về sự kiện đã làm nên sự cố do mình gây ra với những hậu quả lường được, kể cả hậu nạn không lường được. Thì lời nói của thủ phạm thường đi từ phân trần tới phân bua để giới hạn hành vi phi pháp, hành động phạm pháp của thủ phạm, cùng lúc tự giảm thiểu các hậu quả do mình gây ra, khi thủ phạm này không biết tự nhận lỗi, nhận tội, để vào quy trình hối lỗi.
Từ đây, công lý phải trợ lực cho luật pháp để vượt thắng ba thử thách ngay trong:
• định nghĩa: luật pháp là gì?
• định vị: khả năng của luật pháp là gì?
• định luận: niềm tin của luật pháp ở đâu?
Đây là ba loại câu hỏi mà luật học luôn cần sự trợ lực của tất cả các chuyên ngành của khoa học xã hội và nhân văn, và ba câu trả lời này đã có ba quy trình sau:
• Luật pháp vì công lý là luật pháp giữ được khoảng cách khách quan giữa lời nói của nạn nhân lẫn thủ phạm và sự hiện diện của hệ chứng (chứng từ, chứng tích, chứng nhân).
• Luật pháp vì công lý là luật pháp tách ra được bạo lực đã gây ra sự kiện, bạo hành đã gây ra sự cố, bạo động đã gây ra biến cố để từ đó mà bảo vệ quan hệ giữa người và người được xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau, từ tính mạng tới tài sản, từ đạo lý tới luân lý…
• Luật pháp vì công lý biết tổ chức đối thoại để đối chất bằng đối lý và đối luận ngay trong tòa án, mà luật pháp vì công lý còn biết ngừng đối thoại để vào quy trình phán xử khi hệ chứng (chứng từ, chứng tích, chứng nhân) đã đầy đủ.
Phán xét là quy trình mở để mọi tiếng nói từ nạn nhân tới thủ phạm, từ luật sư tới thẩm phán được phân bày, nhưng phán xử lại là quy trình đóng, vì xét xong thì phải xử. Và xử với cán cân của công lý có tay cầm là công bằng, tự biết giữ được thăng bằng trước mọi xung đột từ quyền lợi tới quyền lực. Và phán xử sẽ đi vào một quy trình mới:
• Kẻ nhận quyền phán xử phải hiểu xử-là-tách, tách ra những tác nhân đang bị mâu thuẫn về quyền lợi dẫn tới xung đột bằng bạo lực, trong đó bạo động trên thân xác lẫn bạo động qua kinh tế, tài chính… mà ta không quên qua ngôn ngữ, kỳ thị, phân biệt đối xử… Tất cả phải được phân xét rành mạch và phân xử rõ ràng.
• Kẻ nhận quyền phán xử phải tôn trọng công dân -từ nạn nhân tới thủ phạm- luôn được bảo vệ bởi luật pháp, và từ đây tiếng nói phán xử của một luật pháp chính thống là xác nhận sự phủ nhận của công lý trước mọi hành động gây ra bất công.
• Kẻ nhận quyền phán xử còn đi xa hơn nữa về chân lý của công lý, nơi mà sự thật làm nên phản xử, thì chính sự thật này sẽ là liều thuốc chữa trị các vết thương tinh thần của nạn nhân.
Sự thật cùng công lý còn biết chữa trị các đau thương của nạn nhân, nơi mà có những nạn nhân không cần tòa án trừng trị một cách sát phạt tội nhân, mà chỉ yêu cầu tòa án nói lên tiếng nói của luật pháp đại diện cho công lý để tuyên bố về sự thật của sự cố. Và khi sự thật được đưa ra ánh sáng của tòa án qua phán xử thì nạn nhân sẽ nhận được sự công nhận của công lý qua phán xử của luật pháp để vào quy trình chữa trị để xây dựng lại hiện tại và tương lai của mình. Đây chính là nội dung đạo lý của cái tốt, các nội hàm đạo đức của cái lành để xây dựng chính nghĩa cho luân lý của cái phải (làm nên lẽ phải) làm nên nội lực của công lý. Mà một bạo quyền độc đảng toàn trị vô tri, một hệ thống tư pháp vô minh, một mạng lưới tòa án vô giác, hoàn toàn vô cảm trước mọi nạn nhân, trước mọi hậu quả cho xã hội, trước mọi hậu nạn cho dân tộc không sao thực hiện được. Vì ngay trên thượng nguồn nó đã vô luân, cụ thể là nó lấy cái thất nhân bất đức cai trị và nếu cần là trừng trị những cái hay, đẹp, tốt, lành của công lý.
Hành luận 16 của chủ thể công lý có trong quá trình tỉnh thức qua hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức) là nếu một bạo quyền độc đảng toàn trị vô cảm, một hệ thống tư pháp vô giác, một tổ chức thẩm phán vô minh thì không sao xây dựng được công minh cho xã hội, văn minh cho dân tộc. Cho nên hành vi công lý không bị khung của luật pháp giới hạn, hành động công lý không bị khoanh chung quanh các bộ luật, hành tác công lý không bị khuôn của công luật chi phối. Mà công lý phải được đại diện bởi công dân, giờ đã là chủ thể công lý biết có tiếng nói trước các phiên tòa bất công, biết vạch mặt chỉ tên các thẩm phán bất nhân đã cúi đầu-khom lưng-khoanh tay-quỳ gối trước bạo quyền độc đảng toàn trị bằng những “án bỏ túi”.
***
Chân lý của công lý sẽ song hành cùng chủ thể công lý trong dấn thân, trong đấu tranh như một hằng số nhân tâm để đòi hỏi công lý. Chính các giá trị của cộng hòa là tự do, công bằng, bác ái là gốc rễ, cội, nguồn của công lý để xây dựng dân chủ trong đa nguyên vì nhân quyền, đã làm sáng tỏ câu chuyện văn minh của một dân tộc, văn hiến của một giống nòi.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s