Chủ Thể Công Lý (P3)

Quý công lý để trọng nhân quyền
Một định nghĩa đúng về nhân quyền luôn được kèm theo những định nghĩa trúng về công lý, và muốn bảo vệ định nghĩa đúng về nhân quyền thì ta phải nhận ra ít nhất là bốn không gian công lý có mặt trong quan hệ xã hội được bảo chứng và bảo vệ bởi:
• Công lý phân chia, từ vật chất tới kinh tế, từ xã hội tới văn hóa… khi phân chia thì công bằng sẽ chủ đạo, mặc dầu mỗi cá nhân sinh ra trong môi trường gia đình, trong thực cảnh giáo dục, trong hiện cảnh tài chính khác nhau. Nên công bằng trong phân chia phải luôn song hành với công bằng trước các cơ may được thành người từ văn hóa tới xã hội.
• Công lý xã hội, nơi mà từ điều kiện làm người tới điều kiện nên người, từ thành tựu trong học đường tới thành tài trong nghề nghiệp, rồi thành đạt trong kinh tế tới thành công trong xã hội, phải được công bằng bảo hành.
• Công lý hợp đồng, với sự hợp lực của tập thể, của cộng đồng, của dân tộc trên các quy ước xã hội, lấy đoàn kết để tổ chức tương trợ, lấy nhân đạo để bảo vệ nhân sinh. Từ đây loại ra hành động mạnh được yếu thua, khử đi hành vi cá lớn nuốt cá bé, để xây dựng nhân bản bằng nhân từ, lấy công lý mà phục vụ cho bác ái.
• Công lý hình sự, với pháp luật biết xem tội trạng, xét tội đồ, xử tội phạm bằng công lý, biết dựa lên công tâm, có công luật biết đặt lên công pháp. Có lỗi khác với tội, có tội có thể giáo huấn, có tội phạm được phân xử tới nơi tới chốn bằng con đường nhân quyền của nhân tri biết bảo vệ nhân phẩm.
Hành luận 9 của chủ thể công lý là bảo vệ tiếng nói của công lý, bằng định nghĩa đúng về nhân quyền, luôn phải được song hành với những định luận đúng về công lý, nơi mà tiếng nói của công lý thay thế cho bạo lực của oán trả oán, thù trả thù, ăn miếng trả miếng. Một tiếng nói mang đủ nội lực của công tâm, sung lực của công pháp, hùng lực của công luật, ngăn chặn không cho bạo động tay đôi, không cho luật pháp sẽ tạo ra bạo hành mà lây lan trong xã hội. Vì tiếng nói của công lý bảo vệ quan hệ xã hội, tại đây đời sống xã hội không có bạo động, sinh hoạt xã hội không có bạo hành, tổ chức xã hội không có bạo quyền. Tiếng nói của công lý biết lấy công bằng để chế tác ra quy trình bất bạo động trong mọi định chế của xã hội.

Công lý của sự thật và lý công của đối thoại
Công lý phải có nền của sự thật và khả năng đối thoại để đi sâu vào dữ kiện, đi xa vào chứng từ để đi cao trong phán xét đóng góp rộng vào phán quyết của công lý. Từ triết học đạo đức tới xã hội học truyền thông, Habermas đề nghị khi đối thoại song hành cùng công lý, thì đối thoại vừa là đạo lý của quan hệ giữa người và người, mà đối thoại còn là một phần xương thịt của sự thật, vì sự thật sẽ được phơi bày qua đối thoại.
Ngay trên mệnh đề lý công của đối thoại, thì các chế độ độc đảng toàn trị, như ĐCSVN hiện nay rất sợ đối thoại, vì khi chấp nhận đối thoại trước sự thật, thì sự thật sẽ tạo ra đối trọng, chân lý sẽ dựng lên đối kháng và lẽ phải sẽ xây lên đối lực… Chính hệ đối (đối thoại, đối lý, đối luận, đối trọng, đối kháng, đối lực) luôn là nguồn cội của sự thật được phân tích đa diện, của chân lý được giải thích đa chiều, làm nên cơ sở cho đa nguyên, mà các chế độ độc đảng toàn trị xem là “kẻ thù không đội trời chung” của chúng.
Khi sự vận hành của công lý được song hành bằng hành động đối thoại thì tiếng nói của mỗi bên từ nạn nhân đến thủ phạm, từ thẩm phán tới nhân chứng được tôn trọng. Sự tôn trọng bắt đầu từ tin tức tới dữ kiện, từ chứng nhân tới chứng thư, từ mô tả tới phân tích, từ phân trần tới giải thích, đây chúng là xương, thịt, máu, da… làm nên thể lực và sức sống của sự thật, mà công lý phải dựa vào để phán xét rồi phán xử. Chính đối thoại khi đại diện cho đạo lý trong quan hệ giữa người và người, cho quá trình của sự thật được xếp đặt và xếp loại tự điều tra tới khảo sát, từ phân tích tới phân giải.
Hơn thế nữa chính đối thoại sẽ đưa chứng nhân, chứng tích, chứng thư vào quy trình của sức liên hợp các dữ kiện, sức liên kết các chứng từ để tự đó lập ra liên minh giữa sự thật và đối thoại. Để từ đây lý luận về dữ kiện, lập luận về chứng từ được đi về hướng của giải luận các khúc mắc của hệ cảnh (hiện cảnh, thực cảnh, bối cảnh) đã làm nên sự cố, đã gây ra biến cố, trong đó có thủ phạm và có nạn nhân, có chứng nhân và có chứng tích…
Có hai loại đối thoại chung quanh một toàn án: một là đối thoại mở và hai là đối thoại đóng, mà đối thoại mở mang nền móng của ba giá trị cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái), được trợ lực bằng hai giá trị khác của dân chủ (nhân quyền, đa nguyên). Nơi đây, tin tức được tự do truyền thông phân tích, nơi mà công bằng trong thông tin bảo vệ được bác ái đối với nạn nhân và bảo đảm luôn đa nguyên trong dữ kiện đối với thủ phạm, tất cả đều được các nguyên tắc của nhân quyền bảo chứng và bảo trợ.
Ngược lại, trong thì các chế độ độc đảng toàn trị, như ĐCSVN hiện nay, thì rất sợ các giá trị cộng hòa lấy công bằng để trợ duyên cho công lý, rất ngại giá trị của dân chủ lấy đa nguyên làm nên tự do đa chiều của tin tức, đa dạng của chứng tích, mà xây dựng sự thật cho công lý, vì một sự thật không bao giờ một chiều.
Hành luận 10 của chủ thể công lý là đối thoại đóng cửa thì các chế độ độc đảng toàn trị, như ĐCSVN hiện nay, chỉ có thể lập ra những bản án bỏ túi, nơi mà độc đảng toàn trị sử dụng công an trị, thanh trừng trị, cực quyền trị… để thay thế tư pháp, để mạo danh tòa án mà làm nên những bản án ngược sự thật, trái luân lý, phản lẽ phải. Nơi mà tòa án bị đóng kín, và các tên thẩm phán chính là loại tội đồ vào vai, gây thêm tội ác ngay trên tội ác đang bị chúng che lấp, trùm phủ, giấu kín theo lệnh của chuyên chính vô sản với tên gọi nhưng hoàn toàn là chuyên chính vô học trước công lý, trước công tâm.

Công lý của lẽ phải và lý công của đối chất
Nhân kiếp hiện nay của Việt tộc bị siết ngộp bởi loại tòa án diễn tuồng, chánh án diễn trò, thẩm phán diễn vai, để tráo sự thật, để lận chân lý, để gian lẽ phải. Từ án oan của Hồ Duy Hải mà chính các cơ quan từ công an tới tư pháp tự cho phép tráo chứng tích, đổi chứng nhân cho tới vết bẩn phản công lý của ĐCSVN khi nó biến các đứa con tin yêu của Việt tộc đã yêu nước thương nòi thành các tù nhân lương tâm.
Hơn hàng trăm tù nhân lương tâm hiện nay với các bản án vô cùng nặng nề đang trong vòng lao lý ngay trong cơ ngơi tội ác của độc đảng toàn trị ngày ngày tận dụng công an trị, thanh trừng trị, cực quyền trị… Chính đây là tội ác vòng thứ ba có lao tù trong cực hình, có khủng bố tinh thần với đe dọa về thể xác, có ám hại bằng bạc đãi song hành cùng ám sát dần mòn, từ thể lực tới trí lực các tù nhân lương tâm.
Hành tác của công lý không ngừng ở phân tích chứng tích, phân giải chứng thư, phân loại chứng nhân mà công lý còn đi xa hơn nữa trong việc thấu đáo sự thật để lĩnh hội lẽ phải. Nơi mà, nạn nhân được phân bày, và tội phạm được phân trần, trong những tình huống nhất định làm câu chuyện có thể được kể từ gốc rễ ngọn ngành tới dây mơ rễ má.
Hành tác của công lý còn phải đi xa hơn nữa là trên chỉ một câu chuyện nhưng có nhiều người kể, và có nhiều cách kể khác nhau, tất cả đóng góp vào quá trình nhận ra sự thật, xa hơn nữa là quy trình nhận ra lẽ phải, bằng chỉ báo của đạo lý có mặt trong sự kiện, chỉ báo của đạo đức có mặt trong sự cố, chỉ báo của luân lý có mặt trong biến cố.
Chính tại đây, công lý bằng đối thoại đã tạo điều kiện cho đối chất giữ các chứng tích, chứng từ, chứng nhân không những đã lập lại được quá trình nhận ra sự thật, mà để mở cửa cho lẽ phải xuất hiện với đạo lý, đạo đức, luân lý. Hành tác của công lý phải đi sâu thêm về cường độ của tội ác, mật độ của tội trạng, để nhận ra là mỗi lần tội phạm leo thang bằng tội ác thì lẽ phải sẽ bị chà đạp, vùi lấp theo toan tính về mức độ gây tổn hại cho đồng loại, cho tha nhân.
Hành tác của công lý trước phương trình cường độ-mật độ-mức độ của tội ác phải là nội công sáng suốt của công lý, bản lĩnh tỉnh táo của công pháp, tầm vóc minh triết của công luật, hãy đi sâu vào hành tác của công lý trước phương trình cường độ-mật độ-mức độ của tội ác:
*Một kẻ dùng thuốc độc giết một kẻ khác không thể xử cùng cường độ, xử chung mật độ, với một tập đoàn dựa vào quan hệ gia đình với bà bộ trưởng Bộ Y tế, để trúng thầu rồi bán thuốc ung thư giả cho các bịnh viện, mà nạn nhân lên hằng nhiều ngàn người.
*Một nạn nhân qua bè đảng trong quan hệ ô dù-chống lưng-sân sau, sa vào vòng lao lý và bị thủ tiêu ngay trong nhà tù bởi đồng bọn trong quy luật cấm khẩu để che lấp tội ác, không thể xử cùng cường độ, xử chung mật độ với các phương cách thanh trừng trong nội bộ ĐCSVN, với những tướng lĩnh, những lãnh đạo bị thanh trừng trước mỗi đại hội đảng, từ khi ĐCSVN nắm độc quyền chính trị.
* Một bè đảng tướng lĩnh tổ chức đánh bạc lậu trực tuyến để vơ vét tiền tỷ không thể xử cùng cường độ, xử chung mật độ với các lãnh tụ đã kết trao Hoàng Sa cho Tàu tặc, lại ký thêm mật nghị Thành Đô cùng một loạt mật ước với Tàu phỉ, đã trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện chuyện buôn dân bán nước cho Tàu tà.
* Một đám buôn người, buôn nội tạng vận dụng chuyên xuất khẩu lao động bán nam giới để làm lao nô, bán nữ giới để làm nô tỳ, cả trẻ con qua các nước láng giềng không thể xử cùng cường độ, xử chung mật độ với chính sách Cải Cách Ruộng Đất 1956-1958 đã giết hại hàng trăm ngàn sinh mạng của đồng bào miền Bắc.
* Một tai họa ô nhiễm môi trường trên sáu tỉnh miền Trung do Formosa gây ra làm chết ngư trường không thể xử cùng cường độ, xử chung mật độ với chính sách thủy điện gây lũ lụt chết người hằng năm, với chính sách nhiệt điện đang sinh ra các làng ung thư, giết dần giết mòn dân tộc.
Hành luận 11 của chủ thể công lý là cương quyết chống lại mọi nguyên nhân gây nên tội ác của độc đảng toàn trị, đã bày biện bằng giả dối, nơi mà xét xử không qua đối thoại công khai, không qua đối chất chính thức. Chủ thể công lý phải thấu được hành tác của công lý trước phương trình cường độ-mật độ-mức độ của tội ác. Từ đây, chủ thể công lý xem mà xét cho tới nơi tới chốn nơi mà độc đảng toàn trị sử dụng công an trị, thanh trừng trị, cực quyền trị… đã xây bất công bằng bất công để tiêu diệt công lý, đã gây ra tội ác để đắp bồi cho tội ác mà thủ tiêu công tâm. Đừng ngừng ở tội ác của một cá nhân, mà phải thấy cho thấu rồi xem để xét tội ác của một chế độ, một cơ chế, một hệ thống tạo đặc quyền, đặc lợi, đặc ân bằng bất công và tội ác, chống lại chính đồng bào, giống nòi.

Công lý bảo vệ công dân qua công bằng
Công lý bảo vệ công dân bằng hiến pháp làm nên nền móng của pháp luật trên cội nguồn của công bằng, nơi mà nạn nhân và tội phạm được xem, xét, xử trên định vị công dân của họ. Trên cơ sở này, công lý được đại diện bởi toà án có những hành tác sau:
• Đối thoại giữa nạn nhân và thủ phạm qua trọng tài của tòa án, nơi mà tòa án có tiếng nói của pháp luật được định vị như một phạm trù của pháp lý, sẽ làm khung chung cho đối thoại. Chính khung chung này làm nên cái chung của luật pháp phải xử một lỗi, một tội có bối cảnh riêng, với thực cảnh riêng làm nên hiện cảnh riêng, mà luật pháp xây dựng khách quan lại hiện trường.
• Đối chất giữa nạn nhân, thủ phạm với thẩm phán trước tòa án, nơi mà thẩm phán đại diện cho tiếng nói của công lý bằng luật pháp. Cũng tại đây, thẩm phán vừa đại diện cho luật pháp, vừa thấy sự cố, thấu biến cố, để lập luận trên chứng từ, chứng tích, cùng lúc phải diễn luận trên quá trình tự sự của mỗi chứng nhân. Thử thách của thẩm phán là sự thông suốt luật pháp luôn biết bảo vệ công dân, song hành cùng sự thông hiểu sự cố đã làm nên biến cố với các hậu quả của nó đối với nạn nhân.
Khi lập được tính liên kết công lý bảo vệ công dân qua công bằng, thì thẩm phán vừa đại diện cho luật pháp, vừa đại diện cho liên hợp công lý-công bằng-công dân, nơi mà nạn nhân, thủ phạm đều là công dân, tại đây thẩm phán phải tuân thủ quy trình công lý-công pháp-công tâm sau:
• Tách bạo lực ra khỏi mọi phán xét trước khi phán quyết, không sử dụng bạo lực để trị bạo lực.
• Loại bạo động ra ngoài mọi phán quyết trước khi phán xử, không vận dụng bạo động để ngăn bạo động.
• Khử bạo hành ra xa mọi phán xử trước khi tuyên án, không tận dụng bạo hành để chặn bạo hành.
Thảm kịch của độc đảng toàn trị do ĐCSVN đã và đang áp đặt lên dân tộc một bạo quyền của hệ bạo (bạo lực, bạo động, bạo hành) đã công cụ hóa tư pháp, nơi mà tư pháp chỉ thực hiện quyết định của hệ bạo, trống công lý, vắng công pháp, rỗng công tâm. Nơi mà các án bỏ túi làm theo bạo lực của độc đảng trị, bạo động của độc quyền trị, bạo hành của công an trị, đã biến các chủ thể của công lý thành các tù nhân lương tâm. Cụ thể là biến các đứa con tin yêu của Việt tộc thành những tội phạm trên các luật hình sự do chính bạo quyền độc đảng toàn trị đặt ra, viết ra để tự sử dụng cho loại tòa án tôi tớ của ĐCSVN, nơi mà những thẩm phán là đám nhắm mắt-cúi đầu-khom lưng-khoanh tay-quỳ gối trước mọi mệnh lệnh ngược công lý, trái công pháp, phản công tâm của ĐCSVN. Chính nền tư pháp thất nhân bất đức loại này đã bạo hành hóa luật pháp, với những bản án vô cùng nặng nề đối với các chủ thể công lý chống bọn tham quyền để tham nhũng, chống đám độc tài nhưng bất tài, chống lũ độc trị trong vô pháp trị của ĐCSVN.
Hành luận 12 của chủ thể công lý là phải nhận ra tầm vóc của các chủ thể xã hội đã bị những án oan bởi án bỏ túi của một tư pháp không bảo vệ công lý mà sẵn sàng gắp lửa bỏ tay người, ngậm máu phun người, chỉ biết tuân lệnh theo mệnh lệnh của bạo quyền độc đảng toàn trị. Chủ thể công lý còn phải nhìn xa, đào sâu, đi rộng, leo cao hơn nữa để thấy mọi hậu nạn qua nhiều thế hệ, nơi mà tội ác gây ra tội ác, cụ thể là tội ác bây giờ đang vun, bồi, đắp, dựng ra tội ác cho mai sau. Với một loạt hậu nạn mà chưa có một nghiên cứu cao, sâu, xa, rộng nào của khoa học xã hội và nhân văn tìm tới nơi, đi tới chốn. Đó là quá trình tham quyền để tham nhũng, độc tài nhưng bất tài, độc trị nhưng không tôn trọng tôn ti trật tự đạo lý của tổ tiên Việt của ĐCSVN. Tại đây, các lãnh đạo của ĐCSVN đã gây ra một loại tội ác vô hình, nhưng đã lan tỏa ra cùng khắp nhân kiếp Việt đó chính là chặn đường phát triển đất nước, ngăn lối tiến bộ xã hội, khử nhân lộ văn minh của dân tộc, để cuối cùng là gạt phăng đi cơ may thăng hoa của giống nòi Việt.

Chủ Thể Công Lý (P4)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s