Chương IV: Lý luận thành lập Duy Dân Cơ Năng trong Quốc Dân biên chế
Duy Dân Cơ Năng nghiên cứu về hoạt động của quốc gia chia ra 2 phần: Chính và trị. Chính là quyền lực của quốc dân, là động cơ chính trị của quốc gia. Trị là thực tại lực lượng chấp hành nền hành chính của quốc gia.
1. Chính: Gồm Quốc Dân đoàn và Công Dân tầng.
a. Quốc dân đoàn
Là đáy tầng gồm cả trai, gái, lớn bé. Mục tiêu chủ yếu là hoạt động cương thường gồm:
– Sinh hoạt gia đình chỉ đạo.
– Xã hội sinh hoạt chỉ đạo.
– Hôn nhân thực hành.
– Hoạt động văn hóa.
Mọi người trong quốc dân đoàn đều có thể tùy theo xu hướng của mình mà tổ chức sinh hoạt văn hóa, xã hội.
b. Công dân tầng
Trên Quốc Dân đoàn là Công Dân tầng thuộc các cấp xã, hạt, huyện, tỉnh… cao nhất là Quốc Chính Công Dân tầng.
Theo LĐA thì Quốc Dân là mọi người. Công dân là người trực tiếp tham dự chính quyền (đúng ra phải là sinh hoạt chính trị, trong hay ngoài chính quyền là tùy lúc) có những điều kiện:
– Tuổi (18) và kinh nghiệm (nếu là 18 tuổi thì kinh nghiệm sinh hoạt chính trị từ đâu có? Và thế nào gọi là “kinh nghiệm chính trị? Tham dự đảng? Tham dự thảo luận, nghiên cứu chính trị? Hay hoạt động xã hội?)
– Đạo đức và tư cách (đánh giá theo tiêu chuẩn nào, ai đưa ra?)
– Học vấn và năng lực tham chính, xử trí chính trị (nghĩa là đã từng trải qua công việc như vậy. Nhưng cơ hội đó từ đâu ra?)
– Nghĩa vụ phục vụ quốc gia (phải chăng LĐA muốn nói đến nghĩa vụ quân sự, quân dịch?)
Phải chăng bốn điều kiện trên cần phải có để tham dự vào công dân tầng? Nếu thiếu một trong bốn điều kiện trên thì cái thiếu nào chấp nhận được và cái thiếu nào không chấp nhận được: thí dụ thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu đạo đức thì cái thiếu nào chấp nhận được và cái thiếu nào không chấp nhận được? Đây là những câu hỏi mà một cơ chế chính quyền Duy Dân tương lai cần phải tìm câu trả lời để có Công Dân tầng có khả năng và nhân cách để làm công việc điều hành đất nước.
Đó là công dân tầng chế độ để tạo giá trị cho công dân. Đây là một sự bảo đảm cho nền dân chủ có chỉ đạo, có chuyên môn cho sự sáng suốt chính trị, xử trí chính trị của quốc dân; đây là dân chủ trực tiếp và thực tại vì tất cả công dân đều tham gia vào chính trị, không qua gián tiếp bầu cử. Sự chia giai tầng không thành giai cấp vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Sự kiện quyền lợi, nghĩa vụ, cơ hội bảo đảm công dân tiến bộ để đưa quốc gia theo một kế hoạch hướng thượng. Theo LĐA thì điều lệ trong Cơ Năng Nội Tắc rất hệ trọng {ai sẽ đặt nội tắc này? Nếu tất cả công dân tầng (những người tham chính có những quyền quyết định ảnh hưởng đến xã hội) tham gia vào chính trị thì cũng giống như các chính trị gia đều tham gia vào chính trị. Vậy thì Duy Dân Cơ Năng khác với hệ thống dân chủ thế giới ra sao? Người ta có thể gọi giai cấp cầm quyền thì Công Dân Tầng cũng được gọi là giai cấp cầm quyền. Chẳng lẽ chỉ đổi chữ thì đã là khác biệt? Hay chính tu dưỡng bản thân là căn bản để tạo ra một công dân tầng đạt được Tam Nhân và từ đó tạo ra sự khác biệt giữa Duy Dân với nền dân chủ của thế giới?}
Nhân sự trong các tầng Công Dân lớp dưới nếu không được thăng cấp trong thời hạn nhất định sẽ bị đào thải (Như vậy phải chăng Công Dân tầng cấp huyện cao hơn Công Dân tầng cấp xã? Mặt khác xét về khả năng thì con người sinh ra với “khả năng” và “tất năng”: Nếu khả năng của một cá nhân chỉ ở mức độ B thì suốt đời anh ta chỉ có thế thôi, cho dù có huấn luyện để theo thời thế thì cũng chỉ ở cấp độ đó thôi. Vậy không có lý do gì sa thải một công chức chuyên cần để tìm người khác chắc gì đã khá hơn? Rồi người mới làm không được việc thì sao? Còn người cũ sẽ đi về đâu kiếm việc nào khác? Hay ăn bám xã hội? Còn nếu anh ta có “tất năng” thì tự động anh ta sẽ tìm cách tiến lên để góp tài sức cho quốc gia. Vậy ai sẽ quyết định sự thăng cấp của Công Dân tầng? Phải chăng trách nhiệm này của Quan Chính Viện?)
Để tránh lũng đoạn, Công Dân tầng cấp trên không có quyền xử trị cấp dưới (Đành rằng sinh hoạt địa phương của cấp xã thì cấp Huyện không nên can thiệp nhưng trong phạm vi nào? Nếu trường làng dạy học sinh không đủ khả năng học trường Tỉnh thì sao? Hay luật cấp Xã đi ngược lại luật cấp Huyện thì sao? Phải chăng trên lĩnh vực (giáo dục là thí dụ) có thể ảnh hưởng đến cấp khác thì cần phải có chính sách rộng lớn từ Trung Ương? Ngoài ra những đơn vị quản trị khác như cảnh sát, cầu cống, sinh hoạt chợ búa thì địa phương tự quản lý mà cấp khác không xen vào).
Nội vụ quản lý của mỗi địa phương phải được Công Dân Quan quy định về
(a) nội vụ sinh hoạt:
– Trí thức chỉ đạo
– Xã hội sinh hoạt chỉ đạo
– Quân sự huấn luyện: Các công dân mỗi cấp chỉ định bầu cử ra một ủy ban trị sự 6 tháng để phụ trách sự chỉ đạo của công dân. (tại sao lại là Quân sự huấn luyện trong khi đó nội dung nói đến một ủy ban trị sự để phụ trách Công Dân? Hay chữ Quân Sự đã viết sai? Hay đang nói đến một sự huấn luyện của quân đội để khi có chiến tranh, các Công Dân này ra trận? Hay đây chỉ là bộ phận huấn luyện về quân sự cho đáy tầng và nếu như thế thì khả năng ra sao để làm chuyện huấn luyện quân sự?)
– Nguyệt dân bình (hội nghị kiểm thảo hàng tháng, khen thưởng hoặc phạt)
(b) Chính trị sinh hoạt gồm có:
Đây nói về sinh hoạt của Công Dân tầng địa phương được chỉ định bằng cách bầu cử Trung Tâm Hội Nghị qua Ủy Ban Thường Trực trong phạm vi (huyện, hạt, xã..) nếu là việc lớn thì phải họp toàn thể công dân. Công dân tầng chỉ định quyền hạn và nội quy sinh hoạt của Trung Tâm Hội Nghị ở trong mỗi phạm vi và mỗi trung tâm. Công dân tầng có Ước pháp địa phương (nội vụ ước lệ) nhưng không đi ngược lại Hiến Pháp quốc gia.
Quan hệ giữa các công dân tầng là Trung Tâm Hội Nghị tầng trên có quyền giám đốc tầng dưới.
(Trong trường hợp nào? Phải chăng chỉ khi nào vượt quá khả năng của tầng dưới về nhân sự, vật lực thì mới can thiệp vì nếu tầng trên luôn luôn can thiệp vào tầng dưới thì có gì gọi là Dân Chủ?)
Sự tổ chức bầu cử địa phương theo hạn kỳ do Trung Tâm Hội Nghị đề nghị. Trên công việc hành chính của quốc gia, mỗi cấp đều thụ lịnh của cấp trên.
2. Trị :
Là lực lượng thực hiện các công việc điều hành quốc gia hàng ngày (hành chính) gồm các tầng sau đây: quốc trị, xã tự trị, tỉnh và hạt bán tự trị.
Tổ chức trị quyền gồm có các cơ cấu chính quyền sau đây:
Xã tầng: Đứng đầu có xã trưởng, dưới có xã phó giữ việc giáo hóa phong tục, luân lý, giáo vận trong đơn vị xã.
- Xã bảo giữ việc thể dục, cảnh sát, vệ sinh và vệ sinh giáo dục.
- Xã sư chỉ đạo về giáo dục, tri thức chuyên môn, văn hoá hoạt động của hàng xã trông về sự bảo đảm. Bốn người đó kiêm trông coi về đơn vị học hiệu hàng xã giáo và dưỡng, hai tính cách cùng đi đôi trong công việc hàng xã. (xã sư phải chăng nói đến thầy/cô giáo lo về giáo dục văn hóa của làng xã?)
- Bên cạnh xã trưởng còn có: Chỉnh lý viên hàng xã, tức là tham mưu trưởng cho Xã Trung Tâm Hội Nghị; thu thập các tài liệu địa phương tàng trữ.
- Bình phẩm viên giám sát, đề nghị ý kiến tới hàng xã.
Xã trưởng, Hạt, Huyện, Tỉnh, Quốc Trưởng đều là hệ thống quốc thể được tôn trọng như tối cao.
Hạt tầng: Hạt trưởng, bên cạnh có chỉnh lý viên và bình phẩm viên, dưới có mấy thông sự.
Huyện tầng: Có quy mô một tự trị cấp. Đứng đầu là huyện trưởng giám đốc các bộ phận: dân trị, tài chính, không chính, nội chính, thống chính, pháp chính, bên cạnh có chỉnh lý viên và bình phẩm viên.
Tỉnh tầng: Tỉnh trưởng, dưới có thông sự, bên cạnh có chỉnh lý viên và bình phẩm viên.
Quốc tầng: Nhân vi tuyển trạch, tự nhiên tuyển trạch, nhân vi đào tạo, tự nhiên đào tạo. Theo LĐA thì sự thực hành đào tạo và tuyển trạch thuộc về quốc dân nắm giữ trong Chính Trị Nguyên Cơ (Duy Dân Cương Thường, Đinh: Chính Trị Nguyên Cơ)
(Nhưng trong Chính Trị Nguyên Cơ thì Công Dân đoàn cử đại biểu lên Trung Tâm Hội Nghị hành xử quyền Lập Pháp. Toàn Xã công dân đoàn chính là cơ tầng ý chí và quyết định sau rốt (cuối cùng) của các việc quân quốc trọng sự… Nếu chỉ là thí dụ của Hội Nghị Diên Hồng thì rất phù hợp nhưng trong sinh hoạt của một quốc gia dân chủ thì sự quyết định công việc dựa vào 2 tầng lớp cao nhất (Trung Tâm Hội Nghị) và thấp nhất (Công Dân Đoàn Xã) khó mà thực hiện đồng nhất trên mặt Lập Pháp. Phải chăng ở đoạn này đang nói đến khi có chiến tranh, những chuyện hệ trọng của quốc gia thì quyết định vẫn từ bên dưới mà Xã chỉ là thí dụ điển hình bởi nhiều xã sẽ thành Huyện, nhiều Huyện thành Tỉnh, thành phố. Vậy thì công dân tầng ở cấp dưới vẫn là người quyết định tuyên chiến hay hòa thay vì là Quốc Trưởng và Trung Tâm Hội Nghị ở cấp quốc gia).
Tất cả những năng lực quốc dân đều hướng thượng, quốc gia phải phụ trách về sự suy động cái hướng thượng ấy, coi tất cả khuynh hướng của quốc dân là đồng đẳng, quốc dân có quyền giám đốc quốc gia. Cho nên về công dân hoạt động, những nhân viên hành chính không được dự. (Tương tự như trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ: các nhân viên không được tham dự các hoạt động đảng chính trị trong giờ làm việc hay sử dụng các phương tiện của chính phủ trong việc riêng (cá nhân) nhưng ngoài giờ làm việc thì không cấm. LĐA không nói rõ như vậy nhưng chúng ta có thể hiểu là nhân viên hành chính (công chức) thì phải độc lập không theo phe đảng như các công dân hoạt động ngoài chính quyền).
Vấn đề giai cấp kinh tế không thấy trong các điều kiện của Công Dân tầng “vì quốc dân sinh hoạt tức là tinh thần sinh hoạt. Vả lại theo Bình Sản Kinh Tế, tất nhiên phải bỏ điều kiện kinh tế, cho nên Duy Dân Cơ năng không đi đến phát triển giai cấp”.
(Phải chăng đây là lý do khiến LĐA phải “tốc giảng” về Duy Dân Cơ năng? Trong Duy Dân Cơ Năng (bộ 5 Kiến Quốc) không nói đến lý do kinh tế hay Bình Sản Kinh Tế mà chỉ chú trọng về Cơ Năng Hiến Pháp. Khi nói “quốc dân sinh hoạt” = “tinh thần sinh hoạt” thì chẳng lẽ quy luật “tinh thần và vật chất đối lập thống nhất” không được áp dụng hay sao? Còn tại sao lại biện luận vì không có điều kiện kinh tế nên dựa vào “Bình sản kinh tế” nên “tất nhiên phải bỏ điều kiện kinh tế” ? Biện chứng pháp nào vậy? Nếu nói là không nhắc đến điều kiện kinh tế vì Bình Sản Kinh Tế sẽ giải thích sau thì hợp lý hơn. Nếu LĐA nói về “toại kỳ sở nhu, tận kỳ sở năng, chính kỳ sở mệnh” thì bạn phải chọn hoặc làm kinh doanh (thương gia) hay hành chính (công chức) cũng như phục vụ quốc gia (chính trị gia: cầm quyền) hay làm giàu (tư bản). Tuy hai vai trò cần có nhau không có nghĩa là một người làm hai việc vì đi ngược lại “tận kỳ sở năng” (con người có 24 giờ/ngày) nếu bạn dồn hết tâm sức vào thương mại thì không thể gọi là am tường về chính trị được trừ khi bạn cai trị kiểu nhà tu: không Tham-Sân-Si, vô vi ,vô ngã… và nếu toàn dân tu dưỡng như vậy thì đó là cõi Cực Lạc).
Lại Nguyên (chức năng sửa trị cao nhất) Công Dân tầng là Tối Cao Lập Pháp xây dựng bằng cách triệu Cách Mạng Công Dân tầng:
– Đảng viên Duy Dân
– Các đồng chí các đảng phái khác phấn đấu cho quốc gia.
– Các thành phần khác phấn đấu cho quốc gia.
– Những người có tài, khả năng kiến thiết.
Cách Mạng Công Dân tầng và Chính Trị Nguyên Cơ trong nước là hành động quyền lực quốc chính, vào bầu lấy Cách Mạng Trung Tâm Hội Nghị (Trước khi cách mạng xảy ra thì Công Dân tầng sẽ xuất hiện như thế nào? Do đảng viên Duy Dân tiến cử, thành lập? Trung Tâm Hội Nghị xuất hiện trước hay sau cách mạng? Nếu lực lượng cách mạng không đồng ý với Trung Tâm Hội Nghị thì sao?).
Kết luận
Đi qua nội dung của Duy Dân Cơ Năng tốc giảng chúng ta thấy LĐA đưa ra (1) cương thường của cơ năng; (2) tinh chỉ của cơ năng; (3) lập pháp về Hiến Pháp của Cơ Năng; (4) sự phân biệt giữa CHÍNH và TRỊ trong Cơ Năng. Phải chăng đó là thiếu sót trong Duy Dân Cương Thường và Duy Dân Cơ Năng nên vì thế cần “tốc giảng” để bổ túc cho Cơ Năng Hiến Pháp nếu có cơ hội thành hình?
Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2020 (Việt Lịch 4899)