Việt tộc trong nôi tam giáo
Khu vực văn minh tam giáo đồng nguyên, có các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, mà ta cũng không quên Singapour, trong đó có Việt Nam, là tên gọi chung của các nước này, cùng có chia sẻ chung về Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, và ta không quên tại đây có đạo thờ tổ tiên. Khi vận dụng các chuyên ngành của khoa học xã hội: sử học, nhân học, xã hội học, thì các quốc gia này có các mẫu số chung sau:
*Văn hiến lâu đời với đạo lý từ tôn sư trọng đạo tới tầm sư học đạo, nơi mà hệ học (học thật, học tập, học hành) được tôi luyện qua hệ tu (tu tập, tu luyện, tu thân). Hiện tượng học giả-thi giả-bằng giả-điểm giả-học hàm giả-học vị giả là một hiện tượng xã hội hoàn toàn mới từ khi ĐCSVN cướp được chính quyền và độc quyền trong học giả cho tới nay.
*Văn minh vì biết tôn vinh hiệu quả lao động (thức khuya dậy sớm), biết tôn trọng hiệu năng sản xuất (dãi nắng dầm mưa), biết tôn sùng hiệu suất thường nhật (một nắng hai sương). Một sự văn minh biết bắt đầu bằng cẩn trọng trong quản lý (ăn bữa sáng, lo bữa tối) miệt mài trong sáng suốt với chữ nhẫn: nhẫn nại, bền tâm, vững chí với đường dài. Luôn tỉnh táo để đi lên trong thăng hoa: nay làm tớ, mai làm thợ, nhưng mốt phải làm chủ, làm chủ hành tác lao động để làm chủ lao tác sáng tạo của mình, với ý chí học tới nơi tới chốn và bình tĩnh với đường dài vì có gan làm giàu.
*Văn hóa có giáo lý của phương thức xã hội bằng thủ thân-phòng thân-lập thân-tiến thân qua mô thức đầu tư: thành tựu học tập-thành tài nghề nghiệp-thành công kinh tế-thành đạt xã hội. Nơi mà, của cá nhân và gia đình, tập thể và cộng đồng có cùng một nhận thức “một đứa làm quan cả họ được nhờ” bằng thực chất của học thật qua tu luyện, chớ không bằng học giả qua mua bằng bán cấp để mua chức bán quyền.
Liên hợp văn hiến-văn minh-văn hóa là cội nguồn của liên kết thủ thân-phòng thân-lập thân-tiến thân chế tác ra liên minh thành tựu học tập-thành tài nghề nghiệp-thành công kinh tế-thành đạt xã hội. Đây chính là nguyện ước của xã hội, nguyện cầu của dân tộc mà mọi con dân của Việt tộc phải biến thành nguyện lực tức khắc để bảo vệ giống nòi. Mà trước mắt là loại bỏ cho bằng được cái ăn xổi ở thì trong cái ăn gian làm dối của học giả-thi giả-bằng giả-điểm giả-học hàm giả-học vị giả.
Việt tộc chọn lựa các giá trị của nhân
Giữa cái giàu sang và sự tử tế thì đạo lý Việt đã chọn sự tử tế, giữa cái phú quý và tình nghĩa thì luân lý Việt đã chọn tình nghĩa. Khi ta đặt chọn lựa vào các vấn đề xã hội vĩ mô như chế độ, thể chế, định chế… thì sự chọn lựa tỉnh táo của thông minh, sự chọn lựa sáng suốt của thông thông thái, hoàn toàn không khó, rất dễ. Vì các giá trị của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) cùng các giá trị của dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền) đã được định hình tự nhiều thế kỷ nay. Đã tạo được phát triển đất nước-tiến bộ xã hội-văn minh dân tộc, cho các quốc gia của Tây Âu và Bắc Mỹ, cụ thể hơn, gần hơn, cận kề hơn chính là các quốc gia cùng tam giáo đồng nguyên với Việt Nam, đó là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Đây cũng là chuyện không cần phải suy nghĩ trong dằn vặt, suy tư trong đau khổ, suy luận trong đày ải, hãy cân, đo, đong, đếm trong thoải mái để thư thái mà nhân ra giữa độc đảng toàn trị với dân chủ đa nguyên để có đa tài, đa trí, đa tri, đa hiệu, đa năng… thì nên chọn đa nguyên. Giữa bạo quyền công an trị với tự do dân chủ, thì nên chọn tự do để có tự chủ trong tự tin, để có tự lập trong tự cường. Giữa tà quyền tham nhũng trị với công bằng dân chủ, thì nên chọn công bằng để giữ công tâm, được bảo vệ bằng công lý của công luật. Giữa quỷ quyền tuyên truyền trị với sự thật trong tam quyền phân lập, thì nên chọn sự thật để sự thật được bảo đảm bởi tư pháp, để chân lý được bảo trì bởi lập pháp, để lẽ phải được thực hiện qua hành pháp. Giữa ma quyền ngu dân trị với nhân quyền để bảo vệ nhân phẩm, thì nên chọn nhân quyền để phòng thân bằng nhân lý, để thủ thân bằng nhân tính, để lập thân bằng nhân tri, để tiến thân bằng nhân trí.
Khi ta phải chọn lựa giữa bất công và công bằng, giữa cái thiện và cái ác, thì ta vẫn phải cẩn trọng là cái ác sẽ dùng quyền lực của nó để bố thí vài quyền lợi để ta “tạo nghiệp” qua tư lợi, trong không gian do nó quản trị. Nó liên tục “nhử mồi” ta bằng những đặc quyền, đặc lợi, đặc ân, với ý đồ là hủ hóa để hủ bại ta. Khi ta cúi đầu-nhắm mắt-khom lưng-khoanh tay-quỳ gối ngay trên tà lộ của nó, thì nó sẽ dẫn dắt từ bất chính tới bất lương, đưa đẩy ta từ bất nhân tới thất đức. Câu chuyện chọn lựa luôn là chọn trên những giá trị. Và những chọn lựa vắng các giá trị đạo lý, trống các giá trị đạo đức, rỗng vắng các giá trị luân lý, thì những chọn lựa này chỉ là chọn lựa của bản năng, tức là của súc tính, chớ không phải nhân tính, tức là có nhân tâm, nhân từ, nhân nghĩa, nhân tri, nhân trí, nhân bản, nhân vị, nhân đạo, nhân quyền, nhân phẩm.
Việt tộc nắm lại tự do
Khi một chế độ nhân bản mới ra đời tại Việt Nam, với nền móng của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái), với tường mái của dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền), để làm tiền đề cho phát triển đất nước-tiến bộ xã hội-văn minh dân tộc. Nhưng sự bền vững của chế độ nhân bản mới này sẽ tùy thuộc vào một hệ thống giáo dục từ tiểu học cho đến hết đại học, và sau đại học thì giáo dục xã hội sẽ trợ lực không ngừng nghĩ về khả năng nắm giữ tự do của mỗi công dân, mà không một ý thức hệ nào có thể thao túng và giật dây được. Tự do là kết quả tất yếu qua quá trình của hệ tự (tự tin, tự chủ, tự quyết, tự lập), nơi mà tự do là thành quả của một công dân đã trưởng thành như một chủ thể. Chủ thể này vừa quyết định nhân kiếp và tương lai của mình, lại vừa có trách nhiệm với đất nước, bổn phận với đồng bào, luôn có sáng kiến cụ thể cùng sáng tạo tích cực cho phương trình phát triển đất nước-tiến bộ xã hội-văn minh dân tộc. Ngay tại tiểu học, hệ thống giáo dục mới sẽ thừa hưởng các giáo khoa cùng các giáo trình biết giảng dạy con em của chúng ta thế nào là tự tin. Cụ thể là tự tin trong học hỏi để có tự tin áp dụng các kiến thức được học nơi nhà trường để làm sinh hoạt cá nhân của mình cùng sinh hoạt gia đình được tốt hơn. Khi tới cấp trung học, chính học trình về sự tự tin sẽ dắt dìu các thiếu niên tự tự tin đến tự chủ, nơi mà tự chủ từ tư duy đến quyết định, tự quyết định đến hành động, với các nhiệm vụ rõ ràng với tha nhân, với đồng loại. Khi lên tới đại học, thì liên kết giữa tự tin và tự chủ sẽ giúp các thành niên trưởng thành trong tự quyết, với tư quyết có lý luận về đường đi nước bước của kiến thức dẫn dắt tới lập luận về đường đi nẻo về của tri thức, tạo ra ý thức về trách nhiệm với tập thể, với cộng đồng, với đồng bào. Tất cả được thể hiện qua nhận thức tự quyết, không để một đảng phái chính trị nào giật dây bằng một loại ý thức hệ ngoại lai nào để đưa đẩy dân tộc vào nội chiến, sau đó là độc đảng toàn trị, nơi mà tự do bị bóp chết ngay trong trứng nước. Khi vào trường đời như một công dân có bổn phận với dân tộc, trách nhiệm với xã hội, nhiệm vụ với đất nước, thì phương trình thăng hoa cá nhân là thành tựu học đường-thành tài nghệ nghiệp-thành công kinh tế-thành đạt xã hội đã được thăng hoa với sự xác chứng của tự lập. Khi Việt tộc có những công dân như chủ thể của cộng hòa với tự do của hệ tự (tự tin, tự chủ, tự quyết, tự lập), thì chắc bẩm là Việt tộc đã trưởng thành trong văn minh của dân chủ để tiếp đón văn hiến của nhân quyền.
Việt tộc cầm lại công lý
Khi một xã hội bảo vệ nhân vị mới ra đời trên quê hương Việt, bằng gốc, rễ của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái), cùng cội nguồn của dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền), để làm bàn đạp cho phát triển đất nước-tiến bộ xã hội-văn minh dân tộc. Thì liên kết giữa gia đình-học đường-xã hội sẽ làm nên hệ thống giáo dục liên kết, và chính hệ thống giáo dục này mang giáo lý bền vững trong quan hệ giữa cá nhân-tập thể-cộng đồng-dân tộc, nơi mà tam quyền phân lập sẽ cùng xã hội dân sự cầm chắc công lý bằng công luật và công pháp. Muốn được như vậy, hệ thống giáo dục đôi này (giáo dục gia đình-học đường-xã hội và giáo dục cá nhân-tập thể-cộng đồng-dân tộc) thì chúng ta sẽ bắt đầu giáo dục thế nào là công bằng ngay trong giáo trình tiểu học như các quốc gia tiên tiến, đã biết tôn trọng các giá trị của cộng hòa và dân chủ. Hiểu định nghĩa công bằng để có kiến thức cùng tri thức chống bất bình đẳng chính là nguồn cơn của bất công. Khi tới cấp trung học, các con em của chúng ta sẽ được giáo dục thường xuyên và giáo dưỡng trường kỳ thế nào là công lý, nơi mà sự thật của công bằng luôn dẫn tới chân lý của công lý. Nơi mà công bằng lẫn công lý đều được giáo lý minh bạch của đạo lý và đạo đức đưa đường dẫn lối từ lý luận tới lập luận, với giáo trình hiểu được công lý và giải thích được công lý (hiểu được thì giải thích được, giải thích được thì xem như đã hiểu rõ rồi). Tới cấp đại học, công bằng hội tụ cùng công lý để công pháp và công luật xuất hiện, nơi mà công lý sinh đôi với công tâm, tại đây luật pháp có khả năng xem-xét-xử các khúc mắt mà chính đạo lý và luân lý không kết luận được. Đại học có thanh niên trưởng thành như công dân với hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) để luôn tỉnh thức từ giải luận tới diễn luận trước hệ công (công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật). Khi hệ thống giáo dục đôi (giáo dục gia đình-học đường-xã hội và giáo dục cá nhân-tập thể-cộng đồng-dân tộc) được trợ lực bởi hai hệ là: hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) và hệ công (công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật), thì dân tộc sẽ nhận ra đạo đức của hệ liêm (liêm chính, liêm minh, liêm sỉ). Nơi đây các giá trị của cộng hòa và dân chủ sẽ trợ duyên cho xã hội dân sự đấu tranh để chống bất bình đẳng lẫn bất công, và chung sức cùng tam quyền phân lập để hoàn tất rồi hoàn thiện hệ thông: thông minh trong giáo dục, thông thạo trong nghề nghiệp, thông thái trong tuệ giác) trước mọi thử thách nhân sinh, mọi thăng trầm nhân thế.
Việt tộc biết hóa để hợp
Kỳ vọng dựa vào một bạo quyền độc đảng toàn trị như ĐCSVN để được hòa hợp hòa giải dân tộc, sau gần nửa thế kỷ từ khi chấm dứt cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn Bắc-Nam (1954-1975) do chính ĐCSVN chủ mưu chỉ là một ảo vọng. Từ lãnh tụ thủa xưa tới lãnh đạo thủa nay, ĐCSVN sẽ không bao giờ thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc, chỉ vì mọi hòa hợp hòa giải dân tộc đều dựa vào nhân tâm biết dẫn dắt nhân đạo tới gặp nhân từ.
ĐCSVN vận dụng bạo lực cách mạng bằng bạo động chiến tranh và tiếp tục bạo hành dân tộc bằng công an trị, để bạo trị bằng độc trị, thì ĐCSVN sẽ không bao giờ đi vào con đường hòa hợp hòa giải dân tộc. Một con đường tuyệt đối cấm hệ bạo (bạo lực, bạo động, bạo hành, bạo trị) chính con đường này sẽ mở ra hai con đường khác: con đường cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) và con đường dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền) với một nhà nước pháp quyền trong một xã hội pháp trị.
Nên hóa giải sẽ thay kỳ vọng hòa giải sẽ không bao giờ được thực hiện bởi ĐCSVN của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn). Mà muốn hóa giải để được hòa giải, thì cũng chỉ có một con đường ở chân trời, do hai con đường trên vừa nhập lại làm một, đó là: con đường cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) và con đường dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền).
Sự trưởng thành chính trị của một dân tộc là sự tỉnh táo trong sáng suốt không kỳ vọng vào một bạo quyền độc đảng toàn trị để cai trị dân tộc và đất nước: mà trưởng thành chính trị chính là sự thông minh và thông thái trong hóa giải!
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa. Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.