Việt tộc phải xa cái chết của trống, vắng, rỗng.
Hãy nhận ra cái chết trong cõi chết, trên đất chết ngay trên quê hương hiện nay, đó là các làng ung thư, ngày đêm chung sống với cái chết tới từ nhiệt điện than. Cái chết tạo cõi chết, nhiều khi vô hình, nhưng nó có mặt từ chợ búa tới những bữa ăn, bằng thực phẩm bẩn với hóa chất độc. Cái chết sinh ra cõi chết bộ ba, khi nó diệt môi sinh, rồi hủy ngư trường để giết con người sau đó, như ta đã thấy qua ô nhiễm các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra. Cái chết có ngay trên đất chết, khi nông dân không còn sống được ngay trên quê cha đất tổ của mình, mà phải bỏ làng đi ra thành thị. Vì đất đã chết với nhiễm ô nước, nước uống thủa xưa nay là nước độc giết người. Có cả cái chết từ làng chết tới xóm chết, khi thanh niên trai gái đã bỏ làng, bỏ xóm lên thành phố để tìm việc. Hiện tượng luận trực quan với những làng, những xóm không còn có đám cưới, không còn tiếng khóc trẻ thơ, kể cả đám tang người lớn tuổi không người tiễn đưa. Hiện tượng luận trực quan luôn dẫn tới hiện tượng học lý trí: ngay trên quê hương xưa đã là gấm vóc mà tổ tiên để lại. Bây giờ trong tay bạo quyền độc đảng toàn trị với chuyên chính vô sản, nhưng thực chất là chuyên chính vô học, vô tri trước quy trình phát triển đất nước, vô minh trước quy trình tiến bộ xã hội, vô thức trước quy trình văn minh dân tộc. Trên quê hương của gần một trăm triệu con dân Việt, giờ đây có nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều khu, nhiều vùng đã là đất chết, với cõi chết ngang nhiên ngự trị, với cái chết đã xua sự sống ra khỏi đất nước. Nên con dân Việt phải cúi đầu trong xuất khẩu lao động để được ra khỏi đất nước vì hết đường sống, nên trai tráng phải gục mặt làm lao nô cho các quốc gia láng giềng, nên phụ nữ phải nhắm mắt bán thân, phải khom lưng làm nô tỳ tận các nước tại Trung Đông xa xăm. Trên đường đi tìm sự sống, nhưng vẫn gặp cái chết nơi xứ người, với các đồng bào chết cóng trong xe đông lạnh tại Anh quốc. Trước đó có bao cái chết trên biển Đông, khi con dân Việt đánh đổi sự sống của chính mình trước một bạo quyền công an trị, lạm quyền để cực quyền, tham quyền vì cuồng quyền. Tất cả chỉ để phục vụ cho tà quyền tham nhũng trị, tham nhũng quyền lực để vơ vét tiền tài của nhân dân, mà không quên nạo vét tài nguyên của đất nước. Nguyện ước của chúng ta chống lại cho bằng được cái chết, thì phải biến thành nguyện lực để xua đi cho bằng được cái rỗng, cái vắng, cái trống tới từ mọi nguồn ô nhiễm, cùng lúc xóa đi cái rồng tri thức, cái vắng công bằng, cái trống bác ái của đám đầu nậu quyền lực qua độc đảng toàn trị hiện nay.
Dứt Việt kiếp tháo chạy
Sự xuất hiện của bạo quyền độc đảng toàn trị trong lịch sử cận đại và hiện đại của Việt tộc, cũng là một lịch sử của những cuộc tháo chạy, để thoát họa nạn cộng sản. Chuyện tháo chạy của dân tộc vừa nói lên một sự thật giờ đã trở thành sử tính với sự độc quyền đảng trị, và qua gần một thế kỷ, sử tính này đã biến thành sử kiếp của Việt tộc, với những phản xạ tháo chạy mỗi lần ĐCSVN gây họa chiến tranh, hoặc do họ bất tài không quản lý được dịch bịnh như trong dịp hè 2021. Hãy vận dụng sử học cùng tâm lý học xã hội để phân tích và giải thích phản xạ tháo chạy, như một Việt kiếp khi dân tộc phải sống chung với bạo quyền độc đảng toàn trị. Việt kiếp tháo chạy có ngay từ đầu, khi ĐCSVN còn ẩn náu dưới lá cờ Việt Minh, nhưng chính những trí thức và văn nghệ sĩ đã nhận ra bản chất công an trị, thanh trừng trị, ngu dân trị của ĐCSVN, nên đã có phong trào “về thành” giữa những năm kháng chiến 1945-1954. Và khi đất nước bị cắt đôi, là một cuộc tháo chạy lịch sử từ Bắc vào Nam, với hơn một triệu đồng bào, bằng nhận thức thoát nạn cộng sản, đi tìm tự do tại miền Nam. Việt kiếp tháo chạy lại diễn ra trên mức độ khốc liệt ngay trong nội chiến Bắc-Nam 1954-1975, với ba thời điểm kinh hoàng. Thứ nhất là năm 1968, với chiến dịch với tên gọi là tổng tấn công vào dịp tết Mậu Thân, với đồng bào miền Trung, luôn chạy về phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ngay tại Huế, những ai không chạy kịp, đã bị tàn sát với nhiều ngàn nạn nhân. Thứ hai là năm 1972, trong mùa hè đỏ lửa, đồng bào miền Trung cũng chạy về phía miền Nam, với thảm cảnh của đại lộ kinh hoàng, trên quốc lộ một, nơi mà bộ đội miền Bắc đã pháo kích để giết hại những người tháo chạy. Thứ ba là năm 1975, với cả miền Nam vào tay ĐCSVN, với dòng người vượt biên hàng triệu người với tên gọi thuyền nhân, kéo dài liên tục hơn hàng chục năm. Giờ đã có hơn một chục triệu người đã tháo chạy và đang sinh sống tại các quốc gia dân chủ. Vậy mà Việt kiếp tháo chạy vẫn không ngừng nghỉ, với với hàng triệu con dân Việt tháo chạy bằng con đường xuất khẩu lao động, trai lao nô, gái nô tỳ cho các nước láng giềng… Và hiện nay, là cuộc tháo chạy nhiều chục ngàn người ra khỏi các thành phố đang bị phong tỏa, cách ly bởi đại dịch cúm Tàu.
Nếu có một ngày với một chính quyền dân chủ ra đời, thì chính quyền này phải tâm niệm ngay trong chính nghĩa của chính sách của mình là phải chấm dứt cho bằng được Việt kiếp tháo chạy, để thể hiện trọn vẹn giáo lý Việt: trong ấm ngoài êm.
Ngừng Việt kiếp vượt biên
Khi xã hội học di dân đi vào phân tích rồi giải thích về hiện tượng: vượt biên, thì các chỉ báo sau đây xuất hiện: vượt biên là đi ra ngoài không hợp pháp, có vượt biên là có chỉ báo đôi, sự nghèo đói song hành cùng đàn áp của bạo quyền. Vượt biên không chỉ là chỉ báo đôi, mà là bản chất đôi nói lên sự thất bại chính trị của một chế độ, một chính quyền, thường theo cùng với sự thất bại về kinh tế, nơi mà sự mất niềm tin dẫn tới chuyện lẩn trốn ra nước ngoài. Vượt biên không chỉ là chỉ báo đôi, có bản chất đôi, mà còn là khuynh hướng tương lai của một dân tộc, một quốc gia đang có cái mất đôi. Mất nhân lực cùng với mất chất xám, mất nguyên khí quốc gia cùng lúc mất các tiềm năng phát triển cho tương lai. Từ đây, chính trị học và kinh tế học đưa ta tới những phân tích về những mất mát rất lớn của Việt tộc hiện nay là những tiềm năng từ nhân lực tới chất xám, không hề được các đầu đảng, đầu nậu, đầu sỏ, đầu sòng của ĐCSVN giải quyết vì bản chất của độc đảng toàn trị là liên minh giữa bạo quyền công an trị và quỷ quyền ngu dân trị để tiêu diệt vừa tài năng dân tộc, vừa năng lực trí thức. Những tiềm năng từ nhân lực tới chất xám khi chọn con đường vượt biên qua các nước phát triển và dân chủ, thì các đầu đảng, đầu nậu, đầu sỏ, đầu sòng của ĐCSVN dễ tái sản xuất đặc quyền, đặc lợi, đặc ân của nó chỉ qua chuyên chính vô sản, mà thực chất là chuyên chính vô minh không cần tri thức, chuyên chính vô tri không cần trí thức. Cụ thể là chuyên chính vô học, chỉ cần cái ngu và cái ác có trong thú tính của một con dã thú để cai trị nhân dân đã và đang bị chúng «cừu hóa» bằng tà quyền tuyên truyền trị. Những tiềm năng từ nhân lực tới chất xám của dân tộc khi chọn con đường vượt biên qua các quốc gia biết tôn trọng các giá trị dân chủ và cộng hòa sẽ bị ĐCSVN khai thác qua ngoại tệ để nuôi chế độ. Và chất xám của tri thức của các cộng đồng hải ngoại sẽ không bao giờ được sử dụng như các động cơ để: phát triển đất nước, tiến bộ xã hội, văn minh dân tộc.
Khi một chính quyền cùng chế độ dân chủ mới ra đời, thì một trong những ưu tiên là sử dụng chất xám, vận dụng trí thức, tận dụng mọi câu nối giữa trong nước và ngoài nước, để ngừng thảm họa vượt biên, và cùng lúc phát triển tối đa hợp tác quốc tế, để con dân Việt được xuất ngoại một cách liêm chính nhất, chính thức nhất. Từ đó, chất dứt tâm địa của ĐCSVN là trục lợi ngoại tệ, chỉ thấy tiền mà không hề thấy-cho -tiềm lực chuyên môn và khả năng tri thức của Việt kiều.
Việt kiếp mới: khử khuyết đức
Nhận diện những bè, đám, ổ, phái, tập đoàn đã và đang phá hoại đất nước, tha hóa dân tộc, hủ bại giống nòi, để khi một chính thể liêm chính ra đời, chúng ta sẽ sáng suốt nhập nội vào quy trình khử khuyết đức. Cụ thể là nhận diện và nhận dạng những gì đã tàn phá cơ đồ tổ tiên cùng tương lai của Việt tộc, từ khi ĐCSVN cướp chính quyền từ 1945 và độc quyền nắm quyền lực từ 1975 trên toàn bộ đất nước và xã hội. Hãy bắt đầu bằng khử khuyết đức từ gốc, rễ, cội, nguồn của cái chuyên chính vô sản thực ra chỉ là chuyên chính vô học trong vô hậu:
Cái ác của công an trị
Cái độc của ngu dân trị
Cái thâm của tuyên truyền trị
Cái hiểm của thanh trừng trị.
Khi nhận diện được cái ác, cái độc, cái thâm, cái hiểm đã tạo ra bao hiểm họa cho dân tộc, bạo thảm nạn cho xã hội, bao thiệt hại cho đất nước, thì phải nhận diện luôn những cái xấu, cái tồi, cái tục, cái dở đã sinh sôi nảy nở từ khi cái ác, cái độc, cái thâm, cái hiểm xuất hiện:
Cái xấu của tà quyền tham nhũng trị, của lòng tham không đáy
Cái tồi của của trọc phú trị, có tiền mà không có giáo dục
Cái tục quan hệ-tiền tệ-hậu duệ, ngày đêm truy hủy trí tuệ
Cái dở của chống lưng-ô dù-sân sau-lót tay-phong bì.
Khi cái ác của công an trị, cái độc của ngu dân trị, cái thâm của tuyên truyền trị, cái hiểm của thanh trừng trị, và cái xấu của tà quyền tham nhũng trị, cái tồi của của trọc phú trị, có tiền mà không có giáo dục, cái tục quan hệ-tiền tệ-hậu duệ, cái dở của chống lưng-ô dù-sân sau-lót tay-phong bì đã cùng nhau mang tội ô uế hóa, hủ bại hóa, mạt vận hóa và ung thư hóa từ giáo dục tới văn hóa, từ xã hội tới đạo đức… Và khi ta khởi xướng quy trình khử khuyết đức thì chân trời tương lai là phát triển đất nước, tiến bộ xã hội, văn minh dân tộc được nhận ra và nhận rõ trong cái sạch của cộng hòa, và trong cái sáng của dân chủ. Chính hai cái sạch và sáng này, giúp ta nhận ra hai nội chất mới: cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái lành của các giá trị cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái). Ra đời cùng cái cao, cái sâu, cái xa, cái rộng của các giá trị dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền). Cái sạch, cái sáng mở đường cho cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái lành được song hành cùng cái cao, cái sâu, cái xa, cái rộng, đây chính là định nghĩa thượng nguồn của nhân quyền làm nên hạ nguồn vì nhân phẩm.
Việt tộc trong khiêm cẩn
Khiêm trong khiêm tốn vì biết nhúng nhường để học hỏi, cẩn trong cẩn trọng khi tự nói, tự kể, tự trình về mình, khiêm cẩn để tránh khoe khoang, khiêm cẩn để vất ngạo mạng, khiêm cẩn để xóa kiêu căng, khiêm cẩn để trừ ngạo nghễ. Khiêm cẩn trong từ tốn để học cho bằng được sự thông minh của đồng loại, học cho tới nơi tới chốn sự thông thái của nhân loại. Khiêm cẩn trong “biết người, biết ta” để biết nghe mà học tập, biết học để biết hành tác bằng lao tác nghiêm minh, bằng hành tác qua sáng tạo nghiêm túc, để tự cứu mình ra khỏi nghèo nàn lạc hậu. Khiêm cẩn đón từ kiến thức tới tri thức, biết đón mời để tiếp nhận phát triển vì tiến bộ, vì văn minh. Khiêm cẩn mở cửa từ ý thức tới nhận thức khi chung sống với đồng loại có văn minh, với nhân loại có văn hiến. Chuyện tự vỗ ngực ta đây, chỉ là trò trẻ dại của những kẻ chưa trưởng thành, còn là ếch ngồi đáy giếng, ra khỏi giếng lại không vượt được lũy tre làng, để tự hát tự khen, tự cho ta là nhất, làm trò cười cho thiên hạ. Đang là nô lệ của vô minh, vô tri của chính mình mà đã xem trời bằng vung. Khiêm cẩn đón trong sự tu tập trong tỉnh táo, bằng sự học tập trong sáng suốt, tự mình phải nhủ-tâm-để-dặn-não là người Việt không phải là loại người giỏi nhất, thông minh nhất, cần cù nhất, chăm học nhất… Vì tất cả các nhận định bằng tỉnh từ và trạng từ này đều sai khi nó được phân tích để phân loại, giải thích để giải luận, là người Việt không giỏi nhất, không thông minh nhất, không cần cù nhất, không chăm học nhất… Mà nhận định ngược lại là người Việt dở nhất, tệ nhất, tồi nhất, xấu nhất… cũng sai. Gốc, rễ, cội, nguồn của mọi chuyện là hệ cảnh (bối cảnh, hoàn cảnh, thực cảnh), nếu có hệ cảnh thuận lợi từ chính trị tới kinh tế, từ giáo dục tới lao động, từ tri thức tới nhận thức… thì người Việt cũng sẽ thành công như mọi dân tộc đã thành công. Như Tây Âu và Bắc Mỹ đã thành công, và cụ thể nhất như các quốc gia cùng nôi tam giáo đồng nguyên cùng Việt Nam, như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đã thành công. Khiêm cẩn để được học tập trong học thật bằng học lực, chớ không bằng học giả với bằng giả, nên chúng ta phải ngày ngày tránh xa lối nói ngạo mạn bằng ngữ văn tuyên truyền trị, lánh xa lối phát ngôn ngạo nghễ bằng ngữ pháp ngu dân trị. Lánh cửa miệng của đám đầu đảng của ĐCSVN đã “truyền bệnh kiêu căng” cho quan chức của nó, thích nói xạo hơn nói thật, để kiêu căng trong cái dốt, khoe khoan trong cái ngu, “ta đây” trong cái xuẩn. Xuẩn động mà cứ tưởng là khôn, đây chỉ là trọng bệnh tâm thần của “lanh quá hóa đần”.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa. Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.