Phê Bình Cơ Năng Hiến Pháp (P3)

Ất: Hành Chính Tổng Cơ

A. Nghiên Cứu Bộ Phận

Nghiên Cứu Viện

Có thể nói rằng LĐA nhìn vấn đề rất tổng thể. Tại sao trong Cơ Năng Hiến Pháp có Nghiên Cứu Viện? Tất cả mọi vấn đề, ngay cả một bộ luật đưa ra, cần phải dựa vào dữ kiện hiện tại, quá khứ và tương lai để có một quyết định đúng, không làm tổn hại đến tương lai của thế hệ nối tiếp gồm cả môi sinh. Chính vì thế Nghiên Cứu Viện ra đời và là một viện độc lập. Khi mà các cơ quan khác có nhóm Nghiên Cứu như các quốc gia dân chủ trên thế giới, nhưng vì nhóm Nghiên Cứu của các cơ quan khác nhằm mục đích để phục vụ cơ quan đó, sự Nghiên Cứu có thể bị bóp méo, không đúng bản chất thực sự bởi mục đích là để phục vụ một chủ trương nào đó mà cơ quan đó đang nhắm đến. Thành ra một viện nghiên cứu độc lập nhìn vấn đề ở dạng tổng thể, nhắm vào mục đích phục vụ nhân sinh, cho nên sẽ tránh chuyện sai lầm ở tương lai.

Điều 3: “Chia các ban lớn: đạo đức, qui học, nhân sinh khoa học, nghệ thuật và chiến tranh khoa học (7 ban)”. Phải chăng 7 ban để trong mặc kép là bảy ban dành cho chiến tranh khoa học hay 7 ban lớn mà LĐA muốn nói đến? Thế 7 ban đó là gì nếu dành cho Chiến Tranh Khoa Học và là gì nếu dựa vào các ban đã ghi vẫn chưa đủ 7 ban?

Lập Pháp Viện

Điều 4: “Lập Pháp Viện từ 20 đến 30 nhân sự Quốc Trưởng sính mệnh”. Nhưng nếu chỉ có từ 20-30 người thì có đủ để thảo luật cho cả nước, tu chính và kiểm điểm sơ hở (loophole).

Viện trưởng Lập Pháp Viện sẽ do Trung Tâm Hội Nghi chỉ định (Tối Cao Lập Pháp, điều 10). Câu hỏi đặt ra là Lập Pháp Viện sẽ làm việc ra sao? Lập Pháp Viện sẽ soạn luật theo nhu cầu quốc gia, xã hội hay do Quốc Trưởng yêu cầu? Nếu có những luật cũ cần tu bổ nhưng Quốc Trưởng đòi hỏi những luật theo kế hoạch Quốc Trưởng vạch ra thì Lập Pháp Viện sẽ giải quyết ra sao? Phê Phán Công Đường kiểm thảo pháp luật (Phê Phán Công Đường , điều 18) nhưng ai và yếu tố nào sẽ quyết định chương trình làm việc của Lập Pháp Viện vì Lập Pháp Viện không phải là một cơ quan độc lập? Hay Lập Pháp Viện là một cơ quan độc lập tuy rằng phải phục vụ cho Quốc Trưởng và Trung Tâm Hội Nghị?

B. Chấp Hành Bộ phận

Hành Chính Viện

Hành chính viện được coi là cơ quan tối cao phụ trách về hành chính trên các mặt đối nội, đối ngoại về dân sự lẫn quân sự. Câu hỏi đặt ra là các vấn đề quân sự thường là bí mật quân sự do quân đội nắm giữ dù là hành chính hay hoạt động mặt trận thường do Bộ Quốc Phòng phụ trách bao gồm cả nhân viên dân sự lẫn quân sự. Vậy thì có nên để cho các nhân viên Hành Chánh Viện coi chung với các nhiệm vụ khác chăng? Ngay cả nếu Hành Chính Viện được hiểu theo thủ tục giấy tờ (procedures) thì phải chăng phần quân sự dành cho những người chuyên môn về quân sự thay vì Hành Chính Viện bao thầu bên quân sự?

Tổng lý (cấp bộ trưởng) do Quốc Trưởng đề cử và Trung Tâm Hội Nghị đồng ý (không thấy nói bao nhiêu phầm trăm chấp thuận thì sẽ thông qua). Tổng Lý thi hành quốc sách và đề cử và Quốc Trưởng ủy nhiệm (chấp thuận). Đó là bán nội các chế.

Hành Chính Viện hội nghị có quyền đề cử các dự án về: pháp luật, chính sách, ngoại giao, ủy nhiệm viên chức các bộ, xử lý công việc các bộ, viện.

Các bộ gồm có:

– Dân chính (xã hội, giáo dục, y tế, hộ tịch…).

– Không chính (kinh tế, kỹ nghệ…).

– Nội chính (dịch vụ hành chính, cảnh sát , an ninh…)

– Văn chính (văn hóa, nghi lễ, phong tục, tuyên truyền…)

– Vũ chính (quan sự, quốc phòng…)

– Tài chính (thuế, ngân hàng, xuất nhập…)

– Lộ chính (giao thông, vận tải, thông tin, xe, thuyền…)

– Pháp chính (hình luật, tù, điều tra…)

– Ngoại chính (ngoại giao, kiều vận…)

Hành Chính Viện do Quốc Trưởng ban bố mệnh lệnh và pháp luật. Tuy nhiên, Quốc Trưởng được quyền ủy nhiệm chuyện này cho Hành Chánh Viện.

Quan Chính Viện

Quan Chính Viện (quốc gia hành chính?) thừa hành về nhân sự và cán bộ (đào tạo?).

Đứng đầu là Tổng Lý do Quốc Trưởng chọn để phụ trách việc thi tuyển các ứng viên, huấn luyện, cấp bậc, nhiệm vụ….

Trên đây là cách nhìn và phân bố các cơ quan công quyền thời 1940s. Khi xã hội thay đổi và nhu cầu của quốc gia thay đổi theo sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, giáo dục.. thì các bộ phận trên cần thay đổi theo thời thế để đáp ứng tình hình trong và ngoài nước.

Nói chung thì dưới quyền Quốc Trưởng là 2 viện (1) Hành Chính Viện có nhiệm vụ thi hành và (2) Quan Chính Viện có nhiệm vụ tổ chức, tuyển mộ và huấn luyện. Sự phân chia này khác với cơ cấu Tây Phương phân biệt phần dân sự và quân sự. Đây cũng là câu hỏi cho chính quyền tương lai: Chủ trương toàn dân vi binh (tham gia quân đội một thời gian) hay thiết lập quân đội chuyên nghiệp (volunteer)?

C. Khảo Hạch Bộ Phận

Tư Pháp Viện

Điều 4: “Tư Pháp Viện trông coi cả dân luật, quan luật, quân luật và hình luật”. Sự kiện Tư Pháp Viện coi cả quân luật có thể gặp trở ngại khi chính quyền lâm thời do quân đội nắm giữ và không muốn chế độ mới có khả năng kiểm soát sinh hoạt của quân đội về mặt luật pháp.

Mặt khác người dân thường (hay đại biểu Tư Pháp) có kinh nghiệm gì về hệ thống quân sự để cứu xét sự phạm pháp trong quân luật khác với dân luật vì trong tình trạng chiến tranh, tại mặt trận. Bộ Tư Pháp (Justice Dept) coi về luật nhưng trong quân đội có JAG (Judge Advocate General) là tòa án quân sự. Vấn đề là LĐA biết và muốn sửa hay không biết?

Vì Tư Pháp Viện dưới quyền Quốc Trưởng thì Pháp quan (quan tòa) theo ngạch không do Quốc Trưởng tuyển miễn (Tư Pháp Viện, điều 7) có được độc lập trong việc phá án, xét hình hay không? Nếu Quốc Trưởng can thiệp (ân xá) vào các quyết định của Pháp quan thì việc thi hành án, luật có công bằng không? Không thấy sự can thiệp của Trung Tâm Hội Nghị và Phê Phán Công Đường đối với Tư Pháp Viện.

Kê sát viện

Điều 1: “Kê Sát Viện là cơ quan tối cao thừa hành về giám sát, thẩm kế, đàn hạch công việc pháp luật, tiền tài và quan lại của quốc gia”. Không thấy nói sự khác biệt về tầm mức tối cao: kiểm soát Quốc Trưởng, Lập Pháp viện hay các cơ quan khác … và có quyền lực trừng phạt hay không? Trong khi Phê Phán Công Đường là giám sát về Chính Trị và Tư Pháp Viện giám sát về hành chính thì có gì khác với Kê Sát Viện và có gây xung đột nếu bất đồng quan điểm hay phán quyết. Và nếu như vậy thì giải quyết ra sao?

Tư Pháp Viện (hình 4, Duy Dân Cơ Năng) ghi Quốc Dân Đại Hội là “phổ biến tồn tại (hoành)”.  Xu Mật Viện là “viễn đại tồn tại (Tung)”. Và kế đó là 7 viện gồm cả Tư Pháp Viện (luật), Kê Sát Viện, Giám Sát Viện…”(bình diện)”.  Như vậy theo hình vẽ thì Quốc Dân Đại Hội ở trên, dưới là Xu Mật Viện, và 7 viện còn lại ngang hàng. Theo Duy Dân Cương Thường thì Ất: Hành chính tổng cơ gồm cả Lập Pháp Viện,Tư Pháp Viện, Kê Sát Viện (không có Giám Sát Viện? hay Kê Sát và Giám Sát là một? Duy Dân Cơ Năng, trang 15, ghi “Tư Pháp Viện, Giám Sát Viện (thẩm kế, đàn hạch, trừng giới)”. Vậy Giám Sát Viện là tên khác của Tư Pháp Viện hay người sau ghi thêm?)

Điều 8: “Kê Sát viện phụ trách với Trung Tâm Hội Nghị”. Nếu hiểu “phụ trách” là chịu chung trách nhiệm thì Kê Sát Viện chịu ảnh hưởng của Trung Tâm Hội Nghị. Nhưng ai sẽ chỉ định nhân sự của Kê Sát Viện? Dân chọn (vì Quốc Trưởng không có quyền tuyển – xem điều 7) hay do ai bổ nhiệm?  Nhưng Điều 18 (Tối Cao Quốc Thể) ghi rằng Quốc Trưởng đề nghị tuyển bổ Viện trưởng của Lập Pháp Viện, Nghịện Cứu, Kê Sát và Tư Pháp Viện. Vậy nếu Quốc Trưởng đề nghị những người mà Trung Tâm Hội Nghị không đồng ý thì sao? (đan quyền?)

Kê sát viện có Viện Trưởng do Quốc Trưởng đề nghị nhưng Trung Tâm Hội Nghị quyết định (Tối Cao Lập Pháp, điều 10), nhân viên là định ngạch, y pháp luật tựu chức (Kê Sát Viện, điều 7) và phụ trách với Trung Tâm Hội Nghị (Kê Sát Viện, điều 8) đàn hạch công việc pháp luật (Kê Sát Viện, điều 1). Vậy phải chăng Kê Sát Viện cùng với Trung Tâm Hội Nghị sẽ kiểm soát công việc của Lập Pháp Viện và Tư Pháp Viện (đan quyền)?

Điều 7 ghi: Kê Sát viện là định ngạch, y pháp luật mà tựu chức (được hiểu như là theo thi tuyển, trúng tuyển thì được bổ nhiệm). Quốc Trưởng không có quyền tuyển miễn. Kê Sát Viện thừa hành về giám sát, thẩm kế, đàn hạch về pháp luât, tiền tài và quan lại. Vì Kê Sát Viện thuộc về hành chính tổng cơ nên sẽ hoạt động thường lệ, liên tục chứ không theo từng vấn đề (issue) xuất hiện hay yêu cầu.

Bính: Hành Chính Phụ Cơ

Đây là phần nói lên các chính quyền địa phương. Cũng theo phần này, tất cả chức vụ từ Tỉnh Trưởng, Huyện Trưởng, Hạt Trưởng, Xã Trưởng không được bầu ra do người dân mà là cho sự đề cử từ công dân đoàn (hoặc huyện trưởng, hoặc ai đó trong chính quyền địa phương) và Quốc Trưởng chấp nhận hay không chấp nhận. Vậy thì nói về nhân sự đại diện ở những chức vụ này, tại sao người dân không có quyền bỏ phiếu lựa chọn mà giao khoán cho sự tuyển miễn của Quốc Trưởng? Lợi hại ở đâu? Phải chăng cần phải có một cơ quan riêng biệt, xét về khả năng, tài năng và nhân cách của tất cả những người ra tranh cử vào những chức vụ quan trọng để được chấp nhận ra tranh cử hầu tránh tình trạng những cá nhân vô nhân cách được chọn vào vị thế lãnh đạo và sau đó người dân bỏ phiếu chọn người? Nếu lựa chọn sai lầm thì sao và tại sao người dân hoàn toàn không có quyền lựa chọn những người ở tại địa phương của mình mà là một vị Quốc Trưởng ở trung ương? Hay chức vụ này chỉ là điều hành công việc mà toàn bộ quyết định điều hành, luật lệ do chính các quốc dân đoàn và công dân đoàn từng cấp tham dự nên chức vụ xã trưởng, hạt trưởng, huyện trưởng, tỉnh trưởng không cần sự bầu trực tiếp của người dân?

Chỉ có Tỉnh và Huyện là do Quốc Trưởng chọn còn Hạt và Xã thì Quốc Trưởng không can thiệp? Tại sao? Theo Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa (VN) thì Tổng Thống bổ nhiệm Tỉnh Trưởng, Tỉnh Trưởng bổ nhiệm Quận Trưởng (thường là từ quân đội nhưng có thể là vì nhu cầu chiến tranh). Còn xã hội dân chủ thì dân bầu (Supervisor, Mayor, Governor). Lý do gì khiến LĐA cho phép Quốc Trưởng can thiệp vào cơ cấu chính quyền địa phương? Vì đan quyền, đáy tầng hay tung hợp?

Đinh: Chính Trị Nguyên Cơ

Điều 3 “Các Trung Tâm Hội Nghị phải thỉnh mệnh thời thường ở công dân đoàn”. Thời thường ở đây mang ý nghĩa gì thời bình, không có gì quan trọng. Ngụ ý thời chiến hay khẩn trương thì Trung Tâm Hội Nghị tự quyết?

Điều 5 “Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị là lãnh tụ toàn quốc dân”. Phải chăng Trung Tâm Hội Nghị nói đến trong phần này không phải là “quốc hội” nằm ở các cấp từ xã đến trung ương?

Con số nhân sự của Trung Tâm Hội Nghị là đại diện từ các địa phương tuyển chọn về, không phải toàn bộ 100% các Trung Tâm Hội Nghị Xã, Hạt, Huyện, Tỉnh đều tham dự Trung Tâm Hội Nghị toàn quốc?

Điều 6 “Toàn xã công dân đoàn chính lại là cơ tầng ý chí và quyết nghị sau rốt của các công việc quân quốc trọng sự”. Phải chăng khi có việc quan trọng về quốc phòng và quân sự thì trung ương có quyết định nhưng cuối cùng thì toàn xã công dân đoàn quyết định? Như thế thì cái quyền tuyên chiến, hòa đàm của Quốc Trưởng phải được Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) chấp nhận nhưng vẫn phải được toàn xã công dân đoàn là quyết định sau cùng. Vậy tại sao trong phần trách nhiệm của Quốc Trưởng, không ghi thêm phần quyết định của toàn xã công dân đoàn mà chỉ ghi ở phần này? Thế người dân (quốc dân đoàn) không có quyền lên tiếng nói trên lãnh vực này bởi không có sự hiểu biết?

Trên mặt dân chủ thì có vẻ phù hợp nhưng trên thực tế thì không thích hợp vì chuyện “tối cao, tối mật” thì không thể rải đi khắp nơi cho các xã, hay các xã về Trung Ương hội nghị để quyết định “trọng sự” mà các nhà chuyên môn (vũ khí, tình báo, gián điệp, kỹ thuật, tài chính..) đã thực hiện theo dõi hàng ngày, hàng năm.

Điều 7 “Từ tổ chức và tập hội chương trình, các tầng công dân đoàn do Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị thảo ra và Quốc Dân Công Dân Đoàn Hội Nghị quyết định”. Qua điều này, phải chăng cái Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị này hoàn toàn khác với Trung Tâm Hội Nghị ở phần Chính Trị Tổng Cơ hay các Trung Tâm Hội Nghị ở các cơ cấu địa phương?

III. Phụ Chương

Điều 4 “Giải Thích và thảo cáo Duy Dân tường tế hiến pháp, do Duy Dân Đảng giao quốc dân đoàn quyết nghị thi hành”. Vậy thì Duy Dân phải lập đảng? Nếu không lập đảng thì phải chăng điều này nên bỏ hay điều chỉnh theo dạng không đảng của Duy Dân?

Điều 5 “Một vận từ chính trị tổng cơ, hành chính tổng cơ đến hành chính phụ cơ rồi quy về chính trị nguyên cơ” mang ý nghĩa gì?

Cơ Năng Hiến Pháp (theo Duy Dân Cơ Năng):

Trong tài liệu Duy Dân Cơ Năng, trong phần Lâm Thời Tổ Chức ghi đoạn như sau “Lâm thời quốc gia nhân tài chưa đủ, hành chính chưa chu đáo, hãy còn trong thời kỳ quân chính, có thể lấy Khu (Xu) Mật Viện (Chỉnh Lý Viện) làm cơ quan duy nhất tối cao xử lý hết thảy chính trị và hành chính, đồng thời sửa soạn khi thời cơ khả hứa, toàn bộ thực hiện Cơ Năng Hiến Pháp, tức là Thống Lý, Phân Công, Hợp Tác đạt tối cao giai đoạn khoa học mà thành”. Vậy phải chăng sau khi cộng sản sụp đổ thì Xu Mật Viện sẽ tạm thời nắm quyền lãnh đạo quốc gia? Ai sẽ là người trong Xu Mật Viện và nếu các đảng phái khác không đồng ý thì sao? Hơn bao giờ hết, sau khi cs sụp đổ, nhân tài rất là thiếu đó là sự thật. Chưa kể những người gọi là Duy Dân, họ có sống và thực hiện DD đúng nghĩa hay sử dụng DD như là chuyện treo đầu heo bán thịt chó? Một vấn đề kế tiếp là DD thực sự của hôm nay càng ngày càng teo dần. Bao nhiêu người hiểu biết DD đúng nghĩa của DD? Sẽ có người cho rằng thuyết DD tuy hay, thực tế, và đáp ứng cho những khó khăn mà các nước Tây Phương gặp phải nhưng không thực hiện được với Con Người hiện tại. Vậy thì những ai tin tưởng vào DD sẽ giải thích thế nào để mọi người tin tưởng vào ở tương lai của thuyết DD mà tiếp tục theo đuổi để đưa DD vào thực tế của cuộc sống?

Mà Xu Mật Viện lại do Quốc Trưởng tự đề ra và do Đại Hội (Quốc Dân Đại Hội?) tuyển cử.

Nhưng nếu đã là do Quốc Dân đại hội chọn Quốc Trưởng và Quốc Trưởng chọn Xu Mật viện rồi Quốc Dân Đại Hội đồng ý thì Xu Mật Viện không thể gọi là “lâm thời” được. Vì nếu “lâm thời” thì khi nào là chính thức? (vì Quốc Dân đại hội không phải là thường trực. Nếu Quốc Dân đại hội là Quốc Hội thường trực thì bầu Quốc Hội lúc nào? Một khi đã có Quốc Hội thì không còn là tuyển cử Xu Mật Viện “lâm thời” nữa. Không lẽ Xu Mật Viện chỉ hoạt động một thời gian rồi giải tán?).

Phê Bình Cơ Năng Hiến Pháp (P4)

Trần Công Lân

Tháng 11 năm 2019 (Việt lịch 4898)

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s