Ghi Chú NL: Đây là chủ đề IV trong sách Triệt Luận của giáo sư Lê Hữu Khóa. Để tiện dịp cho độc giả theo dõi trong phạm vi thời gian giới hạn, chúng tôi xin chia ra nhiều phần. Xin đưa chuột vào phần tựa đề bài để đọc từng phần.
Chôn tâm hồn Việt là bạo sách của bạo quyền độc đảng bằng thâm ý tẩy xóa đi tâm linh Việt biết tạo ra văn minh Việt đã có trong nhân văn của dân tộc Việt; là tà sách của tà quyền độc đảng bằng tà tri bứng nhổ đi linh hồn Việt đã có trong nhân vị của giống nòi Việt; là ma sách của ma quyền độc đảng với ma trận chôn sống tâm linh Việt đã có trong nhân phẩm của văn hiến Việt biết ăn hiền ở lành, biết ăn ở có hậu.
Chôn tâm hồn Việt là phần IV của Triệt luận dựa trên sự khai phá về ba không gian kiến thức đã làm nên tiến trình của tri thức và trí thức, để xây dựng ý thức. Giúp mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi tập thể, mỗi dân tộc có nhận thức về nguồn sống của dân tộc của mình, về giòng sinh mệnh của giống nòi của mình. Từ đó có tỉnh thức mà hình thành chủ thể thấy sự thật, thấu chân lý, hiểu lẽ phải, có sáng kiến trong hành vi, có sáng tạo trong hành động, chấp nhận vai trò công dân đấu tranh vì tự do, có chức năng nhân quyền mà đấu tranh vì công bằng.
Việt luận: sự thật Việt!
Khi triết học hình thành trên quê hương Hy Lạp của nó, thì nó đã có truyền thống được đặt tên là vương niệm của sự thật, khẳng định sự thật là nhiệm vụ tiên quyết và vĩnh viễn của triết học, và sự thật cao hơn cả, cao hơn vua, cao hơn mọi cơ chế, mọi quyền lực, mọi chính quyền. Chính sự thật sẽ làm nền cho sử học viết đúng, viết trúng, tức là viết thật. Viết thật hay nói thật có khi bị trù dập, bị vu cáo, bị hãm hại, bị ám sát, bị tử hình… Nhưng sự thật là sự thật phải được nói tới nơi, tới chốn, cụ thể nếu con người sống thật bằng sự thật thì phải biết chấp nhận cái chết cũng vì sự thật, như vậy sự thật là gốc của lòng tin biết dựa vào sự thật để nhận ra chân lý, vận dụng sự thật để nền cho lẽ phải. Lương tâm của trí thức là đây, lương tri của khoa học là đây, cả hai là hùng lực lương thiện của kẻ đi tìm sự thật.
Sống chết với sự thật, nhưng cũng phải biết khiêm tốn trước sự thật! Socrate khuyên con người khi đi tìm sự thật, phải đi tìm với chính nhân phẩm của mình, đi tìm là đi học, khiếm tốn để khiêm nhường với tâm thức: “Tôi biết là tôi không biết gì cả!”. Khiêm tốn rồi khiêm nhường để có thái độ khiêm cẩn trước con đường tìm đến sự thật, sẽ có chướng ngại vật vì sẽ có rào cản, sẽ có thử thách rồi sẽ có thăng trầm; có quá trình của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Môn sinh của Socrate lại là sư tổ của triết học,
Platon mang tới cho chúng ta một định nghĩa: sự thật là sự định hình của chân lý, rồi nó trở thành bất di bất dịch, nó sẽ không thay đổi, sẽ không chuyển hóa, để được mọi người nhận như một giá trị vừa hiển nhiên, vừa vĩnh hằng. Platon đưa ra hai chỉ báo để “đánh dấu” trên sự thật: sự thật là tri thức, tới từ kiến thức của con người về một chuyện thật, mà chuyện thật này đã tách rời được sự tưởng tượng, tức là đã ra khỏi ý tưởng tới từ cảm xúc chủ quan của cá nhân; và sự thật đã hiện hữu với bằng logos: sự thông đạt của lý.
Khi nghiên cứu sự quan hệ giữa sự thật và lòng tin, cái thứ nhất thì mang lại chân lý, cái thứ hai có khi dẫn con người tới cuồng đạo, vào mê lộ của mê tín lại lấy sự mù quáng để nhấn chìm sự thật, triết gia này đề nghị các nội chất sau đây để ta nhận ra sự thật (mỗi định đề của tác giả này sẽ được minh chứng qua thí dụ về hiện tượng chùa Ba Vàng đang làm náo động du luận hiện nay). Sự thật xuất hiện như sự vén màn mà bóng tối không còn giúp gì được cho sự giả dối đang che lấp sự thật. Thí dụ rõ nhất hiện nay mà dân chúng thấy được là trong bóng tối của chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh, mượn bề ngoài của Phật giáo để dựng nên một hệ thống tà đạo, do các chủ trì là những ma tăng, trong đó sự giả dối của “thỉnh oan gia tái chủ” lập nên mê lộ “rước vong”, chỉ để lừa người mà làm tiền. Tại đây có hai xảo thuật nhập làm một, mà tổ tiên Việt đã dặn con cháu nên cẩn trọng với bọn âm binh vì chúng vừa “treo đầu dê, bán thịt chó”, lại vừa “mượn đầu heo nấu cháo”.
Khi sự thật tới như ánh sáng vừa lan tỏa, vừa xóa đi bóng tối, thì sự thật vén màn tới đâu là nhân gian khám phá cái thật tới đó, tại đây có quá trình của vén-lật-nhìn-thấy-hiểu, các đồng từ này chính là các chỉ báo khách quan để định nghĩa thế nào là khám phá sự thật. Và khi dân chúng hiểu chùa Ba Vàng là loại chùa giả vì nó có lãnh đạo là sư giả, không biết là Phật giáo phải dựa vào Phật học, trong đó kiến thức về kinh Phật, cũng như sự thực hành Phật pháp làm nên vũ trụ tri thức của đạo Phật, không hề có chuyện “thỉnh oan gia tái chủ” qua mê tín “rước vong”.
Sự thật không những đứng giữa ánh sáng lại còn lan tỏa để nhập nội vào nhân thế, để đổi nhân sinh quan của nhân tình, mà còn đổi luôn thế giới quan của nhân loại, đưa con người tới nguyên nhân của sự thật. Nguyên nhân có khi nằm trong động cơ của kẻ nuôi dưỡng chuyện phản sự thật. Và trên thí dụ về chùa Ba Vàng, thì đúng là ổ buôn gian bán lận để đào tiền những ai đã là nạn nhân của mê tín qua chuyện “thỉnh oan gia tái chủ” rồi “rước vong” để trị bịnh. Vì là bọn buôn thần bán thánh không biết gì về y khoa, nên nguyên nhân do chúng mạo danh không đi cùng với hiệu quả của y khoa, những ai dùng mê tín để trị bịnh, thì không thể thế y khoa được, vì sẽ không có hiệu quả trị liệu của y khoa.
Sự thật tới có thể làm chúng ta sững sờ khi nó xuất hiện, nhưng khi sự thật đã tới như chân lý hiển nhiên, thì sự thật trao cho chúng ta những chìa khóa để mở cửa mọi nhà tù đang giam hãm ta, để giúp ta khám phá ra sự thật này. Các ma tăng lãnh đạo của chùa Ba Vàng không dám trả lời các thách thức của các Phật tử chân chính là từ các kinh của Phật tới các sinh hoạt Phật pháp hằng ngày trong lịch sử của Phật giáo không hề có kinh nghiệm “thỉnh oan gia tái chủ”, “rước vong”; thì bọn ma tăng này chỉ là âm binh, mà chúng không hề là Phật tử.
Sự thật xuất hiện để tách lòng tin có cơ sở ra khỏi sự mê tín không có cơ sở vì không được kiểm chứng qua một quy trình khách quan của tri thức; như vậy sự kiểm chứng là cặp mắt của sự thật, làm nên quy luật vô trương bất tín (không thấy thì không tin). Và xa hơn nữa là khi ta nếu thấy rồi, tin rồi, thì phải để kẻ khác kiểm chứng để chuyện thấy và tin, để sự thật trở thành chuyện không chối cãi được. Khi kiểm chứng là “thỉnh oan gia tái chủ”, “rước vong” không làm cho hết bịnh, lại có hậu quả ngược lại là tiền mất tật mang, thì ta phải thấy để tin là bọn ma tăng lãnh đạo chùa Ba Vàng chỉ là bọn đánh lận con đen, bằng đánh tráo khái niệm như đánh tráo sự thực, với ý đồ trục lợi chỉ vì tư lợi ham tiền của chúng.
Sự thật không đến thản nhiên rồi ra đi trong hồn nhiên, sự thật không chỉ bay lướt trên mặt đất mà nó yêu cầu ta phải đào thật sâu, bới thật rộng, cào thật xa để biết tại sao gốc, rễ, cội, nguồn của sự thật lại bị che lấp, và nó thường bị che lấp với các ý đồ của lòng tham không đáy. Và, lòng tham này tới từ một bọn bất lương, không lương thiện vì không có lương tri, mà lương tri chính là tri giác của lương tâm. Khi ta đặt câu hỏi: lấy tiền ở đâu ra để xây lên cơ ngơi của chùa Ba Vàng trên một khu đất rộng, với kiến trúc hoành tráng, với nội thất xa hoa? Thì câu trả lời là có một bọn âm binh làm “sân sau” cho bọn ma tăng, để đầu tư vào chùa Ba Vàng, vừa để rửa tiền, vừa để làm tiền qua chuyện buôn thần bán thánh. Mượn chuyện xây chùa để kinh doanh bất chính qua mê tín thì không hề dính dáng gì đến hệ luận của Phật học: lấy lý luận của tri thức về nguồn cội khổ để lập luận về gốc rễ của khổ đau trong nhân thế, mà giải luận để vượt thoát đau khổ bằng đạo pháp, nên Phật học hoàn toàn ngược lại với mê tín, đi trên mê lộ, sống trong mê cung, vùng vẫy trong mê loạn.
Sư thật đưa ra phân tích sâu và rộng để giải thích cao và xa, nên sự thật không bị giới hạn bằng biên giới của không gian, không bị định hạn bởi thời gian, cụ thể là nó không sợ hãi và không tuân thủ bất cứ vùng cấm nào cả. Chùa Ba Vàng không nằm ngoài quy luật này của sự thật: nếu có “sân sau” bỏ tiền ra rồi giao cho bọn ma tăng buôn thần bán thánh, thì ai là đám “chống lưng” cho bọn “sân sau” này, cùng lúc làm “ô dù” cho bọn ma tăng kia? Câu trả lời có trong đám lãnh đạo cao nhất từ các thành viên của Bộ Chính Trị tới các nhân vật trong chính phủ hiện nay. Hiện nay các giả thuyết cần được minh chứng trong những ngày tới là Phạm Minh Chính trong Bộ Chính trị đóng phần đầu tư và bao che, còn Nguyễn Xuân Phúc tham gia vào việc ủng hộ để tham dự vào việc chia chát.
Nếu là giả thuyết có cơ sở nơi mà dữ kiện phải được trở thành chứng từ, mà còn là lý luận của chứng từ được trở thành giải luận về nguyên nhân. Nên sự thật khách quan yêu cầu ta tiếp tục điều tra, khảo sát, nghiên cứu về hệ thống truyền thông quốc nội do ĐCSVN điều khiển: tại sao tự nhiên lại ào ra để nhảy vào các chuyện ma tăng dùng ma đạo để làm tiền, thì đây lại có giả thuyết khác là một cuộc thanh trừng lẫn nhau giữa các lãnh đạo chóp bu đang thanh toán nội bộ để giành chức qua giành quyền trong đại hội sắp tới của ĐCSVN, chỉ như vậy sự thật mới là sự thật trọn vẹn chớ không phải là loại sự thật chột, què, ngọng, điếc đã bị tà quyền vo tròn bóp méo.
Sự thật đến như một sự kiện nhưng tự nó sẽ thành sự cố để giải thích các biến cố đã, đang, sẽ xẩy ra khi sự thật xuất hiện với nguyên vẹn hình hài của nó. Và khi chủ thể khám phá ra sự thật nguyên vẹn này, thì chính chủ thể thường có nhận định là mình đã đi sau tới trễ đối với sự thật, chính cảm nhận này sẽ hướng dẫn chủ thể thực hiện thêm hai việc: thứ nhất là kiểm nghiệm lại mọi quá trình thực nghiệm (thật sự của sự thật); thứ hai là luôn đi thêm một bước hay nhiều bước nữa để được tiếp nhận sự thật đầy đủ mà không bị thiếu sót, để tiếp nhận sự thật được toàn diện, không bị phiến diện, như một sự thật tật nguyền.
Câu chuyện của chùa Ba Vàng vẫn không dứt nếu ta không hiểu chuyện buôn thần bán thánh qua Phật giáo của bọn ma tăng hiện nay chính là câu chuyện rửa tiền bất chính qua chuyện xây chùa, để rồi được vơ vét nhiều hơn qua chuyện buôn chùa bán Phật của ba lực lượng đang liên kết để sống nhờ liên minh của chúng: bạo quyền lãnh đạo sống nhờ độc quyền qua độc đảng dụng độc tài để độc trị; tà quyền tham quan sống nhờ tham ô qua con đường tham nhũng; ma quyền buôn đất lậu đạo của bọn tư bản đỏ sống nhờ quan hệ-tiền tệ với bọn lãnh đạo.
Sự thật được khai sáng nhờ kiến thức, nhưng trước đó sự thật có thể bị vô thức của người trần mắt thịt vì đã quá cả tin vào chế độ đang quản lý sự thật, vào chính quyền đang quản trị sự thật; tệ hơn nữa sự thật còn có thể bị vùi lấp bởi mê thức, tới từ hậu quả của tuyên truyền, từ hậu nạn của kiểu lưỡi gỗ chỉ biết nghĩ, biết nói một chiều làm ra đêm giữa ngày, để ma quyền dễ gạt đi mọi phản biện. Chính vô thức khi song hành cùng mê thức thì sự thật bị coi như một hiểm họa vì sự thật có thể đặt lại toàn bộ vấn đề về tổ chức xã hội, trong đó có tư lợi của kẻ đang là nạn nhân của vô thức hoặc mê thức.
Cụ thể là quan hệ xung đột giữa kiến thức, vô thức và mê thức là quan hệ trong đó quyền lợi đặt chủ thể của nhận thức vào sự tỉnh thức trước sự thật; hoặc ngược lại loại bỏ ý thức tới từ kiến thức để bảo vệ tư lợi trong vô ý thức. Câu chuyện của chùa Ba Vàng đã và đang là sự dính líu qua biển lận của ít nhất ba lực lượng: bạo quyền lãnh đạo trong độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền sống bất lương và làm giàu bất chính qua quá trình buôn bán bất nhân. Những bọn này sống như ký sinh trùng ăn trên rồi ăn sâu vào sinh lực của người lương thiện qua sự buôn bán giả dối của chúng. Cụ thể là khi đi học thì chúng buôn bằng bán cấp, khi ra đời thì chúng buôn chức bán quyền, khi cần tiền thì chúng buôn thần bán thánh; và chúng sẽ buôn dân bán nước và khi đất nước bị sa bẫy vào quy trình của họa xâm lược của Tàu tặc thì chúng sẽ cao bay xa chạy như để tiếp tục lẩn trốn sự thật mà thôi.
Sự thật chỉ được biết qua kiến thức đã đưa nó ra ánh sáng, mà ngay trong kiến thức cũng có loại kiến thức bị giấu giếm, để chỉ được chia sẻ kín đáo trong bè đảng như trường hợp của ba lực lượng độc hại cho số phận Việt tộc hiện nay: bạo quyền lãnh đạo trong độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất, tất cả đều tham tiền; và chính chúng là giặc nội xâm, trực tiếp hay gián tiếp mở cửa cho ngoại xâm Tàu tặc, vì chúng chỉ biết sống bất lương để làm giàu bất chính, loại này luôn “mất ăn, mất ngủ” vì sự thật sẽ tới để lột mặt nạ của chúng.
Chủ luận: chân lý của chủ thể
Sự thật là chân trời của chân lý, từ nghiên cứu qua điều tra, từ điền dả qua kiểm tra, từ so sánh qua tổng kết, nới mà mỗi khám phá, mỗi phát minh, mỗi kết quả đều có cái giá của nó, và sự thật chỉnh chu trong chân lý: “có thực mới vực được đạo”, không phải là thực phẩm, mà là mà là sự thực (sự thật), thực của hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức). Chính sự thực là gốc, rễ, cội, nguồn của khoa học, luôn chứng thực để chứng minh, và sự thực là nền, cột, trụ, móng cho chân lý được ra đời và được công nhận.
Sự thật vô điều kiện trước ánh sáng của chân lý, sự thật với sự thành thật học để hiểu, khi ta có thiện chí để học, có công cụ của tri thức đúng để tìm ra kiến thức mới và đúng về sự thật, thì sẽ hiểu mọi điều kiện cần thiết để nhìn, để thấy, để nhận và để hiểu ra sự thật. Cụ thể là ta phải biết tách chủ thể đi tìm sự thật và đối tượng đang ẩn chứa sự thật, thì từ đó chủ thể có thể tái tạo từ đầu tới cuối sự hình thành của đối tượng để thấy được sự thật, và sự thật sẽ luôn được mở ra cho ta nhận ra sự thật, và sự thật trao tặng cuộc sống sức mạnh của nó qua sự xuất hiện hiển nhiên của sự thật.
Nhưng sự thật của con người là biết vụ lợi để bảo vệ tư lợi của mình, nên sự thật trong xã hội xuất hiện với sự xung đột về quyền lợi, nơi mà mỗi tư lợi bám vào chỗ đứng của nó, cùng lúc muốn lớn ra và đe dọa các tư lợi khác. Chính sự xuất hiện của sự thật sẽ nói rõ sự xung đột đã có và sẽ tiếp diễn ngay trong sinh hoạt xã hội, nó đe dọa và nó thúc đẩy các lực lượng tốt trong xã hội liên kết để cùng nhau liên minh chống lại các lực lượng xấu chỉ biết bám vào tư lợi của mình mà “thí mạng” các lực lượng khác.
Sự thật có hành trình ngay trên lộ trình chân lý, chúng ta phải biết là lẽ phải không nằm trong ý thức hệ luôn lấy ý đồ để vo tròn bóp méo sự thật. Con người còn phải có đầy đủ ý thức để biết là lẽ phải tới cùng với chân lý qua sự thật của sự kiện, khi sự kiện đã trở thành sự cố với tất cả tin tức, dữ kiện, chứng từ để từ đó dựng lên chân lý. Chính sự cố làm lộ ra sự thật và không hề tùy thuộc vào nhận xét chủ quan là chuyện này không thể có, chuyện kia không khả thi, chuyện nọ mang tính không thực tế, để làm thay đổi tình hình; tất cả đều là một loại ngụy biện trá hình trước sự bất lực.
Trong khoa học cũng như trong chính trị, trong xã hội cũng như trong kinh tế… sự cố mang đến sự thật không kinh qua chuyện không thể có, không đi ngang qua chuyện không khả thi, không quá bộ qua chuyện không thực tế. Tính ngụy biện tạo ra tính bao biện để kẻ có ý đồ tồi muốn chặn phương trình sự thật–chân lý–lẽ phải, thì luôn luôn sử dụng gian lý để ngoa luận: không thể có vì không khả thi và không thực tế. Lịch sử con người thì dạy cho chúng ta rất rõ là: sự cố xuất hiện để nói rõ là sự thật là sự có; và biến cố hiện lên để nói lớn là chân lý rất khả thi, và biến động sẽ tới để nói mạnh lên lẽ phải rất thực tế!
Sự thật mở cửa mời lẽ phải, từ đạo lý qua đạo đức, từ luân lý qua giáo dục, từ kinh nghiệm qua trải nghiệm, nhưng kẻ đòi tự do cho lẽ phải phải trả giá cho sự liêm chính của mình, mỗi hành vi liêm sỉ, mỗi hành động liêm minh, mỗi hành tác đều có cái giá của nó, và tự do chân chính luôn chu đáo trong chuyện: được mắt ta ra mắt người, trong đó tư lợi cá nhân không được thủ tiêu công lợi của tập thể. Chính lẽ phải đưa công bằng vào công lý, giao pháp lý cho pháp luật. Chính phương trình công bằng–công lý–pháp lý–pháp luật là phương pháp luận hỗ trợ cho định nghĩa về tự do để tự do này không được đập, phá, thiêu, hủy các tự do khác!
Sự thật biết đứng về phía nước mắt! Sự thật trong mạng xã hội qua internet, trong đó các tin tức, các truyền thông, các sự cố ngoài vòng kiểm soát của chế độ độc đảng, của thể chế độc quyền, trước bị xem là ngoài lề, nhưng giờ đã trở thành chính thống, vì sự thật ngược lại với bưng bích, với tuyên truyền, với tráo luận, với giả dối. Trên mạng xã hội qua internet, lại còn đi xa hơn tin tức và truyền thông về sự thật của sự cố, mà nó còn là nơi hội tụ các đòi hỏi, các phong trào, các đấu tranh vì tự do, muốn tự do. Chính quyền độc đảng ngăn chặn nó, cấm đoán nó, truy hãm internet vì nó đứng chung không những phía sự thật, mà còn biết đúng về phía lẽ phải để bảo vệ các nạn nhân của bạo quyền: sự thật biết đứng về phía nước mắt!
Sự thật xuất hiện ngay trong hiện tượng, nơi mà cái thật được nhận ra qua trực quan, chính trực quan khi tổ chức lại lý trí, đã bắt đầu trao truyền cho ta một trí tuệ mới để ta tiếp cận ngày càng sát với sự thật. Sự thật là sự liên đới của các chủ quan để cùng công nhận là cái biết đã mở cửa cho cái thật xuất hiện, để sự thật tới như một chân lý có rễ sâu, gốc chắc mà không ai bứng được. Sự thật đã có từ lâu, đã có sẵn, đã có trước câu hỏi sự thật là gì? Chính cái biết là chìa khóa để mở ra không gian của sự thật để cái thật được nhập nội vào cái biết. Khi chủ thể muốn tìm ra sự thật, thì chủ thể phải là chủ thể mở: mở để sống, mở để nhận, mở để biết, mở để đón sự thật, để được sống thật, sống đúng. Sự thật mang bản thể có trong cái thật, và cái thật không ở trong cái giới thiệu, cái tuyên truyền, nơi mà sự thật của bản thể chính là sự vận hành mà ta thấy-nhận-hiểu qua hiện tượng.
Sự thật có trong lý luận khách quan qua tổng hợp các chứng từ để xây dựng lên tri thức khách quan để đặt sự thật vào kiến thức khách quan để chân lý được khai sáng. Trong sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế… kiến thức khách quan không như trong khoa học chính xác (toán), không như trong khoa học thực nghiệm (lý, hóa, sinh). Vì kiến thức khách quan trong sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế… được giải thích qua ngôn ngữ bình thường hàng ngày, mà không qua công thức toán, không qua thí nghiệm làm nên kinh nghiệm cho kiến thức; mà sự thật trong đời sống con người chỉ được giải thích bằng ngôn ngữ chính xác nhất: nói thật để nói đúng. Khi ta đi tìm sự thật thì đừng quên tính hỗ tương, như là lực bổ sung của hai loại người có hai vị trí rất khác nhau, đối diện nhau để bổ túc cho nhau trên lộ trình nhận ra sự thật.
Sự thật xuất hiện trong sự ngẫu nhiên, nhưng khi sự thật ra đời thì chính sự thật sẽ loại đi sự ngẫu nhiên, để trở thành sự thật của phổ quát, của vĩnh hằng, được chấp nhận mọi nơi, mọi hướng. Sự thật thường tới sau một sự cố, chính sự cố làm sự thật xuất hiện. Sự thật cần kiến thức khách quan để xây dựng lại quá trình làm nó xuất hiện. Sự thật hiện hình như sự tái tạo lại cái thật để chúng ta kiểm chứng được tính trung thực của nó. Sự thật khi thì cần các kiến thức qua thực nghiệm của khoa học, có khi thì nó cần đạo diễn, cần kịch bản để tổ chức lớp lang thứ tự các dữ kiện, các chứng từ làm nên nó, để xã hội, để truyền thông, để tòa án, để pháp luận kiểm tra mọi phần tử, mọi chi tiết đã làm nên sự thật.
Sự thật thường xuất hiện như là một sự cố ngoại lệ đã trở thành phổ quát qua quá trình sau đây mà con người sống lần lượt qua bốn kinh nghiệm ngay trong tư duy của con người. Sự thật tới từ sự ngẫu nhiên nhưng là sự có thể, nó đang xẩy ra, nó tới để xóa đi sự chủ quan tạm thời của con người, nó xuất hiện dẹp hẳn sự chủ quan để dựng lên sự khách quan. Sự thật mang thực chất đặc thù, ngược với thói quen, trái với phản xạ. Sự thật khi được công nhận sẽ trở thành phổ biến với kết quả tất nhiên của nó.
Sự thật của sự vận hành vừa ngầm vừa nhanh, nửa hữu hình nửa vô dạng của thân phận Việt hiện nay. Với Tàu tặc đã chiếm đất, đảo, biển của ta; với Tàu họa đang ô nhiễm môi trường, đang hủy diệt môi sinh của ta; với Tàu hoạn đang ngày ngày đầu độc dân tộc ta qua thực phẩm bẩn, hóa chất độc, kể cả đang tổ chức dày đặc trên quê hương ta một mạng lưới buôn ma túy để truy diệt các thế hệ trẻ của Việt tộc; với Tàu nạn đang toàn bộ tự giật dây chính trị qua lãnh đạo của ĐCSVN, thao túng qua kinh tế, biển lận qua thương mại, tha hóa qua giáo dục… Tất cả song hành cùng với các làn sóng di dân Tàu ào ạt vào đất Việt để định cư lâu dài, trong quỷ thuật trai Tàu lấy vợ Việt, sinh con lai Tàu theo cha, tạo ra một lực lượng lai đang lan tỏa sâu rộng ngay trong giống nòi Việt. Sự thật này đã cho ta nhìn thấy là số phận Việt đã là đang lâm vào tử lộ của diệt vong!
Sự thật khi nhận diện được thủ phạm trong bạo quyền qua độc tài, tham nhũng qua tham quan, nhận diện chân lý để chứng minh các phong trào dân oan là hậu quả của chuyện trộm, cắp, cướp, giật của bọn bạo quyền thông đồng với bọn thầu đất. Chính nạn nhân giờ đã trở thành chủ thể tự do dầy cá tính bảo vệ sự thật để bảo toàn chân lý, bảo hành lẽ phải. Phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải là rễ của đạo lý, gốc của luân lý, cội của đạo đức, giờ đã đứng về phía nạn nhân, đã đứng về phía nước mắt, đã đứng về phía nhân quyền!
Sự thật lột mặt nạ sự xảo trá, chẳng hạn như chuyện chống tham nhũng, được mệnh danh là chiến dịch đốt lò của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của ĐCSVN, nhưng thực chất chỉ là chuyện tranh giành quyền lực để thu tóm quyền lợi giữa các nhóm lợi ích, mà thực chất chỉ là những mafia, sống theo phản xạ đám, đàn, bầy như âm binh, chọn lãnh địa đảng để thao túng toàn xã hội, bòn rút tới cạn kiệt tài lực của quốc gia, nguyên khí của Việt tộc. Chúng cướp quyền lực trước để cướp của dân sau, thanh trừng nhau trước trong nội bộ để dễ dàng thanh toán chuyện trộm, cắp, cướp, giật tài nguyên đất nước, tiền tài dân tộc, vốn liếng xã hội sau đó. Sự thật có mặt trong phân tích, trong giải thích, trong chứng minh là độc tài dựa độc đảng để có độc quyền, để tiếp tục được lạm quyền, tức là còn độc trị thì không sao diệt được tham nhũng.
Tuệ luận: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy
Thầy-trò, là ngữ pháp mà tôi chọn để hiểu hai «ẩn số nhân kiếp» trong quan hệ giáo dục của một «phương trình nhân nghĩa» đầy nhân tri, vì dày nhân trí, mà giờ đây đã vượt lên hơn quan hệ bình thường của hai cá thể riêng biệt thầy và trò, của hai người đại diện cho hai thế hệ và hai vị thế khác nhau trong xã hội. Trong thầy nên hiểu là có cô, trong trò nên hiểu là có học sinh, nhất là sinh viên đi một đoạn đường dài trong đại học, trong trường đời khi nhận ra: gặp được một người thầy là gặp được một cơ duyên. Mà trò đã nhận thức đây chính là: cơ may, mà chỉ cần trò hiểu được cường độ và trình độ của một lần sơ ngộ này, để biến nó thành tương ngộ, nơi mà trò ý thức được giá trị thiêng liêng của hàm số hạnh ngộ, biết vận dụng sự thông minh của chính mình để biến tao ngộ phải là tái ngộ!
Câu chuyện cơ duyên bắt đầu nơi mà câu ca dao: «Nhờ duyên ta biết quê mình nơi đây», được trò sung sướng đổi lại là «nhờ trường mình biết quê thầy là đây»; vì cơ may có trong «một ngày nên nghĩa, một chữ nên thầy», được trò vui sướng đổi lại là: “một ngày nên trí, một chữ nên tri”. Đây là cơ hội để trò hiểu ra phương trình thành người: thành công học đường-thành tài nghề nghiệp-thành đạt kinh tế-thành tựu xã hội. Chính là sự thăng hoa cho nhân kiếp, từ đó thấu chiều cao của giáo lý: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Mà công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy nếu ngẫm cho kỹ có thể viết là: công cha-nghĩa mẹ-ơn thầy, như sự liên kết làm nên liên minh đẹp nhất của một đời người, đã đưa đứa nhỏ từ mẫu giáo qua mọi chặn đường của học tập, giờ đã thành người, tức là thành nhân trong giáo lý hay, đẹp, tốt, lành của nhân phẩm!
Vì biết ơn cõng ân để ân bồng bế, chăm sóc, nâng niu ơn, vì nếu thấy được là thầy đã thực sự thay thế cha mẹ, đã lấy chính tâm huyết của thầy để lập nên công trình cho trò, giờ đây đã là công ơn. Thầy biết làm một số chuyện mà cha mẹ không làm được, là khi trò rời giáo dục gia đình để tiếp nhận giáo dục học đường qua thầy cô; vì thầy song hành cùng trò tận dụng giáo dục học đường để tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất cho trò thành công trong giáo dục xã hội.
Vì giáo dục nhân tính cần cả ba: giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội; và tính liên tục làm nên tình liên kết của ba giai đoạn giáo dục, đó là nền của giáo dục nhân tính, mà kết quả cuối một đời người là trò đã nhận ra đây chính là giáo dục nhân phẩm. Trong quá trình của ba giai đoạn giáo dục thì thầy luôn vừa là cầu nối, lại vừa là chỗ dựa từ nhân tri tới nhân trí, từ nhân lý tới nhân vị, đây là tâm giao của mọi tâm giao! Vì đây là thâm giao của mọi thâm giao!
Chữ ơn thầy có nội lực, có sung lực, có hùng lực cõng, bồng, bế, nâng cả chữ công cha, lẫn nghĩa mẹ, vì «không thầy đố mày làm nên». Và giáo lý «không thầy đố mày làm nên» vẫn là giáo lý một chiều, vì còn có một chiều khác là «không thầy (thì) học bạn», nhưng học bạn và học thầy rất khác nhau, khác nhau từ cách tiếp nhận kiến thức tới cách xếp đặt tri thức, trong đó sự trải nghiệm của thầy bằng nhận thức qua kinh nghiệm của tri thức đã được cấu trúc hóa như kinh nghiệm trí thức, mà bạn bè khó trao cho nhau được, vì thầy đã trao cho trò một loại kinh nghiệm của ý thức của kẻ đi trước đã thành người.
Trong thói quen của ngôn ngữ Việt, ta có thể gọi tất cả các giáo viên, giảng viên, giáo sư là thầy, nhưng đúng nghĩa của kẻ được làm thầy là một chuyện vô cùng lạ của môi trường học đường, của không gian giáo dục, vì học đường có nhiều mức độ làm nên trình độ trao truyền từ người giảng dạy tới kẻ học tập. Một người giảng cho học trò các kỹ thuật sử dụng máy vi tính, có thể chỉ là một kỹ thuật viên. Một người giảng cho học trò các phương cách cộng, trừ, nhân, chia, có thể chỉ là một giáo viên.
Một người giảng cho sinh viên các phương pháp phân tích và giải thích một sự kiện hay một sự cố, có thể chỉ là một giảng viên. Thậm chí một người giảng cho học trò không những phân tích và giải thích một sự kiện hay một sự cố, lại còn đi sâu vào đạo lý hay, đẹp, tốt, lành để trò hiểu thấu luân lý có trong bổn phận, có trong trách nhiệm của kẻ đi học, sau này sẽ thành công dân, người giảng dạy có thể chỉ là một giáo sư.
Tất cả các người giảng như kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư cũng có thể không được gọi để được xem là: thầy, vì đúng nghĩa kẻ làm thầy là: thầy biết biến trò trở thành thầy như thầy! Câu chuyện thầy biết biến trò trở thành thầy như thầy! Theo nghĩa là thầy giúp cho trò thành công, thầy còn giúp trò thăng hoa thật cao trên thành công đó, trong nhiều lĩnh vực chớ không phải chỉ thu gọn lại trong lĩnh vực giáo dục. Vì khi rời mái trường rồi vẫn có thể gặp lại thầy, vẫn có thể hỏi ý kiến của thầy khi trò gặp khó khăn, rơi vào ngõ cụt, thậm chí sau nhiều năm đã rời trường, với tuổi đời đã lớn, nhưng vẫn xin gặp thầy để được tham vấn, để có lối ra trước bao thử thách, trước các thăng trầm của đời người.
Có khi thầy kề cận trò cả đời của thầy, dù tuổi đời của thầy ngày càng cao, mà tuổi cao là tuổi trọng đối với người mà ta đã gọi là: thầy! Ta cần thầy như cần một giá trị thiêng liêng, nhưng rất hữu hình, thầy có mặt khi ta cần thầy, thầy cùng ta song hành qua các gian nguy của nhân thế, qua các hiểm nạn nhân sinh, các thất bại lẫn thành công giữa nhân quần. Thầy đã mở đường, nên thầy sẽ tiếp tục che chở… Nên câu chuyện của các người giảng như kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư, có thể bắt đầu bằng hình tượng của trò là kẻ đang đứng nhìn về phía chân trời như đang đứng trước mặt chính tương lai của mình, nhưng muốn tới chân trời kia thì phải vượt biển, tức là vượt đại dương qua bao sóng gió, giông bão.
Khi trò lấy có nghề, biết nghệ để lập nghiệp ngay trong thăng trầm của kiếp người, thì các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư thường không có mặt, đây không phải lỗi của họ, vì họ làm việc theo hợp đồng, công việc của họ được đo bằng lương bổng. Còn thầy thì khác, thầy sẽ có mặt trong khó khăn của ta, giúp ta không những vượt thoát các thử thách, mà còn vượt thắng các thăng trầm, vì thầy vừa là chiều cao, vừa là chiều sâu của «sống lâu mới biết lòng người có nhân». Thật đậm phúc khi ta có được một người thầy song hành cùng ta, thật nhạt phúc khi ta đi ngang cuộc đời này mà không gặp một người thầy nào cả!
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.