Bạn thân
Ai cũng biết các cuộc bầu cử của chế độ dân chủ là dựa trên đa số thắng thiểu số vì nếu thiểu số mà cầm quyền có nghĩa là độc tài. Bởi vậy cho dù giàu nghèo, khôn ngu cũng đều chỉ có một lá phiếu nhưng cách chọn ứng cử viên của mỗi người khác nhau. Người có suy nghĩ, kiến thức thì theo dõi tin tức, tìm hiểu đặc tính, quan điểm và chương trình đề nghị của mỗi ứng cử viên, cân nhắc những ưu tiên. Nhưng người thiển cận thì nhắm mắt theo ý thích, cảm tính (wishful thinking) hơn là suy xét.
Đó là trong một nước thuần chủng. Nước Mỹ là một quốc gia tạp chủng của nhiều nhóm di dân. Đã là di dân thì chỉ có một số ít là dân nhà giàu đến Mỹ để làm giàu thêm. Còn là đa số dân nghèo đến từ các nước đói kém, chiến tranh.
Trong số di dân nghèo thì ý thức chính trị kém hơn vì chỉ lo kiếm cơm là đủ mệt – thời giờ đâu mà nghĩ chuyện chính trị ngoại trừ một số ít vì đấu tranh (chính trị) mà phải tỵ nạn nước ngoài. Khi đến Mỹ thì người di dân bị ngộp vì sự khác biệt văn hóa, chính trị trong khi phải vùi đầu vào kiếm cơm. Vì thế sự tham dự chính trị của khối người này thường bị thiên lệch.
Vậy đối với dân nghèo thì không khác mấy cho dù ở nước dân chủ hay đang phát triển. Còn tầng lớp trung lưu thì sao? Đối với các nước nghèo thì giai cấp tiểu tư sản luôn luôn đóng vai trò then chốt trong sự thay đổi sinh hoạt chính trị của quốc gia. Nhưng tại Mỹ, tầng lớp trung lưu bị phân hóa bởi áp lực kinh tế. Khi cán cân giàu nghèo ngày càng thiên lệch thì các công ty, kỹ nghệ tập trung trong một số các nhà tài phiệt, các nhà đầu tư thị trường chứng khoán. Lớp trung lưu kẹt ở giữa: nếu không vươn lên (rất khó khăn) trong kinh tế thị trường mạnh được, yếu thua thì sẽ rớt xuống hàng dân đen. Mà nếu muốn ủng hộ giới nghèo thì đám đông này rất ô hợp, thiếu thống nhất, ý chí, dễ thay đổi, dễ bị dụ dỗ, mua chuộc vì những hứa hẹn hoang đường.
Trong đó có những người di dân chạy trốn vì chế độ độc tài tại quê nhà. Cho dù sau 60 năm sống tại như người Cuba, hay 45 năm như người Việt hay chỉ vài năm như người xứ Venezuela… tất cả đều mơ: Mỹ sẽ giúp lật đổ chế độ độc tài.
Riêng đối với người Việt thì giấc mơ đánh Tàu cứu Việt còn mắc kẹt câu hỏi là có thay đổi chế độ CSVN hay không thì chẳng ai trả lời được. Còn chuyện đánh Tàu thì ai cũng thích và tin sẽ có…
Nhưng nếu hỏi rằng bạn có con đi lính Mỹ thì có chịu cho con đi đánh Tàu hay không thì chẳng ai trả lời cả?
Còn hỏi nếu tốn phí chiến tranh (vì đánh Tàu) mà phải tăng thuế thì bạn có chịu đóng hay trốn thuế?
Ai cũng biết chỉ có nhà nghèo mới đi lính để kiếm giúp đỡ của nhà nước khi giải ngũ. Còn con nhà giàu thì mấy khi vào lính cho cực thân. Nhưng khi mấy ông nhà giàu làm chính trị thì thích gây chiến vì quyền lợi kinh tế mượn danh nghĩa bảo vệ “quyền lợi Mỹ”.
Vậy khi quyền lợi Mỹ không còn ở Tàu nữa thì Mỹ sẽ bỏ “thương chiến” (trade war) và giấc mơ của người Việt lại tan vào mây khói.
Khi bạn là công dân Mỹ mà muốn lính Mỹ hy sinh đánh Tàu, cứu Việt là chuyện hoang đường.
Có khi bạn nghĩ qua bầu cử dân chủ, dân Mỹ đa số sẽ phản đối chuyện đánh Tàu thì bạn nghĩ sao?
Tỉnh lại đi bạn.
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2020 (Việt lịch 4899)