Chính Phủ “lớn” (Big Government) hay “nhỏ”(Small Government )?

Người Việt tại Mỹ nghĩ gì về vấn đề này khi ủng hộ đảng Cộng Hòa (small, limit Gov) chủ trương giảm thiểu cơ cấu chính quyền, để người dân tự do buôn bán và tự trị (self-regulation) và  gán cho đảng Dân Chủ là mở rộng chính quyền, can thiệp vào đời sống người dân.

Nếu bạn lên mạng kiếm trên (en.wikipedia.org/wiki/Democratic_Party) và (en.wikipedia.org/wiki/Republican_Party) sẽ hiểu rõ hơn.

Quan niệm chính của đảng Cộng Hòa là “bảo thủ” (Conservatism), giảm thuế, quốc phòng và đối ngoại mạnh để bảo vệ quyền lợi Mỹ. Và đảng Dân Chủ là cởi mở, tiến bộ (Liberals, Progressive) chủ trương đánh thuế giới nhà giàu, nâng đỡ người nghèo qua các dịch vụ xã hội, tạo công bằng xã hội để người dân mọi giới tham dự. Giới hạn hoạt động quốc phòng, tránh can thiệp vào các biến cố quốc tế.

Có những tờ báo VN (Thương Mại Miền Đông, tmmdnews@gmail.com) giải thích đảng Dân Chủ là thân Cộng (cực tả, hướng tới chủ nghĩa Marx). Đây là sự xuyên tạc, ngu xuẩn, ấu trĩ vì người Việt tìm hiểu qua Anh ngữ sẽ thấy ngay. Và người Mỹ sẽ đánh giá sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam (CĐVN) như thế nào?  Hiến pháp Mỹ đã không quy định “nước Mỹ là một nước xã hội chủ nghĩa” thì dù chính quyền có thiên tả, cực tả mà hiến pháp vẫn còn thì không thể gọi nước Mỹ là xã hội chủ nghĩa được. Mà nếu chẳng may đa số dân Mỹ bầu hay chọn một chính quyền như vậy thì chúng ta sẽ làm gì? Nổi loạn hay đi tỵ nạn nữa?

Hãy trở về chuyện chính quyền lớn hay nhỏ?

Khi nước Mỹ lập quốc chỉ là 13 tiểu bang bên bờ Đại Tây Dương. Những người sáng lập không hề nghĩ tới nước Mỹ sẽ phát triển tới Thái Bình Dương và trải qua 2 trận thế chiến để trở thành cường quốc.

Nước nhỏ thì chính phủ nhỏ là điều hợp lý. Với dân số của 13 tiểu bang cần phát triển kinh tế mà giao thông, thông tin còn thô sơ thì hãy để địa phương tự phát triển (buôn bán). Nhất là khi an ninh trật tự còn tùy thuộc vào sự tự vệ của người dân hơn là chính quyền trung ương.

Những điều này không còn hợp thời nữa.

Khi Mỹ trở thành cường quốc có mặt khắp nơi trên thế giới để bảo vệ hòa bình (hay quyền lợi của nước Mỹ) thì không thể có chính quyền “nhỏ, giới hạn” được.

Khi người dân Mỹ muốn nước Mỹ phát triển, dẫn đầu về mọi mặt: y khoa, kỹ thuật, giáo dục, thể thao, kỹ nghệ… thì không thể điều hành bởi chính phủ “nhỏ” được.

Khi nền kỹ nghệ, thương mại của Mỹ đứng đầu thế giới thì các đại công ty càng ngày càng nhiều. Các ngân hàng, hãng máy bay, hãng thuốc (Pharma), công ty dầu hỏa, công ty tín dụng… đã tự trị (self-regulation) như thế nào thì chúng ta đã biết. Và khi sập tiệm thì nhà nước phải cứu chuộc bằng tiến thuế của dân. Vậy thì bạn muốn cảnh đó tái diễn hay chính phủ phải kiểm soát? Chính quyền “nhỏ” thì không thể kiểm soát các đại công ty.

Khi bất cứ một biến cố nào xảy ra trên thế giới thì mọi người đều trông chờ vào nước Mỹ, nơi có đủ loại chuyên gia để đối phó với bất kỳ vấn đề gì trong mọi lãnh vực đời sống con người. Ai lo chuyện đó nếu không phải là một chính quyền lớn?

Khi đa số nhân tài của thế giới quy tụ về đất Mỹ vì là nơi có nhân lực, vật lực để thực hiện những nỗ lực vượt bực của loài người. Vậy thì ai sẽ kiểm soát những hoạt động này là giả hay thật? Tốt hay xấu? Bạn sẽ tin một cơ quan của chính phủ hay của tư nhân phụ trách?

Khi công dân Mỹ lâm nạn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì chính quyền Mỹ sẽ tức thì can thiệp, cứu trợ. Đó cũng là điều hãnh diện khi làm “công dân Mỹ”. Vậy thì phải có quốc phòng mạnh. Nhưng phải chi bao nhiêu tiền hàng năm mới là mạnh? Nhưng quốc phòng mạnh không có nghĩa là phí phạm ngân sách qua những dự án mà Ngũ Giác Đài không kiểm soát và Quốc Hội bó tay vì ở nước ngoài (thí dụ như hàng chục hồ tắm tại các trường trung học ở Iraq mà quân đội Mỹ cho đấu thầu rồi bỏ dở).

Khi có thiên tai, bão lụt, cháy rừng, động đất thì chính phủ phải cứu trợ. Nước Mỹ rộng lớn, thiên tai xảy ra hàng năm. Nếu chính quyền nhỏ, yếu thì sẽ làm được gì?

Khi bình yên thì mọi người vui hưởng tự do nhưng khi biến cố, tội ác, bất công, áp bức xảy ra thì ai giúp bạn? Ai bảo vệ bạn? Chính quyền.

Mỹ là xứ sở của luật pháp. Ai đó đề cao “law and order” (trật tự và pháp luật) nghe thì có vẻ có lý lắm nhưng đừng quên rằng chế độ độc tài cũng dùng luật pháp và trật tự để bóp cổ người dân. Và khi có bất công xã hội thì sẽ dẫn đến cách mạng, nổi loạn. Như vậy muốn có dân chủ, bình yên thì phải có công bằng xã hội.

Đừng đổ thừa cho đảng Dân Chủ mở rộng chính quyền khi chính đảng Cộng Hòa tạo nên cơ quan TSA (an ninh hàng không), DHS (cơ quan bảo vệ đất mẹ), border patrol (tuần tiểu biên giới). Càng nhiều cơ quan thì chính quyền càng lớn, càng tốn ngân sách. Thế nhưng tại sao lại cắt giảm ngân sách khi chính quyền cần tiền để phục vụ dân Mỹ? Có phí phạm thì cũng là trong nước Mỹ, cho dân Mỹ và ai vi phạm vẫn có thể bị trừng phạt.

Nếu đã cắt giảm vai trò của nhà nước và đổ tội cho hệ thống quan liêu (red tape) thì phải chăng Quốc Hội đã không làm tròn nhiệm vụ dân cử? Còn các công chức liên bang, tiểu bang chỉ là tay sai, sai đâu làm đó? Nếu có phạt là trừng phạt lãnh đạo chứ tại sao phạt kẻ dưới chỉ có nhiệm vụ thi hành?

Chính quyền được thành lập để làm việc cho xã hội. Chính quyền cần có tiền để thi hành nhiệm vụ giao phó: đó là tiền thuế. Vậy khi đảng Cộng Hòa cắt giảm thuế cho các đại công ty thì dân nghèo lãnh đạn. Núp dưới chiêu bài tạo công ăn việc làm (create job) hay phân phát lợi tức (trigger down), nhưng thực tế không xảy ra như vậy (xem People, Power & Profits. Joseph E. Stiglitz. 2019). Các tỷ phú, chủ đại công ty đã dùng tiền để làm giàu thêm qua các thương vụ, mậu dịch để trốn thuế chứ chẳng mấy ai mở hãng cho rắc rối. Mà nếu có lập công ty mới thì ra làm tại nước ngoài với nhân công rẻ. Còn nếu ở trong nước Mỹ thì trả lương thợ rẻ mạt (vì biết dân nghèo cần việc làm). Nếu đảng Dân Chủ ủng hộ công đoàn (union) để đấu tranh cho công nhân thì đảng Cộng Hòa tìm cách hạn chế hoạt động của công đoàn với sự ủng hộ của Tối Cao Pháp Viện.

Khi Tổng Thống Reagan nói “chính quyền là trở ngại” (government is the problem, 1981) đã được đảng Cộng Hòa coi như lý do để cắt giảm chính quyền. Nhưng thực tế là lãnh đạo gây ra vấn đề chứ không phải chính phủ là những viên chức suốt đời phục vụ dân (xem LA Times).

Xảo thuật của các nhà chính trị là đánh lạc hướng dân chúng để che dấu cái xấu, dở của chính mình (cá nhân hay đảng)

Ai cũng bảo đất Mỹ là đất mở ra cơ hội làm giàu và người Việt có câu “phi thương bất phú” (nếu không làm thương mại thì không giàu. Chữ “phi” đi với chữ “bất” là nghĩa “không” chứ không phải ai đó dịch “phi” là gian phi, làm ăn phi pháp mới giàu). Vậy những ai đi làm công chức đã từ bỏ giấc mộng làm giàu qua thương mại. Họ chỉ trông chờ vào sự tăng lương hàng năm vì vật giá leo thang (cost of living adjustment).

Dưới thời Bush II, đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội đòi cắt lương công chức vì cho rằng cùng chức vụ, khả năng mà lại lãnh lương nhiều hơn tư chức nhưng lại làm việc không hữu hiệu? Ai đã từng làm công chức đều biết sự giả dối này vì công ty tư nhân sẵn sàng trả lương cao để kiếm nhân tài. Nếu công chức lãnh lương rẻ mạt và còn bị chà đạp thì ai sẽ phục vụ tổ quốc? Các đại công ty làm giàu qua hải cảng, phi trường, đường xá…là do ai làm sẵn để sử dụng nếu không phải là chính quyền mà họ đòi cắt giảm khả năng?

Vậy chính phủ lấy tiền đâu ra ngoài tiền thuế? Giảm thuế thì nghe có lý lắm. Nhưng nhà giàu được giảm nhiều (trong khi họ dư giả) và nhà nghèo được bao nhiêu? Mỗi lần giảm thuế thì sinh hoạt, vật giá lại tăng. Người nghèo lãnh đủ. Thất nghiệp, vô gia cư thì ai sẽ giúp bạn nếu không phải là chính phủ?

Mà người đóng thuế thì đòi hỏi đủ thứ nơi chính quyền: đường xá, trường học, y tế, an ninh…. Cho dù có tiền mà không có người thi hành thì ai sẽ làm? Mướn công ty tư nhân (contractor, privatized) thì sẽ bị gian lận. Ai sẽ điều tra, truy tố nếu chính quyền nhỏ không có khả năng bảo vệ người tiêu thụ?

Vậy thì nước lớn phải có chính quyền lớn. Trì trệ là tại lãnh đạo bất tài. Đừng đổ thừa cho cấp dưới. Luật pháp, nguyên tắc, đạo luật… là cho các lãnh đạo cơ quan được bổ nhiệm bởi Tổng Thống thông qua Quốc Hội. Cuối cùng là vị Tổng Thống (do dân bầu) mà dở thì dân chịu. Tại sao đổ thừa guồng máy chính quyền với những người công chức hèn mọn? Tất cả đã có từ bao lâu rồi? Nếu guồng máy dở thì quá khứ đã chứng minh. Còn nếu cắt giảm tới mức độ tê liệt thì trở thành vô chính phủ. Lúc đó nước Mỹ có còn gọi là quốc gia nữa không?

Kinh tế Mỹ là 99.9% các công ty, dịch vụ, thương mại nhỏ phục vụ dân tiêu thụ và đóng thuế. Nhưng trong một xã hội tạp chủng, di dân thì đó là cơ hội cho người bóc lột người: người biết tiếng tiếng Anh bóc lột kẻ không biết. Kẻ biết luật bóc lột, hà hiếp người không biết luật. Khi luật pháp cho phép giới thương gia được khấu trừ chi phí qua công việc (kiện tụng) trong khi người làm thuê làm sao có tiền để thưa kiện về tội kỳ thị, lấn hiếp (bully), đe dọa…. Nhà giàu thì có người bênh, còn nhà nghèo chỉ có kêu trời (in the God we trust)?

Trần Công Lân

Tháng 10 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s