Minh sư xưa: những bài học về chủ thể
Chủ thể của minh trí làm nên dũng trí
Chủ thể của hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức) trong “tổng thức” (ý thức, nhận thức, tâm thức), tại đây thức được sống và được tồn tại qua tỉnh thức trước điều kiện làm người của mình. Chủ thể được xây dựng qua nhân trí luôn là hành trình khám phá (đi một ngày đàng, học một sàng khôn), luôn là hành trình khai phá (thương người như thể thương thân), luôn là hành trình khai sáng vừa cho trí tuệ, vừa cho đạo đức (nắng ba năm ta không bỏ bạn, mưa một ngày bạn đã bỏ ta). Cùng nhau nhận diện ra chân dung chủ thể Việt tộc qua nhân tri của Mạc Đỉnh Chi. Ngài để lại hậu thế chúng tôi nhiều bài học, trong đó chữ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức) của Ngài, muôn chiều, muôn dạng, khiến cả đám triều thần nhà Nguyên, cứ vỗ ngực là thiên triều, từ vua tới quan phải biết thế nào thông minh Việt, vừa sắc, vừa nhọn. Phong độ đại thần của Ngài làm nên từ ý thức tự chủ đó, biết mình là thì không bao giờ mặc cảm với đồng loại, run hoảng trước vua chúa, nhất là không bao giờ bị khuất phục trước đối phương, dù nó lớn tới đâu đi nữa. Bài học thứ nhất khi học thì phải học tới cùng, sử truyền thời thơ ấu của Ngài, nhà thì nghèo và hình thể của Ngài thì xấu, bị người đời xa lánh. Ngài mê học nhưng phải “học lóm”, đứng ngoài lớp mà nghe thầy giảng bài để… học, đó chính là bài học: học thì phải học tới cùng, học cho bằng được, học cho ra kiến thức. Đây là bài học rất hiện đại cho tất cả học sinh, sinh viên, kể cả những kẻ đã vỗ ngực là “đã thành tài rồi” trên đất Việt hiện nay, trong một bối cảnh trường học và đại học mọc lên như nấm, trên một đất nước đang chịu cảnh bi-kịch-học: học giả-thi giả-bằng giả; có học vị và có học hàm trên giấy, mà không có học lực.
Bài học thứ hai là tri thức, với hình thể bị chê là xấu xí, mới hơn 20 tuổi, Ngài đậu Trạng nguyên, mà ngay cả vua Trần Anh Tông, khi thấy bề ngoài của Ngài không đẹp, không hợp, không muốn ngài có chức Trạng Nguyên. Ngài phải “dụng tri để trị vua” với bài thơ Ngọc Tịnh Liên (Hoa sen trong giếng ngọc), để khai thị, để khai minh, rồi khai trí cho ông vua này là: đừng chỉ nhìn bề ngoài, đừng nhìn dáng ông thấp, da ông đen, mà không nhận ra não bộ của Ngài, tấm vóc của Ngài, mà kết cục Ngài đã là thầy của vua. Thời đó, người ta còn biết Ngài giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa. Bài học thứ ba là trí thức, Ngài chấp nhận đấu trí với đám quan của thiên triều, Ngài nhận ứng đối luôn với cả vua nhà Nguyên. Tri của Ngài vững, trí của Ngài nhanh, Ngài trả lời các câu đố của chúng vừa chính xác, vừa chỉnh chu, vừa toàn diện, vừa sắc nhọn. Ngài để lại không biết bao nhiêu là bài học về đối đáp -để đốp chát- trước đối phương tự vỗ ngực cho mình là thiên triều. Vua Nguyên vì khâm phục Ngài mà tặng chức Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Có chuyện lạ là dưới (độc) quyền của ĐCSVN, các lãnh đạo, các cán bộ của Bộ Ngoại Giao, khi ta “tham vấn” họ về hệ thức Mạc Đỉnh Chi, thì thấy họ không có kiến thức gì về Ngài, tức là trường, lớp của Bộ Ngoại Giao không có giáo khoa, giáo trình, giáo án về Ngài, lạ thật! Vì Ngài chính là tri thức luận ngoại giao Việt. Không có một tri thức nào về Mạc Đỉnh Chi, lại có phản xạ man trá trong điếm nhục, nên khi có được diễn đàn của Liên Hiệp Quốc trong tháng Mười 2019 để tố cáo Tàu tặc đang chiếm biển đảo của Việt tộc, là chúng đang trộm, cắp, cướp, giật đảo Tư Chính nhưng đớn hèn tới mạt vận là không dám nhắc tới đích danh Tàu tặc để tố cáo chúng, để bảo vệ chính nghĩa toàn vẹn lãnh thổ của mình. Thấp nhục trong điếm lộ nên từ tên Tổng Bí Thư tới tên Thủ Tướng qua tới Chủ Tịch Quốc Hội cho tới cả một hội nghị Trung Ương của ĐCSVN cùng tháng Mười 2019 cũng không dám nhắc tới tên Tàu tặc đang gây ra bao hiểm họa Tàu họa, Tàu hoạn, Tàu nạn… trên số phận của Việt tộc.
Bài học thứ tư chính là cuộc sống liêm khiết, đạm bạc của Ngài, không nhận quà cáp gì của vua, chọn cái đẹp của thanh đạm, cái cao của thanh bạch, mà không sợ thanh bần, cho nên cuộc đời của Ngài tự nó thanh cao. Chân dung chủ thể Mạc Đỉnh Chi hoàn toàn trái ngược với cách của bọn mua quyền bán chức để sâu dân mọt nước, mà từ bước thứ nhất là phản dân hại nước sẽ dễ dàng đi bước thứ hai là buôn dân bán nước. Nhân cách của chủ thể Mạc Đỉnh Chi hoàn toàn trái ngược với ma cách của bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền của phường khôn nhà dại chợ, chỉ biết hiếp đáp dân lành, biến họ thành dân đen, dân oan; ngược lại thì khi gặp Tàu tặc, Tàu tà, Tàu họa, Tàu hoạn, Tàu nạn… thì cúi đầu-nhắm mặt-khoanh tay-quỳ gối trong tà lộ của điếm phận. Chủ thể đưa sự tỉnh táo phải rời cái tôi của ao nhà, nếu cần rời luôn cái ta của ao làng, để thấy được đại dương, cùng lúc hiểu được các quan hệ giữa các châu lục, để thấu sự vận hành của trái đất, của thế giới. Xa hơn nữa, là sự vận hành của vũ trụ, đó là tự do biết: đẩy cổng để ra đi, rời nhà để đi xa, xa làng để gặp các làng, các quốc gia, các châu lục khác, xa, lạ, để khai thị rồi khai minh cho chính mình bằng cách học tự do của thiên hạ để phát huy tự do cho chính mình. Chủ thể bó buộc các sinh hoạt chính trị phải được đúng hơn, tức là được đạo đức hóa hơn, để lãnh đạo chính trị phải làm việc trong luân lý của trách nhiệm và bổn phận, sống trong đạo lý đạo đức hay, đẹp, tốt, lành cùng với đồng bào mình. Từ đó quyền lực phải nhận trọng trách là phát huy chủ thể trong mọi công dân, nếu quyền lực không làm được chuyện này thì nó chỉ là tà quyền.
Chủ thể tiên tri vì nhân mệnh
Chủ thể ngay trong nhân dạng từ hành vi tới ngôn ngữ, từ hành động tới xử thế, vì trong đối nhân xử thế ta thấy được những cá nhân nào đã có hoặc chưa là chủ thể. Chính nhân dạng là kết quả của nhân cách, dựng nên tư cách được để tạo ra phong cách cá nhân, từ lao động qua sáng tạo, từ hợp tác qua đấu tranh. Chủ thể có ngay trong nhân dạng, đó là hậu quả (hoặc hiệu quả) ngay trong truyền thông khi chế tác ngôn ngữ, trong kiểu không, thiếu, vắng, biệt tự do: “thiên mệnh”, “ý trời”, “trời đã định”… hay kiểu biết, hiểu, thông, thấu tự do: “nhân quyền”, “nhân phẩm”, “nhân lý”, “nhân trí”… Chân dung chủ thể tiên tri bằng lý luận của nhân trí trong Nguyễn Bỉnh Khiêm có hùng lực lý luận của nhân lý làm nên bởi nội lực của nhân tri. Nhà tiên tri đại tài được cả nước trân quý, các câu sấm của Trạng Trình mà cho tới giờ đây dân Việt vẫn thường lấy ra nghiệm, ra ngẫm để biết các chuyện “vật đổi sao dời” trong nhân sinh, mà kẻ hậu thế này sống bằng khoa học duy lý thì không sao giải thích được. Vì duy lý, nên hậu thế này xin được xem và được gọi Ngài là nhà tiên đoán chính trị vạn năng của Việt tộc, vì tiên tri thì hậu thế này không tìm ra được cái lý để lập ra cái luận.
Còn tiên đoán thì cái lý ở trong cái đoán, dựa trên dữ kiện, trên chứng từ để lần tìm ra sự thật, để dọ dẫm ra chân lý, để phóng đoán được tương lai. Và, trên cơ sở tiên đoán này thì Ngài là đứa con tin yêu của Việt tộc. Các bằng chứng: Ngài là thầy bói giỏi trong sử liệu chưa thuyết phục được hậu thế này, chớ riêng về chuyện Ngài sáng dạ, chăm chỉ, thông minh trên con đường học vấn thì chứng cớ rất rõ, rất đầy, nên hậu thế này xin tiếp tục gọi Ngài là nhà tiên đoán, và cũng không quên Ngài là một người thầy giáo mà ai cũng khâm phục, kính yêu! Cứu cái đã suy, đây là kỳ tài của Ngài, có một không hai trên đất Việt, chính đám học thức gốc Hoa hiểu biết sử nước Nam ta họ cũng phục Ngài. Ngày cứu Nguyễn Hoàng, khi khuyên nên vào Nam, tướng này nghe lời vào Nam, không những sống sót trước đe dọa của chúa Trịnh, mà còn trị vì và phát huy được hàng trăm năm. Ngài cũng cứu luôn cả chúa Trịnh, khi khuyên Trịnh Kiểm, không nên diệt nhà Lê mà phải thờ nhà Lê, nhờ thế mà các chúa Trịnh cũng tồn tại cũng hàng răm năm. Chưa hết, Ngài còn cứu luôn cả nhà Mạc, khuyên họ rút về Cao Bằng để có đất sống, để dung thân, nghe lời Ngài nhà Mạc cũng được “yên thân” trong nhiều năm. Nhà tiên đóan đúng thời cuộc, trúng tình thế, thì không những là minh sư mà là đại sư, luôn ở thế “đi guốc ở trong bụng các biến thiên”, qua các bối cảnh chính trị vô cùng phức tạp. Ngày hôm nay trước họa Tàu tặc không bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính đất Việt, đồng hóa dân Việt, mọi người đang chờ có vài (hoặc có nhiều thì càng hay) Trạng trình để khai thị, khai minh, khai trí các nhà lãnh đạo của ĐCSVN đang bị nhân dân gắn cho một “chính trị hiệu” thấp và xấu: “Hèn với giặc, ác với dân!”. Thật lạ là năm thế kỷ sau, Ngài vẫn còn cận kề cùng nỗi lo với bao người Việt yêu nước với một câu tiên tri-tiên đoán rất chính xác, chứng tỏ tư tưởng chiến lược siêu phàm của Ngài: “…Biển Đông vạn dặm ra tay giữ. Đất Việt muôn năm giữ trị bình…”. Hãy thấu chân dung chủ thể tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm như hiểu vai trò của chủ thể sáng tạo không những để thành công trong học đường, thành quả trong nghề nghiệp, thành tựu trong xã hội, mà còn sáng tạo từ văn hóa qua nghệ thuật, từ lao động qua sáng tác ra nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan cho riêng mình, để có tư duy riêng, để có tư tưởng riêng, mà không quên đồng loại, luôn song hành với mình trong cuộc sống.
Chủ thể có minh trí của minh sư
Chủ thể tôn trọng ba nguyên tắc để bảo vệ mình, mà cũng để bảo vệ tha nhân, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ xã hội, trong đó tự do không rời ba trách nhiệm: trách nhiệm về hành động của chính mình trong xã hội; trách nhiệm vai trò của mình trước tập thể, trước cộng đồng; trách nhiệm về các chuyện bảo vệ kẻ yếu, kẻ dưới quyền của mình. Chủ thể làm sáng rõ nguyên lý -cao và rộng- của trách nhiệm về các chuyện bảo vệ kẻ yếu, kẻ dưới quyền của mình, qua hành động của chủ thể đấu tranh vì tự do, từ đây tự do được hiểu qua công lợi và qua công sự: được sống trong các cơ chế tốt của một xã hội tốt. Chủ thể chống bất công để bảo vệ hoài bão vì công bằng, chủ thể lập phương trình công bằng-công lý-công pháp để thi hành quyền tự do.
Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) mang đúng chân dung chủ thể trong nhân trí và Ngài để lại cho hậu thế nhiều bài học đào sâu nhân cách trí thức yêu nước của Việt tộc. Bài học đầu tiên là sống và làm việc vì dân, vì nước. Ngài ra làm quan cho triều Lê-chúa Trịnh, khi vận nước lâm nguy, Ngài tận sức, tận công phò Quang Trung đánh giặc Thanh cứu nước. Vì đối với Ngài cứu nước-cứu dân là chuyện chính còn chuyện triều này, triều kia là chuyện phụ. Từ thái độ tới hành vi, từ quyết định tới hành động, tâm-trí-lực của Ngài luôn sống trong quyết đoán. Chúa Trịnh vừa nhận ra sức thông minh của ngài vừa biết cá tính tự chủ của Ngài, gọi Ngài là tuấn mã, để xếp ngài trên cao, ở bên ngoài lũ ngựa “ăn không ngồi rồi” là bọn tham quan, ăn bám-sống nhờ lộc vua, tiền dân, bọn “sâu dân, mọt nước” này mà chúa Trịnh hiểu là bọn “tốn thóc, tốn cỏ”. Bọn này có rất nhiều trong hệ thống chính quyền độc đảng hiện nay, mà chúng thì tốn kém hơn nhiều: chúng bán tài nguyên đất nước, chúng biển lận quỹ công, chúng “rút ruột” các công trình, để các công trình phải dẫy chết mà chúng đặt tên là đang bị: “đắp chiếu”. Trong lúc chờ đợi một chế độ thật dân chủ, Việt tộc đang cần ngay một minh chủ hoặc minh chúa để “đắp chiếu” bọn tham quan này càng sớm càng hay. Ngài viết sách rất sớm, năm 16 tuổi viết Nhị Thập Nhất Sử Toát Yếu, năm 20 tuổi viết Tứ Thư Thuyết Ước, và cả đời Ngài viết sách, lấy học thức phục vụ kiến thức, viết đạo đức vì đạo lý. Ngài đỗ Trạng Nguyên, sau cha là Ngô Thì Sĩ 9 năm. Là một tác giả lớn, Ngài còn là văn hóa lớn, viết ra nhiều văn bản, luật lệ về giáo dục, văn hóa… khi Ngài được Quang Trung hoàng đế mời vào Phú Xuân để lo việc nước thuở thanh bình sau khi chiến thắng giặc Thanh. Minh chúa tin minh sư, vì minh sư học thật-giỏi thật, ngược lại với thời đại tham nhũng hiện nay, với không ít lãnh đạo với sự nghiệp giả trong học giả-thi giả-bằng giả; không có học lực mà lại đòi học vị-học hàm chức giáo sư, mà không bao giờ nghiên cứu và giảng dạy tại đại học.
Quang Trung hoàng đế, khi gặp được Ngài, đã biết ngay tầm vóc dũng cao-trí dày của Ngài, hoàng đế luôn xem Ngài là tri âm, mà người biết chuyện thời đó gọi là “cặp bài trùng”, song hành bên nhau, vì cả hai đều đem tài-trí-lực để bảo vệ quê hương. Khi Ngài quyết định rút quân về núi Đèo, Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, tạo ra bối cảnh để trống thành Thăng Long, làm tăng lên sức chủ quan khinh địch của quân Thanh, để khi ta thần tốc tấn công với chiến công mùa xuân năm Kỷ Dậu, thì chúng phải bỏ cả cờ mà chạy, manh giáp cũng chẳng còn. Nguyễn Huệ minh tướng lúc đó còn ở Phú Xuân, khi được nghe kể chuyện quân ta rời Thăng Long rút quân về núi Đèo, Tam Điệp, thì biết ngay đây là mưu cao-trí sâu của Ngài, tâm giao nên đắc khí, vì minh tướng đã gặp được minh sư. Trước họa Tàu tặc hiện nay đang đe dọa đất nước, Việt tộc đang rất cần nhiều minh tướng và minh sư đây! Hãy khám phá bản lĩnh “nhìn xa trông rộng” của Ngài: “Đánh giặc phải lượng thế giặc rồi mới đánh. Lượng phần thắng rồi mới hành động. Như đánh cờ, nhịn trước một bước, để thắng nước cờ sau, thế mới là tay cờ cao!”. Bài học này hữu ích cho các lãnh đạo, các tướng lĩnh hiện nay trước họa của Tàu tặc. Chánh Sứ là chức vụ ngoại giao lớn nhất mà Quang Trung hoàng đế giao cho Ngài để lập lại ngoại giao với nhà Thanh. Ngài còn biết biến các chuyến công du qua Trung Quốc thành những chuyến mà Ngài còn gọi là tráng du, Ngài để lại tác phẩm lớn Hoàng Hoa Đồ Phả. Tâm khảm của Ngài được thấy rõ trong các chuyến đi này, khi Ngài chú tâm tìm lại các dấu vết của các danh nhân Việt trên đất Trung Hoa, hậu thế rất khâm phục tâm nghĩa của Ngài. Khi Ngài từ quan trước sự vô minh của triều đình sau khi Quang Trung hoàng đế qua đời, Ngài đi vào tu học, mài sắc nhọn thêm lý luận Phật học của Việt tộc, Ngài được phong là người thứ tư đã tiếp nối sự nghiệp của phái Trúc Lâm Yên Tử sau ba vị tổ đời Trần của phái này: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Bi kịch của ĐCSVN độc đảng trong độc tài, ngày ngày truy, diệt, hủy, hoại minh trí của các minh sư đang có mặt trong nội công, bản lĩnh, tầm vóc của Việt tộc hiện nay mà chỉ có đa nguyên mới khai phá được đa tài, đa trí, mới khai sáng được đa năng, đa hiệu của các minh sư dạy minh trí!
GS Lê Hữu Khóa
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.