“Đọc sách tìm nghĩa không khó, hiểu được lý mới khó, mà hiểu ngoài lý càng khó hơn nữa”. Câu nói bên trên được trích từ tài liệu Chìa Khóa Thắng Nghĩa của Lý Đông A. Với điều kiện đó, tôi luôn luôn cố gắng đọc sách, tài liệu ngoài chuyện hiểu nghĩa mà hiểu luôn cả lý và vượt lên cái lý mà người viết muốn gửi đến người đọc.
Dĩ nhiên điều này không phải dễ. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng thì chúng ta sẽ hiểu ngoài lý để thấy rõ những tính hiệu mà người viết muốn gửi đến ta, hoặc người viết chưa muốn nói đến và để cái tính hiệu đó cho người đọc tự tìm tòi. Có những người viết tài giỏi họ dựa vào sự kiện hiện tại để dự đoán hiện tượng ở tương lai và muốn đem hình ảnh hiện tại để nhắc nhở mọi người ở tương lai cần phải nhìn vào lịch sử của nhân loại, dựa vào đó mà có những ứng xử tốt nhằm tạo điều kiện cho mọi người cùng tiến hóa.
Tôi muốn áp dụng câu nói bên trên để tìm hiểu tính hiệu mà ông Leonard E. Read, chủ nhân của bài viết “Tôi, Cây Bút Chì” (*). Ông Read là người sáng lập tổ chức thiện nguyện Nền Tảng Cho Giáo Dục Kinh Tế (The Foundation for Economic Education) được thành lập vào năm 1946 và ông đã viết “tôi, cây bút chì: giòng họ của tôi nói với Leanard E. Read” được tờ báo Người Tự Do xuất bản trong tháng 12 năm 1958. Tháng 5 năm 1998, báo Người Tự Do cho xuất bản lại bài viết này qua dạng một quyển sách nhỏ và được lấy tên ngắn gọn là Tôi, Cây Bút Chì.
Đã 60 năm kể từ khi bài viết Tôi, Cây Bút Chì ra đời. Dĩ nhiên trong khoảng thời gian đó, có rất nhiều người nhận định về bài viết này. Tôi được tiếp cận với bài viết này qua sự giao hữu bạn bè với anh Lawrence W. Reed, người chủ tịch hiện tại tổ chức bất vụ lợi này. Thấy được sức mạnh của bài viết và tính hiệu mà Leonard E. Read gửi đến cho thế hệ tương lai, tôi xin chia sẻ sự hiểu biết của tôi về cái tính hiệu giấu trong bài viết này dưới cái nhìn của một người sinh ra và lớn lên ngoài Hoa Kỳ nhưng sống tại Hoa Kỳ gần 40 năm.
Tôi, Cây Bút Chì nói lên thực tế một cây bút chì rất nhỏ, được sự tham dự với nhiều người trong một tinh thần tự nguyện mà không một áp lực nào đặt vào trong tiến trình sản xuất. Câu hỏi được đặt ra là nếu thiếu một thành phần trong tất cả những thành phần tham dự vào tiến trình làm ra cây bút chì thì cây bút chì có ra đời được hay không? Thí dụ, người làm đường sắt cho xe lửa chạy, hoặc người làm ra xe tải hoặc dụng cụ cắt cây to từ rừng. Câu trả lời rất rõ. Nếu không có người làm đường rày xe lửa, nếu không người làm xe tải, nếu không có người làm dụng cụ cắt cây thì cây bút chì sẽ chẳng bao giờ có điều kiện để đến xưởng cắt cây, bắt đầu tiến trình đầu tiên của khâu sản xuất.
Qua câu hỏi và câu trả lời cho chúng ta thấy không một cá nhân nào, không một công ty nào có thể tự mình sản xuất một sản phẩm ở số nhiều để cung cấp cho quần chúng nếu không có sự hợp tác của các thành phần khác trong xã hội. Tôi, Cây Bút Chì cho chúng ta thấy một hệ thống dựa vào nhau nhưng đồng thời độc lập để giúp đỡ lẫn nhau nhằm mục đích nâng cao cuộc sống của Con Người. Trong cái hệ thống dựa vào nhau này, mỗi cá nhân phải tự mình làm chủ lấy chính mình, làm chủ lấy kỷ năng làm việc để có thể hoàn thành công việc của chính mình. Chúng ta có thể làm việc cho một công ty nào đó nhưng không có nghĩa là công ty đó làm chủ lấy chúng ta. Trái lại chúng ta luôn luôn làm chủ lấy chính mình từ sức lao động, đến kỷ thuật làm việc. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được chính mình thì lúc đó, trong cái tự do của chính mình, chúng ta sẽ gia tăng kỷ năng làm việc của chúng ta càng ngày càng tốt hơn, lẹ hơn, tạo ra năng xuất hơn. Cái sản phẩm chúng ta tạo ra sẽ phối hợp với sản phẩm của một người khác, một công ty khác để tạo ra một sản phẩm mới. Mỗi sản phẩm mới luôn luôn mang tính độc lập, có thể đủ để phục vụ đời sống Con Người hoặc chưa hoàn thiện nhưng rồi tiếp tục phối hợp với một sản phẩm khác và tiến trình tiếp tục xảy ra cho đến khi một sản phẩm cuối cùng được tạo ra để phục vụ Con Người và xã hội.
Tôi, Cây Bút Chì cho chúng ta thấy một sản phẩm mà chúng ta sử dụng mỗi ngày có sự tham dự của cả triệu người trong tiến trình làm ra sản phẩm. Nhưng cũng qua bài luận văn đó, chúng ta thấy một điều là tất cả sản phẩm mà chúng ta tạo ra đều đến từ thiên nhiên. Cây, chất chì, đường sắt, xe tải, xi măng tạo ra nền của nhà điện, nhà phát điện và nhiều thứ nữa đều lấy từ thiên nhiên để chế biến thành sản phẩm phục vụ đời sống Con Người. Tuy nhiên, những tài nguyên thiên nhiên không phải là vô hạn cho nên chúng ta phải biết bảo quản thiên nhiên, không lạm dụng thiên nhiên để rồi chúng ta hủy hoại thiên nhiên và cuối cùng trái đất này chẳng còn gì để thiên nhiên có thể tự phát triển và nuôi dưỡng chúng ta.
Mặc dù bài luận văn Tôi, Cây Bút Chì không nói đến sự ảnh hưởng của sản xuất đến môi sinh bởi cây bút chì chỉ là một sản phẩm rất nhỏ trong rất nhiều sản phẩm mà chúng ta tiêu thụ hôm nay. Thực tế một số sản phẩm chúng ta tiêu thụ hôm nay sử dụng rất nhiều nhiên liệu và chính những nhiên liệu này đã làm ảnh hưởng đến khí hậu và thời tiết chúng ta đang sống. Khi mà khí hậu, thời tiết bị ảnh hưởng thì sẽ dẫn đến ảnh hưởng khác gồm cả cây cỏ trong thiên nhiên, nguyên liệu trong thiên nhiên và cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta có những nhà chính trị gia giải quyết vấn đề ngắn hạn bằng cách không quan tâm đến tầng khí quyển chúng ta sống để tạo ra công ăn việc làm của một ngành nghề nào đó bằng giá trả của nhiều thế hệ ở tương lai — khi tầng khí quyển tiếp tục bị ô nhiễm và chính thế hệ tương lai đó phải giải quyết sự ô nhiễm trên cho vài công ăn việc làm của hôm nay. Chúng ta được nghe nhiều quảng cáo về những cái chúng ta muốn thay vì là những cái chúng ta cần và thường những cái chúng ta mua là những cái chúng ta muốn chứ không phải là những cái chúng ta cần. Thay vì chúng ta ứng xử cho nhu yếu thì ngược lại chúng ta ứng xử theo dục vọng để rồi chúng ta càng ngày càng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ dục vọng của chúng ta.
Các nhà sản xuất của thời đại 1958 so với các nhà sản xuất của thời đại 2018 hoàn toàn khác biệt nhau rất nhiều. Từ nhiên liệu sản xuất đến sản phẩm sản xuất; từ kỹ thuật thô sơ đến kỹ thuật điện toán; từ sản xuất để đáp ứng cung-cầu đến sản xuất để thu lợi nhuận thật to mà không cần quan tâm nhiều đến môi trường ra sao, thiệt hại người tiêu thụ như thế nào. Đó là lý do tại sao các công ty bỏ nhiều tiền vận động các nghị sĩ ở Quốc Hội để tạo ra những luật lệ thật dễ dàng trong việc bảo vệ môi sinh. Trong năm 2014, các công ty bỏ ra số tiền để vận động Quốc Hội Hoa Kỳ với con số như sau: Công ty Koch 13.8 triệu, TransCanada 1.4 triệu, cơ quan American Petroleum Institute 9.1 triệu, Exxon 12.7 triệu, Chevron 8.3 triệu, BP American 5.7 triệu, Edison Electric Institute 8.5 triệu, Southern 12.3 triệu, American Electric 6.5 triệu, Duke Energy 5.9 triệu (1).
Thực tế thì rất ít công ty có công ty vận động hành làng tại Washington D.C trước năm 1970. Hơn nữa, theo sự nghiên cứu của American Business and Policy nhận định rằng các công ty vận động hành lang vào thời điểm 1970 rất ít có ảnh hưởng đến chính sách của Quốc Hội Hoa Kỳ và tìm khách hàng cũng rất là khó (2). Câu hỏi được đặt ra là công ty cần phải có trách nhiệm với xã hội trên lãnh vực môi sinh?
Trong bài luận văn Tôi, Cây Bút Chì, ông Read không nhắc đến trách nhiệm của công ty bởi lẽ vào thời đại của ông, sự ảnh hưởng của công ty dùng nhóm vận động hành lang vào chính sách của Quốc Hội rất ít có hữu hiệu, từ đó có lẽ ông không nói đến điều này. Cũng có thể ông Read đồng quan điểm với nhà kinh tế Milton Friedman cho rằng trách nhiệm duy nhất của công ty đối với xã hội là tạo ra lợi nhuận cho người đầu tư vào công ty. Ở một khía cạnh nào đó quan điểm này đúng. Tuy nhiên, nếu đặt lợi luận lên trên lợi ích của cộng đồng trong đó ảnh hưởng đến môi sinh thì phải chăng cái lợi ích đó cần phải xét lại?
Là một người không phải nằm trong ngành kinh tế, tôi nghi ngờ về luật cung-cầu với giá cả. Khi nhiều người cần và sản vật không đủ sản xuất để cung cấp cầu thì giá sẽ tăng. Tuy nhiên, một vài sản phẩm thực chất không phải dựa vào luật cung-cầu mà dựa vào lòng tham của những người điều hành công ty. Hãy lấy thí dụ ông Martin Shkreli, cựu chủ tịch công ty thuốc Turing, đã tăng giá thuốc Daraprim từ 13.50 một viên lên đến 750 (giá tăng 5000%). Sự tăng giá này hoàn toàn không có dính dáng gì đến luật cung-cầu mà là vì lợi nhuận của cá nhân ông Martin nói riêng và công ty ông ta nói chung. Theo bài viết của Alex Tabarrok đăng trên Fee.org thì tổng số thuốc được đặt mua mỗi năm là 8 đến 12 ngàn (3). Hãy làm con số tính đơn giản để xem khi giá tăng thì người dùng sẽ không còn đủ khả năng để mua thì công ty Turing có lợi hay không lợi. Nếu 8000 đơn mua thuốc cho 30 ngày thì con số thuốc bán ra là 240 ngàn viên. Tổng số tiền là 3.2 triệu với giá thuốc 7.50, 180 triệu với giá mới 750. Dĩ nhiên công ty Turing biết rằng số người không đủ khả năng mua thuốc với giá mới và đặt giả sử chỉ còn 10% có khả năng thì con số được tính như sau: 800 đơn mua thuốc cho 30 ngày thì là 24 ngàn viên thuốc với giá 750 thì số tiền thu vào là 18 triệu. Con số này vẫn hơn con số 3.2 triệu nếu bán giá cũ. Rõ ràng luật cung cầu không dính dáng gì đến chuyện lên giá này mà là vì lợi nhuận và Quốc Hội Hoa Kỳ hoàn toàn không làm gì để giúp những người cần loại thuốc này mà không có khả năng để mua. Thái độ cười của ông Martin trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ như là một thách thức là tôi làm được điều đó và các vị sẽ không làm gì được tôi bởi tôi chẳng vi phạm luật. Thật thế không? Những người không có khả năng để mua thuốc bị thiệt hại thì phải chăng đã vi phạm luật làm người khác có thể bị bệnh, bị chết bởi công ty đặt lợi ích của công ty trước sức khỏe của con người?
Hãy trở lại đề tài tự làm chủ lấy chính mình để thấy rằng tầm quan trọng của nó trong việc sản xuất, trong việc tạo ra kỷ năng cho chính mình, cho sức khỏe của chính mình, đồng thời cho hệ thống chính trị mình đang sống. Sự tiến bộ của cuộc sống con người bắt đầu từ vấn đề tự chủ. Khi chúng ta tự làm chủ được chính mình, bằng lý trí của mình thì không một ai, không một công ty nào có thể khuyến dụ chúng ta mua một sản phẩm mà thực tế chúng ta không cần. Khi chúng ta tự làm chủ chính mình chúng ta sẽ biết rằng không phải bất cứ loại thuốc nào, hợp pháp hay không hợp pháp, sẽ đem lợi cho chính bản thân của chúng ta.
Mỗi cá nhân là một chủ thể và chỉ khi nào cái chủ thể đó tự mình lớn mạnh, trưởng thành thì cái chủ thể đó mới có thể giúp những người khác để tạo thành một chủ thể khác hoàn toàn độc lập. Tôi, Cây Bút Chì cho chúng ta thấy được mỗi cá nhân tham dự vào tiến trình sản xuất cây bút chì đều tự mình làm chủ lấy chính mình, làm chủ những kỷ thuật dù cùng một công việc nhưng kỷ thuật của mỗi cá nhân khác nhau bởi chính mỗi người khác nhau trong cách tự làm chủ ấy. Dựa vào kinh nghiệm, dựa vào sự nhận thức từ trong cuộc sống để từ đó tạo ra sự tự chủ trong tự bản thân. Chính sự tự chủ này mà tại sao, có người sẵn sàng dùng thuốc kích thích để tìm sự hứng thú để rồi phải đi đến cái chết và ngược lại có người tự chủ được mình, chối từ những loại thuốc kích thích cho dù đó là thuốc hợp pháp hay không hợp pháp. Chính sự tự chủ này tạo ra sự nhận thức bên trong để chính cá nhân đó trưởng thành trong nhận thức chính trị và từ đó không một nhà chính trị nào có thể dùng tâm lý để mua lá phiếu ủng hộ từ cá nhân tự chủ đó. Những ai tự chủ được chính mình sẽ nhìn sự thật ở dạng tổng thể thay vì nhìn ở dạng khiếm diện.
Chính sự trưởng thành từ bên trong nhận thức tạo ra con người có tư cách trong ứng xử hằng ngày đối với những người chung quanh, đối với xã hội, đối với môi trường sống chung quanh. Phải chăng bài luận văn Tôi, Cây Bút Chì cho chúng ta thấy được sự tương quan giữa thiên nhiên, con người và xã hội? Vâng! Sự tương quan này đã hiện hữu từ thời con người biết cải tạo thiên nhiên để phục vụ đời sống con người. Sự tương quan này sẽ tiếp tục diễn ra không ngừng nghĩ và chúng ta cần phải nắm rõ tương quan này để có lối ứng xử vừa phục vụ đời sống hiện tại và bảo tồn thiên nhiên, đồng thời không cướp đi nguồn sống tương lai của chính con cháu của mình.
Sự tự do không có sự tham dự của cơ chế cầm quyền với điều kiện mỗi người trong chúng ta biết sử dụng quyền tự do ở chính mình. Chỉ khi nào chính bản thân chúng ta thực sự tự do, thực sự sáng suốt, thực sự giác ngộ thì lúc đó chúng ta mới biết sử dụng tự do của chính mình ra sao và biết giới hạn cái tự do của chính mình; bởi cuộc sống của chính mình không đơn thuần là chỉ là mình mà còn ảnh hưởng đến xã hội, thiên nhiên, và con người sống trên thế giới này.
Để chấm dứt bài viết này xin được trích dẫn từ một câu nói bên nhà Phật.
“Đừng tin bất cứ chuyện gì chỉ vì bạn nghe nó. Đừng tin bất cứ chuyện gì chỉ vì nó được nói và nhiều người đồn. Đừng tin vào bất cứ chuyện gì chỉ vì nó được viết trong quyển sách tôn giáo của bạn. Đừng tin vào bất cứ chuyện gì chỉ vì đó là tiếng nói của người có quyền là thầy giáo hay người lớn tuổi. Đừng tin vào truyền thống bởi truyền thống được truyền từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sau khi bạn nhận xét và quan sát, và khi bạn đồng ý với lý do và có lợi cho một và tất cả mọi người thì bạn chấp nhận và sống với nó.”
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 7 năm 2018 (Việt Lịch 4897)
Dallas, TX
- https://www.eenews.net/stories/1060012107
- http://digitalcommons.liberty.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1229&context=honors
- https://fee.org/articles/forget-shkreli-generic-drug-prices-are-falling/
(*)https://nganlau.com/2018/08/01/toi-cay-but-chi/