Chào các bạn
Trước hết tôi xin cảm ơn anh Larry Reed đã tạo điều kiện cho tôi đến thành phố Atlanta để thăm viếng thành phố này và được nói chuyện với các bạn trong một buổi ăn trưa thân mật.
Tôi là một con người cũng như các bạn. Tôi có nhu cầu ăn, hạnh phúc và tự do cũng như các bạn. Tôi muốn nói rằng chúng ta có rất nhiều điểm giống nhau tùy rằng chúng ta sinh ra và lớn lên không cùng một nơi. Tôi sanh tại Việt Nam, các bạn ở đây có người sinh tại những quốc gia khác hoặc ở tiểu bang khác. Tất cả những vấn đề đó không làm cho chúng ta có sự khác biệt nếu chúng ta nhìn vấn đề ở dạng Con Người.
Tôi rời Việt Nam lúc tôi mười tám tuổi. Quyết định rời Việt Nam của tôi vì mẹ tôi khóc. Dĩ nhiên các bạn biết, không ai muốn làm cho mẹ mình khóc. Hơn nữa, mẹ tôi muốn tôi rời khỏi đất nước mà ở nơi đó, quyền tự do của Con Người đã bị cướp đoạt; muốn tôi tìm một xứ sở với một tương lai sáng lạn. Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt thì tôi mới 14 tuổi. Ở cái tuổi đó, tôi đã cảm nhận được là chế độ cộng sản không thích hợp với chính tôi và cho dân tộc Việt Nam. Từ đó tôi đã có ý nghĩ chống lại họ và tôi tiếp tục làm công việc chống lại họ bằng phương tiện truyền thông nhằm mục đích khai dân trí, nói lên cái sự thật mà họ bưng bít.
Khi học xong lớp 9 thì tôi đã bỏ học chỉ bởi vì cha tôi làm việc cho quân đội miền Nam và những ai phục vụ cho chính quyền miền Nam thì cho dù có học thế nào đi nữa cũng sẽ không được trọng dụng. Chính vì lý do đó mà tôi đã bỏ học để chạy chiếc xe xích lô giúp gia đình tôi khi tôi vừa tròn 16 tuổi. Năm tôi 17 tuổi thì chiến tranh giữa Việt Nam và Cam Bốt xảy ra. Tôi không muốn tham gia vào quân đội cộng sản cho nên tôi xin vào trường kế toán tài chính. Họ không cho tôi vào đó vì tôi là con lính miền Nam. Tôi xin vào trường Trung Học Sư Phạm để trở thành thầy giáo và họ chấp nhận cho tôi vào trường đó. Cạn bạn nghĩ thấy buồn cười không. Ngành giáo là ngành đào tạo trẻ em thế mà họ để cho tôi, con của người lính miền Nam vào ngành giáo để dạy học.
Tôi rời Việt Nam trên một con thuyền rất nhỏ với số người là 136 người trên con thuyền đó. Thực sự thì để thoát khỏi Việt Nam vào lúc đó, cần phải có vàng. Nhà tôi nghèo nên không thể nào lo cho tôi đi được. Tuy nhiên, chú của tôi có quen người chủ tàu, cho nên khi chú tôi kiếm được 10 trả tiền thì sẽ có một người trong gia đình đi không phải trả tiền. Tôi là người đầu tiên trong gia đình rời khỏi Việt Nam. Sau đó đến người em gái hiện đang sống tại Minnesota. Một em gái khác rời khỏi Việt Nam những không đến bến bờ. Và một ông anh rời Việt Nam hiện sống bên Đức.
Tôi đến đất nước này vốn liếng tiếng Anh của tôi là còn số không. Tôi chỉ biết vâng (yes), không (no), và tôi không hiểu (I don’t understand). Trong năm năm đầu tôi làm việc 7 ngày trong tuần. Ban đêm thì tôi học tiếng Anh. Sau đó tôi trở vào đại học để học. Thú thật tôi đã nói dóc khi làm đơn vào đại học là tôi đã học xong trung học tại Việt Nam. Tôi rất ghét lấy những loại đề thi thuộc loại chung chung và nếu lúc đó trường bắt tôi phải lấy cái bằng trung học tại Mỹ thì có lẽ tôi đã không học. Điều này đã chứng minh là khi tôi học lấy bằng cao học, lúc đầu tôi học theo chương trình không lấy bằng (non-degree) rồi sau đó tôi mới chuyển sang lấy bằng (degree). Trường bắt tôi phải đi lấy cái GMAT và tôi chỉ được điểm hơn ba trăm gì đó. Trường gửi thư cho biết là không nhận tôi vào trường vì điểm thi quá thấp. Tôi đến gặp trường và nói rằng điểm thi sẽ không nói lên được khả năng của tôi. Bằng chứng là tôi đã học bốn lớp tại trường này và tôi đều được điểm A. Trường học xem điểm của tôi và nói rằng, nếu tôi lấy lớp học kinh tế hoặc toán thống kê, một trong hai lớp đó nếu tôi đạt điểm B thì trường sẽ cho tôi vào học chương trình cao học. Cuối cùng tôi đạt điểm A cho môn kinh tế và điểm B cho môn toán thống kê.
Tôi kể câu chuyện trên để cho các bạn thấy là cái suy tư trong tâm của mỗi người rất mạnh và nếu ta dồn sức vào đó, chúng ta có thể thực hiện được những điều chúng ta muốn. Tôi muốn kể các bạn nghe một câu chuyện mà hồi năm ngoái, trên đường về nhà từ New Orlean, gia đình tôi dừng tại thành phố Marshall của TX để ăn trưa. Đang ăn thì một người đi vào bồng đứa con trên vai. Người này rất là lùn như những người lùn đóng trong phim. Nhưng khi anh ta bỏ đứa con trên ghế và anh ta trở ra, tôi hoàn toàn giựt mình. Hai chân của anh ta bị tê liệt và anh ta phải đi bằng hai đầu gối. Hai tay của anh ta cụt lên đến cùi chỏ. Và năm hai phút sau anh bồng thêm một đứa bé nữa vào, kế đến là vợ anh ta và một đứa con thứ ba vào bàn ăn. Tôi ngồi sau lưng của anh ta nên tôi không biết anh ta ăn như thế nào. Nhưng tôi thấy anh ta dùng miệng cắn cái thìa và đưa cái thìa để đúng đứa con còn bé của anh ta ăn, giống như con chim mẹ đút cho con chim con ăn. Các bạn thấy chưa. Một người tàn tật nhưng ý chí rất mạnh, anh ta đã vượt lên được những mặc cảm, anh ta đa vượt lên được những trở ngại về sức khỏe để sống như một Con Người bình thường, vẫn có vợ, có con và lo cho vợ con như những người khác. Đấy là ý chí của Con Người. Sống phải có ý chí chứ không thể để người khác điều khiển cuộc sống của mình.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu nói của bên nhà Phật như sau: “Đừng tin bất cứ chuyện gì chỉ vì bạn nghe nó. Đừng tin bất cứ chuyện gì chỉ vì nó được nói và nhiều người đồn. Đừng tin vào bất cứ chuyện gì chỉ vì nó được viết trong quyển sách tôn giáo của bạn. Đừng tin vào bất cứ chuyện gì chỉ vì đó là tiếng nói của người có quyền là thầy giáo hay người lớn tuổi. Đừng tin vào truyền thống bởi truyền thống được truyền từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sau khi bạn nhận xét và quan sát, và khi bạn đồng ý với lý do và có lợi cho một và tất cả mọi người thì bạn chấp nhận và sống với nó.”
Với những tin tức hôm nay, có rất nhiều tin tức không đúng sự thật, đặc biệt những loại tin tức được lan truyền trên face book hoặc các báo đài. Chỉ cần trích một câu, một chữ để các cơ quan truyền thông mổ xẻ thì câu, hay chữ đó hoàn toàn sai biệt với cái ý nghĩa của toàn bộ đoạn văn của người viết. Cho nên các bạn phải cố gắng luyện tâm trí của mình, tự mình làm chủ lấy chính mình.
Mấy ngày gần đây, tôi nghe nói một anh nào đó tuyên bố là sự nô lệ là sự lựa chọn. Tôi không rõ câu chuyện đó ra sao nhưng tôi sợ là nhiều người đã tình nguyện làm nô lệ cho điện thoại thông minh. Cá nhân tôi không hề có điện thoại thông minh. Cái điện thoại tôi có là loại flip. Loại này chẳng ai thèm, chẳng ai ăn cắp nên bạn tôi thường nói đùa đây là điện thoại thông minh. Tôi không cần biết thông tin tức thời cho nên tôi không có nhu cầu có điện thoại thông minh. Tôi chỉ trả tiền điện thoại dy động để liên lạc khi cần thiết và cứ mỗi ba tháng tôi chỉ tốn 10 đồng. Tại sao có điện thoại thông minh để rồi chúng ta trở thành người tàn phế, đánh máy bằng hai ngón tay thay vì mười ngón tay? Chưa kể những nguy hại của điện thoại thông minh mà nhiều người đã tình nguyện làm nô lệ cho kỷ thuật thay vì dùng kỷ thuật phục vụ chính mình.
Xin cám ơn các bạn đã dành thời gian để tôi chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân tôi và những suy tư của tôi về vấn đề của cuộc sống.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 5 năm 2018 (Lịch Việt 4897)
Atlanta, GA
“