(Education & Significance of Life. Krishnanmurti. Chapter 7: Sex and Marriage).
Người dịch: Trần Công Lân
1.Cũng như những vấn đề khác của con người, vấn đề những khát vọng và thôi thức tình dục của chúng ta là một vấn đề khó khăn và phức tạp, và nếu chính nhà giáo dục không dò xét sâu xa trong đó và nhìn thấy những tình trạng liên can của nó thì làm thế nào ông ta giúp gì được trong việc dạy học? Nếu cha mẹ hay chính thầy giáo đã bị mắc kẹt trong những hỗn loạn của tình dục thì làm thế nào họ có thể hướng dẫn đứa trẻ được? Có thể nào chúng ta giúp đứa trẻ nếu chúng ta không hiểu biết ý nghĩa quan trọng của toàn bộ vấn đề này? Cái cung cách mà nhà giáo dục truyền đạt sự hiểu biết tình dục tùy thuộc vào trạng thái tâm thức của cá nhân ông ta; nó tùy thuộc vào việc có phải ông là người điềm tĩnh dịu dàng hay là người đã bị tàn phá bởi những ham muốn của bản thân ông ta.
2.Hiện tại, vì đâu tình dục đối với chúng ta là một vấn đề đầy hỗn loạn, lầm lạc và tranh chấp đến như thế? Tại sao nó trở nên yếu tố thống trị trong cuộc sống của chúng ta? Một trong những lý do chính đáng là chúng ta không sáng tạo; và đạo đức văn hóa của chúng ta, cũng như các phương pháp giáo dục của chúng ta, đều dựa vào việc phát triển trí năng. Giải pháp cho vấn đề tình dục nằm trong sự hiểu biết sáng tạo không hề xuất hiện qua tác dụng của trí năng. Nói cách khác, chỉ có sự sáng tạo khi trí năng đứng yên.
3.Trí năng cũng như tâm thức chỉ có thể lập lại hồi tưởng, nó không ngừng luân lưu những chữ mới và sắp xếp lại những chữ cũ, và khi mà hầu hết chúng ta cảm thấy và kinh nghiệm chỉ qua bộ óc, chúng ta đã sống một cách chuyên đoán trong những ngôn từ và sự lập lại máy móc. Hiển nhiên, điều này không phải là sáng tạo gì cả; vì lẽ ấy chúng ta phủ nhận sáng tạo, nên phương tiện duy nhất của sự sáng tạo lưu lại cho chúng ta là tình dục. Tình dục là của tâm trí và vì nó là của tâm trí nên phải làm thỏa mãn nó hay chống cự lại.
4.Những ý tưởng của chúng ta, cuộc sống của chúng ta thì hạn hẹp khô khan, trống rỗng; về cảm xúc, chúng ta đã bị khô héo, tàn tạ; về tôn giáo và trí năng thì chúng ta lập lại tẻ nhạt; về xã hội, chính trị, kinh tế thì chúng ta bị động, kiểm soát. Chúng ta không phải là con người hạnh phúc, chúng ta không linh hoạt, vui vẻ; ở nhà, sở làm, nhà thờ hay trường học chúng ta không bao giờ có kinh nghiệm của trạng thái sáng tạo gì cả, không hề có sự chìm đắm sâu xa trong tư tưởng và hành động hàng ngày của chúng ta. Bị mắc kẹt và cầm giữ từ khắp mọi phía, tự nhiên, tình dục trở nên lối thoát duy nhất của chúng ta, một kinh nghiệm chỉ là tìm kiếm sự lập đi lập lại bởi vì khoảng khắc nó đem đến trạng thái hạnh phúc ấy là nó đến với sự vắng mặt của bản ngã. Chính ra không phải là tình dục gây nên vấn đề nhưng là lòng ham muốn tìm lại trạng thái hạnh phúc đó, để được lợi lộc và duy trì lạc thú, dù là tình dục hay bất cứ điều gì khác.
5.Những gì mà chúng ta thực sự tìm kiếm khát vọng tự quên lãng mãnh liệt này, sự đồng hóa này, với một cái gì mà trong ấy chúng ta hoàn toàn đánh mất bản thân chúng ta. Bởi vì bản ngã thì nhỏ nhoi không ra gì và là cội nguồn của sự đau đớn, một cách ý thức hay vô thức chúng ta muốn buông thả bản thân chúng ta trong sự kích thích cá nhân hay tập thể trong những ý tưởng kiêu ngạo, hãnh tiến hay trong một vài hình thức thô tục của cảm giác.
6.Khi chúng ta tìm kiếm sự trốn thoát khỏi bản ngã thì phương tiện của sự trốn thoát rất quan trọng. Lúc bây giờ chúng cũng trở thành những vấn đề đau đớn cho chúng ta. Trừ khi chúng ta xem xét nghiên cứu và hiểu biết những chướng ngại làm cản trở cuộc sống sáng tạo ấy, mà nó là điều tự do với bản ngã, chúng ta sẽ không hiểu biết vấn đề tình dục gì cả.
7.Một trong những chướng ngại của cuộc sống sáng tạo là sợ hãi, và việc thủ lễ cung kính là biểu lộ mối sợ hãi ấy. Sự cung kính, ràng buộc luân lý thì không biết chi đến ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Chúng đã bị bao bọc giữa những bức tường của sự đứng đắn và không thể nhìn qua bên kia bức tường ấy. Dấu vết luân lý của họ dựa trên các lý tưởng và tín ngưỡng tôn giáo thì không có gì thực tại cả; và khi họ trú ngụ đằng sau nó, họ sống trong một thế giới của ảo tưởng riêng họ. Mặc dù sự tự đánh lừa và sự làm thỏa mãn luân lý của họ thì sự cung kính đoan trang cũng nằm trong sự lầm lạc khốn khổ và tranh chấp.
8.Sợ hãi là kết quả của nỗi khao khát được bảo đảm an toàn của chúng ta, khiến chúng ta làm đúng y theo, mô phỏng và cam chịu sự thống trị, và do đó nó ngăn chặn cuộc sống sáng tạo. Để sống một cách sáng tạo là sống tự do, không sợ hãi và chỉ có thể có được trạng thái sáng tạo ấy khi tâm thức không bị kẹt trong khát vọng và sự thỏa mãn cho khát vọng. Chỉ bằng cách xem xét trái tim và tâm thức chúng ta với sự chú ý tinh tế, bấy giờ chúng ta mới có thể tháo gỡ những vận hành ẩn khuất của khát vọng từ chúng ta. Chúng ta càng thận trọng và thương mến bao nhiêu thì chúng ta càng ít ao ước khống chế tâm thức bấy nhiêu. Chỉ khi không có tình yêu thì cảm giác mới trở nên vấn đề hủy hoại.
9.Để hiểu biết vấn đề hủy hoại này, chúng ta sẽ phải tiến đến nó, không phải từ bất cứ hướng nào mà từ mọi phiá giáo dục, tôn giáo, xã hội và luân lý. Nhạy cảm trở nên gần như là điều quan trọng duy nhất đối với chúng ta bởi vì chúng ta quá đặt nặng, quá nhấn mạnh vào giá trị cảm giác.
10.Qua sách vở, qua quảng cáo, qua phim ảnh, và nhiều đường lối khác nhau, nhiều trạng huống khác biệt của cảm giác cứ không ngớt bị cưỡng bức. Những cuộc trình diễn chính trị và tôn giáo, hí viện và những hình thức giải trí khác, tất cả đều khuyến khích chúng ta tìm kiếm sự kích thích ở những mức độ khác biệt; và chúng ta thích thú trong sự khuyến khích này. Nhục dục được phát triển trong mỗi phương thức có thể phát triển được và đồng thời, cái lý tưởng trinh tiết bị đảo lộn. Như thế một mâu thuẫn đã dựng lên bên trong chúng ta và lạ lùng sao, điều mâu thuẫn rốt ráo này cũng là điều kích thích nữa.
11.Chỉ khi nào chúng ta hiểu biết sự đeo đuổi của sự nhạy cảm, mà nó là một trong những hoạt động chính yếu của tâm thức thì khi đó, lạc thú, kích thích và bạo động mới thôi không còn là đặc thái ngự trị cuộc sống chúng ta. Chính vì chúng ta không có tình yêu mà tình dục, sự đeo đuổi của cảm giác, mới trở nên một vấn đề tàn phá. Khi có tình yêu thì có trinh tiết; nhưng kẻ nào mà hắn cố gắng để được trinh tiết thì không có được. Đức hạnh chỉ đến với tự do, nó đến khi có sự hiểu biết cái những gì “là”.
12.Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có những thôi thúc tình dục mạnh mẽ, và hầu hết chúng ta đều cố gắng kết thúc những dục vọng này bằng cách kiểm soát và khống chế chúng bởi vì chúng ta nghĩ rằng không có hạn chế chúng ta sẽ trở nên tiều tụy hao mòn vì ham thích thú vui xác thịt. Các tổ chức tôn giáo cũng quan tâm đến luân lý tình dục của chúng ta; nhưng các tôn giáo ấy cho phép chúng ta phạm phải bạo động và giết người trong việc nhân danh lòng ái quốc, dung túng cho lòng đố kỵ, ghen ghét và tàn nhẫn, gian trá quỷ quyệt, và theo đuổi quyền uy, thành công. Tại sao các tôn giáo lại quan tâm đến tiêu chuẩn luân lý đặc biệt này và không chịu tấn công vào sự lợi dụng, tánh gian tham và chiến tranh? Có phải vì các tổ chức tôn giáo là một phần của cái hoàn cảnh mà chúng ta tạo ra, cho nên nó tùy thuộc vào sự hiện hữu xác thực trong những sợ hãi và hy vọng của chúng ta, trong tánh ghen ghét, đố kỵ và chủ nghĩa phân ly của chúng ta? Như vậy trong lãnh vực tôn giáo cũng như lãnh vực khác, tâm thức giữ vai trò phóng chiếu những dục vọng của nó.
13.Bao lâu không có sự hiểu biết sâu xa toàn thể tiến trình dục vọng, thì sự bắt đầu của hôn nhân như nó tồn tại hiện nay dù ở Đông phương hay Tây phương không thể nào cung cấp câu trả lời cho vấn đề tình dục được cả. Tình yêu không phải được xui khiến bởi sự ký kết một tờ giấy hôn thú, cũng không phải dựa trên sự trao đổi sự thỏa mãn, cũng chẳng phải ở trong sự bảo đảm an lạc hỗ tương. Tất cả những điều này là của tâm thức, và đó là vì lẽ gì tình yêu chiếm một chỗ nhỏ nhoi trong cuộc sống chúng ta. Tình yêu không phải của tâm thức, nó hoàn toàn độc lập tư tưởng với những tính toán giảo quyệt, những đòi hỏi và những phản ứng tự che chở của nó. Khi có tình yêu thì tình dục chẳng bao giờ thành vấn đề cả – chính vì thiếu thốn tình yêu nên mới tạo ra vấn đề.
14.Những chướng ngại và những trốn thoát của tâm thức tạo ra vấn đề, không phải là tình dục hay bất cứ vận hành đặc biệt nào khác; và vì đâu điều quan trọng là hiểu biết tiến trình của tâm thức với những hấp dẫn, tỵ hiềm của nó, những phản ứng đối với cái đẹp, cái xấu của nó. Chúng ta sẽ quan sát bản thân chúng ta, ý thức những việc chúng ta lưu ý đến thiên hạ như thế nào, chúng ta nhìn ngắm các ông, bà như thế nào. Chúng ta sẽ thấy rằng gia đình trở nên trung tâm của chủ nghĩa phân ly, của những hoạt động phủ nhận xã hội khi nó được dùng như phương tiện tự làm cho vĩnh viễn mãi mãi, để có lợi cho sự tự quan trọng của mình. Gia đình và tài sản, khi tập trung trên bản ngã với dục vọng và đeo đuổi của nó hạn hẹp hơn bao giờ hết, trở thành dụng cụ của quyền uy và thống trị, cỗi nguồn của chấp tranh giữa cá thể và xã hội.
15.Điều nan giải trong tất cả vấn đề con người là ở chính bản thân chúng ta, các bậc làm cha mẹ và thầy giáo đã hoàn toàn mỏi mệt và vô vọng đến như thế, hết thảy đã lầm lạc và không an nhiên thư thái, đời sống đè nặng lên chúng ta và chúng ta muốn được thoải mái, chúng ta muốn được yêu thương. Vì nghèo nàn và thiếu kém trong bản thân chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể hy vọng hiến dâng một nền giáo dục thích đáng cho đứa bé?
16.Đó là do đâu vấn đề chính yếu không phải là học sinh, nhưng là nhà giao dục; trái tim và tâm thức của chúng ta phải được lau chùi sạch sẽ nếu chúng ta muốn có khả năng giáo huấn kẻ khác. Nếu bản thân nhà giáo dục là lầm lạc, bất chánh, lạc lõng trong mê lộ của dục vọng thì làm thế nào ông ta có thể truyền đạt đức hạnh hay vạch đường ngay lối thẳng cho kẻ khác? Nhưng chúng ta không phải là những cái máy để hiểu biết và sửa chữa bởi những nhà lão luyện; chúng ta là kết quả của những chuỗi dài những ảnh hưởng và tình cờ, và mỗi người phải tự tháo gỡ, và hiểu biết bản thân về sự lầm lạc của chính mình.