Giáo Dục và Hòa Bình Thế Giới (P1)

(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 4: Education and World Peace).

Người dịch: Trần Công Lân

1.Để khám phá ra những gì mà giáo dục có thể góp phần vào cuộc khủng khoảng thế giới hiện nay, chúng ta cần hiểu cuộc khủng khoảng đã hiển hiện như thế nào. Hiển nhiên đó là kết quả của những giá trị sai lầm trong tương giao của chúng ta giữa con người, tài sản và ý tưởng. Nếu tương giao của chúng ta với những kẻ khác dựa trên nền tảng tự khuếch trương, và tương giao của chúng ta với tài sản là trữ tài, ham lợi thì cái cơ cấu xã hội nhất định phải là cạnh tranh và tự cô lập. Nếu trong tương giao của chúng ta với ý tưởng biện minh cho một ý hệ để chống đối một ý hệ khác thì kết quả không thể tránh được là ngờ vực, ác ý lẫn nhau.

2.Nguyên do khác của cuộc xáo trộn hiện nay là phụ thuộc vào quyền uy, vào các lãnh tụ, dù là trong cuộc sống hàng ngày, trong trường học nhỏ hay đại học. Các lãnh tụ và quyền uy của họ là những động lực làm suy đồi bất cứ nền văn hóa nào. Khi chúng ta chạy theo kẻ khác thì không có sự hiểu biết mà chỉ có nỗi sợ hãi, rập khuôn và sau cùng dẫn đến một nhà nước độc tài, tàn bạo và giáo điều chủ nghĩa của tổ chức tôn giáo mà thôi.

3.Tin vào các chính quyền, trong cậy vào các tổ chức, các nhà đương cuộc cho nền hòa bình ấy mà lẽ ra nó phải bắt đầu với sự hiểu biết bản thân chúng ta, là tạo thêm cuộc chấp tranh lớn lao hơn; và có thể không có hạnh phúc lâu dài khi chúng ta còn chấp nhận trật tự xã hội mà trong ấy còn có xung đột vô tận và chống đối giữa người và người. Nếu chúng ta muốn biến đổi những điều kiện hiện tại, trước hết chúng ta phải chuyển hóa bản thân chúng ta, điều ấy có nghĩa là chúng ta cần phải trở nên ý thức hành động của mình, những tư tưởng và cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày.

4.Nhưng vì chúng ta không thực sự muốn hòa bình, vì chúng ta không muốn chấm dứt sự lợi dụng.  Chúng ta cho phép tánh gian tham xen vào những nền móng của xã hội hiện tại bị sửa đổi; chúng ta muốn những sự việc tiếp tục như vậy với những canh cải nông cạn hời hợt, và như vậy uy quyền sức mạnh, sự xảo quyệt (không thể tránh được) sẽ tiếp tục khống chế cuộc sống chúng ta.

5.Hòa bình không đạt được qua bất cứ ý hệ nào, nó cũng không phụ thuộc vào quyền lập pháp; hòa bình chỉ đến khi chúng ta như những cá thể bắt đầu hiểu biết tiến trình tâm lý của mình. Nếu chúng ta lẩn tránh trách nhiệm hành động một cách cá nhân và chờ đợi một hệ thống mới nào đó thiết lập hòa bình thì chúng ta sẽ chỉ trở nên những kẻ nô bộc cho hệ thống ấy mà thôi.

6.Khi các chính quyền, nhà độc tài, thương trường khổng lồ, và hàng giáo sĩ quyền uy bắt đầu thấy việc gia tăng sự chống đối, tương phản giữa con người này chỉ dẫn đến hủy diệt không phân biệt một ai, và vì lẽ ấy không còn lợi lộc nữa, họ có thể bắt ép chúng ta, qua quyền lập pháp và qua phương  tiện cưỡng bách khác để đàn áp những khao khát mãnh liệt và những tham vọng cá nhân của chúng ta và để hợp tác cho một nhân loại hạnh phúc. Đúng như giáo huấn của chúng ta hiện nay và sự khuyến khích cạnh tranh và phi nhân, vậy thì chúng ta sẽ bị bắt buộc phải tôn kính người khác và làm việc cho thế giới như một toàn thể.

7.Cho dù chúng ta có được nuôi nấng đầy đủ, sung túc về quần áo, nơi cư ngụ, chúng ta cũng sẽ không tự do với những tranh chấp và phản kháng của chúng ta, mà nó sẽ chỉ thay đổi một mặt khác, nơi chúng vẫn còn ác nghiệt và tàn phá hơn. Nền luân lý duy nhất hay hành động chính đáng tự nguyện, và mọi điều hiểu biết cũng có thể mang đến hòa bình và hạnh phúc cho con người.

8.Các tín ngưỡng, ý hệ và các tổ chức tôn giáo chống lại những người lân cận của chúng ta; có chấp tranh, không chỉ giữa những xã hội khác biệt, nhưng giữa những nhóm trong cùng một xã hội. Chúng ta phải ý thức rằng bao lâu chúng ta còn đồng hóa bản thân chúng ta với một xứ sở , với sự an toàn, và còn bị qui định bởi những tín điều; thì sẽ còn xung đột, thống khổ cho cả bản thân chúng ta và thế giới.

9.Bây giờ toàn thể câu hỏi của lòng ái quốc được đặt ra: khi nào chúng ta cảm thấy là người ái quốc? Hiển nhiên nó không phải là cảm xúc hàng ngày. Nhưng chúng ta được khuyến khích một cách chuyên cần về lòng ái quốc qua những sách vở nhà trường, báo chí và những lời cổ động, tuyên truyền khác, nó khuyến khích lòng vị kỷ triệt để bởi việc ca tụng các anh hùng quốc gia và nói với chúng ta rằng đất nước chúng ta và cách thức sinh sống tốt hơn các xứ sở khác. Cái tinh thần yêu nước này nuôi dưỡng hư ảo từ trẻ con cho đến người lớn.

10.Sự không ngừng lập lại khẳng định rằng chúng ta thuộc về một tôn giáo hay chính trị đặc biệt, rằng chúng ta là thế này, thế nọ, những nịnh hót, tâng bốc những ngã thể nhỏ bé của chúng ta, căng chúng ta như những cánh buồm, cho đến khi chúng ta sẵn sàng giết người hay bị giết vì đất nước, chủng tộc, hay ý hệ của chúng ta. Tất cả điều đó thật là ngu ngốc, đần độn và không tự nhiên. Chắc chắn, con người thì quan trọng hơn là quốc gia hay về biên giới ý thức hệ.

11.Tinh thần chia cách của chủ nghĩa quốc gia lan rộng như ngọn lửa ở khắp nơi trên thế giới. Chủ nghĩa ái quốc đã được khai triển và bị lợi dụng một cách khôn khéo bởi những kẻ đang tìm cách khuếch trương thêm quyền lực rộng rãi hơn, làm giàu có hơn, và mỗi người chúng ta đã tham dự trong tiến trình này bởi vì chúng ta cũng khao khát những điều này nữa. Việc chinh phục các xứ sở, dân tộc khác cung cấp thêm những thị trường mới cho hàng hóa cũng như ý hệ chính trị và tôn giáo.

12.Người ta phải nhìn tất cả những phô diễn bạo động và sự phản kháng, chống đối với một đầu óc không thành kiến, thiên vị, nghĩa là, không đồng hóa nó với bất kỳ xứ sở, chủng tộc hay ý hệ nào, nhưng cố gắng tìm ra đâu là sự thật. Có một niềm vui lớn lao khi thấy sự vật một cách rõ ràng mà không bị ảnh hưởng bởi những ý niệm và sai xử của kẻ khác, dù họ là chính quyền, các nhà chuyên môn, học giả uyên bác. Một khi chúng ta thực sự nhìn thấy chủ nghĩa là chướng ngại cho hạnh phúc con người thì chúng ta không phải chiến đấu chống lại mối xúc động giả ngụy trong bản thân ta nữa, nó đã biến mất khỏi chúng ta mãi mãi.

13.Chủ nghĩa quốc gia, tinh thần ái quốc, ý thức giai cấp và chủng tộc, tất cả đều là những vận hành của cái ngã, và do lẽ ấy đó là ly cách, phân liệt. Dù sao, những gì là một quốc gia chỉ là một nhóm của các cá nhân chung sống cùng nhau cho những lý do kinh tế và sự tự vệ. Bên ngoài sự sợ hãi và tự che chở sự ham lợi nổi lên cái ý tưởng “đất nước tôi” với biên giới, những bức tuờng quan thuế của mỗi quốc gia, làm cho tình thân hữu và sự hợp nhất của con người trở nên bất khả.

14.Cái khát vọng lợi lộc và cầm giữ sự ham muốn được đồng hóa với một cái gì lớn lao hơn bản thân chúng ta, đã tạo ra cái tinh thần quốc gia chủ nghĩa; và chủ nghĩa quốc gia sinh ra chiến tranh. Mỗi xứ sở, chính quyền được khuyến khích bởi tôn giáo, đang duy trì chủ nghĩa quốc gia và tinh thần phân liệt, chia cách. Quốc gia chủ nghĩa là một bệnh hoạn, và nó có thể chẳng bao giờ mang đến một thế giới hợp nhất được. Chúng ta không thể nào đạt được sức khoẻ qua bệnh tật được, trước tiên bản thân chúng ta phải tự do từ bệnh hoạn.

15.Chính bởi vì chúng ta là những người của chủ nghĩa quốc gia, nên chúng ta sẵn sàng bảo vệ quốc gia tối cao của chúng ta, các tín ngưỡng và sự thâu nhận của chúng ta, nên chúng ta phải mãi mãi trang bị quân đội. Tài sản và những ý tưởng đã trở nên đối với chúng ta, quan trọng hơn là cuộc sống con người, thế nên cứ không ngớt có sự chống đối, phản kháng, bạo động giữa bản thân chúng ta và những kẻ khác. Bằng cách duy trì sự tối cao thượng của xứ sở chúng ta; bằng cách tôn thờ nhà nước, quốc gia, mà chỉ là sự phóng chiếu của chúng ta, chúng ta hy sinh những đứa con của chúng ta cho sự thỏa mãn riêng rẽ của chúng ta. Chủ nghĩa quốc gia và những chính quyền tối thượng là những nguyên nhân và dụng cụ của chiến tranh.

16.Những tổ chức hiện thời của xã hội không thể nào phát triển thành ra một thế giới đại đồng được, bởi vì tận nền tảng của chúng không vững chắc. Các quốc hội và hệ thống giáo dục duy trì sự tối thượng quốc gia và nhấn mạnh vào sự quan trọng của đoàn thể sẽ chẳng bao giờ mang chiến tranh đến chỗ chấm dứt. Mỗi nhóm người riêng biệt với những luật lệ và các nhà cai trị của nó là cội nguồn của chiến tranh. Bao lâu chúng ta không sửa đổi nền tảng mối tương giao hiện thời giữa người và người, thì kỹ nghệ sẽ không thể tránh khỏi đưa đến hỗn loạn và trở thành dụng cụ của hủy hoại, thống khổ, bao lâu còn bạo động, chuyên chế, áp bức, giả dối và quảng cáo, tuyên truyền thì tình thân hữu của con người không thể nào nhận ra được.

17.Chỉ giáo dục con người thành những kỹ sư tuyệt diệu, những nhà khoa học xuất chúng, những người thợ có khả năng, người giám đốc điều hành, những công nhân tài ba sẽ không bao giờ mang kẻ áp bức đến với những người bị áp bức; và chúng ta có thể thấy rằng hệ thống giáo dục hiện tại duy trì những nguyên nhân sinh ra lòng oán hận, căm thù giữa con người, đã không ngăn chận sự tàn sát tập thể khi nhân danh xứ sở hay nhân danh Thượng Đế.

18.Các tổ chức tôn giáo, với quyền uy tâm linh và tạm thời của chúng thì cũng đồng đều không có khả năng mang lại hòa bình cho con người bởi vì những tổ chức tôn giáo ấy chỉ là kết quả của sự ngu muội và sợ hãi từ chúng ta, của cái bề ngoài giả dối từ lòng vị kỷ của chúng ta mà thôi.

19.Lòng ham muốn mãnh liệt sự an toàn hiện nay hay sau này, chúng ta đã tạo ra những tổ chức và ý hệ nhằm bảo đảm cho sự an toàn ấy; nhưng chúng ta càng chiến đấu cho sự an toàn ấy bao nhiêu thì chúng ta càng có ít bấy nhiêu. Cái ao ước để được bảo đảm an toàn chỉ nuôi dưỡng sự chia rẽ và gia tăng sự phản kháng chống đối nhau mà thôi. Nếu chúng ta cảm thấy một cách sâu xa và hiểu biết sự thật của điều này, không chỉ bằng lời nói và tri thức, nhưng toàn vẹn con người chúng ta, thì lúc đó chúng ta sẽ bắt đầu sửa đổi nền tảng mối tương giao với những người xung quanh trong một thế giới trực tiếp; và chỉ bấy giờ mới có thể đạt đến sự hợp nhất và tình thân hữu.

20.Phần lớn chúng ta đã bị tàn phá bởi tất cả những loại sợ hãi, lo lắng, băn khoăn về sự an toàn riêng của chúng ta. Chúng ta hy vọng rằng một vài phép lạ nào đó những cuộc chiến tranh sẽ đi đến chỗ chấm dứt, trong khi đó tất cả tố cáo những quốc gia khác là những kẻ xúi dục gây ra chiến tranh, cũng như ngược lại họ trách cứ, quy lỗi cho chúng ta là nguyên nhân của tai biến. Mặc dù hiển nhiên chiến tranh là sự thiệt hại cho xã hội, chúng ta vẫn sửa soạn chiến tranh và phát triển giới trẻ tinh thần quân đội.

21.Nhưng việc huấn luyên quân sự có bất cứ chỗ nào trong giáo dục không? Tất cả tùy thuộc vào những kiểu người nào mà chúng ta muốn con em của chúng ta sẽ như vậy.  Nếu chúng ta muốn chúng trở thanh những kẻ giết người thiện nghệ thì việc huấn luyện quân sự là cần thiết. Nếu chúng ta muốn khép chúng vào kỷ luật và tinh thần kết đoàn trong tâm thức chung; nếu mục tiêu của chúng ta là làm cho chúng thành người ái quốc chủ nghĩa và vì vậy không có trách nhiệm với xã hội như một toàn thể thì việc huấn luyện quân sự là một điều tốt. Nếu chúng ta thích chết, hủy diệt thì việc huấn luyện quân sự tất nhiên là quan trọng. Nó chính là nhiệm vụ của những tướng lãnh soạn kế hoạch và tiếp tục chiến tranh, và nếu ý định của chúng ta là không ngừng chiến đấu giữa chúng ta và những người xung quanh ta thì bằng mọi cách chúng ta phải có thêm các tướng lãnh.

22.Nếu chúng ta chỉ sống để xung đột vô tận giữa bản thân ta và kẻ khác, nếu mong ước của chúng ta là mãi mãi đẫm máu và khốn khổ thì hãy có nhiều lính, chính trị gia hơn, nhiều thù hận hơn – mà đó là những gì đang xảy ra. Nền văn minh hiện đại đã dựa trên bạo động và do đó kết hợp với cái chết. Bao lâu chúng ta còn tôn sùng sức mạnh thì bạo động sẽ là lối sống của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn hòa bình, nếu chúng ta muốn sự tương giao đúng đắn giữa những con người dù là Ky-Tô giáo hay Ấn Độ giáo; người Nga hay Mỹ, nếu chúng ta muốn con em chúng ta là những con người toàn vẹn thì việc huấn luyện quân sự là một chướng ngại tuyệt đối, là một sự sai lầm để làm thế.

23.Một trong những nguyên nhân của sân hận và xung đột là tin rằng một giai cấp đặc biệt hay một chủng tộc nào tối thượng hơn đồng loại. Đứa bé chẳng hề có ý thức nghĩ gì về chủng tộc hay giai cấp cả, đó là do ở nhà hay trường học, hay cả hai làm cho nó cảm thấy chia cách, phân biệt. Trong đứa bé không quan tâm dù bạn nó là một người da đen hay Do Thái, Bà La Môn hay không; nhưng ảnh hưởng toàn bộ cơ cấu xã hội không ngớt nhét vào đầu nó, gây ảnh hưởng và uốn nắn nó.

24.Ở đây vấn đề không phải là với đứa bé nhưng là với người lớn, những người đã tạo ra một hoàn cảnh vô cảm giác của chủ nghĩa phân ly và những giá trị trá ngụy.

25.Những gì là căn bản thực sự cho sự sai biệt nhân chủng giữa con người? Cái thể xác của chúng ta có thể khác nhau trong cơ cấu và màu da, nhưng khuôn mặt của chúng ta có thể không giống nhau, nhưng bên trong thì rất giống nhau: kiêu hãnh, tham vọng, ghen ghét, đố kỵ, bạo động, nhục dục, quyền lực…. Gỡ bỏ nhãn hiệu đi và chúng  ta rất trơ trụi; nhưng chúng ta không muốn đối diện với sự trần trụi và do đấy chúng ta nhấn mạnh vào nhãn hiệu bên ngoài – mà nó biểu thị sự non nớt vụng dại như trẻ con của chúng ta.

26.Để cho đứa bé đủ sức lớn lên với tự do, với thiên kiến, trước hết phải phá vỡ tất cả những thiên kiến trong bản thân mình, rồi đến hoàn cảnh xung quanh – điều đó có nghĩa là phá vỡ cái cơ cấu xã hội vô tâm mà chúng ta đã tạo ra. Ở nhà chúng ta có thể bảo đứa bé ý thức đến giai cấp, chủng tộc của một người là vô lý như thế nào, và chắc chắn nó sẽ đồng ý với chúng ta, nhưng khi đến trường và chơi đùa với bạn, nó trở nên ô nhiễm với tinh thần chia cách phân ly. Hay có thể ngược lại: ở nhà thủ cựu hẹp hòi, và ở trường sẽ là phóng khoáng hơn. Trong cả hai trường hợp, sự tranh chấp vẫn không ngớt và đứa bé bị kẹt giữa cả hai.

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s