(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 4: Education and World Peace).
Người dịch: Trần Công Lân
28.Do sự không ngớt tìm tòi, không thực sự bằng lòng mới mang đến thông minh, sáng tạo; nhưng để giữ cho sự tìm tòi, bất mãn đuợc tỉnh thức thì hết sức khó khăn, và phần lớn người đời không muốn cho con cái họ có loại thông minh này vì nó không thuận tiện cho cuộc sống của một người không ngớt đặt nghi vấn về những giá trị đã được chấp nhận.
29.Khi còn trẻ tất cả chúng ta đều bất mãn, bất bình. Bất hạnh thay — chẳng bao lâu đã mờ nhạt đi, đã bị chết ngộp bởi xu hướng mô phỏng và tôn sùng quyền uy của chúng ta. Khi chúng ta lớn tuổi, chúng ta bắt đầu kết thành một khối cứng ngắc, thỏa mãn hay nhút nhát, sợ sệt. Chúng ta trở thành những người chấp hành, những tu sĩ, thư ký ngân hàng, quản lý công ty, kỹ thuật gia … và từ từ sa sút tàn tạ sẽ đến. Bởi vì chúng ta ước muốn duy trì những địa vị của chúng ta, chúng ta ủng hộ sự hủy diệt xã hội đã đặt chúng ta vào đó và ban cho chúng ta một vài an toàn giới hạn.
30.Chính quyền kiểm soát giáo dục là một tai ương. Không có hy vọng hòa bình và trật tự thể giới khi mà giáo dục còn là tôi tớ của nhà nước hay tổ chức tôn giáo. Tuy thế các chính quyền ngày càng giữ nhiệm vụ lo lắng cho đứa bé và tương lai của nó; nếu đó không phải là chính quyền thì các tổ chức tôn giáo sẽ tìm cách kiểm soát sự giáo dục đó.
31.Điều quy định trí óc đứa bé để nhét vào đầu nó một ý hệ đặc biệt nào, dù là chính trị hay tôn giáo đều sinh ra sân hận giữa người và người. Trong một xã hội cạnh tranh, chúng ta không thể nào có tình thân hữu, và không có sự cải cách nào một nền chuyên chế độc tài, không một phương pháp giáo dục nào có thể gây ra tình thân hữu ấy được.
32.Bao lâu bạn vẫn là một người Tân Tây Lan và tôi vẫn là một người Hindu thì chuyện hợp nhất con người là điều vô lý. Làm thế nào chúng ta có thể liên kết cùng nhau như những người cùng xứ sở và tiếp tục giữ gìn những thiên kiến riêng lẻ của mỗi người và những phương thức kinh tế của chúng ta? Làm thế nào có được tình thân hữu bao lâu khi lòng ái quốc chia cách người với người; và hàng triệu người bị trói buộc bởi những điều kiện kinh tế thấp kém trong khi những người khác giàu sang? Làm thế nào để có sự hợp nhất con người khi các tín nguỡng chia cách chúng ta, thống trị một nhóm người bởi một nhóm khác, khi kẻ giàu đầy quyền uy và kẻ nghèo cũng tìm kiếm quyền uy tương tự ấy, khi có sự phân chia đất đai sai lầm nên một số người sung túc và một số thiếu ăn?
33.Một trong những khó khăn của chúng ta là chúng ta không thực sự hết lòng với những vấn đề này, bởi vì chúng ta không muốn bị quấy rầy dữ dội. Chúng ta chỉ thích sửa đổi trong cung cách có lợi cho bản thân chúng ta mà thôi và vì vậy chúng ta không liên can một cách sâu xa về sự trống rỗng và tàn bạo của chúng ta.
34.Có bao giờ chúng ta đạt được hòa bình qua bạo động? Có phải hòa bình đạt được một cách lần hồi, qua một quá trình chậm chạp với thời gian? Một cách chắc chắn, tình yêu không phải là một vấn đề được huấn luyện hay thời gian. Hai cuộc thế chiến vừa rồi đã chiến đấu cho nền dân chủ, tôi tin thế; và giờ đây chúng ta đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh lớn hơn và hủy diệt mạnh hơn, và con người vẫn có ít tự do. Nhưng những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt qua một bên sự hiểu biết những chướng ngại hiển nhiên như quyền uy, tín ngưỡng, chủ nghĩa quốc gia và toàn thể tinh thần phân chia đẳng cấp? Chúng ta sẽ là con người không quyền uy, những con người trong tương giao trực tiếp với kẻ khác – và có lẽ lúc bấy giờ mới có tình yêu và lòng trắc ẩn?
35.Những gì thiết yếu trong giáo dục, cũng như trong lãnh vực khác, là có những người hiểu biết và lòng từ tâm. Những con người mà tâm hồn không bị lấp đầy bởi những câu trống rỗng, với những sự việc của trí óc.
36.Nếu đời sống có nghĩa là sống một cách hạnh phúc với tư tưởng, với sự cẩn trọng, với lòng từ ái, rồi thì việc hiểu biết bản thân chúng ta rất là quan trọng; và nếu chúng ta ao ước xây dựng một xã hội rực rỡ thực sự, chúng ta cần phải có những nhà giáo dục hiểu biết những vận hành của sự hợp nhất và do đó là người có khả năng truyền đạt sự hiểu biết ấy cho đứa bé.
37.Những nhà giáo dục như vậy thì nguy hiểm cho các cơ cấu xã hội hiện tại. Nhưng nếu chúng ta không thực sự xây dựng một xã hội rực rỡ và bất cứ thầy giáo nào nhận thức đầy đủ những điều bao hàm của nền hòa bình, bắt đầu vạch ra ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa quốc gia, sự ngu muội của chiến tranh, chẳng bao lâu sẽ bị mất địa vị của ông ta. Biết điều ấy, các thầy giáo đã thỏa hiệp, vì lẽ đó duy trì hệ thống lợi dụng và bạo động hiện tại.
38.Một cách chắc chắn để khám phá ra sự thực cần phải tự do với sự xung đột cả bên trong bản thân chúng ta và với những người xung quanh nữa. Khi bên trong bản thân chúng ta không có sự tranh chấp thì chúng ta cũng không có sự tranh chấp bên ngoài. Chính sự tranh chấp xung độ bên trong, phóng chiếu ra ngoài trở thành cuộc tranh chấp thế giới.
39.Chiến tranh là viễn ảnh và sự phóng chiếu váy máu của cuộc sống chúng ta hàng ngày. Chúng ta làm kết tinh chiến tranh từ cuộc sống hàng ngày của chúng ta và không có sự chuyển hóa ở bản thân chúng ta thì nhất định có sự tương phản chống đối thuộc về quốc gia, chủng tộc, sự cãi cọ trẻ con về ý hệ, sự gia tăng những người lính, sự chào đón những lá cờ và tất cả những thứ hung dữ ấy tạo ra tổ chức sát nhân.
40.Giáo dục khắp nơi trên thế giới đã thất bại, nó tạo ra sự hủy diệt và thống khổ chồng chất. Các chính quyền huấn luyện bọn trẻ thành những người lính có hiệu năng và kỹ thuật mà họ cần đến; sự tổ chức thành đoàn nhóm đã trau dồi và cưỡng bách. Cân nhắc tất cả những sự kiện này, chúng ta cần phải dò xét ý nghĩa của cuộc sinh tồn và tính cách trọng đại về mục đích của cuộc sống. Chúng ta phải khám phá ra những phương thức có ích lợi trong việc sáng tạo một hoàn cảnh mới vì hoàn cảnh có thể làm cho đứa bé thành một người hung dữ, vô tâm lạnh lùng hay giúp đỡ nó thành một người có cảm giác, thông minh. Chúng ta phải tạo ra một chính quyền, thế giới mà nó khác biệt tận gốc rễ, nó không dựa vào chủ nghĩa quốc gia, ý thức hệ, hay sức mạnh.
41.Tất cả điều này bao hàm sự hiểu biết trách nhiệm của chúng ta với người khác trong tương giao; nhưng để hiểu biết trách nhiệm, trong tâm hồn chúng ta cần phải có tình yêu, mà không chỉ thuần học vấn hay kiến thức. Tình yêu của chúng ta càng lớn bao nhiêu thì ảnh hưởng của nó đối với xã hội càng sâu đậm bấy nhiêu. Nhưng tất cả chúng ta chỉ là những khối óc và không có trái tim; chúng ta trau dồi trí năng và khinh miệt lòng từ tốn, khiêm nhượng. Nếu chúng ta thực sự yêu thương con em chúng ta, chúng ta sẽ cầu cứu và che chở chúng, chúng ta sẽ không để cho chúng bị hy sinh trong những cuộc chiến tranh.
42.Tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự muốn quân đội; chúng ta thích phô diễn sức mạnh, đồng phục, nghi lễ, rượu chè nhậu nhẹt, ồn ào, bạo động. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta là một phản chiếu trong bức hình thu nhỏ của sự tàn bạo nông nổi tương tự này; và chúng ta hủy diệt người khác qua lòng ghen ghét đố kỵ và vô tâm.
43.Chúng ta muốn được giàu sang; và càng giàu sang bao nhiêu chúng ta càng trở nên vô tình tàn nhẫn bấy nhiêu cho dù chúng ta có thể đóng góp một số lớn tiền bạc vào bố thí và giáo dục đi nữa. Đã ăn cắp của nạn nhân, chúng ta quay lại cho y một chút ít đồ vật cướp được và đó gọi là lòng bác ái, từ thiện. Tôi không nghi là chúng ta thực sự nhận ra những gì tai biến mà chúng ta đang sửa soạn. Hầu hết chúng ta đều sống hối hả, gấp gáp mỗi ngày và có thể vô tâm bao nhiêu tốt bấy nhiêu, mặc cho chính quyền, các chính trị gia xảo quyệt điều hướng cuộc sống của chúng ta.
44.Tất cả chính quyền tối thượng phải chuẩn bị chiến tranh, và chính quyền của ta không ngoài lệ ấy. Để làm cho các công dân của nó có kết quả cho chiến tranh, để sửa soạn cho họ trình diễn những bổn phận một cách có hiệu quả, hiển nhiên chính quyền phải kiểm soát và chế ngự họ. Họ phải được giáo dục, hành động như cái máy mà kết quả là tàn nhẫn, vô tình. Nếu mục đích và cứu cánh của đời sống là để hủy diệt hay bị hủy diệt, thì giáo dục phải khuyến khích sự tàn nhẫn, vô tình; và tôi không tin rằng đó không phải là những gì khát vọng bên trong của chúng ta hay sao? Vì sự tàn nhẫn vô tình đi đôi với sự tôn sùng thành công.
45.Nhà nước tối thượng không muốn công dân của nó tự do, suy tưởng và để kiểm soát qua tuyên truyền, qua thuyết minh làm méo mó lịch sử …. Đó là vì lẽ gì giáo dục ngày càng trở nên một phương tiện dạy suy tưởng những gì mà không dạy suy tưởng như thế nào. Nếu với chúng ta suy tưởng một cách độc lập với hệ thống chính trị đang thắng thế thì chúng ta sẽ bị nguy hiểm, tổ chức tự do có thể biến thành những người theo chủ nghĩa hòa bình hay người suy tưởng ngược lại với chế độ hiện hữu.
46.Nền giáo dục đúng nghĩa hiển nhiên là một mối nguy hiểm cho các chính quyền tối thượng, vì vậy nó đã bị ngăn cản một cách thô bạo hay tinh vi. Giáo dục và thực phẩm ở trong tay một số ít đã trở nên phương tiện khống chế con người và các chính quyền, dù tả hay hữu, không hề để tâm đến chừng nào chúng ta vẫn còn là những cái máy có hiệu quả cho việc sản xuất hàng hóa và súng đạn.
47.Hiện nay, sự kiện này đang xảy ra trên thể giới vượt quá phương tiện mà chúng ta là những công dân, những nhà giáo dục và ai chịu trách nhiệm cho các chính quyền hiện hữu, một cách căn bản đã không quan tâm đến sự tự do hay nô lệ, chiến tranh hay hòa bình, sự an toàn hạnh phúc hay khốn khổ cho con người. Chúng ta muốn có một ít cải cách đó đây, nhưng hầu hết chúng ta lại sợ xô ngã cái xã hội hiện tại và xây dựng một cơ cấu xã hội hoàn toàn mới mẻ, bởi việc này sẽ đòi hỏi sự chuyển hóa triệt để trong bản thân chúng ta.
48.Mặt khác, có những kẻ đi tìm kiếm, gây ra một cuộc cách mạng bạo động đã giúp vào việc xây dựng một trật tự xã hội hiện tồn với tất cả những cuộc tranh chấp, hổn loạn và thống khổ, bây giờ họ lại mơ ước tổ chức một xã hội toàn hảo. Nhưng có thể bất kỳ ai trong chúng ta tổ chức được một xã hội hoàn hảo khi chính chúng ta đã góp phần vào sự hiện hữu của xã hội hiện tồn? Tin rằng hòa bình có thể đạt đến qua bạo động và hy sinh hiện tại cho một lý tưởng tương lai; và sự tìm kiếm cứu cánh đúng này qua một phương tiện sai lầm là một trong những nguyên nhân của tai ương hiện tại.
49.Sự bành trướng và ưu thế của những giá trị làm náo động nhân tâm nhất thiết tạo ra chất độc của chủ nghĩa quốc gia, của những hàng rào kinh tế, những chính quyền tối thượng và tinh thần ái quốc, mà tất cả những điều này đã loại ra sự hợp tác giữa người và người, và làm đổ vỡ tương giao của con người và xã hội. Xã hội là tương giao giữa bạn và người khác; và không có sự hiểu biết sâu xa mối tương giao này, không ở bất cứ bình diện nào, ngoại trừ một cách hoàn toàn như toàn bộ tiến trình, thì chúng ta nhất định lại tạo ra loại cơ cấu xã hội tương tự, tuy đã được thay đổi một cách nông cạn.
50.Nếu chúng ta thay đổi một cách rốt ráo mối tương giao hiện tại của con người, mà nó đang mang đến sự thống khổ cho thế giới không lường được, thì công việc duy nhất và tức thì của chúng ta là chuyển hóa bản thân chúng ta qua sự tự hiểu biết . Vậy nên chúng ta cần quay lại với trung tâm điểm là bản thân chúng ta, nhưng chúng ta lại lẫn tránh trung tâm điểm ấy và chuyển trách nhiệm cho chính quyền, tôn giáo và các ý hệ. Chính quyền là những gì chúng ta “là”, các tôn giáo và các ý hệ chỉ là sự phóng chiếu của chính chúng ta; và cho đến khi nào chúng ta thay đổi tận nền tảng thì bấy giờ mới có thể có một nền giáo dục thích đáng cho một thế giới hòa bình.
51.Sự an toàn cho tất cả bên ngoài chỉ có thể đến khi có tình yêu và thông minh; và vì lẽ chúng ta đã tạo ra một thế giới tranh chấp và thống khổ mà trong đó sự an toàn bên ngoài đã nhanh chóng trở nên không thể có được cho bất cứ ai thì phải chăng nó đã biểu thị sự hoàn toàn vô dụng của giáo dục, quá khứ lẫn hiện tại hay sao? Các bậc cha mẹ, thầy giáo có trách nhiệm phá vỡ suy nghĩ theo truyền thống là bổn phận của chúng ta, và không chỉ tin cậy ở các nhà chuyên môn lão luyện, và ở những sự tìm tòi tra cứu của họ. Hiệu năng trong kỹ thuật đem đến cho chúng ta tài trí nhất định nào đó để kiếm ra tiền, và do đó hầu hết chúng ta bằng lòng với cơ cấu xã hội hiện tại; nhưng nhà giáo dục thực sự thì chỉ liên quan với cuộc sống đúng đắn, giáo dục thích đáng và phương tiện sinh sống chính đáng.
52.Chúng ta càng vô trách nhiệm trong những vấn đề này bao nhiêu thì nhà nước chịu trách nhiệm tất cả những vấn đề ấy bấy nhiêu. Chúng ta bị đặt trước không phải với cuộc khủng khoảng chính trị hay kinh tế nhưng với cuộc khủng khoảng hư hỏng suy đồi của con người mà không một đảng phái chính trị hay hệ thống kinh tế nào có thể xoay chiều được.
53.Một tai họa khác còn lớn lao hơn đang tiến gần kề một cách nguy hiểm mà phần lớn chúng ta lại không làm bất cứ điều gì về tai họa ấy cả. Chúng ta tiếp tục từng ngày y như trước, chúng ta không muốn cởi bỏ những giá trị trá nguy và bắt đầu làm trở lại. Chúng ta đã cải cách chấp vá, vụn vặt và chỉ đưa đến những cải cách thêm nửa mà thôi . Như tòa nhà đang xụp đổ, bức tường xiêu vẹo và ngọn lửa đang thiêu hủy nó. Chúng ta phải rời bỏ dinh thự ấy và bắt đầu từ miếng đất mới với những nền tảng khác hẳn, giá trị khác hẳn.
54.Chúng ta không thể nào vứt bỏ kiến thức kỹ thuật, song chúng ta có thể một cách ngoại diện trở nên ý thức đến sự xấu xí của chúng ta, sự tàn nhẫn, lừa dối, thiếu thốn tình yêu của chúng ta. Chỉ bằng cách phóng thích một cách thông minh bản thân chúng ta khỏi cái tinh thần chủ nghĩa quốc gia, tánh ghen ghét, đố kỵ và ham muốn quyền lực thì lúc ấy một trật tự xã hội mới có thể được thiết lập.
55.Hòa bình không thể đạt đến bằng cách chấp nối vụn vặt, cũng không phải chỉ thuần túy chỉnh đốn lại những ý tưởng cũ kỹ và những điều mê tín. Hòa bình chỉ có thể khi chúng ta hiểu biết những gì nằm bên kia sự nông cạn, và vì lẽ đó chận đứng làn sóng hủy diệt này mà nó đã thả lỏng bởi những sợ hãi và hung hăng của chính chúng ta; và lúc bấy giờ mói có hy vọng cho con em chúng ta và sự giải thoát cho thế giới mà thôi.