(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 5: Trường học).
Người dịch: Trần Công Lân
1.Nền giáo dục thích đáng quan tâm đến tự do cá nhân mà chỉ nội điều này không thôi cũng có thể mang lại sự hợp tác thực sự với toàn thể đa số; nhưng điều tự do này không thể đạt qua sự theo đuổi riêng rẽ của bản thân cho sự thăng tiến và thành công. Tự do đến với tự hiểu biết khi tâm thức vượt lên và vượt xa những chướng ngại nó đã tạo ra cho chính nó xuyên qua sự khao khát về an toàn của riêng nó.
2.Sứ mạng của giáo dục là giúp đỡ cho mỗi cá nhân khám phá tất cả những chướng ngại tâm lý này, và không chỉ đánh lừa y bằng những kiểu mẫu xử thế nhân sinh mới, những kiểu tư tưởng mới. Những sự cưỡng bách như vậy sẽ chẳng bao giờ đánh thức trí thông minh, sự hiểu biết sáng tạo cả nhưng sẽ chỉ làm cho cá nhân bị quy định thêm nữa mà thôi. Chắc chắn, đây là những gì hiện đang xảy ra khắp thế giới và đó là tại sao những vấn đề của chúng ta vẫn tiếp tục chồng chất thêm lên.
3.Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu hiểu biết sâu xa ý nghĩa cuộc sống con người thì khi ấy mới có thể có giáo dục thực sự; nhưng để hiểu biết một cách thông minh thì tâm thức phải tự do với ước muốn được tưởng thưởng mà chính điều này đã sinh ra sợ hãi và sự mô phỏng bắt chước. Nếu chúng ta coi những đứa bé như sở hữu cá nhân, nếu đối với chúng ta chúng chỉ là sự kế tục của những cái ngã nhỏ nhặt từ chúng ta và làm sao cho đầy những tham vọng của chúng ta mà thôi, thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ xây dựng một hoàn cảnh, cơ cấu xã hội mà trong đó chẳng có tình yêu, chỉ có sự đeo đuổi những mối lợi của hoạt động ái ngã mà thôi.
4.Một trường học mà thành công trong ý nghĩa bình thường thì không hơn gì là một thất bại của một trung tâm giáo dục. Một học hiệu to lớn và phát triển với hàng trăm học sinh được giáo dục với tất cả phô bày phụ họa thành công của nó, có thể trở thành những thư ký ngân hàng hay mại bản thượng thặng, những nhà kỹ nghệ, nhà đại diện … chỉ là những người nông cạn với hiệu năng kỹ thuật mà thôi; nhưng để hy vọng thì chỉ có ở cá nhân toàn vẹn, chỉ những trường học nhỏ mới có thể giúp gây ra. Đó là tại sao điều quan trọng hơn hết là cần có những trường học với một số nam nữ học sinh hạn chế và những thầy giáo đích đáng hơn là thực hành những phương pháp mới nhất và tốt nhất trong những trường to lớn.
5.Bất hạnh thay một trong những lầm lạc nan giải của chúng ta là nghĩ rằng cần phải thi hành trên một bình diện lớn lao. Phần lớn chúng ta đều muốn những trường học rộng lớn với những dinh thự đồ sộ, dù cho những dinh thự ấy không phải là những trung tâm giáo dục thích đáng, bởi vì chúng ta muốn chuyển hóa hay gây ảnh hưởng với những gì mà chúng ta gọi là số đông.
6.Nhưng số đông ấy là ai? Bạn và tôi. Chúng ta hãy đừng quên rằng cái số đông ấy cũng cần phải được giáo dục một cách thích đáng. Sự nhìn nhận số đông cũng là hình thức trốn thoát hành động trực tiếp. Nền giáo dục thích đáng sẽ trở nên phổ quát nếu chúng ta bắt đầu với sự trực tiếp. Nếu chúng ta ý thức chính bản thân chúng ta trong mối tương giao hàng ngày với con em, bạn hữu, những người hàng xóm. Hành động riêng lẻ của chúng ta trong thế giới mà ta sống, trong thế giới của gia đình và bạn hữu, sẽ mở rộng ảnh hưởng và kết quả.
7.Bằng cách ý thức đầy đủ bản thân chúng ta trong tất cả các mối tương giao, chúng ta sẽ bắt đầu phát giác ra những giới hạn ấy trong chúng ta mà hiện nay chúng ta không biết gì cả; và trong việc ý thức đến những điều ấy, chúng ta sẽ hiểu biết và phế thải chúng đi. Không có sự trực thức và tự hiểu biết này đem đến thì bất cứ hình thức giáo dục nào hay lãnh vực nào khác sẽ chỉ đưa đến tương phản chống đối và khốn khổ thêm mà thôi.
8.Trong việc xây cất những học viện khổng lồ và sử dụng những thầy giáo tùy thuộc vào hệ thống thay vì tỉnh thức và quan sát trong mối tương giao của họ với học trò, chúng ta chỉ khuyến khích sự chứa chất, tích lũy sự kiện, phát triển khả năng và thói quen suy tưởng theo một kiểu mẫu một cách máy móc; nhưng chắc chắn trong những điều này không có điều nào giúp đỡ học sinh lớn lên thành ra một con người toàn vẹn cả. Các hệ thống có thể sử dụng sự giới hạn sự điều khiển từ thầy giáo tỉnh thức và chín chắn nhưng chúng không đưa đến thông minh. Tuy rất kỳ lạ những chữ như hệ thống, học hiệu đã trở nên rất quan trọng đối với chúng ta. Những biểu hiện này thay thế cho thực tại và chúng ta hài lòng nó sẽ như vậy; bởi vì thực tại là điều rắc rối phiền phức trong khi những cái bóng của nó lại cống hiến sự an lạc tiện lợi.
9.Không có giá trị nền tảng nào có thể thành tựu được qua việc giáo huấn số đông, nhưng chỉ qua sự cẩn thận nghiên cứu và hiểu biết những nỗi khó khăn, những xu hướng và khả năng của mỗi đứa bé; và kẻ nào ý thức điều này và họ nhiệt thành khao khát sự hiểu biết bản thân họ và giúp bọn trẻ, sẽ đến với nhau và khởi đầu một trường học nó sẽ có ý nghĩa sinh tử trong cuộc sống đứa bé bằng cách giúp đỡ nó được toàn vẹn và thông minh. Để khởi đầu một trường học như vậy, họ không cần phải đợi cho đến khi nào họ có những phương tiện cần thiết. Người ta có thể là một thầy giáo thực sự ở nhà, và những dịp may sẽ đến với lòng hăng hái nhiệt thành.
10.Đối với những người thực sự yêu thương con em mình và các đứa bé xung quanh họ, và do đấy họ sốt sắng nhiệt thành, sẽ thấy rằng một trường học thích đáng bắt đầu xung quanh góc xó nơi nào đó; hay ở tại nhà họ. Lúc bấy giờ, tiền nong sẽ đến – coi nó ít quan trọng hơn. Để duy trì một trường học nhỏ của thứ giáo dục đúng nghĩa thì dĩ nhiên có khó khăn về tài chánh; trường học ấy chỉ có thể phát triển dựa vào sự tự hy sinh, không phải dựa vào bản liệt kê khổng lồ của ngân hàng. Tiền bạc thì bất di bất dịch làm đồi bại trừ phi có tình yêu thương và sự hiểu biết. Nhưng nếu nó là một trường học thực sự xứng đáng thì sự giúp đỡ cần thiết sẽ tìm ra. Khi có sự yêu thương đứa trẻ thì tất cả mọi sự đều có thể xảy ra được cả.
11.Bao lâu học hiệu còn được coi là quan trọng thì đứa bé là con số không. Nhà giáo dục xứng đáng là người liên quan với cá thể không phải với số đông học sinh ông ta có; và một nhà giáo dục như vậy sẽ khám phá ra rằng ông ta có một trường học tối cần và có ý nghĩa mà một số phụ huynh sẽ ủng hộ. Nhưng thầy giáo cần phải có ngọn lửa sốt sắng nhiệt tâm; nếu ông ta hờ hững lãnh đạm thì ông ta sẽ có một học hiệu giống như bất cứ học hiệu nào khác.
12.Nếu các bậc làm cha mẹ thực sự yêu thương con em họ, họ sẽ sử dụng quyền lập pháp và những phương tiện khác để thiết lập những trường học nhỏ được cung cấp nhân viên với những nhà giáo dục đúng nghĩa; và họ sẽ không bị chán nản ngã lòng bởi sự kiện những trường nhỏ thì tốn kém và khó tìm ta những nhà giáo dục thích đáng.
13.Tuy nhiên họ cần nhận thức rõ ràng sẽ không thể tránh khỏi việc bị chống đối từ các thế lực được phong tặng từ các chánh quyền và những tổ chức tôn giáo, bởi vì những trường học như vậy nhất định là một cuộc cách mạng sâu xa. Cách mạng thực sự không phải là thứ cách mạng bạo động; nó xảy ra qua sự trau dồi những con người thông minh và toàn diện mà họ bằng cuộc sống xác thật của họ, sẽ dần dần tạo ra những sự thay đổi tận nguồn gốc trong xã hội.
14.Nhưng điều tối quan trọng là tất cả các thầy giáo trong một trường học loại này sẽ cùng đến với nhau một cách tình nguyện, mà không bị cưỡng bách hay lựa chọn; bởi vì sự tự do tình nguyện từ trên thế gian là nền tảng đúng đắn duy nhất cho một trung tâm giáo dục. Nếu các thầy giáo là để giúp đỡ người khác và các học sinh hiểu biết những giá trị đúng thì cần phải có sự tỉnh thức không ngừng, sự trực thức mẫn tiệp trong mối tương giao hàng ngày.
15.Trong sự ẩn dật của một trường học nhỏ người ta có khuynh hướng quên lãng nó có một thế giới bên ngoài, với những chấp tranh, hủy diệt và khốn khổ không ngớt gia tăng. Thế giới ấy không chia cách với chúng ta. Trái lại nó là một phần của chúng ta, bởi vì chúng ta đã làm cho nó thành hình; và đó là vì sao nếu có một sự sửa đổi nền tảng trong cơ cấu xã hội thì việc giáo dục thích đáng là bước đầu tiên.
16.Chỉ có nền giáo dục thích đáng chứ không phải ý thức hệ, các lãnh tụ và các cuộc cách mạng kinh tế, mới có thể cung cấp một giải pháp sau cùng cho những vấn đề, những nỗi thống khổ của chúng ta; và để thấy sự thật của sự kiện này không phải là vấn đề trí năng hay thuyết phục tình cảm, cũng chẳng phải luận cứ xảo quyệt nào cả.
17.Nếu những phần chủ chốt của các nhân viên trong trường học thuộc loại thích đáng là hiến thân và tất yếu, thì chính nó sẽ tập hợp những người khác có cùng mục đích, và những kẻ nào không chú ý đến chẳng bao lâu sẽ nhận thấy ở ngoài vòng. Nếu trung ương quả quyết và mẫn tiệp thì sự lãnh đạm ngoại biên sẽ khô héo tàn tạ, rơi rụng; nhưng nếu trung ương lãnh đạm thì toàn nhóm sẽ bất nhất và yếu đuối.
18.Trung tâm không thể thành lập chỉ vì một vị hiệu trưởng. Lòng nhiệt thành hay chú tâm tùy thuộc vào một người thì chắc chắn kém sút và suy yếu. Sự chú tâm như vậy là nông cạn hay thay đổi và không có giá trị, bởi vì nó có thể đổi hướng và giúp vào việc gây ra những sự ngông cuồng, ảo tưởng của kẻ khác. Nếu vị hiệu trưởng chuyên chế rồi thì tinh thần tự do và hợp tác hỗ tuơng hiển nhiên không thể tồn tại được. Một đặc tính mạnh bạo có thể xây dựng một nhà trường thượng hạng nhưng với sự sợ hãi và khúm núm, khép nép cũng chui vào đấy, và lúc bấy giờ điều thông thường xảy ra là sự kiện số nhân viên còn lại thì tuy nghiêm trang nhưng vô giá trị.
19.Một đoàn thể như vậy thì không giúp chi cho sự hiểu biết và tự do của cá nhân. Số nhân viên không cần ở dưới sự thống trị của vị hiệu trưởng và vị hiệu trưởng sẽ không ôm đồm tất cả trách nhiệm; trái lại mỗi thầy giáo sẽ cảm thấy có trách nhiệm với toàn thể. Nếu chỉ có một số ít người chú tâm đến thôi thì sự lãnh đạm hững hờ hay chống đối của số còn lại sẽ làm trở ngại hay làm mất hết giá trị của nỗ lực chung.
20.Người ta có thể nghi ngờ một trường học có thể điều khiển mà không có một uy quyền trung ương; nhưng người ta thực sự không biết đến; bởi vì việc ấy chẳng bao giờ được làm thử cả. Một cách chắc chắn, trong một nhóm các nhà giáo dục thực sự, vấn đề quyền uy sẽ không bao giờ khơi dậy. Khi tất cả đều gắng sức để được tự do và thông minh thì có thể có được sự hợp tác hỗ tương với người khác trên tất cả bình diện. Đối với những người mà bản thân họ không cống hiến cho công việc giáo dục một cách sâu xa và vĩnh viễn thì sự thiếu vắng một trung tâm quyền uy có thể xuất hiện là một lý thuyết không thực tế; nhưng nếu người ta hoàn toàn dâng hiến cho nền giáo dục thích đáng thì lúc bấy giờ người ta chẳng cần đòi hỏi được thôi thúc, điều khiển hay kiểm soát gì cả. Những thầy giáo thông minh là những người dễ uốn nắn trong việc thực hành những khả năng của họ; cố gắng để được tự do cá nhân, họ phải tôn trọng những điều lệ và làm những gì cần thiết cho lợi ích của toàn thể nhà trường. Sự chú ý đứng đắn là bước đầu của khả năng và cả hai đã được duy trì bởi sự chuyên tâm và cần mẫn.
21.Nếu người ta hiểu những hàm xúc của sự vâng lời thuộc về tâm lý học thì việc đơn độc quyết định không theo đuổi quyền uy sẽ chỉ dẫn đến lầm lẫn mà thôi. Sự lầm lẫn như vậy không vì thiếu quyền uy, nhưng là thiếu sự chú tâm thực sự và hỗ tương trong sự giáo dục thích đáng. Nếu thực sự có sự chú ý là có sự điều chỉnh thường trực trong tâm tư trong của mọi nhà giáo đối với nhu cầu và đòi hỏi trong sự điều hành một trường học. Trong bất kỳ liên hệ nào, sự va chạm và hiểu lầm tất không thể tránh được; nhưng chúng sẽ trở nên quá đáng khi không có sự bó buộc quan hệ về một mục đích chung.
22.Phải có sự hợp tác không che dấu trong tất các thầy giáo của một trường học đúng nghĩa. Cả nhóm thầy giáo và nhân viên điều hành nên họp thường xuyên, để nói về những vấn đề của trường; và khi họ đồng ý về một đường lối hành động chắc, rõ ràng sẽ không có khó khăn khi thực hiện những gì đã được quyết định. Nếu quyết định của đa số không có sự đồng ý của một thầy giáo nào đó thì nó sẽ được thảo luận trong kỳ họp tới.
23.Không có thầy giáo nào phải sợ vị hiệu trưởng, hay vị hiệu trưởng phải cảm thấy đe đọa bởi ông giáo già. Sự hợp ý vui vẻ chỉ có khi cảm giác về sự bình đẳng tuyệt đối được cảm thấy trong mọi người. Nó là điều chính yếu, là cảm giác bình đẳng này sẽ là ưu thế của loại trường học đúng đắn. Cho sự hợp tác thực sự chỉ có khi sự chống đối có thể chẳng bao giờ xảy ra. Nếu sự tin cậy lẫn nhau, bất kỳ khó khăn hay hiểu lầm sẽ không phải chỉ gạt bỏ mà được giải quyết trực tiếp và đem lại sự tín nhiệm.
24.Nếu những thầy giáo cảm thấy không chắc chắn với nghề đã chọn với, sẽ có sự ghen ghét, phản kháng trong họ và khi họ phí phạm năng lực trong những va chạm nhỏ mọn; khi những bực dọc và bất mãn qua đi nhanh chóng để lại sự ray rứt về một nền giáo dục thích đáng. Chi tiết này sẽ nở rộ, cọ sát với sự phản kháng cá nhân là những hủy hoại vô ích, và tất cả cần đối thoại, thảo luận sẽ giúp tìm ra cái gì đúng và ai đúng.