(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 5: Trường học).
Người dịch: Trần Công Lân
25.Khó khăn và hiểu lầm nên được nói đến bởi những người làm việc với nhau trong một hướng chung để giúp giải tỏa những hiều nhầm từ một cá nhân. Khi có mục đích chung, có sự chân thật và tình đồng chí trong số thầy giáo thì sự phản kháng sẽ không bao giờ nổi dậy. Nhưng nếu thiếu sở thích hỗ tương; nhưng nếu sự chuyên tâm thiếu vắng thì dù họ có sự hợp tác cho lợi ích hỗ tương của họ một cách nông cạn đi nữa cũng sẽ luôn luôn có tranh chấp, sân hận.
26.Dĩ nhiên có thể là những động lực khác nguyên nhân gây ra mối bất hòa giữa các phần tử trong nhóm nhân viên. Một thầy giáo có thể làm việc quá sức, người khác có thể có những nỗi lo lắng về cá nhân hay gia đình, và người khác không cảm thấy chú tâm sâu xa vào những gì họ đang làm. Một cách chắc chắn tất cả những vấn đề này có thể tìm ra được ở một cuộc họp các thầy giáo, bởi vì sự chú ý lẫn nhau đưa đến hợp tác hỗ tương. Hiển nhiên không có gì hệ trọng có thể tạo ra được nếu một số ít người làm tất cả mọi việc và số còn lại ngồi chơi xơi nước.
27.Sự đóng góp đồng đều của việc làm đem đến sự rảnh rang cho tất cả, và mỗi người hiển nhiên có một số thì giờ nhất định. Một thầy giáo làm việc quá sức trở nên một vấn đề cho chính ông ta và những người khác. Nếu người phải làm việc quá sức chịu đựng của mình thì người ta trở nên bơ phờ, chậm chạp, lười nhác cũng như người ta làm việc gì mà họ không thích. Sự hồi phục không thể có được nếu cứ hoạt động không ngớt, dù là thể xác hay tinh thần; nhưng vấn đề rảnh rỗi này có thể đặt ra trong một cung cách thân hữu thì có thể được chấp nhận cho tất cả.
28.Những gì tạo nên sự rỗi rảnh thì khác biệt với mỗi cá nhân. Đối với một số người thì họ hết sức quan tâm đến công việc của họ, thì chính việc làm của họ đã là rỗi rảnh rồi, hành động hết sức chuyên tâm như nghiên cứu học tập là một hình thức của sự nghỉ ngơi. Đối với những người khác rảnh rỗi có thể là sự rút lui vào nơi ẩn dật.
29.Nếu bản thân thầy giáo có một số thì giờ nhất định, ông ta chỉ chịu trách nhiệm cho một số học sinh mà ông có thể dễ dàng đương đầu với chúng. Tương giao trực tiếp và chủ yếu giữa thầy và trò gần như không thể có khi thầy giáo bị đè nặng bởi số lớn học trò khó điều khiển.
30.Điều này vẫn còn lý do khác, tại sao các trường học nên giữ nhỏ. Hiển nhiên điều quan trọng là một số học sinh giới hạn trong một lớp nhỏ thì thầy giáo có thể chú ý đầy đủ đến mỗi học sinh. Khi số học sinh quá đông, ông ta không thể làm như vậy được. Và lúc bấy giờ trừng phạt và tưởng thưởng trở nên phương thức thuận tiện cho việc khép vào kỷ luật.
31.Nếu giáo dục thích đáng không thể nào áp dụng cho đám đông cho được. Để tìm hiểu mỗi đứa bé đòi hỏi tính kiên nhẫn, thận trọng và thông minh. Để quan sát những khuynh hướng của đứa bé, bẩm tính của nó, khí chất của nó; để hiểu những khó khăn của nó và đem sự quan sát tính di truyền và ảnh hưởng của cha mẹ, không chỉ coi nó thuộc về một phạm trù nhất định nào – tất cả điều này đòi hỏi một tâm thức nhanh nhẹn và có thể uốn nắn được, không bị ngăn trở bởi bất cứ hệ thống hay thiên kiến nào. Nó đòi hỏi tài năng, sự chú tâm mãnh liệt và trên hết là một ý thức trìu mến, âu yếm; và để tạo ra những nhà giáo dục có những đức tính này là một trong những vấn đề chính của chúng ta hôm nay.
32.Tinh thần tự do cá nhân và thông minh sẽ thấm nhuần vào toàn thể trường học ở tất cả thời đại. Điều này khó có thể phó mặc cho sự may rủi và ngẫu nhiên ở những giây phút lạ lùng những chữ như tự do và thông minh thì nó có rất ít ý nghĩa.
33.Điều đặc biệt quan trọng là các học sinh và thầy giáo thường gặp gỡ nhau luôn để bàn bạc tất cả vấn đề liên quan đến sự an toàn của cả nhóm. Một hội đồng học sinh cần được thành lập mà trong ấy các thầy giáo là đại diện. Hội đồng ấy có thể tìm ra tất cả những vấn đề kỹ luật, sự sạch sẽ, thực phẩm v.v…và nó cũng có thể giúp vào việc hướng dẫn bất cứ những học sinh nào có phần tự dễ dãi, lãnh đạm hay u mê.
34.Các học sinh sẽ chọn lựa trong những người trong bọn họ chịu trách nhiệm cho việc hoàn tất những quyết định và do đó giúp đỡ với sự trông nom chung. Dù sao việc tự trị trong trường học là một chuẩn bị cho việc tự trị trong đời sống sau này. Nếu trong khi đứa bé ở nhà trường, nó học hỏi sự thận trọng, ý tứ, bình phẩm và thông minh ở bất cứ cuộc bàn luận nào thuộc vào những vấn đề thường ngày của nó, thì khi lớn lên nó sẽ có thể đối đầu với một cách có hiệu quả và điềm tĩnh với những thử thách lớn lao và phức tạp hơn của cuộc sống. Nhà trường sẽ khuyến khích đứa bé hiểu biết những khó khăn và những đặc tính cả người khác, những tâm tánh và những khí chất; bởi vì lúc bấy giờ, khi chúng trưởng thành, chúng sẽ có nhiều thận trọng và kiên nhẫn hơn trong tương giao với những người khác.
35.Tinh thần tự do và thông minh cũng sẽ rõ ràng trong những sự nghiên cứu đứa trẻ. Nếu nó là người sáng tạo và không chỉ là sự tự động như máy, thì đứa trẻ sẽ được khuyến khích không chấp nhận những định thức và những kết luận. Ngay cả trong nghiên cứu một khoa học người ta sẽ hợp ý với hắn, giúp hắn nhìn thấy vấn đề trong toàn bộ của nó và sử dụng sự phán đoán của mình.
36.Nhưng hướng dẫn những gì? Hay không phải hướng dẫn bất cứ điều gì chăng? Câu trả lời tùy thuộc vào những gì có nghĩa bởi sự hướng dẫn. Nếu trong tâm hồn họ, các thầy giáo đã tống khứ tất cả sợ hãi, tất cả khát vọng thống trị, thì lúc bấy giờ họ có thể giúp học sinh hướng đến sự hiểu biết sáng tạo và tự do; nhưng nếu có một khát vọng hữu thức hay vô thức hướng dẫn đương sự nhắm đến một tiêu đích đặc biệt nào đó thì lúc bấy giờ hiển nhiên là chúng làm trở ngại sự phát triển của đương sự. Chỉ hướng đến một chuẩn đích nào đó dù đã được tạo ra bởi bản thân hay bị cưỡng bách bởi người khác, thì sự sáng tạo cũng bị thiệt hại.
37.Nếu nhà giáo dục liên quan với tự do của cá nhân và không phải với những dự tưởng của mình thì ông sẽ giúp đứa trẻ khám phá ra sự tự do đó bằng cách khuyến khích nó hiểu biết hoàn cảnh của hắn, khí chất của hắn, nền tảng gia đình và tôn giáo của hắn với tất cả ảnh hưởng và kết quả mà chúng có thể đã tác dụng trên con người hắn. Nếu có tình yêu và tự do trong tâm hồn của bản thân các thầy giáo, thì họ sẽ giúp mỗi học sinh lưu ý đến những nhu cầu và khó khăn của hắn và lúc bấy giờ chúng sẽ không chỉ là những cái máy tự động, chuyển động tùy theo các phương pháp và những định thức mà là những con người tự phát mẫn tiệp và thận trọng hơn bao giờ hết.
38.Nền giáo dục xứng đáng sẽ giúp học sinh khám phá ra những gì là điều chú tâm nhất của hắn. Nếu hắn không tìm ra khuynh hướng nghề nghiệp thực sự của mình thì tất cả cuộc sống của hắn có vẻ hoang phí; hắn sẽ cảm thấy thất bại ở chỗ làm một việc gì mà hắn không muốn làm. Nếu hắn muốn làm nghệ sĩ nhưng lại trở thành anh thư ký thì hắn sẽ phàn nàn suốt cuộc đời trong hao mòn, tiều tụy. Vậy điều quan trọng cho mỗi người là tìm thấy nghề gì hắn muốn làm và thấy có đáng theo đuổi hay không. Một cậu bé có thể muốn làm một chiến sĩ; nhưng trước khi trở thành lính chiến, cậu phải được giúp đỡ để khám phá: phải chăng cái khuynh hướng quân đội, chiến sĩ là điều lợi ích cho toàn thể nhân loại chăng?
- Nền giáo dục thích đáng sẽ giúp học sinh không chỉ phát triển các khả năng của đương sự mà thôi, nhưng còn để hiểu biết điều chú ý cao cả nhất của đương sự nữa. Trong một thế giới bị xâu xé rách nát bởi những cuộc chiến tranh, hủy hoại và khốn khổ, ta cần phải xây dựng một trật tự xã hội mới và tạo ra một lối sống khác.
40.Trách nhiệm xây dựng một xã hội hòa bình và an lạc, chính yếu là nơi nhà giáo dục và đó là điều hiển nhiên, không trở nên bị khích động tình cảm về nó thì ông ta mới có cơ hội lớn lao để giúp đạt đến việc chuyển hóa xã hội đó. Nền giáo dục thích đáng không lệ thuộc vào những quy luật của bất cứ chính quyền nào hay những phương pháp của bất cứ hệ thống đặc biệt nào; nó nằm trong bàn tay của chúng ta, trong những bàn tay của các bậc làm cha mẹ và của thầy giáo.
41.Nếu các bậc làm cha mẹ thực sự lo lắng đến con em của mình, họ sẽ xây dựng một xã hội mới nhưng một cách nền tảng. Hầu hết các bậc làm cha mẹ không hề lo lắng và vì vậy họ không có thì giờ cho vấn đề khẩn thiết này. Họ có thì giờ kiếm tiền, cho những trò giải trí, cho những nghi lễ, thờ phụng nhưng không có thì giờ để cân nhắc xem xét những gì là nền giáo dục thích đáng cho con em họ. Đây là một sự thật mà đa số quần chúng không muốn đương đầu, đối mặt. Đối mặt với nó có nghĩa là họ sẽ phải từ bỏ những điều đó và chấp nhận là họ không muốn làm thế. Vậy nên họ gửi con em họ đến các trường học mà nơi ấy các thầy giáo cũng không quan tâm gì đến chúng hơn họ. Tại sao họ phải quan tâm nhỉ? Đối với ông ta thì dạy học chỉ là một nghề nghiệp, một cách kiếm tiền.
42.Thế giới chúng ta tạo ra thật là nông cạn, thật là phi thực, thật là xấu xí nếu chúng ta nhìn ở sau tấm màn; và chúng ta đã trang hoàng cho tấm màn ấy hy vọng mọi sự bề nào cũng đi đến chỗ hợp lý. Bất hạnh thay, phần lớn người ta không khao khát lắm về cuộc sống, ngoại trừ, có lẽ khi nó đi đến chỗ kiếm tiền, dành được quyền thế hay đeo đuổi sự kích thích của tình dục. Họ không muốn đối mặt đương đầu với những phức tạp, rắc rối của cuộc sống, và do đó là vì sao những đứa bé của họ trưởng thành, chúng cũng non nớt ngây ngô và không toàn vẹn như cha mẹ chúng: không ngớt xung đột với bản thân và thế giới.
43.Chúng ta nói thật dễ dàng rằng chúng ta yêu thương con em chúng ta, nhưng có tình yêu trong tâm hồn hay không khi chúng ta chấp nhận những điều kiện của xã hội hiện tại, khi chúng ta không muốn gây ra một chuyển hóa nền tảng trong xã hội hủy hoại này? Bao lâu chúng ta còn trông cậy vào những nhà chuyên môn đề giáo huấn con em, thì điều lầm lạc và khốn khổ sẽ tiếp tục bởi vì những nhà chuyên môn là những liên quan từng phần và không phải toàn thể, nên chính bản thân họ đã là những người không toàn vẹn rồi.
44.Thay vì là một chức nghiệp đáng kính và vinh dự nhất, giáo dục hiện nay đã được coi một cách khinh thị và hầu hết các nhà giáo dục đã bị kẹt cứng vào những thói quen thường lệ. Họ không thực sự liên quan đến sự toàn vẹn và thông minh, nhưng chỉ với từng phần kiến thức; và một người mà chỉ có từng phần kiến thức với thế giới sụp đổ quanh ông ta thì người ấy chẳng là nhà giáo dục gì cả.
45.Một nhà giáo dục không chỉ là người dâng tặng kiến thức; ông ta là một người vạch ra con đường đi đến đức hạnh, đi đến chân lý. Chân lý thì quan trọng hơn là thầy giáo. Việc tìm kiếm chân lý là tôn giáo, và chân lý không có xứ sở, không có tín ngưỡng, nó không thể tìm thấy ở bất cứ đền miếu, nhà thờ hay giáo đường nào. Không có sự tìm kiếm chân lý, xã hội chẳng bao lâu sẽ suy đồi. Để tạo ra một xã hội mới, mỗi người trong chúng ta phải là một nhà giáo thực sự, điều đó có nghĩa là chúng ta phải đồng thời vừa là thầy giáo lẫn học trò; chúng ta cần giáo dục bản thân chúng ta.
46.Nếu một trật tự xã hội mới được thiết lập, thì đối với kẻ dạy học chỉ là để có một số lương và nhà giáo dục không có chỗ đứng. Xem giáo dục như một phương tiện sinh nhai là lợi dụng những đứa trẻ cho lợi ích của riêng mình. Trong một xã hội khoáng đạt, các thầy giáo sẽ không lo lắng gì đến hạnh phúc của riêng họ và cộng đồng sẽ cung cấp những nhu cầu đó cho họ.
47.Một thầy giáo thực sự thì không phải là một người xây dựng tổ chức giáo dục làm động lòng, ông ta cũng chẳng phải là một dụng cụ cho các nhà chính trị, ông cũng chẳng bị ràng buộc vào một lý tưởng, tín ngưỡng hay xứ sở nào. Nhà giáo dục thực sự là người có nội tâm phong phú và do đấy không quan tâm đến mình; ông ta không phải là người có nhiều tham vọng và không tìm kiếm quyền uy trong bất cứ hình thức nào; ông cũng chẳng dùng giáo dục như một phương tiện tiếp thu địa vị hay quyền uy, và do đấy ông ta được tự do từ những ràng buộc của xã hội và sự kiểm soát của chính quyền. Những thầy giáo như vậy có vị trí căn bản trong nền văn minh phóng dật, bởi vì nền văn hóa đích thực đã được dựng nên, không phải ở các kỹ sư và các nhà kỹ thuật mà bởi các nhà giáo dục.