Khi hai người dân nói chuyện (trao đổi ý kiến) với nhau về một đề tài (chính trị). Đó là dân chủ!
Khi Hồ Chí Minh nói với Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp rồi Lê Duẫn thì nền dân chủ của VN bắt đầu từ đó chăng?
Không. Bởi vì từ người thứ nhất đã gian, người thứ nhì thấy (hay không thấy) gian mà không nói ra, rồi người thứ ba, tư, năm … và một bè đảng gian hùng thành hình đi lường gạt cả nước. Dĩ nhiên là thành công vì ai biết hay phản đối đều bị ám sát, thủ tiêu … những kẻ còn lại vì nhiều lý do im lặng (xem các hồi ký của Vũ Thư Hiên, Trần Đình, Nguyễn Minh Cần…).
Vấn đề không phải kẻ gian cứ tiếp tục gian dối, lừa gạt và người ngay thẳng cứ tiếp tục bị lường gạt mà vì kéo dài sự giả dối thì nền dân chủ sẽ không bao giờ thực hiện được. Bởi vì người đối thoại chân thật không phải nói đi, nói lại, nói vòng quanh như kẻ gian. Khi sự thật hiển bày thì còn gì trở ngại. Không. Vẫn còn trở ngại. Vì người có máu gian hùng vẫn không chịu là mình gian, ngụy biện, thủ đoạn và khủng bố, đe dọa tiếp theo. Thường thì kẻ gian thắng cuộc vì chẳng có mấy ai đủ can đảm chống lại mà đa số không ý thức tầm quan trọng của dân chủ nên im lặng cho qua chuyện. Đó là khi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã nói “gian dối đã lên ngôi”.
Khi “gian dối đã lên ngôi” thì thường là “bài trừ văn hóa Mỹ-Ngụy” tiếp theo để xóa đi tất cả những vết tích có thể “khai xấu” chế độ. Tiếp theo là cạo sửa lịch sử để chứng minh sự hợp thức hóa sự thành hình của đảng cướp nước trong lòng dân tộc. Khi ngôi vị độc tôn đã vững chắc thì “dân chủ” thành hình. Vậy đâu cần đối thoại, tranh luận?
Tận cùng cấp độ của đối thoại và tranh luận là giới báo chí, truyền thông cũng như tòa án, luật sư, công tố viện. Những nhân sự, địa điểm, cơ quan này là chỗ để cho tranh luận, đối thoại xảy ra thì đã chẳng xảy ra vì những ai muốn lên tiếng đã bị công an đánh mềm xương, hộc máu, tắt thở … thì còn ai đối thoại nữa.
Khi đứa trẻ chống đối ý kiến của cha mẹ áp đặt lên nó thì cha mẹ phải đối thoại, giải thích lợi hại của vấn đề cho đứa trẻ hiểu rõ. Đó là giáo dục. Còn hiện nay, ngay từ trong trường học, học sinh không có dịp tranh luận để tìm sự thật thì sau này có học thành tiến sĩ có ích lợi gì đâu. Nhà nước CSVN thấy ai bất đồng chính kiến là cho đi cải tạo: đánh đập, gây “tai nạn”, bỏ tù, đày dọa cả dòng họ … cho tới khi nạn nhân chịu đổi ý.
Bế tắc dân chủ không dừng tại đây. Khi sinh hoạt cả nước trì trệ, suy thoái mà nhà lãnh đạo không biết làm gì hơn là “đổi mới”, “sửa sai” hay lôi một vài viên chức ra tế thần. Não trạng của những kẻ độc tài, độc đoán là vẫn không chịu là mình sai. Họ vẫn phân trần với đồng sự, vợ con, bạn bè (nếu có) vì đủ thứ lý do (kẻ thù, phản động âm mưu phá hoại xã hội). Khi gian dối họ bày ra để che mắt thiên hạ và tin rằng “cứt trâu để lâu hóa bùn” hay nói dối lâu ngày sẽ thành sự thực và như vậy gian trá trong tâm họ sẽ biến thành chân lý trong khi những chống đối từ bên ngoài đều là sai lầm.
Đó là chưa kể sau hơn 40 năm cai trị, CSVN đã thay đổi ngôn ngữ VN mà hiện nay nếu muốn đối thoại với Đảng CSVN có lẽ phải dùng ngoại ngữ (English) vì những định nghĩa căn bản của ngôn ngữ VN đã sai lầm, đảo ngược hay bóp méo hết.
Dân chủ chỉ thực hiện được khi con người nói thật, nói thẳng. Luật pháp dưới chế độ dân chủ là để mọi người tuân theo. Đối thoại để có âm mưu khác cũng như đặt luật để đàn áp người dân, còn lớp lãnh đạo là ngoại lệ thì không nên gọi đó là đối thoại hay dân chủ.
Giả sử có đối thoại, tranh luận thì nhân dân toàn quốc có được chứng kiến hay không? Hay chỉ dấu kín trong phòng rồi đem bỏ thùng rác? Dân chủ tại VN có lẽ khởi đầu từ trường học, chợ làng … trên mọi nẻo đường đất nước rồi tới báo chí, truyền thông đưa tin đến mọi người dân Việt trên thế giới và cuối cùng giới trí thức được chính thức tự do ngôn luận theo như Hiến Pháp quy định thì có lẽ … không cần tranh luận nữa chăng.
Trần Công Lân
Tháng 6, 2017
VA