Triết lý Vượt Thời Gian Của Tiên Sinh Lý Đông A

Triết lý Vượt Thời Gian Của Tiên Sinh Lý Đông A

Đầu tháng 3 năm 2016, người viết bài này được giáo sư Đoàn Viết Hoạt gửi vài tài liệu về những lý thuyết Duy Dân của tiên sinh Lý Đông A, người viết chủ nghĩa Duy Dân hơn 70 năm trước.

Mãi đến tháng 7 năm 2016, người viết mới có chút thời gian để đọc qua những tài liệu về chủ nghĩa Duy Dân. Càng đọc càng thấy thích thú bởi chủ nghĩa Duy Dân nhắm vào điểm chính là Con Người. Chủ đề Con Người cũng chính là chủ đề mà người viết đã từng quan tâm kể từ năm 1992 và cũng năm đó, tuyển tập Con Người Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai do nhà xuất bản Ngàn Lau cho ra đời.

Nếu nhìn tất cả những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của Con Người, tất cả những cái ác (gồm cả chiến tranh) xảy ra trên toàn thế giới đều xảy ra bởi Con Người. Con Người đưa ra những tư tưởng, phát minh giúp xã hội nhưng đồng thời đưa ra tư tưởng, phát minh tàn phá Con Người. Từ những tư tưởng đó, Con Người thành lập ra một cơ chế với cái tên thật đẹp để tàn sát với chính dân tộc mình mà chủ nghĩa Cộng Sản là một thí dụ điển hình.

Cho nên khi đọc những điều cụ Lý Đông A viết, người viết rất là thích thú và khẳng định rằng, triết lý của cụ Lý đã vượt thời gian ngay thời cụ còn sống. Cụ Lý nhìn vấn đề Triết Học, Sử Học, Khoa Học bằng con mắt Con Người chứ không bằng Duy Vật, Duy Tâm, Duy Sinh. Cụ Lý nhìn vấn đề ở diện tổng thể và tung hợp chứ không nhìn vấn đề ở một góc cạnh nào đó và hạn hẹp trong cách nhìn.

Khi nói về Dân Chủ, cụ đánh giá là Dân Chủ phải khởi hành từ đáy tầng, tức là từ những người dân chứ không phải dân chủ từ trên đi xuống (như nền dân chủ của thế giới hiện giờ). Cụ Lý đánh giá nền dân chủ của thế giới vào thời của cụ sống là dân chủ đảng tranh. Hơn 70 năm trước không ai hiểu cái đảng tranh mà cụ Lý nói ra sao. Phải sống ở các quốc gia dân chủ của thế kỷ 21, chúng ta sẽ cảm nhận được điều của cụ Lý nói rất là đúng. Đảng tranh mục đích là để phục vụ quyền lợi và mục tiêu của đảng chứ không phải là phục vụ người dân.

Hãy nhìn nền dân chủ của Mỹ. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tìm cách triệt hạ lẫn nhau trong các chính sách khi đảng nào đó nắm được Quốc Hội. Những chính sách của đảng đưa ra mục đích là phục vụ đảng, phục vụ các tổ chức bỏ tiền vận động hành lang. Người dân có quyền tự do ứng cử và bầu cử. Nhưng nếu ứng cử mà không có sự ủng hộ của Cộng Hòa hay Dân Chủ thì cơ hội thắng cử rất là hiếm xảy ra. Người dân hoàn toàn không có tiếng nói trong vấn đề chính sách của Quốc Hội đưa ra mà để đại diện là các Nghĩ Sĩ ở Hạ Viện và Thượng Viện quyết định đến những chính sách ảnh hưởng đến cuộc sống của mình mà người dân không có quyền đưa ý kiến mình vào để bàn thảo. Chính sách bảo hiểm y tế mà đảng Cộng Hòa đang bàn thảo là một thí dụ điển hình gần nhất.  Thay vì nhìn vấn đề y tế là cái quyền cần được bảo vệ (ai cũng có bảo hiểm dù có tiền hay không có tiền, cũng giống như cảnh sát là để bảo vệ mọi người) thì cả hai đảng nhìn vấn đề y tế là cái được hay không được do các vị đại biểu của Quốc Hội quyết định.

Các nhà chính trị của Mỹ khi thắng cử thì chỉ để phục vụ số người bỏ phiếu cho mình thay vì phục vụ toàn bộ Người Dân trong địa phận mình đại diện. Có nghĩa là, các vị đại biểu sẽ bỏ phiếu cho chính sách phù hợp với đảng của mình và cũng là phù hợp với sô đông người dân bầu mình vào vị thế đại diện, không cần quan tâm đến thiểu số còn lại là thiệt hại của họ ra sao bởi cái chính sách đó.  Nói một cách ví von mà những anh em trong nước nhận định là nền Dân Chủ có Xác nhưng không có Hồn.

Dĩ nhiên cụ Lý không quên nhắc đến nền dân chủ giả hiệu mà các chế độ cộng sản là thí dụ điển hình của nền dân chủ giả hiệu này. Nền dân chủ giả hiệu này miệng nói phục vụ nhân dân nhưng thực tế thì đàn áp nhân dân. Nền dân chủ này cũng có Quốc Hội, Nhà Nước, Tòa Án, Thủ Tướng nhưng tất cả mọi chính sách đều phải do đảng Cộng Sản quyết định và đồng ý. Những chức năng của Quốc Hội, Nhà Nước, Tòa Án chỉ là đóng mộc hay làm bù nhìn cho đảng Cộng Sản ra sức tung hoành đàn áp người dân dưới dạng Dân Chủ giả hiệu này. Nhân dân làm chủ nhưng nhân dân không có quyền đuổi đảng Cộng Sản ra khỏi sân chơi chính trị. Vậy thì bản chất Dân Chủ giả hiệu của các nước Cộng Sản đã được cụ Lý nhìn ra hơn 70 năm trước, trước khi đảng csvn giành toàn bộ đất nước vào tay của họ.

Cụ Lý đánh giá lịch sử của nhân loại càng ngày càng đưa Con Người đến Nhân Bản hơn. Nhân đạo được cụ Lý đánh giá qua bốn thời kỳ: Kỳ thứ nhất là nhân đạo xuất phát, kỳ thứ nhì là nhân đạo thành lập, kỳ thứ ba là nhân đạo tăng tiến, và kỳ thứ tư là nhân đạo ổn định (Chu Chi Lục 5, quan điểm 3). Thế giới nhân đạo đang ở thời kỳ thứ ba và thời kỳ nhân đạo ổn định sẽ xảy ra sau đó, khi mà tất cả mọi người trên thế giới nhìn vấn đề Con Người là điểm chung và đặt Duy Nhân Cương Thường là phương chỉ nam cho mọi hành động trong sinh hoạt chính trị đối nội và đối ngoại.

Cái Duy Nhân Cương Thường này dựa vào đặc tính của Con Người. Nghĩa là Con Người, dù ở bất cứ đâu, dù thuộc bất cứ giống dân nào, đều có nhu cầu đủ ăn; được đến trường học và lo lắng về y tế khi bệnh; được đối xử công bằng; được bảo vệ về tài sản lẫn sinh mạng; được sống một môi trường không khí sạch và nước sạch; được ăn những thức ăn của thiên nhiên không có độc tố; được thành lập các nghiệp đoàn độc lập; được bảo đảm các quyền tự do của Con Người để gia tăng sáng tạo và kiểm soát được cơ chế cầm quyền — để phục vụ lợi ích của xã hội chứ không phải phục vụ lợi ích nhóm hay đảng phái. Đây là cái điểm chung mà bất cứ dân tộc nào cũng đều mong muốn và được gọi là Duy Nhân Cương Thường. Chỉ trên cái Cương Thường này thì chuyện nước lớn nuốt nước nhỏ mới không xảy ra. Bởi khi một nước lớn ỷ đông lấn áp nước nhỏ về mặt kinh tế hay quân sự thì đã đi ngược lại cái Duy Nhân Cương Thường.  Chính vì sự quan trọng của Duy Nhân Cương Thường mà cụ Lý đề nghị một Cơ Năng Hiến Pháp (cơ chế cầm quyền) phải dựa trên cái Duy Nhân Cương Thường này để đưa ra những chính sách để phục vụ lợi ích của người dân, để người dân trực tiếp tham gia vào những chính sách có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng người dân biết gì mà tham gia vào chuyện chính sách của đất nước. Xin thưa là người dân biết rất nhiều, đặc biệt họ biết đời sống của họ cần gì – để từ đó chính người dân phải tự tìm ra sự đồng thuận để có một chính sách phù hợp, phục vụ lợi ích của mọi người chứ không phải của một thiểu số người.  Nhưng để người dân có cái nhìn chính xác và thực tế (mà không bị các áp lực của công ty, của bè nhóm — với cách thức vận động chuyên nghiệp, lợi dụng cơ chế dân chủ đáy tầng này phục vụ quyền lợi đảng, bè nhóm), một hệ thống giáo dục, giáo dưỡng cần phải có để nâng cao kiến thức của từng người dân trong xã hội cho phù hợp với trào lưu và sự tiến bộ của thế giới. Và triết lý của tiên sinh Lý Đông A đã nhắc đến nền giáo dục ra sao, học như thế nào và hiểu như thế nào để có thể tự mỗi cá nhân, tạo được tinh thần tự giác, có trách nhiệm với chính mình và xã hội. Tu Dưỡng Thắng Nhân tức là tu dưỡng để tự mình thắng mình, không thể để những Tham-Sân-Si cám dỗ để rồi biến mình thành những Con Người chỉ biết vật chất, dục vọng và không nghĩ đến những tác hại của vật chất, dục vọng mình đang hưởng ảnh hưởng đến xã hội và môi trường ra sao. Chính tự giác cao độ mà sau động đất ở Nhật, người dân Nhật không giành giựt khi đứng sắp hàng chờ nhận những nhu yếu cần thiết của Con Người sau cuộc động đất.

Khoa học kỷ thuật ngày một tiến bộ. Ngày xưa ngành y khoa, ngành in ấn, chỉ chụp hình qua một khía cạnh nhìn thôi. Nhưng trước sự tiến bộ của khoa học kỷ thuật, ngành y khoa và in ấn đã chụp những tấm hình 3D (nhiều góc cạnh) để thấy rõ toàn bộ (tổng thể) của một sự vật nào đó. Vậy thì thuyết Duy Dân của cụ Lý hơn 70 năm về trước là một thuyết nhìn tổng thể hay còn gọi một cái nhìn 3D mà các thuyết khác như Duy Sinh, Duy Vật, Duy Tâm không hề có. Giống như một tòa nhà với chiều ngang là 50 mét, chiều dài 100 mét, chiều cao là 200 mét thì với thuyết Duy Vật cho rằng tòa nhà chiều dài là 200 mét, chiều ngang là 100 mét (khi đứng nhìn phía trước của tòa nhà); thuyết Duy Tâm cho rằng tòa nhà dài 200 mét, ngang là 50 mét (khi đứng nhìn bên hông của tòa nhà); thuyết Duy Sinh cho rằng tòa nhà hình chữ nhật với diện tích chiều ngang là 50 mét và chiều dài là 100 mét (khi nhìn từ trên nóc nhà nhìn xuống). Nhưng với thuyết Duy Dân thì cụ Lý nhìn vấn đề ở dạng Tổng Thể, nếu theo khoa học là cái nhìn 3D với nhiều góc cạnh. Cụ Lý không những nhìn tòa nhà với nhiều góc cạnh mà cụ nhìn trong tòa nhà đó có ai sinh sống và phải giải quyết vấn đề qua cái nhìn của Duy Nhân Cương Thương. Đây chính là điểm tại sao người viết đánh giá triết lý của cụ Lý vượt thời gian và triết lý phù hợp với thời đại để đạt được một thế giới ổn định.

Dĩ nhiên ai đó có tinh thần ngoại vọng, hoặc không còn tin tưởng vào tiền nhân, không tin vào văn hóa Việt sẽ cho rằng nếu thực sự triết lý của cụ Lý, thuyết Duy Dân của cụ Lý quá hay, vượt thời gian thì tại sao không quốc gia nào thực hiện và chính người Việt không thực hiện thuyết Duy Dân?

Xin thưa là hơn 70 năm trước, ngay cả những người nằm trong đảng Duy Dân của cụ Lý, và sau khi chính cụ Lý giải tán đảng Duy Dân và vẫn còn một số người theo đuổi thuyết Duy Dân, những người này đọc và không hiểu thấu từng lời, từng chữ, từng ý của cụ Lý. Chính vì thế mà thuyết Duy Dân tuy là một thuyết hay, vượt thời gian nhưng không ai hiểu để phát huy vào thực tế, vào cuộc sống hằng ngày. Khi mà chính người Việt không hiểu được thuyết vượt thời đại của cụ Lý thì làm sao thế giới biết được thuyết Duy Dân này? Khi mà chính người Việt chưa áp dụng được thuyết Duy Dân này vào thực tế thì làm sao chúng ta có đủ khả năng để làm tấm gương cho quốc tế theo đuổi thuyết Duy Dân, một thuyết vượt thời gian tính và thay đổi theo tiến trình của nhân loại?

Mãi đến khi người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới, tiếp cận với các nền văn minh, các nền dân chủ trên thế giới và rồi đọc lại những điều cụ Lý nói của hơn 70 năm trước, để cảm nhận được là cụ Lý nói rất đúng và cụ rất là cô đơn bởi chỉ có cụ mới nhìn được vấn đề vượt thời gian. Vậy thì, thế hệ 2000, thế hệ của thế kỷ 21 này, người Việt có đủ sức và tinh thần để khai triển triết lý Duy Dân vào thực tế hay vẫn để Duy Dân thành một thuyết hay trên mặt sách vở? Người Việt có đủ can đảm loại bỏ những thuyết khác đã được biết qua, để đọc và nắm ý của cụ Lý trên lãnh vượt Con Người qua cách nhìn Duy Dân? Người Việt có đủ can đảm để hy sinh (bỏ tư tưởng củ, tư tưởng ngoại để chấp nhận cái nhìn Duy Dân) và học hỏi tinh thần Duy Dân trên sự tự giác?

Cái quan trọng của Duy Dân là bắt đầu từ chính bản thân, bắt đầu từ Tu Dưỡng Thắng Nhân. Bởi nếu chúng ta không thắng được chúng ta, chúng ta vẫn để những Tham-Sân-Si và vật chất cám dỗ thì chúng ta sẽ mãi mãi không hiểu rõ được thuyết Duy Dân ra sao và làm sao để áp dụng thuyết này vào thực tế. Nếu chúng ta không nắm rõ quan hệ giữa cá nhân với xã hội, xã hội với cá nhân và thuyết Đối Lập Thống Nhất (tuy đối lập nhưng có thể thống nhất để kết hợp nhằm giữ nòi giống như quan hệ Nam-Nữ là một thí dụ điển hình và còn nhiều thí dụ khác trong cuộc sống mang thuyết này) để từ đó chúng ta tự Tu Dưỡng Thắng Nhân và từ đó học tập thuyết Duy Dân và đem áp dụng vào thực tế. Nói đúng ra chúng ta phải tự làm cuộc cách mạng với chính bản thân (xem bài Cách Mạng Là Gì https://nganlau.com/2017/03/01/cach-mang-la-gi/)

Thử thách này dành cho người viết bài này và dành cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về thuyết Duy Dân.  Trang mạng Ngàn Lau sẽ cố gắng trong khả năng để tiếp tục chia sẻ, phân tích những sự hiểu biết từng phần trong tư tưởng của cụ Lý trong thời gian tương lai.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 6 năm 2017

Dallas, TX

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s