Ước Mơ Của Thuỷ Ra Sao (Phần 2)

Giáo Dục

Sau khi chứng minh cội nguồn của người VN Con Rồng Cháu Tiên với những truyền thông dân chủ, bình đẳng, hoà đồng qua hình ảnh của Trống Đồng, tác giả nói đến nền Giáo Dục ở chương hai.

Tác giả cho rằng trong tất cả các tài nguyên quý giá thì Con Người là tài nguyên quý giá nhất. Nhận xét rất là đúng. Bởi Nhật đâu có tài nguyên gì nhiều, ở trên một lãnh thổ mà thiên tai động đất luôn luôn xảy ra thế nhưng Nhật là một quốc gia với nền kinh tế mà sản phẩm của Nhật hiện diện ở trên toàn thế giới với những kỷ thuật cao và sản phẩm bền vững. Nhật đã biết quý trọng Con Người và đã tạo đủ điều kiện để đào tạo Con Người không những về mặt Kiến Thức nghề nghiệp mà luôn cả về Trí Tuệ.

Theo tác giả thì dân trí cao hay thấp là kết quả của giáo dục. Nhận định này khác với một số nhận định của một số cá nhân cho là nếu có tự do thì dân trí sẽ được nâng cao (xin xem bài Dân Trí Từ Đâu để hiểu rõ là nhận định của Lê Việt Kỳ Nhi rất là đúng trong việc khai sáng dân trí). Tác giả cho rằng hệ thống giáo dục cần phải đạt ba điều: Quyền Lợi, Giáo Trình và Hệ Thống Điều Hành.

Quyền lợi trong giáo dục có nghĩa là công dân đến tuổi đi học được đi học miễn phí. Tác giả đề nghị là học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 sẽ được đi học miễn phí. Mặc dù gọi mà miễn phí nhưng thực tế tiền thuế của người dân đóng góp thì phải bỏ vào lãnh vực đào tạo Con Người và khi Con Người trưởng thành Con Người sẽ phục vụ tốt cho xã hội và đất nước. Tiền thuế của phụ huynh đóng vào để cho con mình đi học, hoặc tiền thuế của học sinh trong tuơng lai trả lại tiền học miễn phí này. Cho nên gọi là học miễn phí phải hiểu ở một nghĩa khác thường cho từ miễn phí. Đề nghị của tác giả xem ra vẫn chưa đầy đủ. Tại sao phải ngừng lại ở lớp 9 mà không ở lớp 12, học hết trung học miễn phí như các nước tự do dân chủ?

Cũng trong lãnh vực này, tác giả nói đến số lượng trường cần thiết phải có do mức độ dân cư sinh sống tại mỗi thành phố. Đây là chuyện cần làm để tránh tình trạng lớp quá nhiều học sinh, thầy cô giáo không có đủ thời gian để xem từng học sinh một so với một lớp học có ít học sinh.

Ngoài chuyện đi học miễn phí, tác giả đòi hỏi nhà trường đối xử công bằng với học sinh mà không phải dựa vào thân thế của cha mẹ học sinh để được đối xử tốt, thiên vị, hoặc vì sợ thân thế của phụ huynh nên thầy cô giáo phải nâng đỡ học trò dù học trò đó học rất dỡ như hiện nay của Việt Nam.

Quyền lợi cũng được hiểu ở một nghĩa rộng lớn là phụ huynh có quyền lên tiếng đóng góp để tạo điều kiện cho thầy cô giáo dạy dỗ con mình tốt hơn. Điều này rất là cần thiết bởi ở những quốc gia dân chủ, thầy cô giáo luôn luôn lắng nghe tiếng nói của phụ huynh. Khi phụ huynh cho rằng bài vở thầy cô giáo cho quá thấp không phù hợp với sức học của con mình mà cần cao hơn, thách thức hơn — mà thầy cô giáo không chịu (bởi không nhận định được sức học của mỗi học sinh) — thì phụ huynh có quyền nói chuyện với hiệu trưởng trường và hiệu trưởng luôn luôn lắng nghe những quan tâm của phụ huynh để tạo cơ hội cho những học sinh có khả năng cao không nhàm chán trong việc học. Đó là lý do tại sao có những học sinh học hết chương trình trung học trước 18 tuổi và đi vào chương trình đại học trước 18 tuổi ở các quốc gia tây phương.

Giáo dục là nền tảng để tạo một quốc gia mạnh, nhân bản hay yếu, vô nhân bản. Cho nên tác giả đề nghị giáo dục phải đạt được những triết lý sau đây: Dân Tộc, Nhân Bản, Khai Phóng và Dân Chủ.

Trên lãnh vực Dân Tộc, tác giả muốn nói đến cội nguồn (chương 1 của sách). Nền giáo dục phải luôn luôn nói đến cội nguồn của dân tộc trong một tinh thần công minh chứ không phải thiên vị để tâng bốc một đảng cầm quyền nào đó, một nhóm người nào đó trong xã hội. Khi những khám phá mới về cội nguồn (lịch sử) thì cần phải công khai đưa vào giáo dục để học sinh có cái quyền đánh giá và nhận định lịch sử, cội nguồn dân tộc ở cái nhìn mở thay vì một cái nhìn cứng rắn, nhồi sọ hiện nay.

Nhân Bản là điều cần thiết trong hệ thống giáo dục. Một con người nhân bản sẽ tạo ra một xã hội nhân bản với đạo đức tốt đẹp. Nền giáo dục vô nhân bản, chỉ biết hận thù, chỉ biết đào tạo những con người quan niệm Còn Đảng Còn Mình thì sẽ dẫn đến một xã hội vô đạo đức, một xã hội “loạn” mà người cầm quyền xử dụng những nhân lực vô đạo đức — thực thi những chuyện vô nhân bản đối với dân tộc mình.

Khai Phóng là một tinh thần tự do dân chủ. Khi học sinh có toàn quyền nhận xét vấn đề trên cái nhìn Khai Phóng, nghĩa là không bị áp đặt từ thầy cô giáo trái lại thầy cô giáo khuyến khích sự khác biệt để cùng nhau đi tìm sự thật, tìm cái đẹp và nhận định cái xấu. Chỉ trong tinh thần Khai Phóng này, Thật — Giả được đánh giá đúng bản chất của nó chứ không phải như cái sự thật hiện giờ đang được giảng dạy trong cơ chế giáo dục của VN.

Dân Chủ được hiểu là nền giáo dục ra sao phải do số đông quyết định. Có người lý luận rằng người dân bình thường không biết gì thì làm sao có ý kiến trong lãnh vực giáo dục. Điều này chỉ là sự phán đoán cá nhân, suy bụng ta ra bụng người. Số đông phải được hiểu là những cá nhân quan tâm về giáo dục trong đó có thầy cô giáo, các phụ huynh, những người điều hành trong hệ thống giáo dục. Những người quan tâm về giáo dục này sẽ có đủ khả năng để đưa ra những chương trình giảng dạy, điều hành ra sao để tạo điều kiện cho nền giáo dục đạt được mục đích chính: đào tạo ra một Con Người có Kiến Thức và Tri Thức để phục vụ xã hội. Học sinh đại học có quyền lựa chọn môn học thích hợp cho chính mình mà không bị bắt buộc phải học môn học mà mình không thích. Ngay cả các môn học giảng dạy phải được công tâm chứ không phải bóp méo cho phù hợp với chủ đích của những người cầm quyền.

“Khoa học là công cụ để con người sử dụng tài nguyên tốt hơn nhưng con người đã lạm dụng và gây ra nhiều rủi ro cho chính môi trường sống của con người. Thế giới ngày nay đang bị tàn phá. Con người không hề có thể hoàn toàn kiểm soát được thiên nhiên, người dân Việt phải được giáo dục bảo vệ nhau, bảo vệ mọi người trên thế giới, bảo vệ môi trường, đất nước và thế giới. Tinh thần này phải được nằm trong chính sách giáo dục quốc gia. Có như thế, việc gần nhất là sẽ không còn những thương gia vì lợi nhuận làm hại những người tiêu dung, kế đến không có sự tàn phá rừng để làm ảnh hưởng khí hậu thế giới v.v…. Tuy nhiên, vẫn hơn hết là giáo dục phải lấy trí tuệ Việt làm căn bản, tức di sản văn hoá cần truyền bá đúng đắn và khuyến khích những suy nghĩ và tư tưởng mới” (trích trang 69).

Nhân Bản

Chương ba nói về Nhân Bản Luận. Phần đầu của chương này, tác giả đưa ra những hình ảnh của quá khứ mà Việt Nam là một bãi chiến trường cho các cường quốc so tài với nhau trên xương máu của người Việt. Tác giả cho rằng nếu nhà cầm quyền VN thân Mỹ thì hình ảnh Bắc Thuộc chưa chắc chấm dứt bởi đãng (cố ý viết dấu ngã cho đúng bản chất) csvn sẵn sàng đi với Trung Quốc bất cứ lúc nào nếu thân Mỹ mà mất quyền lực thì đãng này sẽ bắt tay với Trung Quốc như năm 1990, khi mà toàn bộ Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, đãng csvn tình nguyện làm chư hầu cho Trung Quốc qua hiệp ước Thành Đô, để bảo đảm đãng vẫn tiếp tục độc tài lãnh đạo.

Tác giả đánh giá là thời điểm lịch sử để dân tộc có thể thay đổi để trở thành một nước dân chủ là thời điểm của hôm nay, thời điểm thuận lợi nhất khi mà Mỹ chuyển trục về Đông Nam Á. Nhận định này đã đúng trong chuyến đi của ông Obama sang VN vào tháng 5 năm 2016. Trong bài phát biểu của ông Obama, Mỹ sẵn sàng giúp VN bảo vệ mình, để VN có đủ sức mạnh chống lại sự bành trướng của những quốc gia quá khích, Mỹ sẽ bán vũ khí sát thương cho VN. Bài diễn văn mở ra một con đường sống cho dân tộc VN và cho đãng csvn.

Tác giả cho rằng VN là nạn nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản và nếu thế hệ hiện giờ không lựa chọn chủ nghĩa này, trái lại chủ nghĩa này áp đặt lên trên thế hệ hiện giờ thì chính thế hệ hiện giờ phải lên tiếng để loại bỏ chủ nghĩa vô nhân tính này ra khỏi đất nước VN. Nhưng để làm chuyện này thế hệ của hôm nay phải chuẩn bị. Sự chuẩn bị đó là gì và ra sao?

Sự chuẩn bị nằm trong tinh thần Nhân Bản. Tinh thần Nhân Bản lấy Con Người làm gốc, biết cân bằng giữa nhu cầu cá nhân, tâm linh và tinh thần để dẫn đến sự hướng thiện trong xã hội. Tinh thần Nhân Bản này tác giả chưa khai triễn hết trong chương này. Trái lại chương này người đọc thấy cái nhìn của tác giả đối với sự phát triển kinh tế hiện nay của VN. Khi đưa hình ảnh hãng Samsung đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc dời sang Bắc Ninh thì tác giả cho rằng đây không phải là điều mừng mà là một quan tâm bởi môi trường của VN sẽ bị ô nhiễm khi mà các quốc gia khác đổ vào VN để lập hãng xưởng và với cơ chế hiện giờ, lõng lẽo luật về môi sinh, vô trách nhiệm, hối lộ và tham nhũng trở thành quốc nạn thì sự phát triển kinh tế với hiện diện của các công ty nước ngoài là một đại hoạ về tài nguyên thiên nhiên và môi sinh. Vâng! Vũng Áng đã chứng minh điều này. Cá chẳng còn để mà sống. Thiên nhiên của biển trở thành biển độc. Kinh tế của quốc gia trên nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng. Còn bao nhiêu Vũng Áng nữa sẽ tiếp tục xảy ra? Và sự im lặng của thế hệ chủ (thế hệ trẻ) hôm nay đến khi nào khi những Vũng Áng khác trên đất nước VN xảy ra với hệ quả là giết cả dân tộc này? Tác giả đưa lên lời cảnh cáo là đừng để VN như Trung Quốc, mặc nhiên tàn phá thiên nhiên, nước và không khí.

Cũng trong phần Nhân Bản này, tác giả nhắc đến Tâm Linh. Đây là phần để giúp Con Người biết phân biệt Thiện-Ác, vượt lên những khổ đau tâm lý mà nếu có một tâm linh mạnh, chúng ta sẽ thấy vượt được những Tham-Sân-Si đang muốn làm chủ lấy chính bản thân của ta. Khi Tham-Sân-Si làm chủ thân của ta thì mọi hành động của ta sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Cho nên Tâm Linh mạnh sẽ giúp ta cân bằng trong cuộc sống, không để Tham-Sân-Si lấn áp quyết định hằng ngày của chính mình. Tâm Linh mạnh sẽ cho chúng ta có những quyết định và hành động phù hợp với lợi ích của xã hội và dân tộc.

Chương Kết

Trong chương này cũng như những chương khác, tác giả nhấn mạnh là phải đem chủ nghĩa cộng sản bỏ vào sọt rác. Thực ra chủ nghĩa cộng sản chỉ là cái vỏ bề ngoài để đãng csvn tiếp tục độc tài, đãng trị, độc tài ăn trên ngồi trước và độc tài bắt bớ, đàn áp những người khác chính kiến với đãng csvn. Đãng csvn thừa hiểu chủ nghĩa cộng sản thất bại trên toàn thế giới. Nhưng đối với họ, chuyện này không thành vấn đề. Cái quan trọng là họ vẫn còn cầm quyền và vì thế họ cố bám víu vào một chủ nghĩa chết để tiếp tục giữ vị trí độc tôn mà cái chủ nghĩa này cho phép. Cái mà đãng csvn tin vào chủ nghĩa cộng sản không phải là để có một xã hội như cái chủ nghĩa này mô tả — mà là sự độc quyền của chủ nghĩa này dành cho đãng csvn. Đó là điều duy nhất mà họ tin và sẵn sàng thực hiện bằng mọi giá để giữ độc quyền lãnh đạo bằng giá trả chấp nhận làm nô lệ của Trung Quốc, đãng csvn không từ chối.

Tác giả cho rằng chúng không nên khoác vào bộ áo dân chủ của Tây Phương như đãng csvn đã từng khoác áo xã hội chủ nghĩa của Liên Xô và Trung Quốc vào dân tộc Việt. Tác giả cho rằng chính dân tộc Việt tạo cho mình một cái dân chủ mang tính Nhân Bản trong tinh hoa Việt. Cái tinh hoa Việt này bắt đầu từ sự Chân Thật. Vâng! Đúng như thế. Sự Chân Thật là điều cần thiết và đây chính là bản chất của dân tộc Việt xa xưa, đã bị đãng cầm quyền hiện giờ biến thái thành một dân tộc lừa dối lẫn nhau để sống, đàn áp lẫn nhau để tồn tại. Trong cái tinh hoa Việt này, chúng ta cần phải học hỏi những cái hay của thế giới đồng thời loại bỏ những cái dỡ của chính mình hầu tạo điều kiện tốt cho tinh hoa Việt phát triển.

Tinh hoa Việt là cùng hòa với nhau để hòa hợp vào trào lưu của thế giới. Tác giả khẳng định là không khuyến khích lật đổ chính quyền mà khuyến khích mọi người học hỏi để hiểu rõ và tranh đấu cho quyền con người được tôn trọng. Tác giả không kêu gọi sự tiêu diệt bất cứ đảng phái nào bởi với tinh thần Nhân Bản trong tinh hoa Việt thì sự hòa hợp để tồn tại trong sự tôn kính và kiểm soát lẫn nhau để tạo điều kiện cho xã hội và con người phát triển là điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể thay đổi, hòa nhập vào trào lưu của thế giới và tránh chuyện đồng hóa của Trung Quốc ở một thời điểm tương lai.

Ước Mơ Của Thủy là ước mơ mà đã biết bao nhiêu người đã nằm xuống cho ước mơ đơn giản này. Phải chăng Ước Mơ Của Thủy đã không còn hợp thời như lời nhận định của một người bạn trên FB? Hay tại dân tộc Việt hôm nay đã gần như bị liệt kháng nên Ước Mơ Của Thủy sẽ mãi mãi là ước mơ?

Mỗi người trong chúng ta tự tìm câu trả lời cho chính mình. Một điều khẳng định là nếu chúng ta mơ ước mà không hành động thì mơ ước đó sẽ mãi mãi là ước mơ. Bất cứ mơ ước nào cũng phải kèm theo hành động. Muốn Việt Nam hùng cường trong một tinh thần Nhân Bản, dân chủ như biểu tượng của Trống Đồng thì dân tộc Việt phải đấu tranh cho sự sống còn của chính mình với môi trường sạch, thức ăn sạch, chính quyền sạch.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2016

Dallas, TX

 

 

 

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s