Ước Mơ Của Thuỷ Ra Sao (Phần 1)

“Ước mơ của Thủy không hạp thời, nhất là thời Vô Thần, người dân không còn tin vào điều huyền bí hay sấm, và đa số là dốt văn hóa và những giá trị xưa”.

Xin mở đầu bài viết này qua lời nói của người trên FB mà người viết bài này hỏi: đã đọc quyển sách Giấc Mơ Của Thuỷ hay chưa? Và những dòng chữ của đầu bài viết này là câu trả lời nhận được (một câu trả lời không đúng với câu hỏi, dĩ nhiên người trả lời không nghĩ như thế, đó là thói thường của Con Người VN). Có thực sự là ước mơ của Thuỷ không hạp thời? Có phải là người dân không còn tin vào điều huyền bí hay sấm? Thế giổ tổ Hùng Vương vừa rồi với số người tham dự quá đông, hoặc hoặc lễ hội xem ra dị đoan, huyền bí mà số người tham dự đông hơn số người biểu tình chống Tàu thì giải thích như thế nào?

Quyển sách Ước Mơ Của Thuỷ không dày lắm. Chỉ có 114 trang. Nhưng quyển sách này giá trị không phải nằm ở số trang mà nằm ở nội dung. Chuyện “Ước Mơ Của Thuỷ không hạp thời” như nhận định của một người trên FB chỉ là nhận định cá nhân, chưa chắc đúng và nếu đúng thì cũng chỉ ở góc nhìn của một người Việt sống tại Mỹ.

Quyển sách được ra đời bởi người tuổi trẻ, Lê Việt Kỳ Nhi, mong muốn có một “ước mơ về một Việt Nam khác hẳn bây giờ”. Và niềm mong muốn đó được ghi lại qua một quyển sách để chia sẻ với mọi người Việt vẫn còn quan tâm đến xã hội của Việt Nam hôm nay. Qua quyển sách này, chúng ta vui mừng là vẫn còn một số ít người trẻ, lớn lên trong xã hội độc tài nhồi sọ của Việt Nam, đã thoát được hệ thống nhồi sọ này.

Lê Việt Kỳ Nhi nhận định cuộc chiến 1954-1975 là một cuộc nội chiến. Đây là sự nhận định hoàn toàn khác với sự tuyền truyền của đãng (xin viết dấu ngã cho đúng bản chất) csvn trong hệ thống giáo dục nhồi sọ của đãng này. Rồi cô nhận định nền kinh tế hiện giờ bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài và người Việt làm nhân công cho các ông chủ nước ngoài. Tác giả quyển sách đặt câu hỏi phải chăng đây là hình thức nô lệ kiểu mới?

Về chuyện biển đảo bị cưỡng chiếm trên biển Đông, tác giả cho rằng thay vì chống ngoại xâm thì có lẽ phát triển đất nước và dân tộc mạnh mẽ thật sự thì lúc đó ngoại bang phải suy nghĩ kỹ khi muốn làm chuyện xâm lấn lãnh hải. Nhận định này rất đúng bởi chỉ những nước yếu về kinh tế, nhân sự — thường đưa đến sự yếu kém về lãnh đạo và từ đó trong thị trường kinh tế sẽ bị ngoại bang xâm lấn và cuối cùng ngoại bang sẽ dùng kinh tế để lấn áp lãnh hải mà Trung Cộng đang áp dụng vào đãng csvn hiện giờ. Chưa kể đãng csvn hiện giờ bảo kê cho các công ty của Tàu mà không cần quan tâm đến sự ảnh hưởng của môi sinh, cũng như sự sống còn của dân tộc. Vụ Vũng Áng là thí dụ điển hình mà công ty Formosa đã xả chất độc xuống biển, làm chết biết bao nhiêu cá vùng biển nằm gần Vũng Áng và các biển xa hơn nữa. Nên nhớ là công ty Formosa này chưa thực sự hoạt động mà đã thả những chất độc như thế thì thử hỏi, đây là nơi sản xuất thép hay sản xuất gì? Vậy mà giới lãnh đạo địa phương lên tiếng là vụ cá chết không liên quan đến Formosa và đại diện Quốc Hội hoàn toàn im lặng trước sự kiện quan trọng này trong thời gian cá chết vào tháng 4 năm 2016.

Nhưng muốn cho đất nước và dân tộc hùng mạnh thì mỗi cá nhân người Việt cần phải có quyền làm chủ cho chính số phận và cuộc đời của mình, có quyền đóng góp ý kiến cho những chính sách của quốc gia. Khi những quyền này không có, theo nhận định của tác giả, thì quốc gia và dân tộc không bao giờ hùng mạnh.

Cội Nguồn

Ở chương một của quyển sách, tác giả muốn đưa mọi người trở lại cội nguồn của mình. Chuyện Con Rồng Cháu Tiên sinh ra trăm trứng, nếu theo cái nhìn khoa học của hôm nay là kinh dị, quái thai. Nhưng tác giả cho rằng đây là truyền thuyết mà truyền thuyết thì luôn luôn huyền bí để nói lên cái bản tính dân tộc Việt. Trăm Trứng để nói lên Bách Việt với nhiều bộ tộc Việt khác biệt nhau để hợp thành một đất nước Bách Việt. Tiên và Rồng hợp lại để thấy được tinh thần hoà hợp của người Việt, tinh thần nhân bản không kỳ thị, không hận thù; một tinh thần phù hợp với thế giới của hôm nay mà cha ông chúng ta hơn 4 ngàn năm trước đã có nếp sống như thế qua sự tích Con Rồng Cháu Tiên, mẹ Âu Cơ và cha là Lạc Long Quân, người cõi tiên người cõi nước và vẫn không phân biệt (kỳ thị) để hợp thành. Tác giả cho rằng chúng ta nên tự hào là Con Rồng Cháu Tiên bởi cái ý nghĩa sâu xa của nó. Cũng giống như người Nhật tự hào là con cháu thần mặt trời.

Nhiều người Việt cho rằng những phong tục của VN đều từ Hán (Trung Cộng) mà ra — nhưng thực tế đó là gốc Việt chứ không phải gốc Hán. Tác giả đưa ra thí dụ là Tết Nguyên Đán của người Việt mà nhiều người cho rằng bắt chước Tàu. Sự tích bánh dày bánh chưng vào dịp tết đó là của người Việt có từ đời Hùng Vương. Một số học giả nghiên cứu về lịch sử Việt cũng đã nhìn nhận là nhiều phong tục của người Việt do người Hán đem áp dụng vào đất nước của họ; nhưng bởi chúng ta bị Hán đô hộ một ngàn năm — từ đó chúng ta cứ nghĩ là chúng ta bắt chước Hán mà không chịu nghĩ ngược lại là Hán ăn cắp phong tục của chúng ta.

Và rồi tác giả đưa ra nét tinh hoa của dân tộc Việt qua chiếc Trống Đồng. Tác giả chứng minh, qua những học giả như triết gia Kim Định, là Trống Đồng thể hiện một triết lý sâu sắc của nhà Phật: Không-Sắc. Trống tức là một sự trống vắng và nếu tâm hồn trống vắng, lắng đọng — không bị giao động bởi cảnh bên ngoài — thì tâm của chúng ta sẽ sáng để có cái nhìn trí tuệ hơn. Đồng không phải để nói lên chất đồng của Trống mà là một sự đồng lòng của dân tộc Việt, một sự bình đẳng (đồng nhau, không ai hơn ai, không ai thua ai mà mọi người có cơ hội giống nhau) trong con người của dân tộc Việt. Tư tưởng bình đẳng này đang được nâng cao ở thế giới hôm nay nhưng tư tưởng này, cha ông ta đã đề cao trong hình ảnh của chiếc Trống Đồng. Cái tinh thần dân chủ của cha ông ta đã có từ thời xa xưa mà hình ảnh Trống Đồng đã ghi lại. Từ hình ảnh nhiều người nối kết lại tạo ra một vòng tròn để cho thấy được tư tưởng dân chủ bình đẳng, hài hòa với thiên nhiên (hình ảnh chim thú trên mặt Trống Đồng).

“Vòng tròn là tượng trưng cho hoàn hảo viên mãn … và đã là vòng tròn thì có thể phân được ai trước ai sau không? Và trong một cái vòng tròn thì vai trò của người này có thể quan trọng hơn người kia không? Không thể nào có kẻ hơn người kém, kẻ trước người sau, kẻ trên người dưới được. Lời nhắn của tổ tiên hẳn là mọi người đều bình đẳng và chỉ có hiểu và thực hành sự bình đẳng mới đi đến sự tốt đẹp tròn vẹn thôi. Trong thế kỷ này, thế giới kêu gọi sự bình đẳng, khuyến khích tôn trọng nhân quyền … vậy thì muốn không đi ngược trào lưu thế giới thì phải quay lại với chính mình … hay cũng có thể nói quay lại với chính mình tức là không đi ngược lại trào lưu của thế giới” (trích trang 37-38, Giấc Mơ Của Thủy)

Qua những phân tích trên tác giả kêu gọi chúng ta trở về lại cội nguồn. Tư tưởng bình đẳng, hài hòa, tự do dân chủ đã có trong tổ tiên của chúng ta. Chúng ta không cần phải đi tìm một chủ thuyết nào, hay áp dụng nền dân chủ nào đó trên thế giới vào dân tộc mình. Dân tộc mình đã có những tư tưởng dân chủ, hài hoà, bình đẳng thì hãy khai triển cái mà dân tộc đã có — làm gia tăng cái giá trị chúng ta đã có chứ không phải đi tìm kiếm từ bên ngoài, một hình thức của ngoại vọng, chê bai những cái chúng ta đã có.

Trong tinh thần dân chủ đó, tác giả chấp nhận sự hiện diện của đãng (cố ý viết dấu ngã) csvn trong cơ chế dân chủ này. Tác giả cho rằng sự chuyển đổi thể chế không có nghĩa là xóa bỏ tất cả, trái lại từ giới công chức, đến quân đội, đến cảnh sát, công an, chúng ta vẫn cần những thành phần này trong một cơ chế mới dân chủ. Những thành phần này vẫn tiếp tục công việc hiện tại trong một tinh thần trách nhiệm hơn, trong một cơ chế mà mọi người đều có thể vươn lên lãnh đạo chứ không phải như cơ chế hiện giờ chỉ có con ông cháu cha (con đãng, cháu đãng) mới nắm được chức vụ lãnh đạo. Đây là sự thay đổi trong ổn định mà mọi người cùng nhau đổi mới để đất nước được quản trị bởi một lực lượng vì sự sống còn của dân tộc và phải nằm dưới sự kiểm soát của dân tộc bằng lá phiếu dân chủ thật chứ không phải dân chủ giả hiệu hiện giờ. Quan điểm này là quan điểm chung của đa số người Việt (trong và ngoài nước), những người quan tâm đến sự sống còn của dân tộc.

Ước Mơ Của Thuỷ Ra Sao (Phần 2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2016

Dallas, TX

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s