Cách Mạng — Con Người — Sợ Hãi

Thế kỷ thứ 20 là thế kỷ của nhiều cuộc cách mạng ở Việt Nam.  Sự kêu gọi của các nhà ái quốc Việt Nam trong việc đánh đuổi thực dân Pháp — và với lòng yêu nước quật cường của dân tộc Việt, thực dân Pháp rời Việt Nam để Việt Nam được độc lập.

Và rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng lại được người lãnh đạo ở Việt Nam kêu gọi lòng yêu nước của người Việt tại miền Bắc để Nam tiến.  Ở một khía cạnh nào đó, phải nhìn nhận nhà cầm quyền miền Bắc sau năm 1954 đã biết lợi dụng những bất đồng của quần chúng Mỹ — để kiên trì thực hiện cuộc Nam tiến nhằm mục đích áp dụng toàn bộ chủ nghĩa cộng sản lên trên toàn cõi Việt Nam.

Cuộc kháng chiến đánh Mỹ thần thánh được bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền Hà Nội tuyên dương. Người Việt Nam trong cơn mê say với chiến thắng đánh đuổi được bè lũ đế quốc, đã không đủ sáng suốt để nhìn rõ cuộc chiến trên chẳng thần thánh chút nào. Trái lại đây là một cuộc nội chiến để hai phe (cộng sản – tư bản) thử nghiệm các loại vũ khí họ có trên một dân tộc rất là yêu nước; một cuộc chiến ý thức hệ để thiêu đốt bao nhiêu tuổi trẻ Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc; một cuộc chiến mà nhà cầm quyền Hà Nội lợi dụng lòng yêu nước của người dân để họ toàn quyền cai trị và áp dụng chủ thuyết cộng sản lên trên toàn bộ đất nước Việt Nam, đồng thời bóp chẹt các quyền tự do căn bản của con người để độc tài đảng trị hầu làm giàu cho chính bản thân của kẻ cầm quyền.

Mấy chục năm sau kể từ khi cuộc chiến tranh chấm dứt và chủ nghĩa xã hội do đảng cộng sản Việt Nam áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đất nước vẫn không có gì khả quan. Trái lại Việt Nam đi thục lùi so với các nước trong vùng. Việt Nam đang đứng trước hiểm họa đồng hóa kiểu mới của Trung Hoa. Tự do — dân chủ, cơm no — áo ấm mà đảng cộng sản Việt Nam hô hào trong chiến tranh, tất cả những thứ đó chỉ có cho những người trong đảng, những người nằm trong bộ máy cầm quyền. Còn người dân, thành phần chủ lực đã tốn biết bao xương máu để đấu tranh trong thời chiến tranh thì hoàn toàn không có sự tự do — dân chủ, cơm no — áo ấm.

Cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21, sự thật lịch sử được một số người đặt lại vấn đề. Người Việt Nam nhìn cuộc sống của chính mình, nhìn sự nghèo đói của dân tộc, và nhìn sự giàu có của đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, người ta đặt lại vấn đề là — cuộc chiến tranh đánh Mỹ cứu nước có phải thực sự là thần thánh như đảng cộng sản Việt Nam nói hay không? Hãy nghe Dương Thu Hương, một nhà văn, một người Việt yêu nước đã từng tham gia vào cuộc chiến đánh Mỹ của gần 40 năm về trước nói “cuộc chiến tranh chống Mỹ, với tôi, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc. Nó là sự xung đột giữa hai thế lực hiếu chiến, Mỹ một bên, những người cộng sản Việt Nam một bên, cả hai bên đều chịu trách nhiệm trước mười triệu linh hồn đau khổ”.

Cách mạng được hiểu là thay đổi hiện tại cho khá hơn, cho đẹp hơn. Nhưng quá khứ cho thấy, các nhà lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam đã lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng từ ngữ cách mạng — để đem cái lợi về quyền lực cũng như tài lực cho chính bản thân và đảng của mình. Còn quần chúng chỉ là một con bài được đảng tác động làm cái chuyện hy sinh cho cái chủ đích của đảng mong muốn.

Bây giờ nhìn lại Việt Nam, nhu cầu cách mạng ở thế kỷ 21 là nhu cầu rất cấp bách. Cuộc cách mạng hôm nay không phải để chống Mỹ, chống thực dân – mà là một cuộc cách mạng đánh thức con người Việt Nam, đánh tan lòng sợ hãi của người Việt Nam. Chỉ khi nào con người Việt Nam thức tỉnh, chỉ khi nào sự sợ hãi của người Việt Nam chấm dứt — thì người Việt Nam mới có thể đứng dậy nói thẳng với đảng cộng sản Việt Nam là — các ông đã không thực hiện được tự do — dân chủ, ấm no — hạnh phúc mà các ông đã từng tuyên truyền, cho nên bây giờ các ông phải ra đi, hoặc mở ra một cuộc tổng tuyển cử để dân chúng có thể chọn người tài giỏi vào cơ chế chính quyền trong việc lãnh đạo đất nước.

Nhu cầu cần có một cuộc cách mạng

Có người sẽ nói rằng Việt Nam không cần một cuộc cách mạng. Nghĩa là ở Việt Nam, sự tự điều chỉnh lẫn nhau thì mọi người đều vui vẻ cả. Nói một cách khác, thành phần trong đảng cầm quyền giàu có qua việc rút tiền của người dân, đất nước. Và từ sự giàu có đó họ sẽ ăn xài và tạo cho người nông dân, thương buôn — bán được thực phẩm, dịch vụ và ai cũng có tiền để sống. Đó là một xã hội tự điều chỉnh, mọi người vui vẻ cả làng và xem chuyện đảng cầm quyền tham nhũng, cường quyền như là chuyện chẳng có gì phải quan tâm. Người dân bây giờ sống dễ chịu hơn thời thập niên 75, 85, thế tại sao phải có một cuộc cách mạng gây thêm nhiều phiền toái.

Có thực sự là người dân sống không còn phiền toái hay không? Nhưng còn tương lai đất nước sẽ ra sao? Tương lai của thế hệ sau này sẽ ra sao? Chẳng lẽ quần chúng Việt Nam, những kẻ thấp cổ bé miệng cứ tiếp tục chịu sự áp bức, tiếp tục nghèo khổ không có cơ hội tiến lên? Dĩ nhiên những người Việt Nam làm bậc cha mẹ hiện giờ không quan tâm đến chính bản thân mình, nhưng còn con cái của mình, những đứa trẻ đó phải có cơ hội được tiến lên trong một xã hội bình đẳng, tự do. Chỉ có một xã hội bình đẳng và tự do thì người ta tìm kiếm nhân tài để làm việc cho các công ty và làm việc tại các cơ quan chính quyền. Việt Nam bây giờ dù có tài đi nữa thì chưa chắc có cơ hội đem tài ra đóng góp cho đất nước.  Vào cơ quan nhà nước ư? Chỗ nào làm cho nhà nước cũng đều có ăn, cho nên phải có chân tay thì mới có thể vào được cơ quan nhà nước; hoặc phải lo lót — hối lộ thì mới có chân vào cơ quan hay công ty của nhà nước.  Mà cho dù có vào được cơ quan hoặc công ty của nhà nước, chưa chắc tài năng được phát triễn khi mà những người nắm quyền hành hoàn toàn không có khả năng và những người này thường không muốn nghe ý kiến của kẻ giỏi hơn mình. Thành phần dân chúng thấp cổ bé miệng thì suốt đời sẽ quét lá đa hoặc mãi mãi làm ruộng và sẽ mãi mãi bị đảng cộng sản Việt Nam chèn ép bằng nhiều hình thức khác nhau. Đảng cộng sản Việt Nam không tạo ra được một xã hội bình đẳng — tự do, cho nên nhu cầu cần có một cuộc cách mạng trong thế kỷ 21 này là một nhu cầu cấp bách và cần thiết.

Khi nói đến cách mạng người ta thường hay sợ hãi. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ai cũng nghĩ cách mạng là tạo ra sự xung đột cuộc sống hiện tại. Mà có mấy ai muốn cuộc sống bị xáo trộn? Hơn nữa khi nói đến cách mạng thì người ta lại nghĩ đến chiến tranh, chết chóc. Dân tộc Việt Nam đã quá mệt mỏi với chiến tranh, cho nên chẳng một ai muốn tạo ra một cuộc chiến cho dù dưới danh nghĩa gì.

Nhu cầu cách mạng hôm nay chẳng nằm trong cái ý nghĩa bình thường trên. Nhưng nhu cầu cách mạng hôm nay khó khăn hơn bất cứ cuộc cách mạng trong quá khứ dân tộc đã làm. Đánh thức con người Việt Nam, đánh tan lòng sợ hãi của con người Việt Nam là một cuộc cách mạng rất là khó. Khó không có nghĩa là không làm được. Vấn đề là phải làm từ đâu và làm như thế nào?

Tại sao phải đánh thức con người Việt Nam, đánh tan lòng sợ hãi của người Việt Nam?

Sự sợ hãi là điều tự nhiên của con người. Khi ta còn bé ta thường sợ hãi rất nhiều điều. Chúng ta sợ con giun, con dế, hoặc chúng ta sợ một người lớn tuổi nào đó khi người ta lớn tiếng hù dọa ta. Khi lớn lên, chúng ta hiểu rõ được vấn đề — cho nên con giun, con dế không còn làm chúng ta sợ hãi nữa. Ngay cả những người lớn tuổi có hù dọa ta thì chúng ta cũng chỉ mỉm nụ cười,  xem lời nói đó là vui đùa.

Tuy nhiên người Việt Nam khi trưởng thành thì lại có một sợ hãi khác, và cái sợ hãi này có tác động rất nhiều đến cuộc sống của mọi người mà mọi người không hề nghĩ đến. Cái sợ hãi này kéo dài từ thời xa xưa đến ngày nay. Và đã đến lúc chúng ta phải can đảm nhận diện để tìm ra nguyên nhân và vượt lên nỗi sợ hãi — để chúng ta sống một cuộc sống con người mà chúng ta hằng mong muốn.

Điều sợ hãi đầu tiên cần phải nói đến đó là sự sợ hãi chính quyền. Từ xa xưa cho đến nay, người Việt Nam hay run sợ trước nhà vua, trước các ông lớn trong chính quyền. Nỗi sợ hãi này làm cho các ông vua, các nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm và người Việt Nam cắn răng chịu đựng.  Nếu có một chính quyền, hoặc một nhà vua tốt thì người Việt Nam được nhờ. Ngược lại thì người Việt Nam bị bóp chẹt và nhà cầm quyền sẽ tiếp tục bóp chẹt bởi họ biết được cái nỗi sợ hãi của người Việt Nam. Khi một ông vua hay một ông lớn nào đó trong chính quyền đến thăm địa phương nào đó thì người Việt Nam khúm núm chào đón. Thái độ này là thái độ của kẻ trên người dưới; thái độ của thường dân và vua chúa (hay nhà cầm quyền ở thời đại hôm nay). Chính thái độ này tạo cho các nhà cầm quyền càng xem thường người dân và tiếp tục áp bức người dân.

Hãy nhìn nhà cầm quyền Việt Nam hiện giờ, sự sợ hãi của người Việt Nam được thể hiện qua nhiều hình thức. Thay vì nhà cầm quyền phải phục vụ người Việt Nam thì ngược lại người Việt Nam phải phục vụ nhà cầm quyền. Chuyện gì có dính dáng đến giấy tờ của nhà cầm quyền thì người Việt Nam phải hối lộ để cho công việc được lẹ và thông qua dễ dàng. Có người biện minh rằng hành động này không phải là sợ hãi mà là đưa tiền cho được việc của mình.  Tại sao phải đưa tiền để cho tiện việc của mình? Nhà cầm quyền được bầu ra là để làm công việc mà người dân giao phó, chứ đâu phải bầu ra để người dân làm tôi tớ, hoặc đưa đút tiền thì công việc mới xong. Hành động đưa tiền là một hành động sợ hãi dù chúng ta có biện minh với bất cứ lý do nào. Chính sự sợ hãi này mà chúng ta biết nhà cầm quyền hối lộ, tham nhũng, bóc lột, giựt tài sản của người dân, phá hoại tài sản của đất nước, độc tài đảng trị mà chúng ta cứ lẳng lặng cấm đầu lắng nghe. Từ việc giáo dục, xã hội, y tế nhà cầm quyền đã làm được gì cho quần chúng Việt Nam, những người thấp cổ bé miệng và nghèo đói? Người dân hoàn toàn không có cơ hội bình đẳng để tiến lên trong xã hội. Người xưa thường nói “con quan thì được làm quan, con sãi nhà chùa thì quét lá đa”. Chính sự sợ hãi trong lòng của mỗi người Việt Nam — đã tạo cho nhà cầm quyền tự tung, tự tác trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống. Và người Việt Nam sẽ tiếp tục quét lá đa cho một thiểu số sống trên sung sướng. Thiểu số đó là những người cầm quyền tại Việt Nam, những người trong đảng cộng sản Việt Nam, con cái của các quan chức Việt Nam.

Một sự sợ hãi khác là quan hệ giữa chủ và nhân công. Người Việt Nam xem quan hệ này là quan hệ của kẻ có tiền và người không có tiền. Cho nên người không có tiền nếu gặp ông chủ tốt thì nhờ, còn gặp ông chủ xấu thì sẽ bị đì, sẽ bị bóc lột sức lao động, sẽ bị hạ phẩm chất con người. Người Việt Nam không hề dám lên tiếng nếu ông chủ nói sai, hoặc bị ông chủ chà đạp phẩm chất của con người mình, hoặc bị hảm hiếp.  Mà tâm lý các ông chủ cũng giống như tâm lý của nhà cầm quyền, người nhân công càng sợ hãi thì họ sẽ càng ra sức bóc lột sức lao động để đem lại quyền lợi cho chính chủ nhân. Đừng nói chi là quan hệ chủ-tớ, ngay cả người quản trị một xí nghiệp nào đó, người ta sẵn sàng bóc lột sức lao động của nhân công để lấy điểm với ông chú xí nghiệp đó.

Một sự sợ hãi khác của người Việt Nam không những chỉ ở trong nước mà ở ngoài nước đó là sợ hãi làm nhân chứng cho một vụ hành hung hay một vụ phạm pháp nào đó mà người đó đã chứng kiến, hoặc hợp tác với chính quyền địa phương trong việc điều tra các vụ phạm pháp của các băng đảng.  Người Việt Nam sợ nếu làm nhân chứng rồi kẻ phạm pháp đó sẽ tìm mình để trả thù. Và chính sự sợ hãi đó — vô hình chung — người Việt Nam nuôi dưỡng các tổ chức phạm pháp, các băng đảng Việt Nam tại quốc gia cư trú. Thái độ nuôi dưỡng đó sẽ dẫn đến một hệ quả không tốt là trong tương lai,  họ sẽ lại là nạn nhân của các băng đảng phi pháp. Băng đảng phi pháp cũng giống như nhà cầm quyền Việt Nam; họ chẳng có luật gì cả ngoài luật rừng do họ đưa ra — áp dụng cho kẻ khác chứ không phải cho họ, và họ sẵn sàng cướp giựt tài sản của bất cứ ai nếu cơ hội cho phép.

Ba nỗi sợ hãi trên đã làm cho con người Việt Nam yếu mềm, đã làm cho dân tộc trở nên hèn nhát với chính người Việt Nam. Chúng ta rất anh hùng với người ngoài, nhưng chúng ta rất hèn nhát với chính người Việt Nam. Bởi hèn nhát chúng ta cấm đầu chịu đựng sự độc tài đảng trị, sự ăn trên ngồi trước của đảng cộng sản Việt Nam, sự buôn bán đất đai của đảng cộng sản Việt Nam cho Trung Quốc, và chúng ta mặc nhiên chấp nhận sự hiện hữu của một chính quyền độc tài, tham nhũng, thối nát; một chính quyền không tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người; một chính quyền để phục vụ đảng cộng sản Việt Nam, phục vụ đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.

Đã đến lúc chúng ta phải đánh thức lại con người Việt Nam, đánh thức lòng tự trọng của người Việt Nam để người Việt Nam thấy được giá trị của chính mình và xóa tan các nỗi sợ hãi. Từ đó, chúng ta buộc nhà cầm quyền Việt Nam thực thi tự do dân chủ, tổng tuyển cử để mọi người có tài có thể tham gia vào cơ quan chính quyền hầu đóng góp công sức cho đất nước và dân tộc.  Chỉ có một chính quyền tự do dân chủ thì Việt Nam mới có bình đẳng — và trong sự bình đẳng đó — sẽ tạo ra nhiều nhân tài để góp công sức đưa dân tộc vào thế kỷ 21, thế kỷ của sự cạnh tranh kinh tế trên toàn thế giới. Còn như chúng ta cúi đầu như trước đây thì mãi mãi làm tăng sự giàu có của đảng cộng sản Việt Nam và người dân tiếp tục làm tôi tớ cho đảng cộng sản Việt Nam; con, cháu và chít của chúng ta sẽ mãi mãi làm tôi tớ cho đảng cộng sản Việt Nam.

Nguyên nhân và cách phá tan sự sợ hãi

Từ bao lâu, chúng ta được giáo dục là vua là trên hết, chính quyền là trên hết. Là một thường dân, chúng ta phải phục tùng mà không thể cãi lại cho dù lệnh vua hay lệnh của chính quyền hoàn toàn sai trái. Chúng ta quan niệm rằng “thần bất tử bất trung”. Nghĩa là vua bảo chúng ta chết mà chúng ta không chết thì không có trung với vua. Với hiện tại, chế độ vua chúa không còn nữa, nhưng thay vào đó một chế độ độc tài, nếu ai đó nói hay đi ngược lại với đảng cộng sản Việt Nam thì sẽ được gán cho từ phản quốc, tiết lộ bí mật quốc gia hay bất cứ lý do nào đó để bỏ tù hoặc tù tại gia. “Thần bất tử bất trung” được hiểu theo nghĩa là phải nói và làm theo cái điều đảng muốn.  Đi ngược lại điều đó thì sẽ bị hậu quả nghiêm trọng đến bản thân và đôi khi liên lụy đến cả gia đình.

Chúng ta được giáo dục là vua do trời chỉ định. Không! Đó là một điều vô lý. Chính quyền (vua chúa hay không vua chúa) do dân bầu ra (xin xem bài Tại Sao Phải Vì Dân,  Do Dân, và Của Dân) chứ chẳng phải do trời chỉ định.  Từ thời nguyên thủy loài người, chúng ta sống là một cá nhân riêng lẽ, chẳng ai làm vua ai. Nhưng vì nhu cầu của cuộc sống — chúng ta hợp quần lại với nhau để thành lập bộ lạc hay quốc gia thì chúng ta bầu ra những người có đủ tài để điều khiển sinh hoạt trong một bộ lạc, quốc gia. Vua chúa không nằm ngoài ngoại lệ trên. Thế nhưng quá khứ đã cho chúng ta thấy, các vua ngày xưa cũng như nhà cầm quyền thời nay, họ luôn luôn nhét vào đầu chúng ta là họ do trời chỉ định và chúng ta phải phục tùng họ tuyệt đối cho dù phải chết.

Chúng ta có một quan niệm rất là sai đó là các vua, các quan, các vị trong chính quyền tài giỏi hơn mình cho nên mình không nên cãi, cứ phải lắng nghe và làm theo điều họ nói.

Cần phải xác định lại một điều, không ai trên thế gian này tài giỏi hơn người nào. Bất cứ người nào sinh ra đều có một cái tài riêng mà người khác không có. Ai bảo rằng anh bác sĩ, kỹ sư tài giỏi hơn bác nông dân, hay anh vá vỏ xe đạp ở lề đường thì người đó hoàn toàn nhìn vấn đề không toàn vẹn. Anh kỹ sư, bác sĩ có thể giỏi hơn bác nông dân, hay anh vá vỏ xe đạp ở lề đường về chuyên môn của kỹ sư, bác sĩ; nhưng nói về cách trồng lúa, làm ruộng hay cách vá vỏ xe, anh bác sĩ và kỹ sư sẽ không làm được những việc trên và những việc trên bác nông dân, anh vá vỏ xe đạp bên lề đường giỏi hơn nhiều.

Cần phải có một quan niệm mới là mỗi người trong một xã hội đóng một vai trò chính trong vị trí của họ. Giống như một chiếc xe đạp, chẳng có bộ phận nào gọi là chính, mà tất cả bộ phận đều cần nhau để cho chiếc xe đạp được hoạt động tốt. Thiếu một con ốc chiếc xe đạp sẽ trở thành một đống sắt vô dụng. Ở xã hội cũng vậy, mỗi người đều có khả năng riêng biệt để làm tròn bổn phận của mình trong vị trí xã hội — cho nên tất cả mọi người đều phải được kính trọng cho dù địa vị trong xã hội của cá nhân đó không được cao. Chúng ta nên nhìn vào con người,  kính trọng con người ở việc làm, tư cách của họ chứ chúng ta đừng nên nhìn vào bằng cấp, hay tài sản để kính trọng. Anh kỹ sư, bác sĩ cần bác nông dân và anh vá vỏ xe đạp bên lề đường bởi không có những người đó — anh kỹ sư, bác sĩ sẽ không có gạo để mà ăn; không có xe đạp để đi học, đi làm. Ngược lại bác nông dân hay anh vá vỏ xe đạp cần anh kỹ sư, bác sĩ bởi hai người trên sẽ giải quyết được chuyện bệnh hoạn và sáng tạo ra những dụng cụ làm ruộng tân tiến nhằm giảm bớt sức lao động. Chẳng ai hơn ai, chẳng ai thua ai bởi mỗi người đóng một vị trí riêng biệt trong xã hội.

Khi mà có quan niệm trên, chúng ta thấy rằng vua chúa hay nhà cầm quyền cũng chỉ là những cá nhân như chúng ta. Khác chăng là vị trị của họ trong xã hội — họ được giao trách nhiệm để điều hành công việc của quốc gia. Nếu họ không điều hành tốt thì chúng ta có quyền thay đổi người khác. Chúng ta sẽ không im lặng để cho nhà cầm quyền muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Chúng ta phải xác định rõ với nhà cầm quyền là họ vì dân mà ra, do dân mà có. Nếu họ không làm đúng cái điều dân muốn, không đem lại cơm no — áo ấm, bình đẳng — tự do thì chúng ta sẽ thay thế họ bằng những cá nhân khác, những đảng phái khác có đủ nhân tài để thực hiện chuyện cơm no — áo ấm, tự do — dân chủ.

Các ông chủ mướn nhân công cũng vậy. Chẳng phải vì ông ta làm chủ là ông ta hơn chúng ta. Có những điều ông ta hơn chúng ta nhưng có những điều ông ta thua chúng ta. Cho nên chẳng có gì mà chúng ta sợ hãi khi nói lên cái lẽ phải. Nếu ông chủ sai thì nói là sai. Bởi nếu chúng ta im lặng thì chúng ta sẽ bị ông chủ bóc lột sức lao động cho đến lúc nào đó chúng ta lên tiếng thì họ mới ngưng.

Sẽ có người nói “bạn nói nghe hay lắm, nhưng thực tế khác xa điều bạn nói. Nếu cãi lời ông chủ thì sẽ bị cho nghỉ việc, ai lấy tiền đâu ra nuôi gia đình? Nếu lên tiếng đòi nhà cầm quyền phải bình đẳng tự do thì họ bỏ tù, ai sẽ nuôi gia đình, vợ con?”

Điểm khởi đầu cách mạng

Cách mạng luôn luôn khởi đầu từ những cá nhân nhìn được nhu cầu của cách mạng. Cách mạng luôn luôn khởi đầu từ những cá nhân sống trong xã hội mà nhu cầu cách mạng cần có. Nói một cách khác, cách mạng bắt đầu ngay từ trong nước, từ những thường dân, cán bộ, đảng viên, trí thức, chuyên gia; và những cá nhân nhìn thấy được nhu cầu của cách mạng cho đất nước trong thời điểm hôm nay.

Người Việt ở ngoài Việt Nam chỉ là một chủ lực phụ để vận động, ủng hộ các cá nhân, các đảng phái đang làm cuộc cách mạng — đánh thức tỉnh dân tộc Việt Nam và phá tan sự sợ hãi của người Việt Nam. Khối người Việt tại hải ngoại sẽ không bao giờ là chủ lực của một cuộc cách mạng tương lai của Việt Nam. Cho nên người trong nước là người luôn luôn dẫn đầu và chịu nhiều hy sinh cho một cuộc cách mạng mới mà Việt Nam cần phải có.

Điều trước tiên là tất cả mọi người ở mọi thành phần phải có một suy nghĩ mới về con người, về nhà cầm quyền để xóa tan đi những nỗi sợ hãi, những lối suy nghĩ mà nhà cầm quyền muốn chúng ta suy nghĩ như đã nói ở bên trên. Khi mà chúng ta có một suy nghĩ mới về con người, về vị trí của những người cầm quyền; và khi mà chúng ta thấy rằng chẳng có gì phải sợ hãi những người có quyền thế, có tiền bạc; và khi mà cơ hội lịch sự đến với dân tộc, khi mà một cá nhân, một đoàn thể, hay  một đảng phái nào đó kêu gọi sự đóng góp của tất cả mọi người để nói lên tiếng nói chính của người thường dân, chúng ta sẽ đáp lại bằng những cuộc biểu tình bất bạo động để lên tiếng kêu gọi, thúc đẩy nhà cầm quyền phải thực thi bình đẳng, tự do, dân chủ — để có một xã hội trong sạch, biết lo cho dân tộc để đứng lên với các nước láng giềng trên thị trường quốc tế; để tránh hiểm họa đô hộ kiểu mới của Trung Hoa trong thế kỷ 21. Dân tộc Miến Điện đã làm được điều này thì tại sao dân tộc Việt Nam không làm được điều này trong tương lai?

Để cho các ông chủ không thể hà hiếp nhân công, không thể đuổi nhân công chỉ vì nhân công phát biểu ý kiến chống lại ý kiến của mình, bộ lao động cần phải có một đạo luật để bảo đảm quyền lợi của nhân công khi bị người chủ hà hiếp. Bộ luật đó chỉ có hiệu quả khi mà chúng ta có một chính quyền tự do, bình đẳng; một chính quyền trong sạch, không tham nhũng, không móc ngoạc, không hối lộ, không quan liêu. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện giờ không thể nào thực hiện bất cứ bộ luật nào bởi tham nhũng, hối lộ, quan liêu sẽ làm cho những bộ luật đó trở thành một thứ đồ giả để che mắt thiên hạ. Người ta thường nói “có tiền mua tiên cũng được”. Ở Việt Nam thì phải nói rằng “có quyền thì sẽ có tiền. Và có tiền thì Có nói thành Không, Không nói thành Có”. Nói một cách rõ ràng hơn thì cơ chế Việt Nam là một cơ chế không có luật lệ rõ ràng, ổn định. Luật chỉ là một hình thức chứ chẳng bao giờ có giá trị, có một biện pháp áp dụng trên toàn cõi và cho mọi người. Bởi chế độ độc đảng, độc tài thì người ta sẽ tìm đủ mọi cách để bưng bít những cái xấu mà chẳng một ai có thể biết được những điều bưng bít đó.

Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi hy sinh. Hy sinh được hiểu theo một nghĩa rộng lớn. Hy sinh thời giờ, hy sinh tiền bạc, hy sinh cá nhân (bị tù nếu nhà cầm quyền không thích những điều chúng ta nói, hay đề nghị). Nhưng nếu chúng ta không hy sinh thì sẽ mãi mãi người dân Việt Nam làm tôi tớ cho kẻ cầm quyền. Mãi mãi Việt Nam sẽ không bao giờ đủ sức mạnh để cạnh tranh với các quốc gia láng giềng và thế giới.

Những người yêu nước Việt Nam hiện giờ, cho dù ở trong đảng hay ở ngoài đảng, cho dù là một thường dân hay là một trí thức, cần phải liên hợp lại với nhau để tiếng nói của thành phần yêu nước được lắng nghe. Những ai đang có một vị thế làm ăn chân chính và có tiền thì nên trợ giúp những người đang trực tiếp lên tiếng với nhà cầm quyền để thay đổi. Những cá nhân đó sẽ bị cô lập về kinh tế cũng như thông tin. Các cá nhân không bị cô lập về kinh tế và thông tin có trách nhiệm để giúp những cá nhân và gia đình bị cô lập kinh tế và thông tin đó.

Nhiều người nhận thức được vấn đề; nhiều người thấy được nhu cầu đánh thức tỉnh dân tộc Việt Nam, phá tan lòng sợ hãi của người Việt Nam; và nhiều người ra sức vận động, yểm trợ các cá nhân bị cô lập kinh tế, thông tin của nhà cầm quyền Việt Nam — thì đến một lúc nào đó, tiếng nói của người dân sẽ được lắng nghe. Đến một lúc nào đó, sự sợ hãi của người dân không còn nữa thì mọi người sẽ sẵn sàng tham dự những cuộc biểu tình bất bạo động — đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam mở rộng dân chủ, thực thi tổng tuyển cử để mọi cá nhân có tài có thể tham gia vào chính quyền; để mọi đảng phái có thể cử người tham gia vào bộ máy điều hành quốc gia; để Việt Nam có một chính quyền biết lo cho cuộc sống của người dân. Một chính quyền không tham nhũng, không hối lộ. Một chính quyền có một cơ chế chống sự độc tài ở tương lai.

Đó là cuộc cách mạng mà ai cũng có thể làm, ai cũng có thể tham gia. Là cuộc cách mạng không gây sự bất an. Một cuộc cách mạng cần thiết để dân tộc Việt có thể đứng lên — cạnh tranh trên thị trường láng giềng và thị trường quốc tế.  Việt Nam dưới sự độc tài đảng trị của đảng cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt đã thục lùi so với sự tăng trưởng của các nước láng giềng và quốc tế.  Nếu chúng ta từ chối cuộc cách mạng hôm nay, Việt Nam sẽ mãi mãi là một nước nhược tiểu về quân sự cũng như kinh tế. Nếu chúng ta từ chối cuộc cách mạng hôm nay, Trung Hoa sẽ đô hộ Việt Nam qua một hình thức mới. Hãy cùng nhau đánh thức lòng tự trọng của con người Việt Nam, đánh tan sự sợ hãi của người Việt Nam đối với giới cầm quyền. Đó là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng mới — cách mạng con người Việt Nam — hầu đưa đất nước và dân tộc thoát khỏi những hiểm họa phương Bắc.

Gần đây trong nước đang có cuộc vận động của nhà cầm quyền trong việc tu chỉnh hiến pháp Việt Nam.  Đây là một dịp tốt để các giới trí thức, các nhà yêu nước đưa lên những ý kiến trong việc tu chỉnh hiến pháp. Trong quá khứ, đảng cộng sản VN, nhà cầm quyền VN, cũng vẫn có những hình thức dân chủ giả hiệu này. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Đảng là lực lượng duy nhất nắm toàn bộ sinh mạng của dân tộc. Đảng là người duy nhất có quyền tự do ngôn luận. Những cá nhân khác đi ngược lại quyền lợi của đảng, nói lên tiếng nói của một người dân nhưng khác với điều đảng muốn nghe — thì sẽ bị gián tội vi phạm hiến pháp và sẽ bị đi tù. Cho nên tu chỉnh hiến pháp chỉ có hiệu quả khi đảng cộng sản VN không phải là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước như hiện nay. Chỉ khi nào tất cả các người tù lương tâm tại VN được thả ra; các cá nhân sinh sống tại Việt Nam, công dân Việt Nam sinh sống trên toàn thế giới, được nói mà không sợ bị bỏ tù, được quyền tham gia sinh hoạt chính trị mà không bị đi tù, thì lúc đó việc tu chỉnh hiến pháp mới thực sự có giá trị. Còn chuyện xin ý kiến cho tu chỉnh hiến pháp hiện giờ vẫn là trò chơi dân chủ giả hiệu.  Mà trò chơi dân chủ giả hiệu này, đảng cộng sản VN rất là rành và luôn luôn thắng trong trò chơi này. Lực lượng yêu nước, yêu dân tộc tại Việt Nam cần phải cảnh tỉnh trước trò chơi dân chủ giả hiệu này. Đừng để đảng cộng sản Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục lừa bịp quốc gia và dân tộc.

Vũ Hoàng Nguyên

Dallas, TX

Tháng 2 năm 2013

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s