Giải Luận: Trí Thức (P14)

THẦY TRÒ PHẢI NHẬN DIỆN RA NHAU!
Dựng lên học lực, lấy chí bền của học chăm, trong tỉnh táo để suy ngẫm, sáng suốt để suy luận, luôn ngược lại với học gạo, học cuồng nghiệt trong vô minh, vì học mà không hiểu. Học thuộc lòng nhưng không có tấm lòng để hỏi, học mà không thấy thầy, không biết chuyện tầm sư học đạo. Thầy đang giảng trước mắt mà nhiều trò vẫn nhìn không ra, họ cứ tưởng là thầy ngồi cùng mâm, ăn cùng chiếu với các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư…. Họ tưởng ai cũng làm thầy được, ai đã dạy họ là thầy họ, họ lầm! Muốn thấy được thầy, thì trò phải «sáng dạ», «sáng lòng», muốn thấy thầy trước hết phải thấy được một tấm lòng của thầy! Tấm lòng của thầy lớn hơn điểm thi, cao hơn bằng cấp, rộng hơn học vị, xa hơn học hàm, tấm lòng này dường như ở cõi: sống lâu mới biết lòng người có nhân! Nhìn mà không thấy, thì xem như «lỡ duyên» học tập với thầy. Thí dụ điển hình là diễn biến hàng năm trong các đại học: năm đầu đại học trong giảng đường có vài trăm sinh viên, tới cử nhân chỉ còn lại một trăm, tới cao học chỉ còn lại hai ba chục, tới tiến sĩ chỉ còn lại vỏn vẹn trên dưới mười sinh viên. Nếu người thầy đúng nghĩa là: thầy, thì thầy sẽ thấy trong vài sinh viên sẽ có kẻ mà chính mình là thầy sẽ đào tạo và «biến hóa» các sinh viên này thành thầy như mình, đây là lúc mà thầy trò phải nhận diện ra nhau!
SỰ HỘI TỤ CỦA HAI NHÂN KIẾP
Thầy thấy trò không những có trí lực, lại có tâm lực, thấu đoản kỳ của kiến thức để chế tác ra trường kỳ của tri thức cho chính mình, và chính thầy sẽ giáo dưỡng để các trò này thành trí thức theo giáo lý hay, đẹp, tốt, lành nhất! Trong không gian giáo dục thì sự gặp gỡ giữa thầy và trò là sự hội tụ của hai nhân kiếp, nếu tâm giao rồi đắc khí, thì hai nhân kiếp này có thể chỉ là một trong chia sẻ kiến thức, trong trao đổi tri thức. Hai kẻ: một bên là thầy, bên kia là trò, nhưng sẽ đồng hội đồng thuyền, lắm lúc đồng cam cộng khổ trên đường đời, trong và ngoài học đường, làm nên một nhân sinh quan chung chia được, dựng lên thế giới quan chia sẻ được, xây lên vũ trụ quan luân lưu được; có lẽ đây là quan hệ loại đẹp nhất, cao nhất giữa người và người . Nhưng thầy chỉ được danh hiệu: thầy khi do chính trò gọi là thầy, nếu thầy mà tự vỗ ngực là thầy, trong khi chính trò không công nhận mình là thầy, thì chữ thầy do chính thầy tự gọi không có nội dung, vì không có ý nghĩa, nhất là không mang một giá trị cao quý gì cả. Câu chuyện thầy-trò luôn có nội dung của quan hệ giáo dục, luôn có ý nghĩa của sinh hoạt giáo dục, luôn có giá trị của đời sống giáo dục. Chính phương trình quan hệ-sinh hoạt-đời sống được giáo lý Việt hiểu rất nghiêm minh: Nuôi con không dạy là cha có lỗi, dạy không nghiêm ấy tội của thầy, câu chuyện này có cha có lỗi và tội của thầy, mà tội thì nặng hơn lỗi, và lỗi thì ta có thể tha, được chớ tội thì thật khó tha.
NỘI DUNG-Ý NGHĨA-GIÁ TRỊ CỦA CHỮ THẦY
Câu chuyện vừa hài kịch, vừa bi kịch của nền giáo dục Việt Nam hiện nay trong chế độ độc đảng gây ra bao độc hại trong giáo lý. Trước hết là hài kịch của trò man trá học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả, để giả học vị rồi gian trong học hàm, ung thư hóa không gian giáo dục, hoạn bịnh hóa môi trường học đường, giờ lại được học trò gọi là «thầy»! Nhưng vì học (giả) nên chưa bao giờ thực sự gặp thầy thật, được nghe thầy thật giảng, được chia sẻ từ kiến thức tới đạo lý, từ tri thức tới luân lý, từ nhận thức tới đạo đức với thầy thật, nên trọn kiếp chỉ là thầy giả (mạt giáo trong điếm nghiệp). Thầy giả thì cho tới hết nhân kiếp cũng không sao hiểu được phương trình nội dung-ý nghĩa-giá trị của chữ thầy, luôn song hành để song kiếp với quan hệ-sinh hoạt-đời sống của giáo dục thật. Bi kịch của giáo dục hiện nay của Việt Nam ngày càng tràn lan: với bạo lực học đường, với thầy cô bạo hành học trò, với học sinh bạo động với thầy cô, tất cả đều bị điếm nhục hóa khi học đường bị quan hệ man trá hóa đột nhập, với học sinh phải bán thân trong không gian giáo lý, với những tên thầy giả hãm hiếp học sinh…. Với tên bộ trưởng Bộ Giáo dục câm kiến thức, ngọng tri thức, chột ý thức, què nhận thức khi ra thông lệnh «Nếu bán dâm quá bốn lần, thì sẽ bị đuổi học!» (tà nghiệp trong điếm lộ).
CON ĐƯỜNG CỦA CHÍNH TRÍ
Có thầy giỏi, cao giáo lý, mạnh học lực, rộng tri thức, sâu nhận thức thì trò đừng sợ bị: tẩu hỏa nhập ma! Vì trong giáo lý của thầy có sự liêm chính; trong giáo dục của thầy có cái chính thống, làm nên giáo khoa chính lý, dựng lên giáo trình chính quy, tạo ra giáo án chính xác. Nhưng đây là chuyện mà một giáo viên, giảng viên, giáo sư có thể làm được, còn hệ chính của thầy thì cao, sâu, xa, rộng hơn, nó nằm sâu trong thử thách của thức khuya mới biết đêm dài. Trên đường dài của học tập, trò đã nhận ra thầy là người hiếm hoi, có khi là người độc nhất đưa trò vào con đường của chính trí, đây là chuyện khó trong quan hệ thầy-trò; từ khi trò nhận được trọn vẹn hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức). Và, cũng chính thầy là người sẽ trao hệ luận cho trò: lấy lý luận để lập luận, lấy giải luận để diễn luận; rồi khi hệ luận xuất hiện, nó sẽ tạo sung lực cho hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái) có chỗ đứng ghế ngồi trong hệ giáo (giáo dục, giáo khoa, giáo trình, giáo án) của thầy; từ đó tạo hùng lực cho hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) để thăng hoa cuộc đời của trò. Nên làm thầy đúng nghĩa không hề là chuyện dễ, chuyện này khó tột bậc, khó tới độ một người thầy không những được tất cả trò tôn vinh là thầy, được nhân loại vinh danh là thầy theo nghĩa đúng nhất, có thể chính người thầy trong nội tâm vẫn chưa tin là mình xứng đáng với danh nghĩa: thầy.
CHIỀU CAO NHÂN CÁCH CỦA THẦY
Câu chuyện thầy-trò trong không gian giáo dục, qua môi trường học đường, cùng một bài giảng, cùng một bài học, nhưng phong cách của thầy khác các giáo viên, giảng viên, giáo sư, mà trò đã gặp. Phong cách giáo khoa của thầy không chỉ là bề ngoài hình thức mà chính là tư cách của thầy, mà trò phải nhận ra là sự hội tụ giữa phong cách và tư cách chính là chiều cao nhân cách của thầy. Chúng ta là trò, chúng ta cảm phục bốn hệ trong nội công giảng dạy của thầy: hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức); hệ giáo (giáo dục, giáo khoa, giáo trình, giáo án); hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận); hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái); hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo). Chúng ta từ khâm phục tới kính trọng phong cách, tư cách, nhân cách của thầy. Chính đây là hạnh ngộ trong quan hệ thầy-trò, luôn bắt đầu bằng niềm vui học, khi được song hành cùng thầy thì sẽ biến thành niềm tin học. Tin vào chuyện học như tin rằng chuyện thay đời đổi kiếp theo hướng thăng hoa cho chính mình là chuyện thật! Mà thầy đang đứng, đang giảng trước mắt ta, và người thầy này vừa là một tấm gương học, vừa là một tấm gương đời, trong ý nghĩa hay, đẹp, tốt, lành nhất. Nên khi có thầy bên cạnh rồi thì đừng sợ: lầm đường lạc lối, mà hãy vui sướng lên, vì chuyện xuất quỷ nhập thần sẽ tới để thăng hoa trò.
GIÒNG SUỐI NHỎ HAM HỌC THÀNH CON THÁC MẠNH CHĂM HỌC
Vì thầy biết nhóm lửa ngay trong sự thông minh của trò, thầy biết biến giòng suối nhỏ ham học thành con thác mạnh chăm học, rồi thầy cùng song hành với trò để đưa suối, thác này ra đại dương hiếu học của bể học, nơi mà trò sẽ vừa thành tài, vừa thành người. Trong những chặng đường của chuyện học, chúng ta hãy nhớ lại các bài giảng của thầy, không phải là những bài giảng của một kỹ thuật viên bị trùm phủ bởi cơm áo gạo tiền, một giáo viên bị vây bủa bởi chén cơm manh áo, một giảng viên bị trói buộc bởi giá áo túi cơm, lại không phải của một giáo sư mà người thầy thi ca tác giả chuyện Kiều, là Nguyễn Du đặt tên là «những phường giá áo túi cơm xá gì!». Trong các bài giảng của thầy (nếu thầy thực sự là thầy) thì ta cảm nhận từ phân tích tới giải thích, từ diễn đạt tới phê bình, xuất hiện sự cảm xúc của thầy, chính sự cảm xúc này biết đánh thức sự nhạy cảm trong thâm tâm của chính ta. Chúng ta mừng vui vì sự nhạy cảm này còn sống và sẽ mãi mãi sống còn trong ta, nó sống để chống lại vô cảm, sinh ra vô giác, con đẻ của vô tri có gốc, rễ, cội nguồn trong vô minh, làm ra hậu nạn của vô tâm, mà đáng sợ nhất là nó sẽ cho ra đời loài: vô nhân (bất nhân giữa nhân thế). Chúng ta đi học, muốn học, xin được gặp các người thầy biết bền gan vững trí chống lại hệ vô (vô cảm, vô giác, vô tri, vô minh, vô tâm, vô nhân) này.
ĐÁNH THỨC SỰ XÚC ĐỘNG VỀ CÁC NỖI KHỔ NIỀM ĐAU CỦA NHÂN SINH
Bi đát làm nên bi nạn của giáo dục hiện nay dưới chế độ độc đảng dùng độc quyền tuyên truyền ngu dân, để bỏ tù tri giác của công dân lẫn tuệ giác của học trò, nó dùng luôn độc đoán của độc tài mà áp đặt: chuyện này nhạy cảm đừng đụng vào, chuyện kia nhạy cảm đừng rờ vào…. Kế đó, nó dùng độc trị rất độc hại là giết ngay trong trứng nước sự xúc động, lòng nhạy cảm của các học sinh, mà trong tương lai là những công dân. Chính sự xúc động, lòng nhạy cảm là thượng nguồn của mọi định nghĩa về: tự do! Khi thầy đánh thức sự xúc động về các nỗi khổ niềm đau của nhân sinh, khi thầy giúp trò tỉnh thức để có ý thức rồi nhận thức ra lòng nhạy cảm về các hoạn nạn của đồng bào, của đất nước thì đây là tâm huyết của thầy sẽ làm nên: tâm lực của trò. Chuyện trao truyền trí lực qua hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) không phải là chuyện khó trong giáo dục, chuyện khó là tạo ra tâm lực để trí lực được song hành với sự xúc động, lòng nhạy cảm. Vì tâm lực bảo vệ sự xúc cảm để trí lực dùng lý trí của trí tuệ mà tìm ra câu trả lời vừa đúng sự thật làm lên chân lý, vừa đúng giáo lý làm nên lẽ phải!
CHÍNH TRI, CHÍNH TRÍ, CHÍNH TÂM, CHÍNH KHÍ, CHÍNH ĐẠO
Khi độc đảng dùng hệ độc (độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) để gây ra ung thư độc hại vừa trong não trạng, vừa trong nhân tâm của học sinh, sinh viên để ngầm ngầm tạo ra hệ vô (vô cảm, vô giác, vô tri, vô minh, vô tâm, vô nhân) này, thì tâm lực và trí lực của học sinh, sinh viên đang bị xiết cho tới gục, cho tới ngộp, cho tới chết! Nên tất cả những giáo viên, giảng viên, giáo sư vô tình hay cố ý tuyên truyền cho hệ vô này, họ không phải là thầy! Vì họ không xứng đáng được làm thầy, vì họ không có nhân sinh quan của nhân tính, vì họ không đủ thế giới quan của nhân tâm, vì họ không đầy vũ trụ quan của nhân từ, để được gọi là thầy đâu! Trong bài giảng của thầy, trong lời giảng của thầy có: chính tri, tri thức đúng làm nên hiểu biết trúng, chính trí, lý trí đúng làm nên trí tuệ trúng, chính tâm, nhân từ đúng làm nên nhân tâm trúng, chính khí, khí tiết đúng làm nên tâm huyết trúng, chính đạo, nhân đạo đúng làm nên nhân vị trúng .
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s