Bạn thân
Nếu bạn có tham dự mạng xã hội thì bạn đã học được bài học gì? Đó chỉ là một thế giới ảo.
Thế giới thật là bạn đến một chổ nào đó, mặt gặp mặt để trao đổi và trong lúc trao đổi đó, bạn có thể nhận ra “con người” của người đối diện với bạn qua những cử chỉ, lời nói trong câu trả lời mà bạn hỏi để từ đó cái giác quan thứ sáu của bạn sẽ cho bạn quyết định tiếp tục trao đổi, làm quen hay bỏ vì người đang đối diện với bạn là người không tốt.
Ở trên mạng xã hội, giác quan thứ sáu của bạn khó mà thực hiện. Nếu chỉ nhìn qua lời nói trên mạng, hoặc qua những gì họ ghi trên mạng, tất cả những điều đó có thể là giả hết bởi đơn giản mạng xã hội, có ai biết ai — thành ra nói thật hay nói dối cũng chẳng hại ai (đó là lý luận của người nói dối). Ngay cả cho dù bạn có thể nói chuyện qua điện thoại trên mạng, tất cả cũng chỉ là sự xã giao chứ thực tâm, chưa chắc cá nhân đó muốn xem bạn như là một người bạn thật chứ không phải là người bạn ảo.
Mạng xã hội là nơi bạn có thể tìm lại những người bạn cũ. Nhưng chưa chắc những người bạn cũ đó là những con người của ngày xưa mà có thể là một con người hôm với cái tính xấu mà bạn cần lẩn tránh những con người đó. Và nếu là bạn cũ đã không liên lạc thì có lẽ chỉ là bạn thường chứ không phải là bạn thân, có gặp lại thì sẽ giúp được gì cho nhau? Ngoại trừ bạn và người đó có cùng một chí hướng trong việc phục vụ xã hội thì qua cái chí hướng đó, hy vọng bạn có thể làm việc với người bạn cũ đó.
Có một số người dùng mạng xã hội để thực hiện ý đồ riêng tư. Một số khác dùng mạng xã hội để khoe đủ thứ (con ngoan, chồng giỏi, vợ sang, hoặc những thứ vật chất khác). Số khác nữa thì dùng mạng xã hội để bêu xấu vợ hay chồng của mình. Chưa kể có người chôm bài viết của ai đó rồi để lên mạng xã hội của mình, không ghi tên người viết để người đọc có cảm tưởng là chủ nhân mạng xã hội đó viết bài mà thực tế là đạo văn, dối gian, thiếu nhân cách.
Bạn có khi nào nghĩ rằng mạng xã hội không làm sự hiểu biết của bạn gia tăng bởi thực tế mạng xã hội tin giả tràn đầy mà rất nhiều người không nhận ra được điều đó cho nên họ chia sẻ những tin giả để rồi biến mạng xã hội thành một nồi cháo heo thật to, thật lớn với những cặn bã của nhiều thứ.
Nếu bạn vào mạng xã hội một ngày trên một tiếng thì bạn cần xét lại bởi bạn chỉ có 24 tiếng một ngày. Trừ thời gian ăn, ngủ, làm việc thì bạn cần dành thời gian cho nhiều chuyện khác quan trọng trong cuộc sống của bạn. Phải giới hạn thời gian cho mạng xã hội bởi thế giới ảo luôn luôn chứa nhiều điều nguy hiểm mà càng ở lâu trong đó, chính bản thân của bạn bị “tẩu hỏa” mà bạn không hề biết.
Vào thế giới ảo mà bạn không chuẩn bị tinh thần trong việc làm chủ chính bản thể của mình thì không khéo, những tham-sân-si sẽ làm chủ bạn và những gì không thật trên mạng xã hội sẽ giết chính bản thân bạn mà bạn không hề biết — để đến lúc phát hiện ra thì đã muộn.
Thế giới ảo sẽ không bao giờ thật. Vì không là thật cho nên nhiều điều được chia sẻ trên đó, người thực hiện chuyện chia sẻ không quan tâm đến trách nhiệm của người viết từng câu, từng chữ trên mạng xã hội mà những câu, những chữ đó có thể ảnh hưởng xấu đến toàn thể xã hội. Khi những chia sẻ xấu được chuyển tải thì hệ quả của nó rất to lớn đối với toàn bộ xã hội trên toàn thế giới.
Đã đến lúc cần phải xét lại giá trị của mạng xã hội, của thế giới ảo. Nếu có giá trị một và thiệt hại 5, 10 thì phải chăng mỗi người trong chúng ta cần suy xét lại trong việc tham gia mạng xã hội?
Trước khi có mạng xã hội con người vẫn có sự tương tác và sự tương tác đó hữu ích bởi đó là sự tương tác thật. Cái thật thì luôn luôn có giá trị hơn cái ảo. Nhìn ra được vấn đề hay không thì chính bạn phải suy nghĩ để tự mình tìm câu trả lời cho quyết định tiếp tục hay chấm dứt tham gia vào thế giới ảo của mạng xã hội. Dĩ nhiên đây là chuyện không phải dễ làm đối với nhiều người nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Vấn đề là quyết tâm, bản thân có làm chủ con người của mình hay để tham-sân-si làm chủ con người của mình.
Chúc bạn may mắn.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 3 năm 2023 (Việt lịch 4902)