Dân Chủ và Độc Tài (P2)

A.2.Độc tài không có chủ thuyết/chủ nghĩa
Chúng ta thấy các nước độc tài như Miến Điện, Nicaragua, Syria, Venezuela… rơi vào chế độ độc tài giống như đa số các nước Phi Châu đang xây dựng dân chủ. Đa số các nước này vì tình trạng kinh tế khó khăn, dân chúng mất niềm tin nơi hệ thống chính trị và giới lãnh đạo. Trong khi sinh hoạt dân chủ đòi hỏi sự tranh luận trên mặt chính trị, giáo dục quần chúng, thông tin trung thực đi cùng với kinh tế ổn định là thử thách với thời gian mà người dân không đủ kiên nhẫn theo đuổi. Đó là lý người dân chạy theo một nhà lãnh đạo cứng rắn (strongman) hứa hẹn đúng ý dân và có can đảm dẹp tan các sinh hoạt gây bất mãn quần chúng. Tuy rằng cá nhân này có thể không hề có chương trình thực tế cho đất nước ngoài tham vọng quyền lực nhưng nếu hắn có thủ đoạn để dẹp tan phe chống đối thì hắn có thể tồn tại 30-40 năm (Gaddafi, Libya; Mubarak, Egypt; Hun Sen, Campuchia).
Nhưng vì không có lý thuyết (chủ nghĩa hay tôn giáo) nên những nhà độc tài này thiếu sự yểm trợ của các nước có chung hướng đi. Vì chỉ dựa trên khả năng lãnh đạo cá nhân nên sự tồn tại của thế hệ kế tiếp cũng như khả năng đóng kịch “dân chủ” sẽ không có như các nước cộng sản (có lý thuyết, đồng minh). Phương thức cai trị của các nhà độc tài này cũng chỉ cóp nhặt từ các nước độc tài cộng sản.
Áp lực quốc tế về kinh tế, chính trị (nhân quyền) không ảnh hưởng đến chế độ vì giá trị con người đã không còn được tôn trọng. Sức mạnh của chế độ độc tài vẫn là bạo lực và nòng súng. Được lãnh đạo bởi những nhân vật lấy Tính Ác làm lẽ sống vì họ tin rằng đó là cách duy nhất và nhanh nhất để cai trị. Bất kể quá khứ, học vấn, tôn giáo hay kiến thức chuyên môn… họ dựa vào tâm lý người dân: tham sống, sợ chết, ô hợp, ham vui, thiếu kiên nhẫn; nên các phương thức đe dọa, khủng bố, mua chuộc… được sử dụng qua màng lưới công an để dập tắt mọi mầm mống chống đối từ trứng nước, đặc biệt là tầng lớp (hay cá nhân) có khả năng lãnh đạo quần chúng.
A.3. Độc tài dựa vào tôn giáo (quốc giáo)
Các quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng của tôn giáo (Hồi giáo, Do Thái giáo) thì cơ chế chính quyền theo Quân chủ (Saudi, Qatar, UAE) hay tổng thống chế (Do Thái, Iran, Iraq, Miến Điện) vẫn là một hình thức độc tài chịu ảnh hưởng từ tôn giáo.
Do đó thay vì dùng lý luận từ một chủ thuyết thì tại các quốc gia này, lý luận được rút ra từ tôn giáo. Ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, trực tiếp cầm quyền hay gián tiếp qua chính quyền (cho dù qua bầu cử) thì ảnh hưởng của tôn giáo cũng bao trùm các quyết định quan trọng trong đời sống người dân.
Sự đấu tranh (nếu có) của người dân tại các quốc gia này sẽ khó khăn hơn nhiều, vì ngoài chính quyền độc tài có đủ các yếu tố đã kể trên, người dân còn phải đối phó với quyền lực bất khả xâm phạm của tôn giáo. Đặc biệt tôn giáo đã tồn tại qua bao nhiêu năm lịch sử của vùng đất có thời tiết khắc nghiệt thì tình cảm, thái độ của con người cũng chịu ảnh hưởng theo. Tinh thần quá khích, ưa bạo động của con người được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên, lại thêm sự cuồng tín bởi tôn giáo bồi đắp thì không lạ gì chiến tranh xảy ra thường xuyên trên vùng đất này.
Khi tôn giáo trở thành quốc giáo (ISIS, Iran, Taliban) thì sự cuồng tín lên rất cao bởi sự lãnh đạo của lớp người truyền đạo. Đặc biệt là tôn giáo đã có truyền thống bạo động (thánh chiến), những điều giảng dạy được hướng về chủ nghĩa độc tôn, cực đoan với sự trừng phạt khủng khiếp để ngăn chặn sự ly khai, phản bội, bỏ đạo…. Lịch sử đã được lợi dụng để kích động quần chúng, sự kỳ thị Nam-Nữ cũng là yếu tố gây bạo động. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đều biết lợi điểm tôn giáo vượt biên giới quốc gia nên có thể nhân danh “đàn áp” tôn giáo để gây chiến tranh với các quốc gia khác, bất kể xa hay gần. Vì người dân đã bị tẩy não trong thời gian dài và không có đủ tin tức trung thực để xét đoán nên trở thành những kẻ sẵn sàng tử vì đạo. Đó là điều các nước dân chủ Tây phương không muốn đối diện.
Dân chủ có cương thường (xã hội chủ nghĩa Bắc Âu, Nhật)
Nhật không tuyên bố là theo chủ nghĩa xã hội như các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy) nhưng xét trên thực tế thì các quốc gia này có những điểm giống nhau:
-Lãnh thổ không quá lớn.
-Dân tộc thuần chủng.
-Người dân có tài sản, kinh doanh nhưng bị đánh thuế rất cao.
-Có nền giáo dục Nhân Bản và cân bằng giữa cá nhân với xã hội.
-Chính trị đa đảng nhưng tôn giáo không lấn át, can thiệp nhiều vào sinh hoạt chính trị.
-Cá nhân có kỷ luật và tôn trọng luật lệ.
-Người dân lẫn chính quyền đều quan tâm đến thiên nhiên vì địa lý và khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên có giới hạn.
Các nước Bắc Âu tự gọi là Dân Chủ Xã Hội (Social Democracies) tuy rằng vẫn theo đuổi kinh tế thị trường (free market) nhưng đánh thuế rất nặng (Đan Mạch 45%) để góp phần vào các dịch vụ xã hội. Tương quan giữa chính quyền và người là sự tin tưởng 2 chiều (two way trust) và ít có tham nhũng (10 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới-top 10).
Chính quyền tổ chức theo dân chủ đại nghị (parliamentary democracy) nhưng không phải vì mô hình chính trị hữu hiệu mà chính vì con người. Đây là các quốc gia được coi là hạnh phúc nhất. Vì là xứ lạnh nên các công ty năng lượng (energy) đều do nhà nước kiểm soát. Trở ngại chính là tình trạng lão hóa dân số.
Dân chủ Tư bản (Âu Châu)
Nền dân chủ Tây Âu chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường kể từ cuộc cách mạng kỹ nghệ Anh (1820-1840) dẫn đến chủ nghĩa cộng sản ra đời khiến sinh hoạt chính trị phải thay đổi để thích ứng với khối cộng sản. Các nước dân chủ Âu Châu theo chế độ đa đảng chịu ảnh hưởng của tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Tin Lành). Âu Châu là tập hợp các nước không lớn, tài nguyên giới hạn, các mối tranh chấp thời quân chủ dẫn đến sự phát sinh ra chính sách nô lệ, thuộc địa và cuối cùng là thế chiến I, II. Âu Châu cũng là nơi phát sinh các nhà tư tưởng đóng góp cho sự thành hình chế độ dân chủ qua cuộc cách mạng dân chủ tại Pháp rồi lan tràn khắp thế giới.
Tuy dựa vào nền Cộng Hòa của các triết gia Hy Lạp để thiết lập cơ chế dân chủ nhưng Âu Châu không có một triết học thực sự hướng dẫn sinh hoạt từ người dân (cá nhân) đến xã hội (cộng hòa). Hiến pháp được thực hiện bởi tầng lớp ưu tú trong xã hội và người dân chấp nhận qua bầu cử. Các đại diện dân cử quyết định các sinh hoạt quốc gia và người dân chỉ là khán giả không can thiệp được nếu có bất đồng ý kiến và chỉ có thể thay đổi bằng cách chọn đại diện khác trong mùa bầu cử kế tiếp.
Từ đó, các quốc gia Á-Phi khai thác ưu-khuyết điểm của chế độ dân chủ qua các sinh hoạt “dân chủ” mỵ dân để đi tới chế độ độc tài tuy rằng có sự giúp đỡ của các nước Tây phương nhưng cũng vẫn là do giai cấp ưu tú thực hiện, không phải người dân từ đáy tầng xã hội tham dự. Các quốc gia này còn bị tấn công bởi các nước theo chủ nghĩa cộng sản, chủ trương nhuộm đỏ toàn cầu qua bạo lực cách mạng. Trong khi các nước dân chủ Tây phương thường do dự, chậm chạp và thiếu thống nhất trong việc giúp đỡ các nước nhược tiểu thực hiện dân chủ và chống cộng thì khối cộng kiên trì trong việc lũng đoạn sinh hoạt chính trị tại các nước khác để bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Bạo lực, nhà tù, kiểm soát miếng ăn là những thủ đoạn của cộng sản dễ khuất phục người dân hơn là những đòi hỏi tự do, nhân quyền….
Yếu tố kinh tế (nghèo đói), dân trí, thông tin báo chí, cơ chế độc lập chính trị (NGO, xã hội dân sự), xung đột tôn giáo là những yếu điểm để các nhóm độc tài (các nhân hay đảng trị) tấn công và phá hoại tiến trình xây dựng dân chủ tại các quốc gia đang phát triển.
Trong khi chủ thuyết cộng sản dần dần trở nên lỗi thời sau sự sụp đổ của Liên Xô 1989 nhưng tại các nước Trung Đông thì sự cuồng tín của tôn giáo vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến quần chúng. Ảnh hưởng tôn giáo vượt biên giới quốc gia nên xung đột tôn giáo có thể xảy ra bất kể khi nào (thời gian) và ở đâu (không gian). Nếu “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” (dân chủ hay độc tài) thì tôn giáo cũng đã lợi dụng giáo dục để tuyên truyền cho đạo pháp. Mà giáo dục là từ con người. Vậy con người có thể tự giáo dục để thoát ảnh hưởng tôn giáo hay không? Chúng ta trở lại “cái gốc”: phải có con người Nhân Chủ thì mới có Dân Chủ.
Dân Chủ và Độc Tài (P3)
Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2023 (Việt lịch 4902)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s