Cuộc Nổi Loạn Tại Mỹ (Jan. 6, 2021) và Ba Tây (Jan. 8, 2023)
Ngày 8-1-2023, phe Bolsonaro thất cử tại Ba Tây tổ chức biểu tình tấn công Quốc Hội, dinh Tổng Thống và Tối Cao Pháp Viện. Tương tự như cuộc nổi loạn Jan 6, 2021 tại Mỹ do thành phần quá khích không chấp nhận kết quả bầu cử khi thua cuộc. Vì sao nền dân chủ của các nước Cộng Hòa đã dẫn đến tình trạng trên?
1. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật
Xã hội dân chủ cho phép con người phát minh để phục vụ xã hội thì các nhà kỹ thuật cao cấp (hi-tech) đã sản xuất điện thoại cá nhân (iphone) và mạng xã hội (social media) cho phép con người có thể thông tin với nhau một cách nhanh chóng. Nhưng các nhà kỹ thuật cao cấp (hi-tech) đã không bận tâm đến trình độ ý thức của người dân. Hiện tượng người dân đi đường, ngồi trên xe hay trên bàn ăn…đều chúi mũi vào màn ảnh điện thoại mà quên hẳn người ngồi trước mặt hay môi trường xung quanh. Tuy vậy không phải vì sự tiện nghi về truyền thông sẽ giúp con người thông minh hơn, trái lại con người lên mạng xã hội và cảm thấy thêm sức mạnh để “tự do ngôn luận” và từ một kẻ nói bậy (nói láo) trúng tâm lý đã được loan truyền nhanh chóng để trở thành cơn dịch loạn ngôn (misinformation), nhất là khi cá nhân nào có nhiều người theo dõi sẽ được tiền quảng cáo từ các công ty. Nói vung vít và làm ra tiền thì ai mà không mê? Nhất là vô trách nhiệm về những gì đã nói. Kỹ thuật tạo phương tiện cho con người sử dụng nhưng không bảo vệ giá trị tin tức của người sử dụng. Tin tặc tấn công, người dân thiệt hại thì trách nhiệm đổ cho nhà nước. Các công ty kỹ thuật chỉ lấy tiền bỏ túi. Tin giả, lường gạt hay lợi dụng trẻ em qua mạng (internet) coi như chuyện xảy ra trên xa lộ không phải lỗi của kẻ xây xa lộ thu tiền qua đường.
2. Sự thất bại của giới truyền thông
Xã hội dân chủ cho phép con người được tự do ngôn luận và thông tin. Khi điện thoại cá nhân (iphone) và mạng xã hội (social media) cho phép con người có thể thông tin với nhau theo từng nhóm (peer group) thì giới truyền thông bị cạnh tranh dữ dội vì mỗi cá nhân có thể trở thành nhân chứng của một biến cố, chụp hình, thu hình và phổ biến trên mạng trước khi cảnh sát hay báo chí, truyền hình có thể biết. Nhưng ngược lại mỗi cá nhân không có trách nhiệm của một phóng viên, ký giả, nhà báo về an ninh cá nhân (nạn nhân), xã hội…nên có thể gây xáo trộn tại địa phương hay toàn quốc vì tin không chính xác.
Mặt khác khi các công ty quảng cáo bỏ giới truyền thông vì ảnh hưởng đối với quần chúng suy giảm thì mối đe dọa tài chánh đã khiến nhiều tờ báo địa phương phải đóng cửa và giới truyền thông phải đổi qua hệ thống điện tử. Khi các chủ báo thấy không còn sinh lợi nữa thì muốn bán và dịch vụ thông tin rơi vào tay các tỷ phú, triệu phú dư tiền muốn có phương tiện truyền thông để hoạt động…chính trị núp dưới chiêu bài của các nhà bình luận.
Trong khi đó một số các nhà phê bình thời cuộc đã nhảy ra lập cơ quan truyền thông khi thấy mình có thể thu hút một số khán, thính giả có xu hướng chính trị nhất định (màu da, quan điểm chính trị bảo thủ, cấp tiến, quá khích…) và có lợi tức cả trăm triệu mỗi năm. Khi người phát ngôn trở thành thần tượng vì người nghe tin tưởng tuyệt đối, không thắc mắc, không kiểm chứng và họ đang trở thành một thế lực quá khích mà không biết. Đó là những quả bom phá hoại sinh hoạt dân chủ đang chờ đợi được châm ngòi vì khi truyền thông sai lạc là đầu mối cho sự rối loạn cho sinh hoạt chính trị của Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp.
3. Giai cấp tư bản, kỹ nghệ trở thành thế lực đen
Khi xã hội dân chủ tạo cơ hội cho người dân làm giàu qua kinh tế thị trường thì người đã giàu càng muốn trở nên giàu hơn bằng cách phát triển đủ mọi lãnh vực trong sinh hoạt xã hội. Các dịch vụ, sản phẩm đều cần đến thông tin để người tiêu thụ, khách hàng biết tới. Do đó ngành quảng cáo (advertise), khai thác thị trường (marketing) trở nên quan trọng và yếu tố tâm lý được khai thác tối đa. Thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng bởi tin tức. Không những phải biết đúng mà còn phải nhanh chóng, chậm vài giây ảnh hưởng bạc triệu. Khi kỹ thuật khoa học phát triển thì các nhà tư bản thấy cần phải nắm cả thông tin lẫn kỹ thuật và việc mua, bán, hợp nhất các công ty phải có sự chấp thuận của chính quyền (SEC). Do đó để có ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền thì phải tham dự bầu cử. Giới tài phiệt đã đứng sau lưng để tung tiền ra ủng hộ các ứng cử viên (bất kể đảng nào) có móc nối với các đại công ty. Lá phiếu của người dân trở thành hài kịch dân chủ: trước khi bầu thì ứng cử viên chạy theo người dân, khi đắc cử thì dân biểu chạy theo các công ty. Khi các công ty thua lỗ thì nhà nước cứu bằng tiền thuế của dân để duy trì việc làm cho dân nghèo. Khi lời thì tiền chạy vào túi các nhà tài phiệt. Nhưng mua chuộc gián tiếp các nhà làm luật, thi hành luật cũng chưa đủ. Giới tài phiệt còn phải đi qua tòa án mỗi khi có tranh chấp. Để ảnh hưởng cán cân công lý thì phải biết đến các nhà phân xử luật: ông tòa. Dĩ nhiên ông Tòa thì không dễ mua chuộc nhưng họ cũng là người. Và kết quả như chúng thấy các ông Tòa của Tối Cao Pháp Viện Mỹ cũng nói láo, thiên vị. Người dân có thể làm gì được để bảo vệ nền dân chủ?
Dân Chủ & Giáo Dục (P2)
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2023 (Việt lịch 4902)