Cử Tri, Dân Biểu, Tòa Án và Quốc Hội (P2)

D. Cử tri và Quốc Hội
Quốc Hội là nơi tập họp các đại diện dân cử khắp nơi trong nước. Dù là dân biểu hay nghị sĩ thì cũng chỉ là đại diện một số dân địa phương. Trong khi Tổng Thống là toàn dân chọn và chỉ có một. Vậy khi một vị đại diện dân (hay đa số) tại Quốc Hội lên tiếng phản đối chính sách của Tổng Thống vì “tôi (chúng tôi) đại diện cho nhân dân không chấp nhận” thì quý vị nghĩ sao? Ai nặng? Ai nhẹ?
Nếu các đại diện dân không đủ số phiếu để ngăn cản hành động của Tổng Thống thì họ sẽ làm gì? Quay về địa phương kêu gọi dân biểu tình phản đối chính phủ? Số dân chống có bằng số dân ủng hộ không? Chỉ vì kẻ chống lên tiếng mà người ủng hộ im lặng nên kẻ chống đối tưởng mình đúng hay sao?
Trường hợp khác là khi đại diện dân đi ngược quyền lợi, ý muốn của cử tri hay những gì hứa hẹn khi tranh cử. Tại sao quý vị không tuyên bố rằng: nếu tôi không làm được xyz tôi từ chức? Hoặc là Quốc Hội ra luật bất cứ dân cử nào không giữ lời hứa với cử tri sẽ tự động mất chức và cử tri sẽ chọn người khác. Một khi Quốc Hội không dám thi hành điều kiện như vậy thì đó chỉ là một cơ chế nhũng lạm quyền lực, lừa gạt dân và không thể gọi là dân chủ.
E. Cử tri và tòa án
Khi các vị dân cử toa rập vì đảng tranh đã chọn các ông tòa giả dối vì quá khứ bê bối, đóng kịch khóc lóc trước Quốc Hội kêu oan để có chức vụ (ngồi suốt đời) thì người dân có thể làm gì được để gọi là “dân chủ”?
Khi ông tòa sai lầm thì ai sẽ phán quyết là sai lầm? Đồng nghiệp có muốn xử nặng với nhau không? Nếu là do đại diện dân cử thì các vị này có quyền “thu hồi” ông tòa mà họ đã chọn hay không? Vì đó là trách nhiệm của họ. Nếu các vị dân cử chỉ chọn người (chánh án) rồi để mặc xấu, tốt, hay, dở là dân chịu thì đó là vô trách nhiệm. Nếu là do dân chọn ông tòa thì dân có quyền bỏ phiếu truất phế ông tòa trong một thời hạn nhất định chứ không phải chờ tới mùa bầu cử.
Trong khi người dân nếu gian lận lý lịch sẽ bị phạt, mất việc làm và có thể đi tù nhưng đối với viên chức của tam quyền phân lập thì lại không bị chế tài? Vậy khi tam quyền kết bè đảng để trở thành độc tài (như Nicaragua, Venezuela) thì dân bó tay?
Khi ông tòa xử án chỉ cho dân tham dự như bồi thẩm đoàn, còn bản án thì tùy ý ông tòa vui hay buồn, có lúc nặng, có lúc nhẹ, có lúc tha bổng, có lúc phạt 3, 4 đời (lifetime) cho dù tội nhân già sắp chết? Đó là công lý hay sao?
Ông tòa là người biết luật; biết luật quy định chính quyền và giáo quyền phân biệt. Vậy khi ông thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thiên vị tôn giáo A mà đa số dân là tôn giáo B hay vô tôn giáo thì dân có thể làm gì được?
Khi dân bầu và chọn đại diện (chính quyền, lập pháp, tòa án) là để làm việc cho dân nên được quyền bất khả xâm phạm. Nhưng khi các vị đại diện dân đi ngược quyền lợi dân và dân phản đối thì “bất khả xâm phạm” có còn hiệu lực hay không? Hoặc là họ tham nhũng, phạm tội hình sự thì “bất khả xâm phạm” để đi xâm phạm tài sản và nhân sự khác? Đâu là công bằng, công lý?
Khi các vị đại diện dân cử ra luật cấm dân đề nghị trưng cầu ý kiến qua bầu cử về những vấn đề mà quý vị dân cử không giải quyết được hay không đúng ý dân thì hành động đó có hợp hiến pháp không? Tại sao tòa án không can thiệp? Phải chăng phải có đơn kiện mới xử hay ý dân không có giá trị trước tòa?
Khi chính các Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện lật ngược án lệ của tiền nhân là đã vi phạm nguyên tắc tối quan trọng của ngành luật. Hay khi các thẩm phán không giữ trung lập mà nghiêng về tôn giáo X để phân xử thì công bằng, công lý nằm ở đâu? Có ông lại còn phá lệ thông tin với bên ngoài để hậu thuẫn cho đảng A. Phân xử như vậy mà có nhiệm kỳ vĩnh viễn thì dân chủ suy thoái là điều tất yếu. Phải chăng tuy nói là giáo quyền và chính quyền phân biệt nhưng vì “cùng tin nơi thượng đế” (In the God we trust) nên các ông tòa phân xử theo thượng đế cho xong chuyện, để nếu có sai lầm thì đổ lỗi cho thượng đế?
F. Dân biểu và tòa án
Khi luật cho phép đại diện dân cử chọn chánh án, thẩm phán thì mọi người đều nghĩ các vị dân biểu là những nhân vật có trình độ hiểu biết, sẽ đi đến sự chọn lựa đúng đắn nhất để tòa án phân xử công bằng, công lý cho xã hội. Dân biểu làm luật, nhưng nếu các ông tòa xử theo cảm tính chứ không theo luật thì xã hội sẽ rối loạn. Nhưng nếu các vị dân biểu đã chọn theo tinh thần đảng tranh hay vì tôn giáo thì hệ thống tòa án sẽ như thế nào? Khi chủ trương của lưỡng đảng dựa trên bảo thủ hay cấp tiến để cân bằng quyền lực thì đó đã là một cán cân không đúng tiêu chuẩn (hoặc là khuynh tả hay khuynh hữu cũng vậy). Khi Hành Pháp và Lập Pháp đã không làm đúng nhiệm vụ và Tòa Án cũng như giới truyền thông bị méo mó vì thiên vị thì nền dân chủ không thể tồn tại lâu dài. Tất cả rơi xuống đầu người dân. Vậy người dân sẽ làm gì để thay đổi hệ thống “dân chủ” như vậy? Phải chăng sẽ là một cuộc cách mạng?
Kết
Đưa ra những nhận xét như vậy để người Mỹ gốc Việt có thời giờ suy nghĩ về chế độ dân chủ thực sự sẽ ra sao khi chứng kiến dân chủ Mỹ đi vào hỗn loạn. Tuy chưa sụp đổ nhưng cho thấy tam quyền phân lập, pháp trị, nhân quyền, an sinh xã hội, công bằng xã hội, dân chủ, bầu cử, lưỡng đảng…chỉ là xảo thuật mà cuối cùng là người dân vẫn phải hứng chịu.
Khoảng 100 năm trước có một thiên tài đoản mệnh gọi là Lý Đông A có bàn đến cơ chế chính quyền dân chủ với “đan quyền” và “Cơ Năng Hiến Pháp”, một Hiến Pháp quy định chu kỳ thay đổi và nhiệm kỳ giới hạn cùng với sự tham dự của toàn dân trong từng cấp bậc của chính quyền. Một cơ quan Lập Pháp viết luật theo ý dân và đại diện dân cử chỉ duyệt xét, phê chuẩn chứ không làm luật. Một vị lãnh đạo tối cao (tổng thống hay quốc trưởng) sẽ bị kiểm soát bởi cơ quan Phê Phán Viện và Kê Sát Viện. Khi tòa án tối cao phán quyết sai thì người dân có quyền đề nghị Giám Sát Viện xem lại vụ án để bảo vệ công lý. Trong khi các bộ trưởng trong nội các do tổng thống hay quốc trưởng đề nghị nhưng đại diện dân cử sẽ phê chuẩn. Những người Mỹ gốc Việt quan tâm đến dân chủ có lẽ nên tìm về dân tộc để xem tiền nhân đã nói gì về viễn kiến dân chủ cho thời đại 2000.
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2023 (Việt lịch 4902)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s