Cuộc bầu cử 2022, tại quận 3, Long Island, NY đã xảy ra hiện tượng ứng cử viên Cộng Hòa Santos đã sử dụng lý lịch giả để thắng cử. Báo New York Times đã nêu ra các điểm gian lận về lý lịch của ứng cử viên và các nguồn tài chánh đã dùng khi tranh cử. Santos nói láo về cái chết của mẹ ông trong biến cố 9/11. Một bạn trai của Santos (đồng tình luyến ái) tố cáo là ông Santos đã ăn cắp điện thoại riêng để đem đi cầm đồ (pawn shop), không trả tiền chi phí (bills), ăn cắp tập chi phiếu (checkbook) của một người được mẹ ông săn sóc và ông ta không đi làm bao giờ. Tòa án Ba Tây (Brazil) ghi nhận Santos sử dụng chi phiếu giả để mua hàng, ông ta thú nhận nhưng không thấy bị kết án. Santos nói rằng tốt nghiệp đại học Baruch College nhưng sau đó chối bỏ. Santos cho biết ông đã làm việc với các công ty như Citigroup và Goldman Sachs nhưng các công ty này đều cho biết không có hồ sơ về ông ta. Ông ta tuyên bố là có nguồn gốc Do Thái (Jewish) nhưng sau đó thú nhận là theo Thiên Chúa Giáo. Các tổ chức Do Thái đều tố cáo ông gian lận về gốc Do Thái. Khi tranh cử 2020, ông ta khai không có lợi tức (income); năm 2022, ông ta khai có lợi tức 750 ngàn mỹ kim và bỏ ra 700 ngàn để vận động tranh cử. Khi khác ông lại nói số tiền 750 ngàn do tổ chức Devolder Organization do chị ông, Tiffany trông coi (oversee).
Vậy thì cử tri quận 3 có thể làm gì được? Nhiều tổ chức kêu gọi ông ta từ chức nhưng ông ta từ chối. Dựa trên án lệ 1969 Tối Cao Pháp Viện xử vụ án Powell v. McCormack khi dân biểu Powell tái đắc cử mặc dù có sự tố cáo vi phạm đạo đức nhưng đã bị ngăn chận tuyên thệ nhậm chức. Powell khởi tố Chủ Tịch Quốc Hội McCormack và thắng cuộc. Chánh Thẩm Tối Cao Pháp Viện cho rằng Hiến Pháp quy định mỗi dân biểu sẽ bị phán xét bởi các thành viên (members) Quốc Hội. Sau đó Quốc Hội đã thông qua đạo luật (Federal Contested Election Act) xác định Quốc Hội sẽ là phán quyết cuối cùng, và bị trục xuất (đuổi) khi có 2/3 Quốc Hội đồng ý.
Đó chuyện bầu cử Mỹ 2022. Từ đó chúng ta rút ra được những bài học gì?
A. Cử tri và ứng cử viên
Khi một ứng cử viên của đảng Cộng Hòa (bảo thủ) lại là một người đồng tính luyến ái thì các cử tri thuộc đảng Cộng Hòa hay ủng hộ đảng Cộng Hòa nghĩ gì? Giá trị truyền thống của Đảng Cộng Hòa là chống LGBT. Vậy tại sao họ lại chọn nhân vật như vậy đại diện đảng? Phải chăng vì Long Island là đất của đảng Dân Chủ lâu đời, nay có dịp giành lại về phía Cộng Hòa là một chiến thắng cho dù bất cứ ai có thể làm được? Một chiến thắng bất kể chủ trương của đảng cũng như giá trị “bảo thủ” truyền thống? Lẫn giá trị về con người?
Vậy những người Mỹ gốc Việt ủng hộ đảng Cộng Hòa sẽ nghĩ sao về giá trị “bảo thủ”? Đây không phải lần thứ nhất một ứng cử viên nói láo để đắc cử, vậy thì cử tri có thể làm gì được khi Hiến Pháp quy định chỉ có 2/3 đồng viện chấp thuận mới trục xuất được. Và nếu không xảy ra thì có nghĩa là kẻ nói láo vẫn được lợi và kẻ tin thật (cử tri) là thiệt hại.
Vì là quốc gia dân chủ nên nước Mỹ khuyến khích người dân hoạt động xã hội (activist) để đem ích lợi chung. Nhưng vì nền giáo dục không dạy luân lý, đạo đức mà chỉ cổ võ “giấc mộng” (American dream) nên hay-dở, thiện-ác, tốt-xấu không cần biết, miễn là nhảy ra múa may bất kể chính trị, xã hội, kinh tế… với hy vọng nếu tốt thì cả nước được nhờ, nếu chẳng may xấu thì… tính sau. Có ai nghĩ rằng tốt 1, xấu 10, 100 thì xã hội sẽ như thế nào? Làm kinh tế, xã hội thì tùy khu vực nhưng làm chính trị thì cả nước gánh chịu. Nên nhớ Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng thế giới, nên chính trị sai lầm có thể gây họa cho các nước nhỏ như VN, Iraq, A Phú Hãn….
B. Ứng cử viên và đảng
Trường hợp Santos cho thấy cách lựa chọn đại diện dân trong sinh hoạt chính trị của lưỡng đảng có khiếm khuyết. Qua vòng sơ bộ (primary) các đảng viên đã sinh hoạt ra sao để chọn đại diện? Họ có điều tra thành tích quá khứ của ứng cử viên hay không? Những người thân quen, họ hàng, bạn bè của ứng viên có trách nhiệm gì, sao không nói ra trước trong nội bộ mà đợi đến khi “nuôi ong tay áo” thì quá muộn? Cấp trên của đảng tại từng địa phương có quan tâm đến cấp dưới hay không? Hay để mặc, miễn sao thắng cử là được, bất kể giá trị đạo đức, tinh thần?
Cũng như trường hợp đại biểu dân bỏ đảng để nhảy sang đảng khác thì tại sao chủ tịch đảng không có biện pháp ngăn cản? Ngó lơ là sự kiện chứng tỏ chế độ lưỡng đảng chỉ là màn kịch của lớp ưu tú lập ra để lừa gạt dân chúng. Lưỡng đảng đã không cho phép người dân có biện pháp hay cơ chế ngăn ngừa tệ nạn trong sinh hoạt đảng và cơ cấu bầu cử, chọn ứng cử viên… vì họ làm chủ Quốc Hội; Quốc Hội không làm luật theo ý dân mà chỉ làm theo khuôn mẫu có lợi cho giai cấp ưu tú. Khuynh hướng làm lợi cho dân nghèo sẽ bị chụp mũ là xã hội chủ nghĩa (Socialism).
Khi đa số dân chúng có nguyện vọng trái ngược với các vị dân cử thì chuyện gì xảy ra? Tại một vài tiểu bang, Quốc Hội tiểu bang do đa số đảng A cầm quyền đã ra luật cấm “đưa vấn đề X” vào dịp bầu cử để trưng cầu dân ý (referendum) vì đi ngược lại chủ trương của đảng A. Vậy đâu là dân chủ?
Ở đây cũng xin đi ra ngoài đề về xã hội chủ nghĩa và cộng sản có sự khác biệt rất nhiều nhưng đã bị cộng sản lẫn tư bản dùng để chụp mũ lẫn nhau. Đó là xã hội chủ nghĩa đã thành công tại các nước Bắc Âu nhưng ít được chú ý vì giới truyền thông của cộng sản lẫn tư bản đã bị kiểm soát bởi các thế lực chính trị và kinh tế. Xã hội chủ nghĩa vẫn cho phép giới tư bản hoạt động tuy có bị hạn chế ở một mức độ nào đó chứ không thể thao túng chính quyền, kinh tế và xã hội như Mỹ. Như vậy những ai (người Mỹ gốc Việt) chạy theo chính trị Mỹ để đem xã hội chủ nghĩa ra như mối đe dọa sẽ trở thành chế độ cộng sản là một sai lầm lớn cần xét lại vì đó là hành động chụp mũ của cộng sản thường dùng.
C. Cử tri-dân biểu-tòa án
Khi cử tri chọn đại diện dân cử (dân biểu, nghị sĩ) và các vị này chọn ông tòa từ cấp dưới đến cấp trên. Do đó dẫn đến tình trạng các ông tòa thiên vị, phán xét, phân xử có lợi cho chính sách đảng. Trong khi tại một số tiểu bang, luật cho phép người dân trực tiếp chọn ông tòa qua bầu cử thì dĩ nhiên ông tòa sẽ xử công bằng hơn nếu không muốn mất việc khi hết nhiệm kỳ.
Vậy những người Mỹ gốc Việt muốn viết Hiến Pháp cho VN sẽ chọn lựa:
1. Tòa án với các chánh án do dân chọn hay qua đại diện dân? Nếu qua đại diện dân thì các đảng (đa nguyên) có chính sách ra sao? Về đạo đức khi có thành viên như ông Santos nói trên hay như Matt Gaetz liên hệ tình dục với gái vị thành niên?
2. Các nhà làm luật có chấp nhận làm luật để loại bỏ những uy quyền vô lý như nói láo để thắng cử và khi thắng cử thì không ai làm gì được? Tại sao phải chờ đồng viện xét xử mà không trao lại cho cử tri địa phương? Thế nào là “dân chủ” khi người dân bị lừa gạt bởi kẻ “đại diện”? Khi đảng A nắm đa số thì làm luật có lợi cho phe mình trong những kỳ bầu cử tới và tìm cách ngăn chận đảng B tiến lên hay thay đổi, vậy là vì đảng hay vì dân? Người dân có thể can thiệp như thế nào trong hoàn cảnh đó: khi các vị dân cử chỉ lo cho đảng hơn là dân.
3. Khi các đại diện dân làm luật và chọn ông tòa mà kết quả là ông tòa không theo luật mà tìm chỗ hở để vận dụng, khuynh đảo công lý thì các nhà làm luật có ra luật để hạn chế quyền lực của ông tòa hay vì đảng nên ăn có, bênh nhau thì còn gì là dân chủ, công bằng xã hội nữa?
Khi các nhà Hành Pháp và Lập Pháp có tranh chấp thì thưa kiện ra tòa. Tòa dựa trên luật để xét xử, bên thua sẽ tiếp tục kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện. Vậy Tối Cao Pháp Viện sẽ dựa vào đâu để phân xử khi Hiến Pháp không nói rõ chi tiết. Nếu tòa xử ngược ý dân thì sao? Dân có thể làm gì khi cơ chế tam quyền phân lập toa rập với nhau để độc đoán cai trị? Cho dù giới truyền thông có vạch ra thì sẽ làm được gì? Như chuyện vẽ bản đồ phân chia quận trong mùa bầu cử (gerrymandering), đảng nào nắm đa số tại tiểu bang thì vẽ bản đồ tranh cử có lợi cho phe mình, dân chúng có thể làm gì được? Khi tòa án bác và bắt vẽ lại thì chừng nào mới có sự đồng ý của hai đảng? Khi ý dân bị đè bẹp bởi phe đảng thì đâu là dân chủ, nhân quyền?
Ngay ở cấp Thượng Viện, các nghị sĩ làm việc theo nguyên tắc. Nhưng khi chính các ông, đảng A, phá vỡ nguyên tắc để ngăn chận tổng thống, đảng B, chọn ứng viên Tối Cao Pháp Viện để chờ đến khi Tổng Thống, đảng A, nhậm chức thì lật ngược lại. Một hành động gian lận trắng trợn xảy ra như vậy thì ai có thể nói Mỹ là nước dân chủ nhất thế giới?
Cử Tri, Dân Biểu, Tòa Án và Quốc Hội (P2)
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2023 (Việt lịch 4902)