HIỆN THỰC TÂM LINH VIỆT: ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ
Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện lý thuyết, vì trong đời sống hằng ngày, mọi người có thể nghe được câu «thấy thương quá» tới tự lời nói thật bình thường của những người có lòng vị tha, muốn chia sẻ tức khắc nỗi khổ niềm đau với tha nhân. Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện trừu tượng, vì trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người có thể nghe được câu «nghe mà thương» tới từ một câu nói ngắn gọn của những người có lòng bao dung, muốn chia sẻ tức thì sự đồng cam cộng khổ với đồng loại. Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện viễn vông, vì trong quan hệ hằng ngày, mọi người có thể thấu được câu «càng nhìn càng thương» tới từ một phản xạ nhanh nhẹn trong sáng suốt của những người có lòng rộng lượng, muốn chia sẻ tức thời chuyện đồng hội đồng thuyền với đồng bào mình. Đạo Phật biết mang hiện thực này đến để chia sẻ với Việt tộc về vô lượng tâm qua các Tâm kinh: «nhìn đời bằng mắt thương» để làm sáng lên lòng vị tha, lòng bao dung, lòng rộng lượng của Việt tộc.
TUỆ GIÁC TÂM LINH VIỆT
Câu chuyện tâm linh không quan hệ gì tới câu từ tâm linh bị lạm dụng trong ngôn ngữ hiện nay bị mê hoặc bởi mê tín về cõi âm nào đó mà nhiều thành phần xã hội hiện nay đang bị lôi kéo, để bọn đầu cơ mê tín trục lợi ngay trên mê lộ của họ. Tuệ giác của tâm linh kết hợp thuần thạo sự thật, chân lý, lẽ phải để tạo ra cái đẹp của đạo đức, cái hay của đạo lý, cái tốt của luân lý, từ đó tuệ giác tâm linh luôn ngược hướng, trái chiều với mê tín, vì nó mang sự tỉnh táo của lý trí, sự sáng suốt của trí tuệ, có liên minh cứng cáp là minh triết trong lý luận, có minh luận trong hành động. Tuệ giác của tâm linh thấy đường đi nẻo về của nhân tính, nhận ra nhân vị nhờ nhân bản, hiểu rõ nhân tri nhờ nhân từ, thấu sâu nhân đạo nhờ nhân nghĩa. Mê tín bị mê hoặc trong mê lộ còn đang mò mẫm dưới chân đồi, thì tuệ giác của tâm linh đã tới đỉnh núi với nhân cách thư thả của nhân tri thư thái để nhận diện mọi chân trời mà không bị một trở lực nào vùi, lấp, che, choáng được.
NỘI CÔNG TÂM LINH VIỆT
Nơi đây, nội công tâm linh mang tính thiêng liêng với các giá trị đạo đức tối cao bắt con người lầm đường lạc lối phải suy nghĩ lại, phải cân, đo, đong, đếm lại từ hành vi tới hành động của mình để tìm lại con đường hay, đẹp, tốt, lành của đạo lý. Nội công tâm linh không phải là chuyện thể lực thuần túy, mà là chuyện của trí lực biết bao dung, là chuyện của tâm lực biết dung thứ: phải dung kẻ dưới mới là lượng trên (Nguyễn Du).
BẢN LĨNH TÂM LINH VIỆT
Có tầm vóc, có nội công sẽ có bản lĩnh, nhưng các giá trị tâm linh không cần bản lĩnh của xảo thuật để thành công, cũng không cần bản lĩnh của mưu lược để thoát hiểm, nên không cần luôn bản lĩnh của mưu trí để tồn tại trong tính toán. Các giá trị tâm linh được sống ngay trong ánh sáng của chuyện con người yêu cái đẹp, thích cái hay, quý cái tốt, trọng cái lành, nó vượt lên nên vượt xa chuyện tính toán để lời lỗ, để hơn thua, để đọ tài, để thi sức. Bản lĩnh của các giá trị tâm linh tự tin nên tự tại, tự trọng nên tự do trước mọi mưu kế, mưu đồ, nó đi trên mọi cái đầu của vị kỷ, nó đi xa hơn mọi con tính ích kỷ, vì nó đại trí nên nó thoải mái trên đại lộ của mọi nhân lộ.
TẦM VÓC TÂM LINH VIỆT
Trong khu vực của tam giáo đồng nguyên, khi đánh giá về các loại chiến thắng trên mọi mặt trận từ chính trị tới quân sự, từ văn hóa tới giáo dục, từ luân lý tới đạo đức… người xưa xếp loại từ thấp lên cao: thắng nhỏ là thắng mà phải dùng: lực; cao hơn là chiến thắng khi biết dụng: trí, cao hơn nữa là dùng: đức, và cao hơn cả là thắng là nhờ: đạo! Đây là toàn thắng. Đạo của nhân đạo tới từ chính nghĩa có lý luận làm nên chính đạo, mang giá trị của nhân đức, có nhân trí của nhân tính, có nhân lý của nhân vị, có nhân văn của nhân bản, tầm vóc của tâm linh chắc chắn là ở đỉnh cao giữa đức và đạo. Thắng được đối phương với sự khâm phục của đối phương, với tầm vóc giúp đối phương cùng thắng với ta, từ đó đối phương không còn là đối thủ, nên không bao giờ trở thành tử thù với ta. Mà ngược lại, chính đối phương tìm tới ta, tiếp nhân sinh quan vị tha của ta, nhận thế giới quan rộng lượng, đón vũ trụ quan khoan dung của ta; đây mới là toàn thắng qua đạo! Thắng vinh quang, thắng bền vững vì biết «cải tử hoàn đồng» cái xấu, tồi, tục, dở giúp nó hóa thân vào cái hay, đẹp, tốt, lành. Hãy nhận ra tầm vóc của Nguyễn Trãi: lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo, để thấy tầm vóc tâm linh Việt tộc.
CẤU TRÚC TÂM LINH VIỆT
Nếu đi từ trên xuống dưới, bắt đầu bằng đạo, đi tiếp tới đức, qua nẻo của trí, cùng lúc tránh xa lực (bạo lực), mẹo (mưu kế) vì chúng quá thấp so với các yêu cầu của các giá trị tâm linh, nhưng tác giả sẽ đi trên hai con đường luôn cần sự có mặt của tâm linh để vấn nạn các khổ đau mà Việt tộc đã cam nhận trong lịch sử cận và hiện đại của mình. Cấu trúc lý luận của tiểu luận sẽ bắt đầu bằng tâm đạo để đi tìm chiều cao các giá trị tâm linh thừa kế của tổ tiên, nhận diện được sự đặc sắc của các kinh nghiệm tâm linh của Việt tộc, nhất là qua các kinh nghiệm của Thiền tông, từ đời Trần tới cõi tâm linh mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trao truyền cho thế giới. Rồi đi tới tâm đức đã có từ lâu trong sáng tác thi ca của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và tiếp tục trên con đường tâm trí qua nhiều tác giả, nơi mà tâm linh chính là trí lực của nhân lý. Theo chiều sâu lịch sử của Việt tộc, tiểu luận dừng lại trước các oan khiên của đất nước, để hiểu tâm cảnh qua hoàn cảnh của chiến tranh, tâm phận qua hậu quả của nội chiến huynh đệ tương tàn thế kỷ XX vừa qua, cuối cùng là đi sâu vào tâm nạn tới từ bạo quyền độc tài lập nên nhà tù cải tạo sau 1975, giờ đã tới tà quyền là “hèn với giặc, ác với dân” để cảm nhận bi nạn của Việt tộc. Tâm đạo, tâm đức, tâm trí trong các giá trị tâm linh là để giúp người vì quý người.
Tâm cảnh, tâm phận, tâm nạn trong các giá trị tâm linh để cứu người vì thương người.
NGỮ VĂN «TRỜI» BIẾT THAO TÚNG
Chuẩn định của Nho giáo: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín cho phép quân tử «thay trời hành đạo», tại sao lại đặt chính nghĩa của quân tử vào «mệnh trời»? Tại sao lại ghép lý tưởng của quân tử vào «ý trời»? Trong khi đó nếu trời là một phạm trù mơ hồ của nhân tri, thì chắc gì thiên lý cao, sâu, xa, rộng hơn nhân lý? Nếu nhân lý có rễ là nhân từ, có cội là nhân tâm, có gốc là nhân bản, có nguồn là nhân nghĩa, làm nên nhân tri, dựng lên nhân trí, thì tại sao người lại thua trời, rồi để trời quyết định mệnh, phần, số, phận của người. Chính vì không định vị được «mệnh trời», «ý trời» nói chung là thiên lý (lý của trời) nên ngữ pháp «thay trời hành đạo» luôn bị cái mông lung, cái mơ hồ, cái lang bạc của ngữ văn «trời» thao túng. Vì nó càng mông lung, mơ hồ, lang bạc nên nó dễ bị khai thác trong bất cẩn, lợi dụng qua bất minh, vì hiệp sĩ có thể «thay trời hành đạo», mà giới giang hồ ít đạo lý, thiếu luân lý, vắng đạo đức cũng có thể «thay trời hành đạo», để trở thành thảo khấu trộm, cắp, cướp, giựt, vì dám «mệnh danh là mệnh trời», cho nên nhóm Lương Sơn Bạc bên Tàu được gọi là anh hùng. Nhưng dứt khoát là các giá trị tâm linh không thể ai cũng lấy ra dùng, lấy ra khai thác theo ý riêng, tức làm ra luật rừng cho mình được.
MINH BẠCH TRONG «NHẤT TÂM HÀNH THIỆN»
Việt tộc hiện nay đang sống trong bi kịch dân oan. Bọn người khi xưa vỗ ngực là cách mạng, hô to «trả lại ruộng cho dân cày», chính chúng giờ đây đã biển lận ngay trong hiến pháp: «đất là sở hữu của toàn dân», «do chính phủ quản lý», dưới sự «lãnh đạo của Đảng», nên không có một công dân nào được có sở hữu riêng về bất động sản. Từ đó, bạo quyền độc đảng tha hồ chỉ giáo bọn đàn em là tà quyền tham quan cướp đất của dân để bán lại ma quyền buôn đất, bọn đầu cơ xây cất, biến công dân thành dân oan, màn trời chiếu đất, đầu đường xó chợ, bụi đời ngay trên mảnh đất của mình. «Thay trời hành đạo», không nói rõ chính nghĩa bền vững trong một lý tưởng bất biến, nên nó không mang một giá trị tâm linh nào cho kẻ tuyên bố về nó; ngược lại đạo Phật sắc nhọn vì chính xác về các giá trị tâm linh, nên ngữ pháp «nhất tâm hành thiện» là một ngữ pháp rõ ràng, một ngữ văn minh bạch, nó chống lại cái mông lung, cái mơ hồ, cái lang bạc của «thay trời», vì nó biết khẳng định từ, bi, hỷ, xã ngay trong cái vô thường của vạn vật, nó xác thực nội công, bản lĩnh, tầm vóc lấy tình thương xóa bỏ mọi tham, sân, si. Đây là giá trị tâm linh đích thực!
CÁI TÔI THÀNH CÁI TA ĐỂ RA CÁI MÌNH
Nhờ duyên ta biết quê mình nơi đây, một câu vừa ngạn ngữ, vừa dân ca của Việt tộc, dịu dàng và dễ thương như vậy nhưng dính dáng gì tới câu chuyện tâm linh? Có thì can hệ gì tới các giá trị tâm linh trong văn hóa của Việt tộc? Chắc là có chứ vì chỉ cần hai chữ đầu: nhờ duyên đã tạo ra cả một vũ trụ mới, được mở ra khi mọi điều kiện để tụ duyên đã có, để chuyện khởi duyên được bắt đầu, không cảm nhận hết chữ duyên, thì sẽ không đứng lâu trên không gian văn hóa Việt được, không sống dài trong thời gian văn minh Việt được, nhất là không ra vào thảnh thơi được trong cõi tâm linh văn hiến Việt được. Có duyên thì có mọi chuyện, từ tình yêu tới hạnh phúc, còn vô duyên thì không có gì cả, thậm chí còn bị coi là vô phúc nữa (vô phúc vì thiếu tơ duyên, vì vắng trần duyên). Riêng từ: nhờ, vừa là chỗ dựa cho hội duyên, vừa là sức bật cho xướng duyên, vì nhờ đây là kết quả của hợp duyên nơi mà mọi điều kiện thuận lợi đã có rồi, nơi mà tam cảnh (bối cảnh, hoàn cảnh, tâm cảnh) đã nhập một. Vì bối cảnh của gặp gỡ làm nên hoàn cảnh tạo ra thân thiết đang trở thành thân mật, để chế tác ra tâm cảnh của hai kẻ sẽ chung đời chia kiếp với nhau, vì mỗi bên đều sẵn sàng trao thân gởi phận cho nhau.
BIẾT DẠY NHAU ĐẾM 1,2,3 BẰNG DUYÊN, NỢ, TÌNH
Muốn theo chân chữ duyên để hiểu chữ đời và chữ người thì phải học chữ ngộ! Mới gặp nhau là sơ ngộ, nhờ thuận duyên nên sẽ được tái ngộ, rồi dựa vào khởi duyên thì sẽ hưởng tao ngộ, và nếu biết dựa lên hợp duyên thì sẽ có hạnh ngộ, một hạnh phúc có trong tầm tay, bền bỉ với ta, nếu ta tin vào chữ duyên này. Vì theo sau chữ duyên là sáng tạo của số học tâm linh Việt: một duyên, hai nợ, ba tình, của một dân tộc biết dạy nhau đếm 1,2,3 bằng duyên, nợ, tình, đây không chỉ là số học, không chỉ dạy đếm, mà còn là một toán học tâm linh rất tế nhị và phức tạp, vì phải để cả đời ra mà học, mà hiểu, mà thấu. Chưa hết, câu chuyện nhờ duyên không những là câu chuyện nội chất của tâm linh làm nên giá trị tâm linh cho tất cả người Việt nào tin vào nó, mà còn là động cơ của một tình cảm luân lý: biến nhờ duyên thành quê mình. Nơi mà niềm tin vào duyên biến sự thật của duyên thành: đôi ta, lứa đôi… để khi hai kẻ yêu nhau lấy nhau, thành vợ thành chồng, thì họ gọi nhau bằng tuyệt từ linh diệu của Việt ngữ: mình ơi! (người thương của mình cũng chính là thân thể của mình). Nếu không thấy được tầm vóc tâm linh của nhờ duyên, nếu không cảm nhận được bản lĩnh tâm linh của quê mình, thì là một thiệt thòi lớn lắm thay!
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).