Giải Luận: Niềm Tin (P5)

NHÂN SINH QUAN ĐỨNG ĐẮN – THẾ GIỚI QUAN TỬ TẾ – VŨ TRỤ QUAN LIÊM CHÍNH
Liên minh giữa nhân sinh quan đứng đắn, thế giới quan tử tế và vũ trụ quan liêm chính chính là bản lĩnh của một nhân loại văn minh, chính là tầm vóc của một nhân sinh “ăn ở có hậu” với tiền đồ tổ tiên, với các thế hệ mai hậu, ngay trong mọi hành tác lao động mang hệ thức (ý thức, kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức, tỉnh thức) để làm nên lao động bằng lương tri. Từ lao động có lương tri tới lao động bằng lương tri là sự thông minh toàn lý về nhận thức biết làm ra sản phẩm, lại biết làm nên tác phẩm bằng sáng tạo ngay trong lao động, và liên hợp giữa sản phẩm và tác phẩm, có trong sự thông thạo làm ra sản phẩm, song lứa để song hành cùng sự thông thái làm ra tác phẩm. Nên lao động có lương tri luôn có chỗ dựa làm nền của hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái), nơi mà lao động thủ công và lao động trí thức luôn bổ sung để hỗ trợ cho nhau.
CÔNG LÝ LAO ĐỘNG
Phạm trù công lý lao động để giải quyết không những công bằng phải có mặt trong xã hội, mà phải hiện diện ngay trong lao động. Tập-hợp bạo quyền, tà quyền, ma quyền với địa thế ngồi mát ăn bát vàng, với tư thế ăn cỗ đi trước lội nước đi sau; từ mượn gió độc đảng mà bẻ măng trong thiên nhiên, cướp tài nguyên, với tục thế cốc mò cò ăn, chính là bất công của bất công, nên công lý bảo vệ nhân vị vì nhân phẩm trong lao động phải xuất hiện bằng công pháp biết làm ra công luật để xét và xử bọn cướp ngày là quan này. Từ thảm cảnh của Việt Nam hiện nay, hãy phải nhìn rộng ra những tai họa trong suốt quá trình công nghiệp hóa của ba thế kỷ qua. Biến tổ chức lao động thành tổ chức xã hội, nơi mà con người luôn là công cụ của tổ chức chính trị với hệ ý (ý định, ý muốn, ý đồ) làm nên ý lực biến nhân lực thành công cụ mà không tôn trọng nhân phẩm của kẻ lao động. Đưa chủ thuyết Taylors nơi mà con người là công cụ của nhà máy vào ý đồ của Lenin là biến nhân lực của nguồn máy độc đảng thành công trường để áp đặt lên toàn xã hội với một kỷ luật quân sự toàn trị bất nhân thất đức.
NHỮNG HỌC THUYẾT LẦM ĐƯỜNG LẠC LỐI
Chúng ta cũng không được quên những lầm đường lạc lối của chính các lý thuyết gia, các tư tưởng gia chính là các tác giả lớn trong hệ thống học thuật của khoa học xã hội và nhân văn khi họ nghiên cứu về quan hệ giữa con người, xã hội, và lao động. Tổ sư của xã hội học cận đại là Durkheim đề nghị khi nghiên cứu về quan hệ con người-xã hội-lao động, thì hãy xem con người là một vật thể (chose). Tổ sư của xã hội học đương đại là Bourdieu đề nghị khi nghiên cứu về quan hệ con người-xã hội-lao động, thì hãy xem con người là một phân tử (particule) trong một không gian nam châm. Tổ sư của nhân học cận đại và đương đại là Levi-Strausse đề nghị khi nghiên cứu về quan hệ con người-xã hội-lao động, thì hãy xem con người là côn trùng (insecte) trong một cấu trúc chung nơi mà cơ cấu quyết định cho số phận của cá nhân. Khuyết điểm của các luận thuyết này làm nên khuyết tật của các chủ thuyết mà họ đề ra, nơi mà các lý thuyết gia, các tư tưởng gia này không những mượn hình tượng của vật thể vô tri kiểu Durkheim, của vật thể vô giác kiểu Bourdieu, của tiểu sinh vật vô cảm kiểu Levi-Strausse để làm biểu tượng mà dựng lên hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) không nhân lý cũng không nhân tính, không nhân bản cũng không nhân văn….
TRI THỨC LAO ĐỘNG
Khuyết điểm thành khuyết tật ngay trong hệ thức (ý thức, kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức, tỉnh thức) của các trí thức này tác động thẳng lên nhân trí, luôn yêu cầu chúng ta phải cẩn thận trong tri thức để cẩn trọng trong nhân tri. Trong một thế chế thực sự dân chủ để bảo vệ nhân quyền, thì công lý lao động phải có mặt ngay trong công bằng lao động qua tổ chức trong lao động bằng hệ thức (ý thức, kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức, tỉnh thức). Hành tác trong lao động bằng hệ tự (tự do, tự trọng, tự chủ, tự tin). Phân công trong lao động bằng hệ chuyên (chuyên khoa, chuyên ngành, chuyên môn, chuyên nghiệp). Thành quả trong lao động bằng hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng lập, sáng tạo). Nhưng tri thức lao động làm nên thành quả lao động có hiệu quả kinh tế, được hỗ trợ bởi khoa học kỹ thuật, trong đó sáng tạo lao động có mặt trong thị trường qua cung và cầu, ở ngoài phạm vi quyền lực của chính quyền và chính quyền chỉ có vai trò làm trọng tài khi bất công trong lao động xuất hiện. Khi chính quyền trở thành trọng tài thì chính quyền này phải được bảo chứng bởi luật lao động, được trợ lực bởi luật xã hội với các tiền đề: thành quả lao động không phải là hàng hóa với giá cả nhất định; vai trò con người trong lao động không phải hàng hóa để trả giá, để mặc cả; thị trường lao động không thuần túy là thị trường hàng hóa.
CÔNG LÝ LAO ĐỘNG TRƯỚC QUYỀN LỰC CỦA LƯỢNG
Công lý lao động trong điều kiện công nghiệp cơ giới hóa không còn là công lý lao động trong điều kiện công nghệ truyền thông hiện nay với khả năng vi tính biết có phản ứng phản hồi để thích ứng môi trường, bối cảnh, hiện trạng của xã hội. Kỷ nguyên công nghệ truyền thông có khả năng vi tính có phản ứng, biết phản hồi để thích ứng với nhiều hoàn cảnh, từ chứng khoán tới đầu tư, từ sản suất tới tiêu dùng bắt buộc chúng ta phải linh động trong chuyển luận về công lý lao động…. Tại đây công lý lao động trong bối cảnh công nghệ truyền thông, cũng vẫn bị điều khiển bởi quyền lực của lượng, nơi mà số lượng đẩy lui chất lượng, để chất phải lùi để nhường chỗ cho lượng. Nơi mà chỉ tiêu sản xuất quyết định cường độ lao động, tất cả phải phục tùng định lượng trong hiệu quả và kết quả lao động. Chính sức ép của sản lượng, áp đặt lên hiệu quả, hiệu năng của lao động đã cho xuất hiện những hiện tượng trầm cảm, tự tử, với tầng số tai nạn lao động cao, theo cùng với những hậu quả về tâm lý, những hậu nạn về nhân phẩm. Chính tại đây, công lý lao động phải tiếp tục những phương án, phương pháp mới để bảo đảm lao động có nhân tính, để bảo hộ người lao động không là nạn nhân của tổ chức lao động, phân công lao động luôn dựa trên sản lượng lao động. Công lý lao động phải biết tương đối hóa sản lượng, để vào thực chất của phẩm, để biết nhận ra tác phẩm của sáng tạo lao động, tự đó biết được hoài bão của nhân phẩm, hoài vọng của nhân tri, nơi mà nhân trí đã vượt thoát số lượng.
NHẬN DIỆN CÁC GIÁ TRỊ TÂM LINH
Nếu các giá trị tâm linh sắc về trí tuệ, nhọn về lý trí, thì các giá trị phải là kết quả của một quá trình lập luận cao về tư tưởng, sâu về triết học, tức là rộng về nhân tri, và không dính dáng gì tới các chuyện mê tin dị đoan mà học thuật không kiểm chứng được, kinh nghiệm không thí nghiệm trọn vẹn được. Nhưng khi nghiên cứu về các giá trị tâm linh biết củng cố nhân lý, biết phục vụ nhân trí, biết thuyết phục nhân loại tinh anh hơn, giúp nhân sinh tỉnh táo hơn, dìu nhân thế và dắt nhân tình theo các tri thức mà sự sáng suốt của nhân trí giữ vững được các giá trị của nhân đạo, các giá trị tâm linh rất khác các sự thật của khoa học, các chân lý của triết học, các lẽ phải của luân lý tuyệt đối. Các giá trị tâm linh chọn đường đi nẻo về cho riêng nó, tại đây phải hiểu cách định vị (như các chỉ báo) của các giá trị tâm linh, để lần tìm ra cách định nghĩa các các giá trị này. Chiều sâu của các giá trị tâm linh là chiều cao của linh hồn, một chiều cao biết nâng nhân tri cụ thể là biết yêu theo chiều cao của hướng thiện những giá trị bị xem là tầm thường trong cuộc sống, tại đây minh triết cùng đạo đức biết nhập nội để chế tác ra các giá trị tâm linh; làm được chuyện mà Platon đặt tên là sự bất tử của linh hồn. Chiều sâu của các giá trị tâm linh luôn bắt đầu bằng sự đánh giá tỉnh táo, sự phân tích sáng suốt, luôn bình tĩnh chọn con đường để thực hiện cái tốt, nó mang theo nguyện vọng làm nên ý chí biến cái tốt thành hiện thực và chiều cao của các giá trị tâm linh là ý chí muốn làm tốt cái tốt.
CHIỀU SÂU CỦA CÁC GIÁ TRỊ TÂM LINH
Chiều sâu của các giá trị tâm linh, không phải là chuyện của lý trí tuyệt đối, càng không phải là chuyện lý trí suông, nó chính là sự cẩn trọng không những là khẳng định các lý trí tốt, mà nó phải trở thành các triết lý của cuộc sống được quyền sống còn, nên nó không cực đoan quyết định, và không bao giờ quá khích trong hành động. Các giá trị tâm linh cũng không phải là chuyện khoa học chính xác, mà là chuyện triết đúng lúc, lý đúng cảnh, luận đúng thời, lấy bối cảnh để hiểu nhân sinh, lấy hoàn cảnh để tìm đáp số, lấy tâm cảnh để tư duy, nên nó tìm cách giải quyết ít nạn nhân nhất, cách trả lời ít đổ vỡ nhất, nó tìm cái hợp lý thấu tình để có lối ra, mà không ai phải là nạn nhân cho thời cuộc. Aristote gọi tên nó là thế giới của sự thông minh làm nên sự thông thái, và lắm lúc nó không lệ thuộc vào thế giới thông suốt sự thật của khoa học. Chiều sâu của các giá trị tâm linh chỉ thật sự là giá trị khi nó là sự cẩn trọng trong sáng suốt và là khẳng định của sự can đảm, cẩn trọng ngược với liều lĩnh, can đảm trái với hèn nhát. Các giá trị không bao giờ «liều mạng» để «tử vì đạo» mà «xem rẻ mạng người», nó cũng không hề «ba phải» để «lòn lách» mà làm «nhục kiếp người», nó cẩn trọng cho nhân sinh và nó can đảm bằng chính bản thân nó, nên nó ngược lại hoàn toàn với sự «né tránh» để tồn tại, «lẩn trốn» để «thoát thân», vì nó dụng chân lý, biết dùng sự thật để tạo lối thoát cho những ai «lầm đường lạc lối» sa lầy trong «mê lộ» đang đi tới «tử lộ» mà cứ tưởng đang đi trên «sinh lộ».
CHIỀU CAO CỦA CÁC GIÁ TRỊ TÂM LINH
Chiều cao của các giá trị tâm linh mang tính tiên tri mà nhân sinh kiểm chứng được, đó là tầm vóc của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cứu cùng lúc nhà Mạc và nhà Nguyễn ra khỏi vũng lầy của vua Lê, chúa Trịnh. Chiều cao của các giá trị tâm linh khi được chứng thực bởi sự cẩn trọng và sự can đảm, chính là sự thông minh linh động biết thích ứng trong biện chứng vì biết giữ trí và giữ tâm. Chiều cao của các giá trị tâm linh có trong ý nguyện muốn cái tốt có mặt trong cuộc sống để chống lại cái xấu có cha sinh mẹ đẻ là cái ác; nhưng các giá trị tâm linh luôn mang theo sự cẩn trọng không những trong định nghĩa thế nào là tốt mà còn bắt con người phải rõ ràng từ cứu cánh tới phương tiện, luôn phải cẩn trọng hơn nữa khi chọn lựa phương tiện, khi đã có cứu cánh tốt rồi. Plotin tin rằng chiều cao của các giá trị tâm linh làm nên đạo đức của ý nguyện muốn làm tốt cuộc sống từ cứu cánh tới phương tiện, từ thượng nguồn của tư duy tới hạ nguồn của hành động. Chiều cao của các giá trị tâm linh khi lấy sự cẩn trọng làm giá trị cho đạo đức, thì nó trở nên sinh động khi phối hợp sự cẩn trọng luôn song hành trong các giá trị của luân lý về bổn phận và trách nhiệm. Các giá trị tâm linh luôn biết điều phối sự cẩn trọng như sức mạnh của tư duy biết cái nào là cái tốt cho mình và cho người khác, nó mang trọn vẹn một quá trình suy ngẫm, nó mang toàn bộ các kết quả tâm định và trí định để làm nên thiền định trong tỉnh táo và sáng suốt, đó là vòng tròn khôn ngoan biết chứa cả hai, vừa cẩn trọng, vừa đạo đức.
CHIỀU RỘNG CỦA CÁC GIÁ TRỊ TÂM LINH
Chiều rộng của các giá trị tâm linh biết dựa vào ý muốn đi tìm tri thức để hiểu sự vận hành của nhân tri, nó luôn song hành cùng với ý nguyện của nhân sinh muốn tồn tại bằng nhân phẩm trong nhân thế, mặc dù nhân loại đang đầy dẫy các xáo trộn, các hỗn loạn của nhân tình. Weber đề nghị muốn có các giá trị này nhân tri phải thấy sự quan hệ chặt chẽ giữa đạo lý của ý chí và đạo lý của trách nhiệm, khi cả hai có mặt để phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, thì chính cái trí của cái tri sẽ giúp cuộc sống thấy ra cái sinh của cái có, cụ thể là quyền năng của nhân trí sản sinh được các giải đáp lối thoát mới cho nhân lý, để nhân tri nhận ra lối thoát mới cho nhân thế. Chiều rộng tâm linh Việt không những là chiều cao của nội dung lý trí, mà còn là chiều rộng của tư tưởng Việt mang văn hiến riêng của Việt tộc. Chiều rộng tâm linh Việt không những là chiều cao của trí tuệ, mà còn là chiều rộng của lịch sử Việt mang văn minh riêng của Việt tộc. Chiều rộng tâm linh Việt không những là chiều cao của nhân phẩm Việt, mà còn là chiều dài của bản sắc Việt luôn biết mở cửa để song hành cùng văn hóa Việt. Cao, sâu, rộng, dài có độ bền của đạo lý đã được thử thách, có độ vững của đạo đức đã biết vượt qua thăng trầm; đạo lý bền biết đi trên lưng cái cực đoan để vượt thoát cái vô minh, đạo đức vững biết đi trên vai cái quá khích để vượt thắng cái vô tri.
Giải Luận: Niềm Tin (P6)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s