CẦN HUYỀN THOẠI ĐỂ SỐNG KHÁC RỒI SỐNG CAO
Việt tộc kể cho nhau nghe qua bao thế kỷ, không biết bao nhiêu là thế hệ chuyện thuở Việt tộc dựng nước, Lạc Long Quân và Âu Cơ có 100 trứng, thành 100 đứa con biết gọi nhau là đồng bào, cùng mẹ cha nên, cùng một bào thai mẹ. Rồi, Việt tộc kể cho nhau nghe bao chuyện khác, nào là Sơn Tinh, Thuỷ Tinh của một quê hương có núi trên đất, có nước ngoài khơi, nên Việt tộc gọi quê hương mình là Đất Nước…. Huyền thoại thì không thuộc về phạm trù của khoa học chính xác, nhưng khoa học xã hội và nhân văn thì có ý kiến sắc sảo về ảnh hưởng tâm linh của huyền thoại, mặc dầu không xác chứng được tính toán học của huyền thoại. Đây là một hệ vấn đề thật hay trong khoa học xã hội và nhân văn, vì khi nghiên cứu về huyền thoại đã được trao truyền qua bao thế kỷ, qua bao thế hệ, thì huyền thoại đã trở thành huyền sử, như linh hồn của Việt tộc, như giá trị tâm linh của Việt sử. Các huyền sử đi lại thong dong trong thư thái của không gian và thời gian của lịch sử, bằng chứng là các huyền sử có mặt trong giáo khoa, giáo trình, giáo án của trường học, làm nên cột xương sống tâm linh cho giáo dục.
HUYỀN SỬ NÂNG CAO NHÂN PHẨM
Những ai buộc tội huyền thoại của một dân tộc toàn là chuyện mê tín, dị đoan, thì chính họ sẽ lạc vào cõi vô minh trong vô thức, nên vô tri trong vô trí, chóng chày sẽ bị rơi vào hố vô giác rồi trở thành vô cảm trước các giá trị tâm linh, nơi có sự phối hợp diệu kỳ giữa huyền thoại và lịch sử. Sự giao thoa diệu kỳ giữa huyền thoại và lịch sử trong cấu trúc tạo chuyện làm nên chất huyền hoặc của huyền sử, mà nội dung là nâng cao nhân phẩm bằng chiều sâu của các giá trị tâm linh, nơi mà thiện sẽ thắng ác, nơi mà sự sống sẽ là sức thông minh của ánh sáng sủa đi tất cả bóng tối của cường quyền. Khi mà mọi bạo quyền tới từ tà quyền đều không có chỗ đứng trong nhân phẩm, con người sẽ không cho nó thổi độc chất vào nhân tri, không cho nó biến thành ma quyền với âm binh của nó để hoành hành nhân cách, hãm hại nhân thế. Trong phương trình huyền thoại-lịch sử, thì Việt tộc có Thạch Sanh một thân một mình chém chằng, một công hai việc, không những để cứu công chúa, biểu tượng của cái đẹp; mà còn cứu dân tức là cứu người, cứu đồng loại của mình.
CÁC CHUYỆN HAY, ĐẸP, TỐT, LÀNH CÓ MẶT TRONG NHÂN ĐẠO
Khi thế hệ đi trước có trách nhiệm phải trao truyền ít nhất ba giá trị giáo dục cốt lõi cho các thế hệ đi sau. Thứ nhất, là sự trao truyền sự thật của lịch sử, mà sự thật làm xuất hiện chân lý với sử liệu, sử chứng, không ai chối cãi được, song hành cùng các tang chứng, làm nên chứng tích luôn có mặt trong kỷ niệm, trong ký ức, tạo ra chất sống cho sử học. Chính sự thật làm nên chân lý giúp nhân sinh thấy ra lẽ phải. Thứ nhì, khi thấy ra lẽ phải thì các giá trị của đạo đức cùng lúc trên hai nhân lộ, con đường đầu tiên giúp nhân sinh nhận ra đạo lý của các chuyện hay, đẹp, tốt, lành có mặt trong nhân đạo. Con đường tiếp theo là khi có đạo lý rồi thì nhân sinh sẽ tìm ra luân lý khám phá ra bổn phận với xã hội, trách nhiệm với đồng loại. Từ đây, ranh giới giữa đạo lý và luân lý sẽ bị xóa dần đi, để tạo nên sự hòa hợp mới, làm nên các giá trị tâm linh. Thứ ba, khi các giá trị tâm linh xuất hiện giữa cuộc sống, làm đẹp và làm cao cuộc đời, thì chỉ có những kẻ vô minh vì vô tri, vô giác vì vô cảm mới buộc tội huyền thoại là mê tín, là mê muội. Ngược lại, chính huyền thoại khi xuất hiện như huyền sử nó giúp con người biết sống đẹp trước bạo quyền, biết sống hay trước tà quyền, biết sống tốt trước ma quyền, biết sống lành trước bọn âm binh đang đe dọa sự sống.
SỰ VẬN HÀNH TOÀN BỘ CỦA CÁC GIÁ TRỊ TÂM LINH ĐI TỪ CÁI TÔI TỚI THA NHÂN
Hãy lập nên một phương trình mới cho nhân tâm biết bảo vệ nhân phẩm: (sự thật+chân lý = lẽ phải) + (đạo lý+luân lý = đạo đức) = các giá trị tâm linh. Và khi phương trình này hình thành thì ta được trao nhận một định nghĩa mới về: tự do, một định nghĩa đẹp vì đây là cùng có tự do với tha nhân, với đồng bào, với đồng loại, để cùng hưởng chung với mọi người, mọi loài. Ngược hẳn với loại định nghĩa thấp hèn về tự do qua cái ích kỷ chỉ cho một người, một phái, một đảng có trong não trạng của bạo quyền lãnh đạo, đã thành tà quyền hãm hại dân tộc, rồi sẽ thành ma quyền buôn dân, bán nước. Sự vận hành toàn bộ của các giá trị tâm linh đi từ cái tôi tới tha nhân, tâm linh là trao không để cùng hưởng chung, mà không hề đòi trả ân, trả oán, từ đây chúng ta có được một định nghĩa về các giá trị tâm linh, qua các chỉ báo rành mạch trong sinh hoạt xã hội, trong đời sống xã hội, trong quan hệ xã hội, vì tâm linh không thể tự định nghĩa, mà phải dựa trên sự phối hợp giữa: luân lý, đạo lý, đạo đức luôn đi đôi kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức; công bằng, công lý có từ công tâm, công đức luôn chung đôi với lương tâm, lương thiện, lương tri.
LÒNG BIẾT TRAO THƯƠNG ĐỂ NÂNG MỌI NGƯỜI, MỌI LOÀI THEO CHIỀU CAO CỦA NHÂN PHẨM
Chính sự phối hợp này làm nên trí tuệ của các giá trị tâm linh, chế tác ra tuệ giác giúp mỗi chúng ta biến các giá trị tâm linh thành động thái, động tác, làm nên hành động tâm linh ngay giữa cõi nhân sinh. Hành động tâm linh vì yêu đời và vì thương người, thương một lần trọn vẹn cho trọn kiếp, trọn vẹn vì đầy đủ, không giữ gì cả cho riêng cái tôi, để không mất gì cả cho cái chung làm nên cái ta. Các giá trị tâm linh có tự tin, nên không cần mê tín, có khi cũng không cần luôn tôn giáo, không cần cả khoa học, chúng chỉ cần lòng biết trao thương để nâng mọi người, mọi loài lên cao, theo chiều cao của nhân phẩm. Có hai phân tích về các giá trị tâm linh, giúp chúng ta tránh được hai loại lầm đường lạc lối. Chúng ta thận trọng trên các từ ngữ sau đây: cái thiêng trong mê tín làm nên cái tế là lấy sinh mạng người làm vật tế thần cho thần linh, mà mình không bao giờ gặp mặt, không được đối thoại trên chủ đề nhân phẩm, thì đây là cái bạo làm nên cái chết, nó không hề có rễ của đạo đức, có gốc của đạo lý, có cội của luân lý, có nguồn của lẽ phải. Ngược lại, tâm linh thì luôn muốn đưa con người theo chiều cao để biến cái người có chất thánh. Cho nên, cái thiêng mà dựa trên cái tế thì nó đưa còn người vào bạo lộ ngụp lặn trong mê lộ, hoàn toàn trái lại chất thánh làm sáng lên nhân lộ, đang trở thành nhân đạo cho nhân phẩm.
BI NẠN CỘNG SẢN: SỰ THẤT BẠI CỦA VẬT CHẤT, SỰ THẢM BẠI CỦA DUY VẬT
Khi chọn duy vật biện chứng để xây dựng duy vật sử quan, thì ông tổ K. Marx của chủ thuyết cộng sản không chỉ đưa ý muốn dùng biện chứng qua duy vật để giải mã sự vận hành của xã hội bằng kinh tế, mà còn dùng cơ sở vật chất trong kinh tế xã hội này để chế tác ra luận thuyết chỉ phân tích lịch sử bằng hạ tầng kiến trúc vật chất. Từ tổ tới các người tự xứng danh là cách mạng để xây dựng chủ nghĩa cộng sản, từ tây sang đông đã dùng chủ thuyết duy vật biện chứng để diệt các sinh hoạt tâm linh, mà họ đặt tên gọi là duy linh, duy tâm, cùng lúc tạo ra một hệ thống tuyền truyền một chiều xem các sinh hoạt của duy linh, duy tâm là khu vực của mê tín, dị đoan, hoang tưởng, nơi mà họ không ngại xài lại câu của ông tổ của họ: tôn giáo là thuốc phiện, ru ngủ dân tộc. Chính nhận định sai trái này của những người cộng sản đã gây ra những tổn thất, mất mát các giá trị tâm linh bị đốn quỵ ngay trong các chế độ cộng sản; cụ thể là khi làm công dân trong những xã hội này thì họ không được giáo dục nên không được sống bằng các giá trị cao đẹp của tâm linh. Đây không phải là một thắng lợi của những người cộng sản mà là một thất bại tuyệt đối của họ!
NHỮNG NHÂN LỘ MỚI LÀM PHONG PHÚ NHÂN ĐẠO SẴN CÓ
Khi sự thảm bại đã rút đi phần hồn tâm linh để thay vào đó phần xác bản năng. Khi chiều cao của nhân phẩm không phải ở vật chất, nên chiều sâu của nhân tâm không nằm trong duy vật. Khi chối bỏ và hủy diệt đời sống tâm linh trong nhân sinh, thì những người cộng sản đã tự “què quặt hóa” chính họ, tự biến mình thành người ngọng, què, chột, điếc trước các giá trị tâm linh, những giá trị biết nêu lên những điều hay, đẹp, tốt, lành của đạo lý, biết gợi ra những điều cao, sâu, xa, rộng của đạo đức, được dùng để thương người hơn, để cứu người trong cơn hoạn nạn. Mỗi lần có chiến tranh, có thế chiến, là ta thấy cách ứng dụng các khám phá khoa học kỹ thuật mới đều có thể gây ra các thảm kịch mới cho nhân loại, từ vũ khí hạt nhân tới vũ khí hóa học…. Nhưng cùng lúc chúng ta phải nhìn nhận tính hữu dụng của các khám phá khoa học kỹ thuật là không thể chối cãi được, nhất là qua quá trình xây dựng các tiện nghi cho nhân sinh, từ dâng nhân tri tới nâng nhân trí. Vì vậy, chính kiến của giá trị tâm linh phải có mặt để nhận định, phân tích, giải thích các làn sóng tới từ các khám phá khoa học kỹ thuật, vừa tạo ra các thảm họa cho nhân loại qua chiến tranh, cùng lúc lại trao cho ta không những tiện nghi mới trực tiếp nâng chất lượng cho đời sống hằng ngày; cùng lúc trao cho chúng ta những nhân lộ mới làm phong phú nhân đạo sẵn có của chúng ta.
NỘI LỰC CỦA KÝ ỨC BẢO VỆ SỰ TRAO TRUYỀN KIẾN THỨC
Chính kiến của giá trị tâm linh trong lịch sử của nhân loại luôn dựa trên ba cột trụ chính của nhân tri: sự tính toán chỉnh lý làm nên nhân lý, nội lực của ký ức bảo vệ sự trao truyền kiến thức, tư duy lý luận làm nên sự sáng tạo. Toàn cầu hóa hiện nay với khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi hằng ngày ba cột trụ này, tại đây bản thân các giá trị tâm linh phải có lý luận mới về sự tính toán chỉnh lý làm nên nhân lý đang được-hoặc-bị các khám phá khoa học vừa đột phá, vừa tràn lan làm lung lay tận gốc rễ. Kế đó là nội lực của ký ức bảo vệ sự trao truyền kiến thức, nơi mà đợt sóng toàn cầu hóa đã làm lên trận đại hồng thủy về quản lý tư liệu, cai quản chứng từ, nơi mà khả năng lưu giữ của tin học truyền thông đã vượt lên khả năng của một cá nhân, của một quốc gia. Tại đây, internet tổ chức đời sống xã hội hằng ngày của chúng ta, Facebook làm thay đổi sinh hoạt thường nhật của mỗi chúng ta, Youtube đã biến hóa phương cách tiếp nhận truyền thông của chúng ta. Sau hết là tư duy lý luận làm nên sự sáng tạo, tại đây sức tưởng tượng của mỗi cá nhân phải quản lý vô lường các lượng tin tức tới từ công nghệ truyền thông, cùng lúc sự sáng tạo luôn được-hay-bị so sánh trong một môi trường toàn cầu hóa không biên giới, đã tạo ra việc xóa bỏ lãnh thổ giữa các quốc gia hay giữa các châu lục.
TRONG CƠN LỐC XOÁY!
Chính kiến của giá trị tâm linh trước một xã hội toàn cầu luôn bị biến động bởi các khám phá khoa học kỹ thuật thường trực, tại đây các lý luận về tâm linh có thể trở lại lịch sử của nhân loại để nhận định mạch lạc các khám phá của khoa học kỹ thuật, chính chúng cũng tạo ra các thảm họa mới cho nhân sinh, cùng lúc cũng chính chúng đã, đang, sẽ tạo ra các lý lẽ mới để phục vụ nhân lý. Chúng có làm xáo trộn đời sống xã hội, từ chuyện tạo ra nạn thất nghiệp tới chuyện tạo ra các thảm họa tàn phá mới khi ứng dụng các khám phá khoa học kỹ thuật để làm vũ khí rồi đưa ngay vào các cuộc chiến; cùng lúc cũng chính chúng đã, đang, sẽ dâng nhân trí mới, tạo nhân tri mới, để chúng ta thăng hoa nhân phẩm. Đây là câu chuyện sâu xa về phương pháp tổ chức lại các giá trị tâm linh qua các lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận trước cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang song hành cùng cuộc cách mạng truyền thông; bằng vận tốc vũ bão của chúng mà chúng ta phải ý thức là đang ở trong cơn lốc xoáy! Hãy trở lại lịch sử của nhân loại không phải chỉ vì muốn giữ ký ức, mà lần này là để phận định bằng nội lực của nhân lý, bằng bản lĩnh của nhân tri, bằng tầm vóc của nhân trí chuyện mất hay còn, lợi hay hại, thắng hay thua trước các biến động được tạo ra bởi các khám phám khoa học kỹ thuật.
Giải Luận: Niềm Tin (P8)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).