Con Người-Giáo Dục-Xã Hội (P1)

Trong các trận đấu giải túc cầu (bóng tròn) thế giới 2022 tại Qatar thì ấn tượng đáng chú ý không phải các trận đấu hay cầu thủ nổi tiếng mà là sự tham dự của khán giả. Ngoài những khẩu hiệu, biểu tượng ủng hộ chống những áp bức chính trị tại các nước độc tài đã bị ngăn chặn bởi chính quyền Qatar nhưng không thể ngăn chận các cầu thủ tham dự tranh tài. Điều này cho thấy tuy gọi là thể thao để nối kết các dân tộc trên thế giới nhưng vẫn còn khác biệt về chính kiến rất nhiều mà thể thao không thể giải quyết được những khác biệt đó. Đặc biệt là những khán giả người Nhật, sau mỗi trận đấu họ đã ở lại thu lượm rác trong sân vận động trước khi ra về. Đối với các dân tộc khác thì chuyện dọn dẹp rác là của chủ nhà, mướn nhân công, hà cớ gì người đi xem đã phải bỏ tiền mua vé mà lại lo chuyện dọn rác?
Nhưng đối với người Nhật thì đó là trách nhiệm và bổn phận của cá nhân đối với xã hội. Có người xả rác thì phải có người lượm rác. Người lao động đi lượm rác chắc sẽ không được trả lương nhiều. Dĩ nhiên họ không muốn làm việc đó nhưng vì hoàn cảnh khó khăn thì họ phải làm. Vậy nếu họ không phải đi lượm rác thì họ có thể sẽ kiếm việc làm khác với đồng lương khá hơn, tốt cho chính họ và xã hội. Đó là những gì người Nhật được giáo dục từ nhỏ và họ thực hành suốt cuộc đời. Kết quả là xã hội Nhật sạch sẽ, trật tự và mọi du khách đến Nhật đều ghi nhận. Thế nhưng chẳng có quốc gia nào theo đuổi tấm gương đó? Chỉ có Tân Gia Ba là quốc gia sạch sẽ thứ nhì sau Nhật vì nhà nước ra luật phạt rất nặng những ai xả rác nơi công cộng.
Khi một cá nhân thiếu giáo dục trong suy nghĩ và hành xử thì sẽ tạo ra phản ứng trong xã hội. Hoặc có kẻ chống hay phải chia sẻ gánh nặng do việc làm thiếu suy nghĩ của một người (xả rác). Vậy nếu một người làm điều tốt thì gây ích lợi gấp nhiều lần cho xã hội (càng đông) hoặc là điều xấu thì gây trở ngại càng nhiều cho xã hội trong suốt cuộc đời của họ. Một xã hội có nhiều công dân tốt biết suy nghĩ đến những ích lợi chung thì quốc gia đó phát triển và ngược lại. Vậy thì các nhà giáo dục có biết như vậy chăng? Nếu biết mà xã hội vẫn không thay đổi là vì lý do gì?
Vì các nhà chính trị và kinh tế đã không muốn như vậy.
Các nhà chính trị đã bị con “Ma quyền lực” kiểm soát. Các nhà kinh tế đã bị con “Ma tiền” nắm giữ linh hồn. Và cả hai đều muốn người dân chạy theo con “Ma dục” (ham muốn). Dĩ nhiên các nhà chính trị và kinh tế đã dùng tâm lý (quảng cáo) để lôi cuốn con người chạy theo những gì có lợi cho họ chứ không phải cho xã hội. Xã hội càng rối loạn thì họ càng có lợi và địa vị của họ càng vững chắc, cho tới khi thiên nhiên bị tàn phá thì họ vẫn hy vọng sẽ tồn tại cho dù nhân loại hủy diệt.
Nếu có một quốc gia chọn một cơ chế chính trị và kinh tế có chỉ số hạnh phúc thay vì lợi tức quốc gia (GDP=Gross Domestic Product) thì các nhà chính trị sẽ cho rằng mất “tự do” vì có “tự do” mới có hạnh phúc? Và các nhà kinh tế sẽ cho rằng mất “dân chủ” vì người dân muốn làm giàu và giàu có mới là hạnh phúc?
Không ai phủ nhận khả năng của con người là tìm kiếm, phát minh điều mới lạ để giúp ích cho cuộc sống. Nhưng khi khả năng của con người bị lợi dụng để phát triển xã hội theo chiều hướng xấu, gây thiệt hại cho môi sinh, khí hậu và tiêu diệt các loài vật khác cũng như hủy hoại thiên nhiên thì không cần biết con người có hạnh phúc hay không thì ai cũng biết đó là điều sai lầm.
Một xã hội được thành lập do các cá nhân tụ họp lại và khi mọi người chọn đại diện để điều hành xã hội thì thay vì thiết lập trật tự thì lại gây ra rối loạn. Vậy nguyên do là từ con người, xã hội hay cơ chế chính quyền?
Toại kỳ sở nhu
Khi con người đạt được những nhu cầu cần thiết cho đời sống thì những gì nhiều hơn nhu cầu đó là sự phí phạm. Một cá nhân đạt được nhu cầu cần thiết cho bản thân nhưng còn xã hội thì sao? Do đó tùy theo hoàn cảnh xã hội sự phân phối nhu cầu của một cá nhân phải đồng thuận với tập thể vì bạn không thể sống yên với nhu cầu riêng mà bỏ quên xã hội. Và một quốc gia cũng không thể sống yên ổn với nhu cầu đã có mà không quan tâm đến quốc gia khác. Để thỏa mãn nhu cầu của một cá nhân (toại kỳ) thì không phải cá nhân muốn gì cũng được, những vật ngon, của lạ, hiếm quý… mà gọi là “sở nhu”. Sở nhu là những gì cần để sống (nhu cầu) trong hoàn cảnh trước mặt (sở) mà thiên nhiên hay xã hội có thể cung cấp. Như những người dân Eskimo sống nơi xứ lạnh chỉ có loài hươu (caribou) là nguồn thực phẩm cho họ. Hay người dân Alaska chỉ có thể sống nhờ săn hải cẩu hay cá hồi vì đó là những gì thiên nhiên có thể cung cấp cho họ. Cũng như người dân Tây Tạng, Mông Cổ chỉ có thể sống nhờ bầy thú chăn nuôi (dê, trâu, bò Yak). Đó là “toại kỳ sở nhu”.
Toại kỳ sở nhu còn là chìa khóa của “kinh tế Nhân Bản” và hạnh phúc: Chúng ta còn nhớ ca dao Việt Nam về “Thằng Bờm” khi phú ông xin đổi đủ thứ để lấy quạt mo của Bờm thì cuối cùng Bờm chỉ nhận nắm xôi. Nắm xôi đại diện cho miếng ăn, đủ no, thiết thực và khi ăn vào thì không thể mất như những tài sản khác mà phú ông đã đề nghị. Vậy nếu con người có đủ ăn thì còn tranh chấp không?
Tận kỳ sở năng
Thiên Thai Tông (một chi nhánh của Thiền Phật giáo) truyền sang Nhật vào thế kỷ thứ 9 đã đóng góp vào sự thành hình giai cấp võ sĩ đạo (samurai, thế kỷ thứ 12) làm nền tảng cho xã hội Nhật sau này. Thiền đem lại lối nhìn vào cuộc sống hiện tiền, với những gì có trước mặt. Tinh thần võ sĩ đạo là dám sống và chết cho lý tưởng, tận tụy hy sinh cho tướng quân (hay vua) là đại diện cho tập thể xã hội. Cho dù Nhật đổi mới theo Tây phương nhưng tinh thần đó vẫn còn. Mọi người dân Nhật bất kể địa vị, giai cấp trong xã hội đều làm việc hết mình. Nước Nhật không có ăn xin vì lòng tự trọng. Người dân luôn luôn tìm việc làm thêm khi có thì giờ rảnh. Một khi có nghề chuyên môn thì họ làm việc hết mình. Đài NHK (truyền hình Nhật) tường trình một cuộc tranh tài giữa 2 nhóm thợ tiện: Nhóm trẻ sử dụng máy điện toán điều khiển để tạo con quay có khả năng chính xác giữ thăng bằng khi quay và lâu hơn. Nhóm thợ già vẫn sử dụng phương pháp cổ truyền bằng tay, tai, mắt. Kết quả là hai bên hòa nhau. Đó là “tận kỳ sở năng”: làm việc hết mình trong hoàn cảnh hiện có.
Con Người-Giáo Dục-Xã Hội (P2)
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s