Chính kỳ sở mệnh
Có người sinh ra với ước mơ để thực hiện nhưng không phải ai cũng có và không phải ai có cũng thực hiện được theo ý muốn. Đa số người đã phải vật vã với cuộc đời vì không biết về bản thân và cuộc sống. Nhiều người đã lầm đường khi chọn một lối sống trong xã hội. Giáo dục và tôn giáo chỉ đặt ra những khuôn mẫu tổng quát không sát thực với từng cá nhân. Khổng tử đã nói đến “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Nhưng đến tuổi 50 thì đã quá nửa đời người thì tuổi trẻ đã trôi qua làm sao mà thay đổi được nữa. Đa số suốt đời chỉ là lầm lạc vì thiếu tu dưỡng từ lúc trẻ. Một khi đã chọn con đường sai lầm thì như lạc vào rừng biết lối nào ra? Có người đổ thừa cho số mệnh. Nhưng họ đã biết gì về Mệnh Lý để quyết đoán? Để đạt được “chính kỳ” thì cá nhân đó phải trải qua “toại kỳ sở nhu” và “tận kỳ sở năng” thì mới biết thế nào là “chính kỳ sở mệnh”. “Sở mệnh” ở đây cũng như trên là sinh mệnh của cá nhân chịu ảnh hưởng (kết quả) của quá trình bản thân và gắn liền với xã hội đang sống. Bạn không thể sống tại quốc gia A mà đòi “chính kỳ sở mệnh” tại quốc gia B.
Chỉ khi nào mọi công dân trong một quốc gia được giáo dục để biết khả năng của mình, vai trò của mình trong xã hội và hết lòng với vai trò mà định mệnh đã sắp đặt thì xã hội mới đi vào trật tự, an bình. Từ một quốc gia đến nhiều quốc gia như vậy thì hòa bình thế giới mới có hy vọng tồn tại.
Câu hỏi còn lại là một nền giáo dục như thế nào để đào tạo những con người “chính kỳ sở mệnh”?
Con người khác nhau ở trình độ giáo dục. Giáo dục có thể là tự học nhưng số người có khả năng tự học rất hiếm. Đa số chịu ảnh hưởng của nền giáo dục mà xã hội đem lại. Nền giáo dục đó đã bị lớp người đi trước uốn nắn để đào tạo những người đi sau tiếp tục phục vụ những gì đã có và tin rằng đó là tốt đẹp nhất cho họ. Cho dù những hậu quả xấu xuất hiện nhiều hơn cái tốt thì họ vẫn cho rằng có thể sửa đổi được miễn là cứ đi tới trước. Như nước Mỹ hiện tại, hệ thống lưỡng đảng đang nhầm lẫn giữa “bảo thủ” và “tiến bộ”. Các nhà lãnh đạo nghĩ rằng đó là sự cân bằng quyền lực với sinh hoạt dân chủ trên nguyên tắc “đa số-thiểu số”. Nhưng đó không phải là một quân bình “Âm-Dương” hay “đối lập thống nhất” theo đúng nghĩa để giúp cơ chế dân chủ đứng vững và tồn tại. Như chúng ta đã thấy khi một thiểu số tỷ phú, triệu phú kết hợp với nhau để thao túng giới truyền thông, quốc hội và hành pháp thì nền dân chủ có thể bị đe dọa (chính quyền Trump 2016-2020). Một hệ thống không quân bình sẽ nghiêng ngả và sụp đổ. Quân bình là khi tương quan giữa người dân và đại diện dân cử (điều hành xã hội) là tương quan hai chiều và bình đẳng.
Một cơ chế sinh hoạt “dân chủ” mà người dân đi bầu để chọn đại diện cầm quyền (làm luật, thi hành luật, phán xét theo luật). Nhưng khi đại diện đắc cử thì làm theo ý riêng chứ không theo ý dân thì người dân không có cách nào kiềm chế được vị đại diện và chỉ có thể chờ kỳ bầu cử khác, chọn người khác. Khi dân chủ là cơ chế tạo ra chính quyền để phục vụ nhân dân nhưng khi các đại diện dân cấu kết với nhau để phục vụ quyền lợi của chính họ (và đôi khi gây hại cho dân) thì người dân có thể làm gì để ngăn chận?
Phải chăng con người phải có giáo dục để tránh nhầm lẫn khi kết thành xã hội và xã hội phải được giáo dục để thực thi những gì mà người dân mong muốn. Đó là tương quan hai chiều (hỗ tương thống nhất) và phải được cân bằng. Khi người dân chọn vị đại diện dân cử thì vị đại diện đó chỉ là một biểu tượng của tập thể đã bỏ phiếu. Biểu tượng đó không phải là một thực thể siêu việt có toàn quyền hành động trong mọi trường hợp mà không tham khảo ý dân. Vấn đề còn lại là người dân có chịu theo dõi và làm việc với vị đại diện hay phó mặc cho cá nhân đó toàn quyền hành động?
Chính kỳ sở mệnh còn là sự tu thân để biết mình, biết chọn một vai trò trong xã hội. Mọi người sinh ra có hình hài giống nhau (Homosapien) nhưng suy nghĩ khác nhau? Hiểu được “cái tôi” (bản ngã) để hiểu cái gốc vì sao mỗi người có cá tính khác nhau. Người lãnh đạo hay thường dân không thể giống nhau và không cần phải giống y như nhau mà cần biết “sở mệnh” để đóng vai trò thích hợp cho xã hội.
Xã hội (hay quốc gia) với giáo dục
Chúng ta đã thấy những vấn nạn của nước Mỹ nói lên những khuyết điểm của cơ chế dân chủ.
Từ hạ tầng cơ sở các viên chức đảng đã sửa đổi sự phân chia địa hạt tranh cử để có lợi cho phe mình. Thay vì tìm giải pháp công bằng thì cả hai phe chạy đua trong việc gian lận bầu cử. Đó là lý do tại sao các dân biểu có thể coi thường công luận vì địa phương tranh cử bảo đảm họ sẽ tiếp tục đắc cử vì đối phương không có cơ hội.
Ngay tại quốc hội tiểu bang, khi đảng A thấy thua tại cấp liên bang nên ra luật để cắt giảm quyền lực của Thống Đốc (nếu là đảng B) hay gia tăng quyền của Thống Đốc (nếu là đảng A). Có tiểu bang các nhà làm luật còn cấm dân đòi hỏi và tham dự trưng cầu dân ý (referendum) trong các mùa bầu cử. Điều này cho thấy một khi đắc cử thì đại diện trở thành bất khả xâm phạm và cử tri không thể làm gì khác ngoài việc chờ mùa bầu cử sắp tới.
Vậy nếu chính quyền (các cấp, lãnh vực) có âm mưu làm những điều (nếu dân biết) trái ngược lòng dân (và dân sẽ phản đối) thì liệu giới báo chí, truyền thông có khám phá ra âm mưu đó không?
Một khi các nhà đại tư bản, tỷ phú bỏ tiền ra mua giới truyền thông thì ai sẽ bảo đảm là không có sự cấu kết giữa các nhà tư bản với chính quyền?
Người dân không phải lúc nào cũng có khả năng theo dõi, tìm hiểu các sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế. Họ tin vào các cơ chế dân chủ, các nhà chuyên môn, học giả… sẽ giúp kiểm soát các thể lực đe dọa sinh hoạt dân chủ.
Nhưng nếu ai đã có kinh nghiệm với cộng sản, độc tài thì đã biết sách lược, chiến lược, chiến thuật chống phá, triệt hạ từ từ các cơ chế dân chủ để xã hội rơi vào hỗn loạn và dân chúng muốn an ninh trở lại sẽ chọn “người hùng” (strongman) lên cầm quyền. Một khi nắm quyền “người hùng” sẽ cải tổ quân đội, công an để thanh toán nốt những gì còn lại của nền dân chủ và cuối cùng: chế độ độc tài xuất hiện.
Một trong những chiêu thức đánh lạc hướng người dân là công ăn việc làm: khuấy động kinh tế, giá cả tăng vọt, thất nghiệp… sẽ khiến đám đông lo cơm áo sẽ không còn thì giờ để theo dõi biến cố chính trị. Mục đích của thủ thuật chính trị là biến con người thành loài gia súc nuôi để làm việc và ăn thịt (chết). Vậy đâu là Nhân bản, Nhân quyền?
Với khoa học, kỹ thuật tiến bộ đưa tới kinh tế toàn cầu, trật tự thế giới mới mà văn hóa, giáo dục không theo kịp để giúp con người sống hạnh phúc, hoà bình thì có ích gì? Giáo dục để thay đổi con người đã khó, để thay đổi xã hội còn khó hơn. Nhưng nếu không thay đổi (giáo dục) được con người thì làm sao thay đổi xã hội? Một xã hội rối loạn có thể nào giáo dục con người mới? Trong khi vẫn kêu gọi con người chạy theo giấc mơ làm giàu? Làm giàu để rồi cuối đời người xài không hết phải lập tổ chức từ thiện trả lại cho xã hội? Vậy thì xã hội sai lầm hay con người (làm giàu) sai lầm?
Kết
Với nền kinh tế “Cung-Cầu” khai thác thiên nhiên và hủy hoại môi sinh để gọi là văn minh, tiến bộ, giàu có, sung túc… sẽ đi về đâu? Việt Nam vẫn còn (và có) cơ hội thay đổi tuy trễ (sau 2 thế kỷ) nhưng cũng là cơ hội lớn hơn cả thời kỳ Tự Đức-Nguyễn Trường Tộ. Liệu người Việt hải ngoại và trong nước có chuẩn bị (giáo dục) để nắm thời cơ hay không? Cho dù đó là cơ hội đổ máu (bạo động) hay không đổ máu (ôn hòa)?
To BE or NOT to BE?
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)