Tự Do và Dân Chủ (P2)

Tự do và lời thề
Khi nhập tịch, mọi công dân đều phải tuyên thệ sẽ bảo vệ tổ quốc (Mỹ). Đó là lời thề thứ nhất. Khi ra ứng cử và đắc cử thì khi nhậm chức, các ứng viên cũng phải thề phục vụ tổ quốc. Đó là lời thề thứ hai. Đến khi có kiện tụng thì nhân chứng, bị can, bị cáo đều phải tuyên thệ nói sự thực. Đó là lời thề thứ ba. Cả ba trường hợp đều đặt dưới “nhân danh Thượng đế” (In the God we trust).
-Vậy nếu có “tự do” mà còn mắc kẹt lời thề thì đâu còn là tự do nữa?
-Tại sao đã là công dân (đã thề) mà khi đắc cử, cầm quyền lại phải thề nữa? Vậy hai lời thề khác giá trị hay cùng giá trị? Nếu cùng giá trị như nhau mà thề hoài thì đâu còn giá trị nữa?
-Mà nếu thề mà phải có Thượng đế chứng giám thì lệ thuộc Thượng đế trong khi hiến pháp phân biệt Giáo quyền và Chính quyền? Vậy “Thượng đế” đứng trên, trong hay ngoài chính quyền?
-Nếu khác tôn giáo thì các “Thượng đế” của mỗi tôn giáo có hòa hợp với nhau hay đánh nhau?
-Một khi vi phạm lời thề là có lỗi với Thượng đế. Vậy nếu Thượng đế không phạt can phạm thì cớ sao tòa hay bồi thẩm đoàn dám kết tội? Như vậy thì làm gì có chuyện cùng tin nhau dưới danh nghĩa “Thượng đế”?
Tự do vũ trang
Qua biến cố ngày 6 tháng 1 năm 2021, chúng ta thấy những người biểu tình trở nên bạo động, tấn công Quốc Hội Mỹ. Đó là sự đe dọa nền dân chủ Mỹ qua sự khích động của Tổng Thống Trump đối với cử tri ủng hộ ông sau khi thất cử 2020. Dưới thời Trump 2017-2020, các nhóm cực đoan, quá khích, kỳ thị chủng tộc đã biểu tình võ trang, đe dọa sẽ có nội chiến. Vậy lý do nào dân Mỹ có quyền võ trang?
Đa số nói rằng hiến pháp quy định như vậy. Nhưng bạn có đọc điều khoản đó chưa?
Tu chính án thứ hai nói rằng “một lực lượng võ trang dân sự có quy chế kỹ càng thì cần thiết để bảo đảm an ninh cho quốc gia được tự do, quyền người dân mang vũ khí không thể bị xâm phạm”.
Phần đông chỉ nhớ đoạn cuối, quên đoạn đầu. Dân có quyền mang vũ khí. Nhưng đó có phải là một lực lượng có quy chế? Còn nhiệm vụ bảo đảm quốc gia (tiểu bang, xã hội) được tự do là thể nào? Là bảo vệ cơ chế dân chủ mà mọi người chọn lựa qua bầu cử (tu chính nằm trong hiến pháp, có nghĩa sau khi các cơ quan hành pháp, lập pháp, tòa án đã được thiết lập) có nghĩa đơn vị võ trang bảo vệ “chính quyền” chứ không phải để lật đổ chính quyền. Còn nếu theo lời của phe bảo thủ (conservative) là để chống lại chính quyền qua lớn (big government) thì đó là chính quyền đã do bạn và mọi người chọn qua bầu cử tự do thì tại sao bây giờ mới chống? Phải chăng bạn đã lơ là trong khi chọn lựa để chọn nhầm người và bây giờ muốn nổi loạn?
Bạn mang vũ khí để tự vệ? Đúng. Nhưng bạn không thể xách súng chạy ra đường đe dọa kẻ khác hay biểu tình khiêu khích kẻ khác tấn công để có cớ “tự vệ”? Một khi bạn dựa vào vũ khí, võ trang để xài luật “rừng” thì bạn đâu cần đi bầu chọn đại diện trong hành pháp, lập pháp, tòa án? Và như vậy chính bạn đã vi phạm hiến pháp, điều A (tổng quát) chỉ vì dựa trên điều a-2 (chi tiết).
Khi bạn sống trong một xã hội dân chủ cho phép bạn chọn đại diện dân cử từ cấp địa phương đến trung ương với hệ thống tòa án độc lập và quân đội được lãnh đạo bởi viên chức dân cử thì tại sao lo sợ về an ninh của quốc gia. Nếu bạn sợ chính quyền trở thành độc tài thì đại diện dân cử ở đâu? Làm gì? Nếu bạn chọn đại diện dân cử bất lực thì lỗi tại bạn. Một khi cá nhân mang vũ khí để chống lại một thế lực mạnh thì được bao lâu? Nếu không có nguồn yểm trợ về thực phẩm và vũ khí? Phải chăng đó chỉ là yếu tố tâm lý để khuyến khích người dân đấu tranh (bạo động) vì tự do?
Khi bạn đòi hỏi “đừng đối xử với tôi như vậy”(Don’t treat on me) thì phải tự hỏi bạn đã làm gì để bị bạc đãi?
Cũng như khi bạn đóng thuế để có chính quyền bảo vệ bạn thì tại sao bạn phải cần võ trang? Quá khứ lịch sử cho thấy cuộc cách mạng lập quốc đã xảy ra vì người dân có súng (bắn phát một) không có nghĩa là bây giờ người dân có vũ khí (súng máy) là có thể làm cách mạng bảo vệ tự do (sau khi họ đã đi bầu để thiết lập chính quyền dân chủ bảo vệ tự do cho dân)?
Trần Công Lân
Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s