Tranh cử Thượng Nghị Sĩ tại tiểu bang Georgia: Warnock và Walker trong năm 2022
Cuộc tranh cử chọn ứng viên cho Thượng Viện tại tiểu bang Georgia phải trải qua vòng hai vì không ai đủ 50% phiếu lần đầu. Đây là lần thứ hai xảy ra sau kỳ bầu cử 2000 cũng đã như vậy. Warnock là đương nhiệm (đã thắng kỳ bầu cử 2000), xuất thân là mục sư. Ông không giỏi nhưng không tai tiếng. Walker là cựu cầu thủ nổi tiếng nhưng có nhiều tai tiếng. Khi giới truyền thông hỏi các cử tri vì sao bỏ phiếu cho Walker thì họ cho biết vì đảng Cộng Hòa cần có người để kiểm soát chính phủ. Người khác cho rằng phe kia nói láo nên cần có người dám nói để vạch ra sự nói láo. Người khác lại cho biết cần có đại diện “bảo thủ” để bảo vệ giá trị đời sống gia đình và xã hội.
Khi một Tổng Thống hay Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện “biến chứng” làm những việc (hay nói) chưa từng xảy ra, có tính cách thách đố luật lệ, thủ tục có từ lâu thì người dân có thể làm gì để ngăn chận khuynh hướng độc tài, chuyên chính đang đe dọa sinh hoạt dân chủ?
Vì sao xảy ra như vậy? Vì khởi đi từ Quốc Hội. Một khi Quốc Hội không còn hoạt động hữu hiệu vì cán cân quân bằng không còn, chỉ vì phe đa số lạm quyền (thượng nghị sĩ McConnell đảo ngược tiến trình chọn Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện) hay thiểu số không đóng được vai trò đối lập (chủ tịch Quốc Hội Boehner và Tea party). Hay dân biểu sau khi đắc cử đổi đảng tịch. Hay dân biểu sau khi đắc cử bỏ quên lời hứa với cử tri để chạy theo quyền lợi các đại công ty.
Tại sao lưỡng đảng không thay đổi cung cách sinh hoạt? Vì họ đã đặt người dân vào thế bị động: phải chọn Cộng Hòa hay Dân Chủ. Không có chọn lựa nào khác.
Người dân có thực sự chọn đại diện để bầu không? Không.
Đại diện của hai đảng là do những người trong đảng chọn qua kỳ vòng loại (primary). Bất kể vì lý do gì những đảng viên địa phương chọn X là ứng cử viên cho đảng A để tranh cử với ứng cử viên Y của đảng B thì người dân chỉ có thể chọn X hay Y mà thôi. Cho dù cả hai đều không xứng đáng. Đó là dân chủ hay sao?
Khi một đại diện dân cử tuyên bố bỏ đảng (trở thành độc lập hay đảng khác) thì cử tri có thể làm gì được? Đảng chính trị có biện pháp gì để ngăn chận hay trừng phạt kẻ mượn danh nghĩa đảng (phục vụ cử tri qua chính sách của đảng)? Nếu không thì đó là một trò hề dân chủ.
Nếu các đảng có cùng mục đích phục vụ dân tộc và quốc gia thì làm sao dân chúng phân biệt được đảng nào sẽ thực hiện tốt hơn?
Trong sinh hoạt chính trị thì tuyên truyền đứng đầu. Nếu lãnh tụ đảng có tài hùng biện có thể thuyết phục người nghe thì làm sao biết thật- hư?
Hãy nhìn vào sinh hoạt của đảng. Đảng là một tổ chức. Nếu lãnh tụ giỏi sẽ quy tụ được nhân tài. Có nhân tài sẽ làm được việc. Kết quả của công việc đánh giá khả năng của đảng khi cầm quyền. Một khi lãnh tụ ăn nói quá hay mà cán bộ làm việc không ra hồn thì có nghĩa là: (1) lãnh tụ nói láo hay không có khả năng chọn người, dùng người; (2) hoặc chính sách (nói) thì hay nhưng người không đủ khả năng (được huấn luyện) để thực hiện.
Do đó người dân phải nhìn vào tài liệu và việc làm của đảng (lãnh tụ, cán bộ). Nhân tài có thể biết 1000. Nói 100 nhưng nói có thể thiếu sót, hiểu lầm. Viết (tài liệu, kế hoạch) 10 vì viết phải suy nghĩ trước khi viết. Nhưng chữ nghĩa nhiều khi vẫn không đủ để diễn tả vấn đề. Viết xuống có thể đọc nhiều lần để tránh sơ sót. Cuối cùng là thực hiện (làm) chỉ là 1. Vì sự thực hiện vô cùng khó khăn nên đa số các đảng thường lấy cứu cánh (mục đích) biện minh cho phương tiện (cách làm việc, thực hiện): Nhân danh mục đích tốt đẹp, đảng có thể làm việc bá đạo và nghĩ rằng quần chúng sẽ “thông cảm” mà bỏ qua. Đảng tập hợp con người và chính sách; một trong hai xấu thì đảng trở thành xấu và làm hại xã hội, dân tộc.
Hãy nhìn cách đối xử giữa các đảng với nhau: Nếu cùng là mục đích phục vụ dân tộc thì sẽ có đảng nắm đa số và thiểu số. Tuy khác nhau về đường lối thực hiện thì đó là đối lập chứ không phải kẻ thù. Nếu đảng A tìm cách triệt hạ, phá đám, bôi xấu … đảng B thì liệu họ sẽ đối xử với dân như thế nào khi cầm quyền? Một khi đối với những người có khả năng (đảng A) mà họ còn triệt hạ thì dân sẽ bị đối xử như thế nào? Và nếu bị đàn áp thì dân làm gì được? Nhiệm vụ của đảng khi tranh cử là thuyết phục quần chúng về chính sách, đường lối của đảng sẽ đem lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn các đảng khác. Nói chưa đủ, đảng phải có chương trình thực hiện trên phạm vi nhỏ để có chứng cớ qua kết quả. Đảng chính trị không thể là Tư đảng (đảng của một cá nhân, một nhà độc tài hay thiên tài) hay Công cụ đảng (dùng đảng như phương tiện để thực hiện mưu đồ khác mục đích phục vụ dân tộc, quốc gia). Đảng chính trị phải là Công đảng (cho mọi người tham dự dựa trên chủ trương đường lối phục vụ dân tộc, quốc gia).
Trách nhiệm của giới lãnh đạo đảng đối với cán bộ cấp dưới trong sinh hoạt nội bộ cũng như khi hoạt động phục vụ công chúng phải minh bạch, rõ ràng. Khi có chuyện lủng củng nội bộ như xung đột giữa địa phương và trung ương hay tình trạng vô kỷ luật trong sinh hoạt cho thấy khả năng của đảng. Nếu địa phương chọn đại diện mất tư cách thì giá trị đạo đức của đảng sẽ như thế nào? Một khi đảng muốn lãnh đạo quốc gia mà mất tư cách (đạo đức) và kỷ luật thì làm sao dân sẽ tin?
Khi người dân không đồng ý với chính sách của đảng A thì không thể nhắm mắt bầu cho ứng cử viên đảng B bất kể tư cách của nhân vật này tệ hại như thế nào so với ứng cử viên của đảng A. Đó là thái độ vô trách nhiệm, phá hoại xã hội hơn là xây dựng.
Một cá nhân khi tham dự sinh hoạt chính trị không thể đòi hỏi trên phương diện cá nhân. Một xã hội có 1 triệu “cái tôi” đòi hỏi khác nhau thì làm sao xã hội yên ổn? Đã sống trong xã hội, cá nhân phải kết hợp thành đoàn thể theo ngành nghề hay vì mục tiêu chung (cơ năng và bản vị) để tham dự sinh hoạt chính trị. Khi Hiến Pháp nói đến “tự do” là tự do trên căn bản luật pháp chứ không có nghĩa tự do bất kể luật pháp thì xã hội sẽ loạn. Cũng như “tự do ngôn luận” là có quyền nói, phát biểu nhưng nếu nói láo thì lời nói mất giá trị và gây rối loạn xã hội. Khi lời nói mất giá trị thì ý nghĩa và cá nhân phát biểu mất giá trị. Cá nhân hợp thành xã hội để mưu cầu an bình, trật tự. Khi bạn vi phạm căn bản đó thì bạn đã đứng ngoài xã hội rồi. Đó là chưa nói tới hình phạt.
Vì mỗi người có ý kiến khác nhau nhưng khi tranh luận thì phải trở về gốc của vấn đề và phương pháp thảo luận. Nhưng ai kêu gọi bạo động chỉ là kẻ phá hoại khi không phân biệt nguồn gốc vấn đề mà chỉ nhắm vào sự khác biệt để đòi hỏi kết quả tức thì qua bạo động. Gây rối và tạo sự tức giận, bất mãn trong quần chúng chỉ là âm mưu của những kẻ muốn chiếm quyền lực để trở thành độc tài. Mỗi cá nhân phải tự chủ, độc lập thì suy nghĩ, hành động mới đóng góp cho sinh hoạt dân chủ (trong khuôn khổ pháp luật). Dân chủ không phải ai cũng làm chủ theo ý riêng và sẵn sàng tiêu diệt kẻ chống đối.
Ai cũng muốn dân chủ. Làm dân thì dễ nhưng làm chủ thì rất khó. Một khi dân giao vai trò “chủ” cho người khác (đại diện dân) thì sẽ có lúc bị đại diện dân “quản lý” và dân trở thành nô lệ lúc nào không hay biết?
Vậy Hiến Pháp có nên quy định người dân phải tham dự sinh hoạt chính trị hay không? Cho dù chọn đại diện dân cử (vì toàn dân không thể hợp mỗi ngày) thì tương quan hai bên (hỗ tương) sẽ như thế nào để đạt cân bằng mà không bị lạm dụng (bởi vị đại diện) hay đòi hỏi quá đáng (từ phía dân). Một khi sự mất cân bằng xảy ra thì hai bên sẽ giải quyết ra sao? Sẽ có những quyết định về bí mật quốc gia (mà mọi người dân không nên biết) thì ai là thành phần tham dự và quyết định? Có những vấn đề mà người đại diện cần phải tham khảo cử tri trước khi quyết định. Có những vấn đề chuyên môn ngoài khả năng hiểu biết của dân cũng như vị đại diện thì sẽ cần có giới chuyên gia tham dự, cố vấn nhưng phải độc lập không thiên vị, thành kiến.
Con người sống trong xã hội, có được giáo dục để đóng góp sinh hoạt chung (chính trị) trên nền tảng luật lệ (hiến pháp) mà an sinh xã hội, hòa bình là chính. Cho nên mọi công dân phải ý thức dân chủ, tự do trong sinh hoạt quốc gia nhưng không vì thế mà giới lãnh đạo quốc gia gây chiến với dân tộc, quốc gia khác. Chiến tranh sẽ chỉ là cơ hội để bảo vệ lãnh thổ, dân tộc tự trị và sống trong thế giới an bình.
Kết
Khi đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng và kiến thức con người cần phải bắt kịp trào lưu tiến hóa của khoa học, kỹ thuật. Thông tin và giao thông cũng thay đổi thì văn hóa (là sự tương giao của con người trong xã hội) cũng phải thích ứng. Nhưng cơ thể con người vẫn như vậy, sống 24 giờ/ngày và trí óc con người không thể cùng trình độ phát triển. Một xã hội như vậy đòi hỏi cá nhân (dân) và tập thể (đảng chính trị) phải tìm lối thoát hay bị đè bẹp, phân hóa và tiêu diệt bởi chính những gì con người đã tạo ra.
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)