Tư Tưởng và Đấu Tranh (P2)

Con người Nhân Bản
Con người sinh ra với bản chất không Thiện, không Ác. Vậy thì khi nào tính Thiện, Ác trỗi dậy?
Khi con người bắt đầu tiếp xúc với cá nhân khác thì bắt đầu có sự phân biệt. Tuy có sự khác biệt nhưng chính yếu là 2 cá nhân có thể sống chung trong một đơn vị (làng, xã, trường học, sở làm…) trên căn bản một số nguyên tắc, luật lệ. Từ 2 cho đến 100, 1000 thì sự phức tạp càng tăng khi quyền lợi khan hiếm. Xã hội cộng sản đã dùng vật chất (Duy Vật) để kiểm soát con người. Trong khi tư bản cũng dùng vật chất (lợi nhuận kinh tế) để khuyến khích con người làm việc, phấn đấu nhiều hơn. Tuy che dấu dưới chiêu bài hạnh phúc, dân chủ, công bằng nhưng các nhà lãnh đạo chính trị (tư bản lẫn cộng sản) chỉ khai thác tâm lý quần chúng để cai trị chứ không nhằm mục đích xây dựng xã hội.
Đối với tầng lớp lãnh đạo hiện thời thì sự tranh đấu chỉ là mượn hình thức có vẻ là dân chủ: nếu bạn đứng lên tranh đấu, đòi hỏi quyền lợi thì chính quyền sẽ cứu xét (và thoả mãn yêu sách) nhưng đó không phải là thiện chí cải tổ một hệ thống đã từ từ lầm lạc và được che giấu qua nhiều thế hệ.
Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia dân chủ đã không có những cuộc hội thảo, tranh luận công khai về hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế… bởi vì các thế lực sẵn có không muốn thay đổi, làm mất quyền lợi của họ đã gầy dựng lâu dài. Điều này cho thấy chế độ gọi là “dân chủ” đã không thực sự dân chủ cho dù có bầu cử thường xuyên (Mỹ) vì hệ thống chính trị đã được đặt ra bởi những con người khôn ngoan, luôn luôn tạo kẽ hở, xung đột để có cơ hội cho họ đứng ra giải quyết vấn đề (sẽ là lãnh đạo). Tầng lớp ưu tú của xã hội đã không thực tâm giải quyết các vấn đề của xã hội vì họ (cộng sản lẫn tư bản) đều biết rằng khi con người có cơm no, áo ấm thì sẽ quên đấu tranh vì đa số không nghĩ sâu xa và không bền chí đấu tranh suốt đời.
Khi cá nhân 1 thấy có thể lợi dụng cá nhân 2, 3, 4 và hơn nữa thì sớm muộn họ cũng vươn lên về mặt kinh tế hay chính trị để lãnh đạo. Đã vươn lên vì quyền lợi thì bao nhiêu là đủ? Cuối con đường là tài nguyên thiên nhiên có giới hạn mà loài người tiếp tục sinh sản thì tranh chấp tất phải xảy ra.
Lịch sử đã tái diễn nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng con người vẫn tiếp tục tái diễn vết xe đổ. Đã có những thời điểm mà những nhân vật lịch sử xuất hiện để giải quyết vấn nạn của loài người. Nhưng cho dù biết các yếu tố Thiện để xây dựng xã hội, con người vẫn yếu đuối để các thế lực Ác lôi cuốn vào vòng Tham- Sân-Si hay thờ ơ đứng ngoài lề sự tranh đấu thay vì phải tham dự thường xuyên để xây dựng bản thân và xã hội.
Bất công xã hội, kỳ thị hay bóc lột xảy ra giữa hai cá nhân và nếu không được ngăn chận sẽ lan ra khắp xã hội. Nhưng vì con người chạy theo nhu cầu hưởng thụ và cho rằng người khôn ngoan, tài năng tất nhiên được ưu đãi hơn kẻ khác cho dù nhu cầu căn bản của một con người không khác nhau.
Người giỏi về khoa học, kỹ thuật không có nghĩa là sẽ giỏi về chính trị hay kinh tế và ngược lại. Vậy phần thưởng cho kẻ đóng góp tài năng cho xã hội sẽ như thế nào? Kiến thức, lương cao hay quyền lợi không có nghĩa là họ sẽ sử dụng để thâu tóm các nguồn sản xuất trong xã hội để chèn ép những người không có khả năng như họ.
Những kẻ yếu kém bị áp bức tới mức độ nào đó sẽ đứng lên tranh đấu. Và cho dù họ không biết sẽ đi về đâu nhưng đó là phản ứng tự nhiên của con người sống trong xã hội bất công. Vậy thì tất cả thay đổi trong xã hội con người đến từ tư tưởng. Có suy nghĩ thì có hành động. Khác nhau ở chỗ sự suy nghĩ có thấu đáo, xuyên suốt hay không. Đó là sự tu dưỡng để biết mình, biết người. Hãy quan sát để học tập làm con người Nhân Bản loại bỏ thú tính còn vương vấn trong Thân và Tâm, để ngăn chận tính Ác khi trỗi dậy trước ham muốn vật chất.
Khi con người tự giáo dục để biết Đúng-Sai, để sống hợp với thiên nhiên và xã hội (Nhân bản) chứ không phải nhắm mắt chạy theo những gì đang xảy ra trong đời sống hỗn loạn vì những người đi trước đã và đang làm. Hãy đặt câu hỏi về đời sống chính trị, kinh tế, tôn giáo… đang hiện hữu sẽ đưa bạn đi về đâu?
Nếu mọi người phải tranh đấu cho một xã hội tương lai thì đâu là điểm chung? Đó là tư tưởng, lý thuyết để hướng dẫn đám đông trên con đường xây dựng xã hội. Tư tưởng, lý thuyết đó không phải chỉ do một cá nhân vẽ ra và mọi người phải theo. Đó chỉ là một cấu trúc căn bản mà mọi người dựa theo đó để phát triển. Vì vậy, sự hình thành đòi hỏi sự tham dự của mọi người qua từng bước phát triển, thay đổi. Đó là dân chủ và bạn có quyền tự do tham dự. Một khi bạn bỏ qua thì bạn đã bỏ rơi tính “dân chủ” và không thể nhân danh quyền “tự do” để phản đối khi sinh hoạt dân chủ (mà bạn đã bỏ qua) gây thiệt hại hay không vừa ý bạn (vì bạn đã chọn tự do rời bỏ sinh hoạt dân chủ và như vậy bạn đã đứng ngoài xã hội).
Xã hội
Một khi đã kết thành xã hội thì phải có luật pháp. Luật pháp là những nguyên tắc chung được đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội và công bằng xã hội. Quốc hội (hay các nhà làm luật) soạn luật có thể thiếu sót (loophole) nhưng các nhà làm luật hay thi hành luật phải nắm vững nguyên tắc của luật pháp là trật tự và công bằng làm nền tảng chứ không phải chỉ dựa trên chữ nghĩa trong bộ luật hay lý luận của luật sư xuyên tạc ý nghĩa của ngôn ngữ trong bộ luật.
Một khi kết quả của vụ án gây xáo trộn xã hội thì mục đích của luật pháp và tòa án có còn giá trị về trật tự và công bằng hay không? Thần “công lý” vô tư vì được bịt mắt không nói lên được suy nghĩ của vị chánh án đã có thành kiến. Khi chánh án, công tố viên, luật sư của bị cáo, bồi thẩm đoàn… sau bao nhiêu năm thực hành vẫn không giải quyết những bất công xã hội về bản án, lỗi lầm của công tố viên, bồi thẩm đoàn cũng như thủ thuật của luật sư bị cáo đã để lại bất công xã hội, lâu ngày trở thành yếu tố mà người dân phải tranh đấu để cải thiện.
Bất công từ luật pháp dẫn đến bất công về chính trị, kinh tế, tôn giáo mà chúng ta thấy đã xảy ra trên đất Mỹ (2000s) là đất nước tự hào về nền dân chủ trên thế giới. Khi nhân quyền (theo tư bản) chỉ là vũ khí để sử dụng tùy lúc chứ không phải là căn bản chung cho mọi dân tộc, sắc tộc. Nếu nhân quyền của độc tài (Trung Cộng) khác với nhân quyền của tư bản thì nhân quyền nào đúng? Tại sao hiến chương của Liên Hiệp Quốc thì mọi nước đều công nhận nhưng bàn đến nhân quyền thì lại khác?
Vậy thì lớp người đấu tranh để cải thiện đời sống (nhân quyền) sẽ suy nghĩ ra sao? Cũng như cuộc tranh đấu về môi sinh, khí hậu thì có cần phải thay đổi chế độ chính trị hay không? Khi hệ thống chính trị chịu ảnh hưởng kinh tế, mà kinh tế hiện nay nằm trong tay các tập đoàn tư bản, cho dù họ có cố gắng cải thiện qua dạng năng lượng sạch (green energy) hay chủ trương “môi sinh-xã hội- quản trị” (E S G) nhưng liệu họ có thực tâm cải tổ hay chỉ vì quyền lợi riêng tư?
Nếu bạn đấu tranh cho công bằng xã hội nhưng xã hội là một tập thể của những cá nhân không bình đẳng. Cho dù hiến pháp có quy định nhưng bẩm sinh con người đã có tư chất khác nhau. Cho dù hệ thống xã hội có những cơ quan giúp đỡ những kẻ yếu kém có cơ hội vươn lên nhưng nếu bản thân họ không có quyết tâm, cố gắng thì việc thực hiện công bằng xã hội cũng vất vả, chưa kể những kẻ cố ý ăn vạ hay cố tình lũng đoạn để thủ lợi. Hay xây dựng một chế độ dân chủ để mọi người dân tham dự nhưng vẫn có kẻ lợi dụng sinh hoạt dân chủ để thực hiện một chế độ độc đoán mà vẫn nhân danh “tự do, dân chủ”?
Hoặc khi xã hội đặt niềm tin nơi “thượng đế” (In the God we trust) mà mỗi tôn giáo có một “thượng đế” khác nhau thì “niềm tin” có giống nhau không? Nếu giống thì tại sao “thượng đế” lại xuất hiện khác nhau? Hãy tự hỏi con người sống với nhau, trước mặt, mà không tin nhau lại phải kêu gọi đặt niềm tin vào kẻ thứ ba (thượng để) ở chốn vô hình?
Nếu những người đi đấu tranh hiểu rằng một khi tham dự là theo đuổi cả cuộc đời thì tất phải có sự suy nghĩ về đường dài chứ không phải chỉ là vấn đề trước mắt.
Để theo đuổi con đường dài vô tận thì hành trang (cuộc sống) của bạn phải đơn giản và tư tưởng của bạn phải sâu xa và chính đáng.
Chúc bạn may mắn.
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s