Lời người viết: “The monk and the philosopher: a father and son discuss the meaning of life”, Jean-François Revel, Matthieu Ricard, 1997 là cuốn sách nói về người cha là một triết gia và con là khoa học gia tu theo Phật giáo Tây Tạng, thảo luận về ý nghĩa của đời sống. Không biết bao nhiêu người Việt có cơ hội đọc qua. Việt Nam có rất nhiều tu sĩ nhưng rất ít triết gia. Nhưng nói về giá trị của tu sĩ thì cũng rất hiếm và giá trị của triết gia càng hiếm hơn. Tuy vậy, cộng đồng Việt Nam hải ngoại vẫn có người muốn đánh du với cả hai để tìm cái gì?
Người Việt sống tại hải ngoại thường không chú trọng đến triết học hay tu hành. Tuy nhiên vẫn có một số người trở thành tu sĩ nhưng triết gia thì hầu như không có. Triết là ngành học về lý luận để dẫn suy tư con người lên tới mức cao nhất, sâu nhất, đa diện nhất vì phải đối đầu và trả lời cho mọi vấn để của cuộc sống. Triết gia không thể làm giàu vì triết hầu như không phải là nhu cầu cần thiết cho con người. Triết học chú trọng đến thiên nhiên và con người. Tâm lý học chú trọng đến tâm trí và hành động.
Triết gia
Thường thì các triết gia nổi tiếng vì một tác phẩm hay câu nói bất hủ. Như Descartes “tôi suy nghĩ, như vậy tôi hiện hữu” (I think, therefore I’m) hay Pascal “con người là một cây sậy có tư tưởng” hoặc Nietzsche “Thượng đế đã chết”…. Gần hơn là Karl Marx với Tư Bản luận.
Krishnamurti được coi là triết gia cuối cùng của thế kỷ 20, ông mất 1986 và sau đó những gì ông thuyết giảng đã đi vào quên lãng; tuy rằng sách của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Ông là người Ấn, sống độc thân, ăn chay, không tài sản tuy rằng hiệp hội mang tên ông được ủng hộ rất nhiều tiền. Theo Phật giáo thì ông là hiện thân của Long Thọ bồ tát, ông học từ Văn Thù sư lợi và phục hồi Tánh Không trong đạo Phật.
Triết gia thường là người không màng danh vọng, họ bỏ cả đời để theo đuổi những suy nghĩ của họ hay tranh luận với đồng viện. Cho dù có đạt đến một triết học có hệ thống, có được xã hội chấp nhận hay không thì các triết gia cũng không màng tới.
Đó là điểm mà triết gia giống tu sĩ. Nhưng triết gia có thể còn Tham- Sân- Si trong khi tu sĩ thì tuyệt đối không còn (vì nếu còn thì không phải là tu sĩ mà là “tu sĩ diện”).
Tu sĩ
Tu sĩ là những người theo đuổi con đường đạo. Họ sống đơn độc hay tập thể trong các tu viện. Tùy theo tôn giáo hay phương thức tu tập, tu sĩ có những cấp bậc hay đẳng cấp để tiến lên không vì quyền hành hay lợi lộc mà để đánh giá thành quả tu luyện. Vì là những người đã bỏ đời (phú quý vinh hoa) để đi vào con đường thanh tịnh. Ngoại trừ những vị có nhiệm vụ truyền đạo (hoằng pháp) thì đa số tránh tiếp xúc với xã hội. Tu sĩ có thể là triết gia nhưng triết gia chưa hẳn là tu sĩ. Đi tu là có một quan niệm sống. Đời sống có liên quan đến thiên nhiên. Cho nên nếu có tu sĩ trở thành triết gia cũng không lấy làm lạ.
Chuyện cộng đồng Việt Nam
Trong cộng đồng Việt Nam thì tu sĩ có nhiều nhưng thực thì ít mà giả thì nhiều. Khác biệt rõ rệt nhất là “giả” thì hay ồn ào, gọi là hoằng pháp nhưng pháp tu thì không thấy mà chỉ thấy “phép màu” gây quỹ, thu tiền xây chùa, xây tượng… biến nơi tu viện thành hội chợ, nơi du lịch. Còn tu sĩ thứ thiệt thì không ồn ào. Họ sống đơn giản, lo tu tập hay nghiên cứu kinh điển và những người này có thể đếm trên đầu ngón tay cả trong và ngoài nước Việt Nam.
Còn triết gia thì Việt Nam hầu như không có. Có người cho Bùi Giáng là triết gia, nhưng ông chỉ là nhà thơ với ngôn ngữ kỳ quặc. Có người cho Phạm Công Thiện là triết gia nhưng ông chỉ là người biết nhiều, có lối sống lạ đời, có nhiều tác phẩm nhưng chưa đủ phẩm chất của một triết gia.
Các nhà tâm lý học tại Mỹ rất nhiều, là môn học chú trọng đến trí óc (mind) và cư xử (behavior) của con người nên có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội qua trường học, bệnh viện, công ty, dịch vụ (quảng cáo) cũng như vận động chính trị, ngoại giao. Sau khi Phật giáo Tây Tạng du nhập sang Tây phương thì rất đông các nhà tâm lý học đã theo đuổi các cao tăng Tây Tạng để học hỏi về tâm linh, nhất là các hoạt động mà các nhà tu đã bỏ công ra kiểm soát của bộ não con người trong quá trình tu luyện.
Cũng như luật sư là nghề kiếm tiền nhiều nhất tại Mỹ và có mặt khắp nơi. Mọi ngành nghề, dịch vụ, trao đổi, tiếp xúc… đều cần có luật sư. Luật sư tại Mỹ có quyền lực vì ngoài khả năng ngôn ngữ còn có quyền sáng tạo chữ mới (jurilexicography). Đây là một lợi thế của luật gia vì luật là chữ nghĩa đã xác định. Khi luật sư giới thiệu một ngôn từ mới thì vụ án hay vụ kiện sẽ thay đổi và phải xét lại toàn bộ. Và như vậy luật sư có thể tìm cách thay đổi kết quả vụ kiện. Đó là điều khó nhưng vẫn có thể xảy ra.
Không biết có phải vì tác phẩm ” Triết gia và tu sĩ ” được nổi tiếng vì nối kết khoa học với tôn giáo, triết học nên có người Việt cũng muốn bắt chước. Có nhà luật sư Mỹ gốc Việt thích trò chơi đó. Ông ta đi kiếm tu sĩ để thảo luận vì ông ta nghĩ rằng mình là một triết gia. Cho dù ông ta có thời giờ viết sách ngàn trang (để biếu) lý luận ngang dọc vì đã đọc ngàn cuốn sách và “trình độ” của ông là truyền hình màu còn Chúa (Jesus) hay Phật chỉ là truyền hình đen trắng. Và ông ta kiếm tu sĩ thứ thiệt để tranh luận cho dù hai người không biết nhau, một trong nước, một hải ngoại nhưng có lẽ vì tu sĩ viết về một đề tài nào đó chạm “nọc” ông “triết gia” nên người lên tiếng thách đấu qua mạng. Vị tu sĩ này hiện ẩn cư, dịch kinh, viết sách… có lẽ vì nổi tiếng nhờ những tác phẩm đã xuất bản nên có những con ngựa non háu đá muốn nổi tiếng ngang xương nên “húc” vào để — dù có thắng (0%) hay thua (100%) thì cũng “đi vào lịch sử” triết học Việt Nam. Dĩ nhiên vị tu sĩ sẽ không trả lời những chủ đề của “triết gia” đưa ra vì chính ông cũng không còn thời gian bao lâu để “đấu” nhảm. Cho dù “triết gia” có thể huênh hoang tuyên bố thắng cuộc vì đối thủ bỏ cuộc (forfeit) và có thể xuất bản sách ghi lại chiến công “triết gia thắng tu sĩ”.
Nếu tranh cãi về triết học thì tu sĩ sẽ thua vì Phật giáo là thực hành, không phải để đấu láo (hý luận) và ông ta sẽ không phí thời giờ cãi lý với luật sư. Nếu tranh cãi về phật học thì tu sĩ cũng thua vì không thể cãi với người không thực hành con đường của Phật mà chỉ đứng bên đường nói nhảm về niết bàn, luân hồi với nghiệp mà quên rằng tu là nhìn vào bên trong để sửa đổi, để tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời. Đó là lý do tu sĩ phải nhập thất, tự cô lập để tìm hiểu về bản ngã. “Nói thì không nghĩ, nghĩ thì không nói”. Kẻ nói nhiều như luật sư thì chẳng hiểu cái …. gì, nhất lại còn phải đi kiếm cơm thì còn đâu thời gian tự vấn.
Nếu có ai tìm hiểu về đạo Phật đều biết chuyện Huệ Năng và Thần Tú tranh biện về tấm gương. Giác ngộ trong đạo Phật không thể dùng trí thông minh của con người để giải quyết. Giác ngộ là do công phu tu tập, là căn cơ mỗi người. Nếu nói về kiến thức thì Hoa Nghiêm kinh đưa ra chuyện Thiện Tài đồng tử du học mười phương thế giới mà sau này gọi là “Thập Huyền Môn”. Có lẽ vậy mà ngày nay có Thiên Tai Đồng Chí (hậu duệ của Thiên Sơn Đồng Mỗ, Kim Dung) xuất chiêu “Giáng sư thập bát chưởng” (tấn công tu sĩ bằng 10 câu hỏi) để tranh luận về đạo.
Đạo là con đường, Phật chỉ con đường giải thoát để đi. Không đi thì thôi, đứng bên đường “Trường sơn” tranh luận làm gì? “Đói ăn, khát uống”. Không đói, không khát tức no cơm rửng mỡ, tán nhảm. Ai rảnh đâu mà ngồi tán nhảm với người Thiên tai.
Kể từ khi các đoàn “cải lương” chính trị chìm xuồng thì cộng đồng Việt Nam có hơi ế khách. Nay có phường tuồng nổ ra thì không biết có người xem không? Chẳng may xảy ra trên mạng thì ít ai biết vì mạng xã hội chỉ là nơi bọn “đá cá lăn dưa” múa may. Mà nếu đợi in sách thì thật tội nghiệp cho công ty Amazon và cộng đồng Việt Nam cũng như thân hữu.
Tuy rằng đối với bạn bè thân quen thì “triết gia” vẫn thú nhận là mình “dỏm” nhưng ngoài đời thì vẫn múa gậy vườn hoang. Hy vọng mong manh là “triết gia” sẽ chỉ ngồi trong tháp ngà để đấu láo giành ngôi bá chủ võ lâm trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Nếu chẳng may người xuống núi cứu nhân độ thế qua ngã chính trị thì thật tai ương cho nhân loại vì Trump, Putin, Xi Jinping, Kim Jong Un, Nguyễn Phú Trọng… đã đủ rối loạn thế giới nay lại thêm “Triết gia kiêm Tu sĩ tức Luật sư cộng Tiến sĩ cũng là Giáo sư” thì người Việt hải ngoại hết thở.
Trần Quang Hiệt
Tháng 9 năm 2022 (Việt Lịch 4901)