TUỔI TRẺ: BIẾT ĐẶT CÁC CÂU HỎI CHO CHÍNH MÌNH
Các bạn trẻ trong các thành phần vừa được-hoặc-bị nhận diện như trên, biết đặt các câu hỏi cho cho chính mình: Tôi đang làm gì trong cuộc sống này? Cuộc sống của tôi có ích gì, lợi gì cho gia dình, cho quyến thuộc, cho dân tộc, cho quê hương? Tôi muốn làm gì trong cuộc sống này, muốn mang ý nghĩa gì cho cuộc đời tôi, cho đồng loại của tôi? Nói gần nói xa không qua nói thật: Tôi có nên sống trong liêm sỉ, trong tự trọng, trong khiêm cẩn với đất nước này không? Tuổi trẻ sáng suốt luôn đặt các câu hỏi vấn nạn về đồng loại, đồng bào của mình: hiện nay gia đình, quyến thuộc, dân tộc đang bị những nguy cơ gì? Những hiểm họa nào đang trùm phủ trên đất nước, trên quê hương ta? Tiền đồ của tổ tiên, rồi tương lai của các thế hệ sau ta sẽ phải gặp những nguy khốn gì? Tuổi trẻ tỉnh táo luôn đặt các câu hỏi về tương lai cả mình, của người thân, của tập thể, của cộng đồng mà mình là thành viên: cùng nôi tam giáo đồng nguyên với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, họ đã làm chủ rồi tại sao Việt tộc lại cứ làm công cho họ, với lương bổng thấp, bị coi rẻ về số phận, bị coi thường về nhân cách, mang kiếp lao nô? Tại sao ngay thế hệ của mình không tự lập để tự chủ, không có sáng kiến để có sáng tạo, làm chủ như họ? Không có gan làm giầu, lại không chịu thức khuya dậy sớm? Không một nắng hai sương, lại hay có phản xạ gà què ăn dựa cối xay, trông cầu vào viện trợ?
TUỔI TRẺ: THÁO TRÒNG VÔ NGHĨA
Tại sao lại nhắm mắt cho các nhóm quyền lợi thao túng vận mệnh của dân tộc? Để chúng mượn nợ mới để trả nợ cũ, rồi ai sẽ trả nợ mới khi các bọn tà quyền cao bay, xa chạy ra nước ngoài? Tuổi trẻ thông minh luôn đặt các câu hỏi về thực tại của dân tộc, thực tế của thế giới, thực tiễn của thời cuộc: một thời cuộc đang diễn biến vừa sâu sắc, vừa gay gắt qua tên gọi: toàn cầu hóa, thế giới hóa, trong đó môi trường mới liên châu lục, liên văn hóa, thông tin của trực tiếp, truyền thông của trực diện, tạo ra các điều kiện mới vô cùng thuận lợi để tuổi trẻ Việt tự giải phóng tư duy của mình! Tự khai thị để khai trí, thoát ly độc (độc tài, độc trị, độc quyền, độc đảng) để nhập nội với đa (đa tài, đa năng, đa trí, đa hiệu trong đa nguyên). Những kẻ bị xem là vô loài vì nhân tri, nhân trí không xếp hạng được họ trong các bậc thang của nhân đạo, nhân tính, nhân nghĩa, nhân văn…. Chỉ có một cuộc sống, mà cuộc sống không vĩnh viễn, lại rất vô thường, thì tuổi trẻ chọn các cách sống có ý nghĩa để chống cái vô nghĩa; từ mong sống tới muốn sống trong ý nghĩa, với các giá trị nhân bản, với tầm vóc của nhân văn, với bản lĩnh của nhân đạo. Tháo gỡ được cái vô nghĩa, là thoát cái bản năng: «đói ăn, khát uống», có khi phải sẵn sàng chụp giựt để tồn tại, có lúc phải sang đoạt để sống còn, rời nhân tính để vào lối của thú tính. Cái vô nghĩa kéo nhân tính xuống thấp hơn nhân sinh, mà Nguyễn Du đã mượn lời Từ Hải để loại cái vô nghĩa ra khỏi cái trọng nghĩa: «Những phường giá áo túi cơm sá gì!», sống chỉ vì chén cơm manh áo thì thật uổng cuộc sống! Sống chỉ vì cơm áo gạo tiền thật phí cuộc đời!
TUỔI TRẺ: CHỦ THỂ CỦA Ý NGUYỆN SỐNG VÌ ĐỜI VÌ NGƯỜI
Mỗi cá nhân tuổi trẻ phải là chủ thể của cuộc đời mình, của ý nguyện sống vì đời vì người, mà chủ thể là phải có trách nhiệm với tha nhân, có bổn phận với đồng loại, nên luôn có đồng cảm với đồng bào của mình. Muốn làm chủ thể tới nơi tới chốn thì tuổi trẻ phải biết tự hỏi rồi tự trả lời các câu hỏi sau đây: giá trị của nhân tính ở đâu? Giá trị của nhân bản phải tìm ở đâu? Ta muốn làm gì trong nhân thế? Ta đủ sức làm gì cho nhân sinh? Kẻ vô tình sống trong một hệ thống chính trị mà không hiểu bất công của hệ thống chính trị đó; làm việc trong một cơ chế mà không thấu các bất bình đẳng do cơ chế đó tạo ra. Hít thở các ý đồ xấu, tồi, tục, dở của một ý thức hệ của bè nhóm thống trị (rất thiểu số) mà không thấy môi trường nhân tính của mình đang bị nhiễm ô. Ăn uống các mưu đồ thâm, độc, ác, hiểm của bè nhóm thống trị mà không thấy mình đang bị ngộ độc, sẽ dẫn dần tới ung thư tâm linh, què quặt tư duy mà không có được một nhận thức đứng đắn nào. Nếu một chính quyền được xây dựng trên tư lợi của bè đảng thống trị, thì luôn mang theo ba ý đồ: khống chế-đàn áp-bóc lột đám đông, quần chúng, dù đó là đồng loại, đồng bào của chúng. Khống chế là tướt đoạt quyền làm người của dân chúng, rồi đưa xã hội dân sự vào khung tư tưởng tư lợi của bè nhóm thống trị; đưa vào tù qua cơ chế (hộ khẩu, biên chế, kỷ luật nội bộ…) do bè nhóm thống trị này đặt ra.
TUỔI TRẺ: CHỐNG KHỐNG CHẾ, ĐÀN ÁP, BÓC LỘT
Bè nhóm thống trị này sẵn sàng luật hóa, hiến pháp hóa ý đồ của chúng, để áp đặt tư lợi của bè đảng thống trị trên quyền lợi của dân tộc, áp chế tư lợi của chúng trên cả tiền đồ của tổ tiên. Đàn áp là sử dụng các phương tiện, các công cụ, các kỹ thuật của bạo lực tự cho phép bè đảng thống trị bạo động trong xã hội, bạo hành trong dân chúng, bạo ngược trong luật pháp, bạo ác trong đạo lý. Bè đảng thống trị luôn nắm thật chặt công an để tổ chức công an trị trong xã hội, để trấn áp mọi phong trào đấu tranh vì công bằng, công lý. Bóc lột là cụ thể hóa tư lợi bằng con đường bất chính của bè đảng thống trị giờ đã thành bọn cướp ngày là quan, chúng là tham quan ăn tươi nuốt sống bằng tham nhũng, tham ô, chỉ vì chúng chỉ biết tham lợi. Chúng duy trì nghèo khổ trong dân tộc để nô lệ hóa dạ dày dân chúng, biến tiềm lực lao động của quần chúng thành lao nô cho ngoại quốc, ngoại ban mà chúng đã có chia chát qua chia lời. Bộ ba khống chế-đàn áp-bóc lột là thực chất của mọi thể chế độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc quyền, độc đảng) đánh lận con đen khi thay quyền lợi tập thể thành quyền lợi riêng của chúng. Chúng vừa bòn rút, vừa vơ vét, vừa tính chuyện bỏ chạy, khi công lý xuất hiện để xử tội chúng, nên khi cầm quyền chúng rất sợ cái lý của đa (đa tài, đa năng, đa hiệu, đa nguyên) cùng lúc lách luật, nếu cần xé luật, vì luật chơi, trò chơi, sân chơi của nhân loại mang tính phổ quát, muốn chơi chung thì phải liêm chính trong đạo đạo lý và công bằng qua công lý, cụ thể là phải tôn trọng nhân quyền và dân chủ.
TUỔI TRẺ: THÁO TRÒNG VÔ TÂM
Tuổi trẻ sẽ không vô tâm khi có tri thức để trao dồi kiến thức, có ý thức để củng cố nhận thức trước tương lai sắp tới của nhân loại, trước vấn nạn mai sau của đồng bào, trong bối cảnh bất bình đẳng trên toàn cầu ngày càng nhiều, càng cao, càng sâu. Không chấp nhận bất bình đẳng nhân sinh này! Cũng như đừng nhắm mắt trước các bất công mà dân đen, dân oan đang phải gánh chịu trên quê hương Việt tộc! Hãy đặt các câu hỏi trong bao tỷ người nghèo khổ kia, có biết nhiêu nhân tài, vì không có điều kiện thuận lợi mà tài năng của họ bị mai một? Trong số người đó có bao nhiêu ngàn, bao nhiêu vạn thanh niên của Việt tộc đầy năng khiếu, tràn triển vọng để thành các nhân tài cho đồng bào mình mà không có đất dụng võ? Hãy đẩy các câu hỏi đi xa hơn, đi sâu hơn để hiểu rõ nghiệp chướng mà Việt tộc đang gánh chịu trước bọn tham quan sống bằng tham nhũng, mỗi ngày bòn rút tài nguyên đất nước, bào mòn sinh lực dân tộc, đồi trụy hóa tuổi trẻ, để số phận Việt tộc như chỉ mành treo chuông hiện nay! Kẻ vô tâm vì không vắt óc, vận não để hiểu nỗi khổ niềm đau của nhân thế, nên chóng chày sẽ vô cảm, không cảm thông hết nỗi niềm của dân tộc trước các nguy biến mới. Đừng vô tâm để đừng rơi vào bi kịch kẻ vô tri trước nhân thế, vô tình trước nhân sinh, rồi vô trách nhiệm trước nhân nghĩa với đồng bào, với đất nước.
TUỔI TRẺ: LẤY CÔNG TÂM VỰC DẬY CÔNG LÝ
Rời tuổi thơ, qua tuổi thiếu niên, vào tuổi trẻ để học làm người, tuổi trẻ chưa hề bị tham nhũng làm thối nát hóa cuộc đời mình, nhưng trong một đất nước đầy bất công, không phát triển được, chỉ vì tham những bòn rút hết sinh lực của đồng bảo mình, thì tuổi trẻ phải nhận diện để trực diện với tham nhũng. Tham nhũng xuất phát từ vị thế của tham quan, lấy tham quyền để tham lợi, tức là dùng quyền lực để tạo ra quyền lợi bất chính, lạm quyền để trục lợi, tư lợi rồi trụ lợi. Không lấy công làm lời mà lấy quyền để sinh lãi. Tham những lén lút trong cái bất chính của tham ô. Tham nhũng không liêm chính, vì đã bất chính ngay trên thượng nguồn, sẵn sàng mua quyền, bán chức để vơ vét, đổi trắng thay đen để lừa đảo, biến công quyền thành tư lợi, kể tham nhũng đẩy công quyền xuống thấp hơn tư lợi sẵn sàng lừa thầy, phản bạn, thì cũng sẽ tự ý cõng rắn cắn gà nhà, tự tiện đem voi dày mả tổ. Tuổi trẻ có hoài bão của công bằng, lấy công tâm vực dậy công lý: hãy vạch mặt chỉ tên bọn tham nhũng, tham ô, tham quan, tham lợi đang đưa đất nước xuống vực thẳm. Dấn thân là hình hài di động của tư tưởng khi tư tưởng đã trở thành lý tưởng!
Giải Luận: Dân Tộc (P22)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).