Bạn thân
Ở vào cái thời buổi của cụ Phan Bội Châu thì cụ đưa ra những căn bệnh của Việt tộc. Những căn bệnh đó đã làm cản trở sự trưởng thành của một dân tộc để có thể cạnh tranh với thế giới trên nhiều lãnh vực về y tế, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật v.v….
Một phần tư thế kỷ 21 sắp đi qua nhưng nhìn lại thì Việt tộc nói chung và “trí thức” Việt nói riêng vẫn mang những căn bệnh ngày xưa. Dù rằng “trí thức” Việt hôm nay đang sống ở nước ngoài nhưng vẫn có căn bệnh giống như “trí thức” Việt trong nước. Căn bệnh đó là gì?
Đơn giản “trí thức” Việt trong hay ngoài nước đều xem cái bằng cấp rất là quý trọng và từ đó họ xem thường người khác. Họ nghĩ rằng với cái bằng cấp họ có, được cấp từ một trường sở nào đó — thì cho họ cái quyền phán đoán mọi vấn đề và xem thường ý kiến của người khác chỉ bởi vì cá nhân đó không có cái bằng cấp như họ có.
“Trí thức” Việt bị “tẩu hỏa nhập ma” vì căn bệnh xem bằng cấp quá nặng, quá cao bởi họ nghĩ rằng họ đọc nhiều thì họ sẽ hiểu nhiều. Không chối cãi là đọc nhiều sẽ hiểu nhiều nhưng cái quan trọng là có tiêu hóa những cái mình đọc hay không (nếu không thì chỉ là con mọt sách). Chỉ khi tiêu hóa được những gì đã đọc thì lúc đó người ta sẽ hiểu được ngoài ý và trên lý của người viết; từ đó người đọc sẽ cảm thấy sự hiểu biết của mình quá nhỏ so với trăm ngàn vấn đề trong cuộc sống của người. Tiếc rằng “trí thức” Việt không hiểu điều này vì đã bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Gần đây một người “trí thức” Việt tại Mỹ, với nhiều bằng cấp về kinh tế, quản trị, luật sư, và triết học đã “can đảm” nhận định và phản biện lại quyển sách Tổng Quan Về Nghiệp của tu sĩ Tuệ Sỹ.
Chuyện nhận định về một quyển sách là chuyện rất bình thường nhưng ngay cả những người chuyên về nhận định sách, họ cũng rất dè dặt và không phải quyển sách nào họ cũng đem ra nhận định, đặc biệt là những quyển sách họ hoàn toàn không hiểu về chuyên môn, chuyên ngành của một quyển sách. Điều này đối với “trí thức” Việt, vì không hiểu điều cơ bản trên, nên “can đảm” làm chuyện điểm sách và phê bình đề tài mà người ngoài nhìn vào tiểu sử của nhà “trí thức” này, họ cho rằng nhà “trí thức” này hoàn toàn mù tịt về chủ đề Nghiệp.
Nếu nói về chủ đề Nghiệp thì chỉ có những người tu lâu năm mới có thể hiểu rõ chủ đề này. Tuệ Sỹ là người tu từ nhỏ cho nên có thể nhận định là Tuệ Sỹ hiểu rõ chủ đề Nghiệp hơn vị “trí thức” Việt tại Mỹ. Người có đủ khả năng để đánh giá về quyển sách của Tuệ Sỹ là những tu sĩ được gọi là cao tăng — bởi chỉ có những cao tăng, qua bao nhiêu năm đọc, suy ngẫm, tự hỏi ở chính mình để nhìn Nghiệp ra sao, thế nào trên cái nhìn của tư tưởng Phật Giáo. Dĩ nhiên những vị cao tăng này, cho dù có thừa khả năng để nhận định quyển sách của Tuệ Sỹ, họ không làm chuyện đó bởi họ tôn trọng lẫn nhau, bởi họ đã không còn Tham-Sân-Si ở trong người họ.
Khi một cá nhân bận rộn với đời sống hằng ngày, bận rộn để lấy bằng cấp này, bằng cấp nọ thì làm sao có đủ thời gian để suy tư, để tự hỏi chính mình về Nghiệp? Nếu một ngày có 24 tiếng, ngoài giờ ăn, ngủ, nhậu, tiệc tùng; thời gian còn lại làm việc để tạo ra đồng tiền thì thời gian đâu để hiểu rõ chủ đề Nghiệp so với những người đã dành suốt cuộc đời để tìm hiểu về tư tưởng Phật học?
Một cá nhân mà Tham-Sân-Si đầy mình thì khi nhận định quyển sách của Tuệ Sỹ — không phải để làm sáng tỏ vấn đề mà là để chứng minh Tham-Sân-Si của bản thân ở cao độ không biết lượng sức mình, để nhảy vào một đề tài mà bản thân hoàn toàn hiểu biết rất kém nếu không muốn nói là một con số không to lớn.
Một cá nhân mà bên dưới bài viết ghi những bằng cấp, chức vị thì cá nhân đó có mặc cảm rất cao; và để che giấu cái mặc cảm đó thì tốt nhất là khoe bằng cấp và chức vụ của chính mình. Một cá nhân mà so sánh đức chúa Jesus, Phật là truyền hình trắng đen và mình là truyền hình màu thì cá nhân đó đã thực sự “tẩu hỏa nhập ma”. Khi đã ở tận cùng của “tẩu hỏa nhập ma” thì làm sao có thể nhận định về chủ đề Nghiệp hay bất cứ chủ đề nào trong cuộc sống của con người.
Xem ra căn bệnh “trí thức” Việt sống hùng và sống mạnh ở đầu thế kỷ thứ 21. Ngày nào Việt tộc vẫn còn những “trí thức” như thế thì đất nước khó mà có thể đứng lên cùng thế giới.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)