Lý thuyết đến thực hành
Từ khi người di dân Âu Châu đến Mỹ lập quốc, họ đã từ bỏ triết học chỉ giữ lại tâm lý học như một ngành của y khoa về bệnh tâm thần và dùng trong chính trị để tấn công nhau, hay trong thương mại để quảng cáo sản phẩm mới. Đi từ chủ nghĩa thực dụng họ đã bỏ qua vấn đề đạo đức. Đôi khi có nhắc qua nhưng chỉ là khẩu hiệu vì chiến thắng và thành công là tất cả, miễn là được việc. Tin nơi Thượng Đế (in the God we trust), lời thề trên thánh kinh khi nhậm chức… trở thành trò hề dưới thời Trump.
Ai cũng biết lịch sử loài người kết thành xã hội để chinh phục thiên nhiên. Có thiên nhiên mới có loài người. Xã hội cần có quản trị, đó là chính trị và kinh tế. Sau một thời gian chính trị và kinh tế (tư bản) quản trị dẫn đến ô nhiễm môi sinh và xã hội suy thoái. Vậy đầu mối từ đâu?
Tại Việt Nam từ thời 1920s, Lý Đông A đã cho rằng thiên nhiên (tự nhiên)- tư tưởng (con người)- xã hội (quản trị) là căn bản nền tảng. Từ con người (tự kỷ) có tu dưỡng để biết sinh mệnh tâm lý, tác động đến bên ngoài (động tha) và nương tựa nhau để sống (ỷ tha). Dân chủ theo Lý Đông A là phải có Nhân Chủ, có giáo dục vì đó là khởi điểm và chung điểm của chính trị. Mọi người phải trực tiếp tham dự chính trị từ đáy tầng xã hội và hiến pháp phải là bộ máy (cơ năng) được tu chỉnh theo chu kỳ ấn định cho thích hợp với đà tiến của nhân loại để đi đến đời sống kinh tế bình sản (là sự phân phối nhu cầu đến cho mọi người một cách quân bình).
Sự phân biệt Tả-Hữu không còn hợp lý khi con người đối diện với sự tồn vong của nhân loại. Giới tư bản (phe Hữu) kêu gọi sự giàu có hay thịnh vượng của một thiểu số (hay giấc mơ của một số đông khác) vẫn chỉ là tiếp tục làm giàu mà không giải quyết được vấn nạn E S G đề ra. Khi các chế độ độc tài, cộng sản (phe Tả) cho rằng sự chỉ huy tập trung sẽ giải quyết mọi khó khăn nhưng thực tế chỉ làm con người thụ động, ỷ lại nhiều hơn thay vì phải năng động để đối phó với thiên nhiên mà chỉ có người địa phương mới đủ khả năng chứ không thể chờ trung ương xuống điều tra, giải quyết.
Vì người dân phải chủ động, người dân trở thành lãnh đạo tức thời chứ không phải qua bầu cử, chọn đại diện, rồi khi đại diện về trung ương, chịu ảnh hưởng của các nhóm vận động hành lang từ các công ty, kỹ nghệ… để rồi đi ngược lại nguyện vọng của cử tri như chúng ta thấy đang xảy ra tại Mỹ.
Khi trở thành lãnh đạo, người dân (lãnh đạo) phải có đạo đức. Mà đạo đức không phải mua, gắn vào là sử dụng được. Đạo đức là sự tu dưỡng theo thời gian để làm chủ bản thân (Nhân Chủ), để sống biết, sống đúng, sống thật. Đó là sự tranh đấu của mỗi cá nhân vượt lên trên những cái có sẵn của hệ thống cũ đang ngự trị. Cuộc cách mạng bản thân không phải xuống đường biểu tình, đòi hỏi chính quyền phải thay đổi (vì hệ thống đã lâu đời) hay bạo động, đập phá (dùng bạo lực như tại Mỹ hiện nay) sẽ chỉ gây rối loạn thêm khi chính bản thân bạn chưa biết sẽ đi về đâu. Bằng sự quan sát. Khi quan sát là khởi điểm và chung điểm của giáo dục, bạn sẽ thay đổi từ bên trong để trở thành nhà giáo dục và thay đổi xã hội cùng với những người bạn đồng hành.
Điều đó đòi hỏi sự tham dự của số đông, của các địa phương, của toàn dân. Mỗi cá nhân không thể thoái thác trách nhiệm nhân chủ. Vì không có nhân chủ sẽ không có dân chủ. Thời gian của mỗi cá nhân như nhau, nhu cầu sống của mỗi cá nhân như nhau nhưng tài năng của mỗi cá nhân khác nhau. Thời gian bạn không có (tham dự), tài năng bạn không có (sáng tạo) thì làm sao bạn đòi hỏi nhu cầu phải như người khác?
Hiện nay thế giới đang thử các biện pháp như lợi tức căn bản (basic income) nhưng cho dù cá nhân có ăn, có chỗ ở thì vẫn có nhu cầu hoạt động? Làm gì cho hết ngày? Con người đối diện với mâu thuẫn giữa ước mơ (quyền lợi) dân chủ, tự do, cơm no, áo ấm … và thực tế (trách nhiệm) tham dự sinh hoạt xã hội, chính trị. Đó là chưa nói tới yếu tố kinh tế: sinh kế, việc làm sẽ dẫn tới xung đột giữa làm việc bạn thích (thể thao, âm nhạc, hội họa…) hay vì lợi tức, lương bổng.
Dân chủ (hay tự do) là tạo cơ hội cho người dân vươn lên làm chủ bản thân, xã hội (hay đất nước) nhưng chủ nghĩa tư bản đã tìm cách bóp méo dân chủ qua chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ. Khi con người quên đi thời hạn của một đời người, của một ngày trôi qua để chạy theo sự hưởng thụ thì đã đánh mất khả năng học hỏi, đóng góp vào khác mặt khác của đời sống (giáo dục, gia đình, xã hội, chính trị…). Cuối cùng, người dân rơi vào cạm bẫy của TƯ bản và đánh mất khả năng tự chủ, độc lập trong suy nghĩ, hành động. Chế độ dân chủ suy thoái như chúng ta thấy xảy ra tại Mỹ.
Khuynh hướng chống lại E S G cho là tư bản “phát xít” vì chọn con đường để các công ty, kỹ nghệ, thương mại (kinh tế) phải theo ý của khách hàng, người tiêu thụ đòi hỏi (nếu không sẽ tẩy chay) với nhu cầu về môi sinh, xã hội (kỳ thị, phá thai, môi sinh, khí hậu…) chứ không phải chạy theo ý kiến của cổ phần viên hay ban giám đốc điều hành (board of directors).
Trước đây, phe tư bản thường rêu rao “tư bản cho quần chúng” khi mọi người có thể tham gia mua cổ phần chứng khoán của các công ty, như vậy người dân cũng đã làm chủ một phần của công ty qua sự đầu tư chứng khoán. Nhưng sau một thời gian với sự phát triển của mạng điện tử (Internet) người dân mới thấy rằng không phải vậy vì giới tài phiệt chỉ nói một nửa sự thật. Người dân có thể mua cổ phần. Nhưng không phải ai cũng thành công, làm giàu mà trái lại còn tán gia, bại sản vì mua bán chứng khoán. Lý do là không phải ai cũng có kiến thức, khả năng, điều kiện để theo dõi sự biến chuyển phức tạp của thị trường 24/7 trên toàn thế giới. Chỉ cần chậm vài giây, vài phút là giá cả thay đổi và bạn mất hết. Đó là chưa nói đến giới nhà giàu có quyền lực, tin tức kín (inside trading, connection…) cũng như mướn chuyên viên (expert) tạo điều kiện cho họ hành động nhanh hơn bạn (block trade, high speed service). Mặt khác nhà giàu có vốn nhiều hơn bạn, có nhiều thời giờ theo dõi tin tức… trong khi bạn không có điều kiện như vậy.
Khuynh Hướng Chính Trị Mới (P4)
Trần Công Lân
Tháng 7 năm 2022 (Việt lịch 4901)