Khuynh Hướng Chính Trị Mới (P4)

Môi sinh
Hiện nay, chúng ta thấy không khí, nước, đất bị ô nhiễm. Điều kiện canh tác, sản xuất thực phẩm của các nước nghèo càng khó khăn. Các nước tân tiến thay vì giúp cải thiện tình trạng đã bị các đại công ty cản trở vì quyền lợi (profit). Quyền lợi do cổ phần viên quyết định, bằng mọi cách phải có lời, cổ phần phải đi lên mỗi năm. Nếu không họ sẽ thay đổi lãnh đạo (CEO). Đó là dân chủ nhưng chỉ có lợi cho nhà giàu.
Khi chuyển sang E S G thì giới tiêu thụ sẽ đặt ưu tiên là môi sinh. Vì hủy hoại môi sinh thì giới tiêu thụ thiệt hại trước, công ty sẽ thiệt hại sau hay chuyển hướng thì người dân vẫn là vật tế thần. Khi có một số công ty theo khuynh hướng E S G thì các công ty tư bản sẽ thất thế (thí dụ: cung cấp điện với năng lực mặt trời, gió, biển… sẽ khiến các công ty dùng dầu, khí đốt, than bị thất sủng).
Môi sinh còn tùy theo điều kiện địa lý nhưng khí hậu thì không ai tránh được. Khí hậu thay đổi gây thiên tai và thiệt hại bất kể giàu nghèo, thành phố hay thôn quê nhưng sự đồng nhất giữa các quốc gia vẫn còn là trở ngại vì các nước giàu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về nhân lực, vật lực trong khi các nước nghèo chẳng có gì ngoài điều kiện khí hậu địa phương. Nhưng nếu không thực hiện thì nạn đói, di dân, bệnh dịch… cũng sẽ ảnh hưởng chung cho thế giới.
Giàu hay nghèo đều thở như nhau. Không khí ô nhiễm, lũ lụt hay hạn hán, bão, cháy rừng, động đất thì giàu hay nghèo đều chịu chung. Chỉ vì nghèo thì không lên tiếng mà giàu thì cứ chối quanh vì nếu chấp nhận thì chính họ phải gánh vác.
Khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt thì con người tìm cách thay thế (thí dụ: gỗ, giấy thay bằng nhựa). Nhưng có sinh thì có tử. Vậy khi phế thải thì phế phẩm đi về đâu? Rác là vấn nạn lớn nhất của nhân loại.
Cho dù cố gắng tái chế biến (recycle) nhưng kết quả không khả quan và chuyện thu dọn các bãi rác trên đất liền cũng như trên biển vẫn còn là trở ngại vì chưa thống nhất lối giải quyết.
Xã hội
Mỗi quốc gia có tình trạng xã hội khác nhau cộng thêm các yếu tố văn hóa, tôn giáo, giáo dục… khiến sự điều hành và giải quyết các biến cố xã hội cực kỳ khó khăn.
Tại Mỹ là nước dân chủ, tự do truyền thông nhưng khi con người lạm dụng tự do ngôn luận để nói láo thì rối loạn xảy ra.
Xã hội Mỹ là tạp chủng (melting pot). Nạn kỳ thị là tất yếu. Người di dân, tỵ nạn phải phấn đấu để vươn lên. Lớp người định cư tới trước lợi dụng sức lao động của lớp người đến sau. Các nông trại, dịch vụ thương mại nhỏ (small business) chiếm đa số trong kinh tế Mỹ đã dựa vào số nhân công đó để hoạt động, làm giàu.
Ở trên là các đại công ty qua trung gian các dịch vụ nhỏ. Nếu các đại công ty làm ăn tốt đẹp thì kinh tế phát triển. Nếu họ bê bối, gian lận sẽ đi đến phá sản, khủng hoảng kinh tế và nhà nước phải cứu chuộc (bail out) bằng tiền thuế của dân.
Chính trị Mỹ cho phép các công ty vận động Quốc Hội về luật pháp. Khi Quốc Hội làm luật có lợi cho nhà giàu thì nhà nghèo lãnh đủ. Khi giới nhà giàu tung tiền vào bầu cử thì giới trung lưu và nghèo càng tụt hậu. Chính sách kinh tế của Mỹ là tiêu tiền, khuyến khích tiêu xài để đồng tiền chạy càng nhanh thì càng tạo nhiều cơ hội làm giàu. Quảng cáo, giáo dục và quản trị nhân viên đã ép nhân viên, người lao động, giới tiêu thụ làm việc nhiều hơn, năng hơn và kiếm tiền ít hơn trong khi vật giá tăng theo mỗi năm. Thí dụ về cái bánh (pizza) càng lớn thì phần chia mỗi người càng lớn đã không đúng.
Cấp lãnh đạo càng vẽ kế hoạch lớn thì nhân viên càng làm cực nhọc hơn nếu không thì công việc sẽ xuất cảng sang nước ngoài với giá rẻ mạt. Kết quả là con người băng hoại; áp lực việc làm gây khủng hoảng gia đình, nghiện rượu, ma túy, tình dục…. Cuối cùng dẫn đến tự sát hay gia đình tan vỡ, vô gia cư, gây tội ác.
Dựa vào chính sách di dân, lớp lãnh đạo tin rằng mỗi đợt di dân sẽ phải bán sức lao động một thời gian (khoảng thời gian để hội nhập). Đó là cơ hội bóc lột của các tiểu thương, đại công ty. Khi lớp di dân vươn lên được thì sẽ có đợt di dân khác đến thay thế. Chu kỳ đó bị phá vỡ khi các lớp đi trước lâm vào khủng hoảng kinh tế, cũng như lớp người sống xa thành phố, ít việc làm và không theo kịp thời thế thay đổi quá nhanh. Họ bị sa thải và trở thành gánh nặng xã hội. Khi đó họ quay ra chống lớp di dân mới.
Giới nhà giàu luôn kêu gọi cơ hội và cho rằng tầng lớp lao động, di dân đã không cố gắng hết mức. Đó là sự vô nhân đạo của nước Mỹ. Không ai nói rằng mỗi người một khác. Không phải ai cũng có thể nắm lấy cơ hội, hay có đủ khả năng khi cơ hội tới. Họ (nhà giàu, lãnh đạo) lợi dụng khoa tâm lý học để che giấu ý định (kế hoạch) khai thác con người (di dân hay sinh trưởng tại Mỹ) qua giấc mơ Mỹ (American dream) mà giấu đi quan niệm về định mệnh của triết học.
Một lợi dụng khác là tôn giáo. Chúng ta rất ngưỡng mộ sự phân biệt giáo quyền và chính quyền, về tự do tôn giáo. Nhưng đó chỉ là khi thịnh vượng. Khi kinh tế suy sụp thì mặt thật mới hiện ra: kỳ thị, bè phái…. Nhà nước thường dùng khẩu hiệu “cùng tin nơi Thượng đế (in the God we trust) hay đoàn kết (united we stand) nhưng khi khó khăn thì gian lận xảy ra, nói láo, vu cáo, đe dọa, thiên kiến từ Tòa Bạch Ốc với Trump cho đến quốc hội và ngay cả tối cao pháp viện như chúng ta thấy 2022.
Vậy khi xã hội thay đổi (cho dù bất kỳ lý do nào) thì sự quản trị (chính trị hay kinh tế) cũng phải thay đổi để thích ứng. Đó không phải vì phe nhóm, quyền lợi, chính kiến mà vì thiên nhiên. Nếu phe chống E S G (quyền tự do) nhưng hãy trả lời “làm sao giải quyết môi sinh, khí hậu” chứ không phải chối bỏ kiểu giấu rác dưới tấm thảm. Mới tranh luận mà đã gian lận thì thực tế hành động sẽ ra sao?
Khi chiêu bài “làm giàu, thịnh vượng” không che giấu được mối nguy của thiên nhiên thì sự chống đối đầu tiên là “Tả khuynh, xã hội chủ nghĩa” và nay là “xảo ngôn của chủ nghĩa tư bản thức tỉnh”. Sự cách biệt quá giàu và quá nghèo đã đi đến “đứt dây” hàn gắn khi một số tư bản, nhà giàu đã nhận ra mối nguy “khi thiên nhiên đến ngã rẽ không cứu vãn” thì nhân loại sẽ bị diệt vong như các nền văn minh cổ xưa của Atlantic, Maya, Ai cập…. Thương gia rất nhạy cảm về thương trường không như chính trị gia thường đam mê quyền lực và ít nhận ra sự thay đổi.
Nhưng thay đổi như thế nào?
Từ sau thế chiến 1914 và 1940, nước Mỹ trở thành lãnh đạo thế giới. Chủ nghĩa thực dụng đã xoá sổ ngành triết học, chỉ giữ lại môn tâm lý học để dùng trong thương mại và chính trị. Khi đạo đức chỉ là chiêu bài của tôn giáo và nền giáo dục chỉ khuyến khích tuổi trẻ thực hiện giấc mơ “nổi tiếng, làm giàu” trong một xã hội hỗn loạn thì thành công là tất cả bất kể quá khứ, cá tính, đạo đức…. Khi chính trị, tôn giáo, kinh tế đều thối nát, tư bản đã mất các chiêu bài ưu việt để quyến rũ quần chúng. Khi con người mất gốc tinh thần thì cám dỗ vật chất sẽ vươn lên cực độ. Kết quả là cuối con đường phải thay đổi thì mất ý hướng thay đổi như thế nào.
Thế giới hiện nay là toàn cầu, toàn diện mà mỗi quốc gia, chuyên gia vẫn chỉ là nhìn từ một góc cạnh riêng biệt. Khi gom lại Liên Hiệp Quốc, hội nghị Davos, E S G thì ai sẽ nghe ai?
Công thức “con người- xã hội- thiên nhiên” tạo thành vòng tròn có tác dụng hai chiều. Con người có thể là đạo đức, giáo dục…. Xã hội có thể là chính trị, kinh tế, tổ chức, công ty…. Và thiên nhiên vẫn là thiên nhiên nuôi dưỡng loài người từ thượng cổ. Văn minh khoa học không thể làm ra 2 trái đất. Thiên tài hay thượng đế cũng vậy. Chính trị hay kinh tế đều không thể tránh 3 yếu tố này.
Nhu cầu tồn tại trước sự thay đổi của môi sinh, khí hậu đòi hỏi các giới lãnh đạo chính trị, kinh tế phải thay đổi, không từng mảnh (piece meal) mà là tổng thể, toàn diện. Tiếc thay họ quen lý luận một chiều (quảng cáo, vận động, tranh cử, chính sách kinh tế) của tâm lý học mà bỏ quên triết học.
Triết học nào sẽ dẫn nhân loại qua cơn mê?
Trần Công Lân
Tháng 7 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s